Mang nước ngọt đến với người dân vùng khô hạn

Thứ Tư, 25/05/2016, 09:31
Được sự đồng ý của Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi theo chân các cán bộ, chiến sỹ là đoàn viên thanh niên chở nước ngọt đến cung cấp miễn phí cho bà con nhân dân vùng hạn thuộc hai xã Phước Dinh và Nhị Hà thuộc huyện Thuận Nam vào một ngày cuối tháng 4-2016. Dưới cái nắng như đổ lửa lúc 12 giờ trưa của vùng đất bán sa mạc đầy cát trắng, hàng chục đoàn viên thanh niên vẫn miệt mài hứng từng thùng nước đưa lên xe bồn để chở đến cung cấp cho bà con giải cơn khát.


1.Quần sắn ngang đầu gối, tay kéo vội vạt áo lính lau những dòng mồ hôi đang hối hả chảy dài trên khuôn mặt đã bị cái nắng, cái gió của vùng sa mạc hun cho sạm đen, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quý - Phó trưởng Phòng PX 16 - Bí thư đoàn thanh niên Công an tỉnh Ninh Thuận kéo tôi đến khu vực hồ chứa, giới thiệu về chương trình vận chuyển nước ngọt cho bà con vùng hạn.

 Nhìn những đôi chân trần đạp lên mặt cát nóng rẫy mà cứ như không hề hấn gì, tôi ngạc nhiên hỏi sao không mang giày, dép cho đỡ nóng thì được anh Quý trả lời bằng chất giọng chắc nịch: "Lúc mới đầu anh em có mang giày, dép, nhưng chỉ được mấy hôm ngâm nước là bung hết anh ạ. Để kịp thời chở nước đến cho bà con, các đoàn viên thanh niên hè nhau cởi bỏ giày dép, đi chân đất cho tiện.

Khi mới đạp cát nóng bằng chân không, nhiều anh em bị sưng tấy, phồng rộp chỉ sau một ngày làm việc, nhưng lâu dần cái nóng của cát cũng làm cho những đôi chân ấy trở nên cứng cáp hơn, da dầy hơn và có thể làm liên tục nhiều ngày mà không hề hấn gì… Đến nay thì gai cây xương rồng cũng phải chào thua nhường chỗ cho những bàn chân người dũng cảm…".

Thanh niên Công an tỉnh Ninh Thuận đang bơm nước cho người dân.

Nói về quy trình chở nước đến với người dân trong vùng khô hạn, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Trước đây khi thời tiết khí hậu còn ổn định theo mùa thì hàng năm tỉnh Ninh Thuận thường bị thiếu nước ngọt sinh hoạt trong thời gian vài tháng cuối mùa mưa nhưng vẫn có thể khắc phục tạm thời được, do hệ thống hồ chứa ở đầu nguồn được đầu tư đúng mức.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình nắng hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã tác động gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân trong tỉnh.

Trước tình hình khó khăn, thiếu thốn về nước sinh hoạt, từ đầu tháng 4-2016, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch cung cấp nước sạch cho 3.980 hộ dân với 16.066 nhân khẩu, năm trường tiểu học và hai trường trung học cơ sở ở các xã Phước Dinh và Nhị Hà, huyện Thuận Nam và giao cho Đoàn thanh niên đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở đến từng thôn xóm, cung cấp cho tất cả các hộ dân trong hai xã Nhị Hà và Phước Dinh thuộc huyện Thuận Nam. Do Công an tỉnh mới trang bị được hai chiếc xe bồn bằng inox nên phải tính toán sao cho thật hợp lý để bà con có đủ nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt.

Mỗi tuần cứ vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu thì chở nước đến xã Nhị Hà, còn thứ ba, thứ năm, thứ bảy thì chở đến xã Phước Dinh. Nước cung cấp cho bà con được lấy từ nguồn do nhà máy nước cung cấp, sau khi xả vào hồ chứa sẽ được các đoàn viên thanh niên múc đổ vào bồn rồi chở đi. Mỗi ngày từ 7 giờ sáng cho đến 9-10 giờ đêm bắt buộc phải đảm bảo chở được bốn chuyến xe, mỗi chuyến 3 khối nước thì mới đủ nước phân phối và mỗi tuần hai lần làm vệ sinh bể chứa cũng như bồn chuyên chở để đảm bảo an toàn về vệ sinh, tránh các loại dịch bệnh. 

2.  Đang dở câu chuyện thì một đoàn viên chạy đến thông báo bồn nước đã được múc đầy. Gác lại câu chuyện, tôi leo lên xe cùng các đoàn viên thanh niên đến với điểm cấp phát nước tại xã Nhị Hà. Tiết trời những ngày giữa mùa khô ở vùng bán sa mạc vào lúc 14 giờ cứ đỏng đảnh, lúc thì gió lớn cuộn những tràng cát táp thẳng vào mặt (vì tất cả đều phải ngồi trên thùng xe bồn) khiến cho tôi và các đoàn viên thanh niên cứ tối tăm mặt mũi, lúc khác gió lại ngừng làm cho nhiệt độ vốn đã cao (37-38 độ) càng trở nên oi nồng giống như đang đi trên dãy Trường Sơn trong mùa gió Lào.

Người dân phấn khởi gánh nước về nhà.

Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng khi xe chở nước vừa đến đầu làng đã thấy hàng trăm con người từ ông già, bà lão cho đến trung niên, thanh niên và cả các em nhỏ chắc chừng đang độ học lớp 2 hoặc 3 gì đó, người lớn thì cầm vài ba chiếc xô nhựa loại 30 lít, người già, trẻ em thì ôm can nhựa loại 20 lít đứng xếp hàng ngay ngắn, mắt ngước về hướng xe đang chạy tới với niềm khao khát hiện rõ trên từng gương mặt.

Thấy một người phụ nữ mang bầu, lưng địu đứa con nhỏ, hai tay xách hai chiếc xô nhựa lặc lè lết từng bước sau khi nhận được phần nước, tôi tiến lại gần đề nghị được xách giúp nhưng dường như chị này không hiểu tôi nói gì. Nhìn tôi cứ khua chân múa tay để ra dấu, một đoàn viên thanh niên chạy lại ghé vào tai tôi bảo người này không rành tiếng Kinh, chỉ biết tiếng dân tộc rồi anh xung phong làm phiên dịch cho hai người.

Thông qua người thanh niên này, tôi biết được chị tên là Cha Ma Lé Thị Sinh, một phụ nữ người dân tộc Raglai. Tuy mới 24 tuổi nhưng chị này đã phải trải qua hai lần "đắm đò", lần lấy chồng gần nhất cách đây hơn 2 năm, nhưng khi chị đang mang thai đứa thứ 2 thì anh chồng qua đời để lại cho chị phải gánh trách nhiệm nuôi nấng 1 đứa con nhỏ và một cái bụng bầu sắp đến ngày sinh nở.

Tuy cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng chị Sinh vẫn hồn nhiên tươi cười, chị bảo: "Nhà nghèo lắm, không có ai làm được tiền, cũng may mỗi tháng Công an tỉnh mang cho 2 mẹ con 15 cân gạo trắng, một cân muối và một chai nước mắm nên cũng đủ ăn. Lúc trước nguồn nước ở đây đủ cho cả xã uống quanh năm. Mấy mùa rẫy gần đây, chắc ông trời giận nên cứ nắng mãi mà không chịu mưa làm cho lúa, ngô chết sạch, đến cây cỏ cũng không sống nổi nên con trâu cùng mấy con dê trong nhà cũng chết đói từ mấy tháng trước rồi. Giờ không biết làm gì, chỉ chờ Công an cho gạo nấu cơm ăn, cho nước uống thôi…".

16 giờ, khi bồn nước đã cạn nhưng vẫn còn hàng trăm bà con cầm can không đứng chờ đến lượt. Không thể để cho bà con thiếu nước, một đoàn viên thanh niên chạy đến đám đông nói gì đó rồi quay sang hối chúng tôi lên xe trở về khu vực bể chứa, lấy thêm nước để kịp chở đến phục vụ bà con trong đêm. Khi những chiếc can nhựa, chiếc xô cuối cùng của bà con được đong đầy nước ngọt thì đồng hồ cũng chỉ 21 giờ. Mặc dù mệt nhoài sau gần một ngày làm việc liên tục, nhưng nhìn những đoàn viên thanh niên ai nấy đều rạng ngời. Họ vui vì đã góp được chút công sức giúp đỡ cho bà con vùng hạn và họ hẹn nhau (trong đó có cả tôi) đúng 6 giờ sáng hôm sau lại có mặt để tiếp tục cuộc hành trình.

Mọi người dân đều được nhận nước sạch miễn phí.

Để đề phòng những việc đột xuất xảy ra, tôi đến điểm hẹn vào lúc 5 giờ 45 sáng. Mặc dù đã đến sớm hơn dự kiến 15 phút nhưng đã thấy chiếc xe bồn được múc đầy nước và gần chục đoàn viên thanh niên đã sẵn sàng xuất phát. Theo chỉ dẫn của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quý, hôm nay là thứ 3 nên xe sẽ chở nước đến xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam cách đơn vị gần 40km.

Tại điểm cấp nước này, đoàn của chúng tôi cũng nhận được sự chào đón thắm thiết tương tự như hôm trước. Có chăng chỉ là sự hối hả của những người dân bởi khu vực này hầu hết là những người Kinh sinh sống, ruộng rẫy của họ đã bị hạn hán đốt cháy trơ trụi. Vì họ không nhận được trợ cấp hàng tháng như đồng bào dân tộc Raglai nên phải tranh thủ lấy đủ nước sinh hoạt để còn dành thời gian đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền lo cho gia đình.

Phấn khởi trước việc đã lấy đầy được 2 xô nước, ông Trần Văn Lực, một người dân trong xã cho biết: Mùa mưa năm 2015 ở vùng này đến rất muộn, mãi đến cuối tháng 9 mới có mấy hạt mưa đầu mùa. Mưa được mấy cây thì tắt luôn cho đến bây giờ khiến cho cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Thiếu nước thì không thể cấy lúa, trồng khoai, trồng đậu được. Mỗi hộ gia đình cũng cố gắng chăn nuôi thêm vài con dê, cừu để phòng khi đói kém mang bán mua gạo song cũng bị đe dọa nghiêm trọng vì cỏ cây thiếu nước đã chết trắng đồng từ lâu.

Đang trong lúc cơ hàn thì được Công an tỉnh đến tặng một tháng gạo ăn và cung cấp nước ngọt nên bà con đã có thể cầm cự vượt qua được trận đại hạn này… "Phải nói thật là nếu không có các anh Công an chắc bà con phải bán xới đi nơi khác làm ăn quá… Tấm chân tình này bà con chúng tôi sẽ ghi tạc suốt đời… Cảm ơn các anh… Cảm ơn những gì mà lực lượng Công an đã làm cho dân…", ông Lực chia sẻ.

Nguyễn Cương
.
.
.