Malaysia: Việc đang chờ người

Thứ Ba, 20/09/2005, 07:30

Với 100.000 lao động đang làm việc tại Malaysia, Việt Nam hiện là 1 trong 3 nước có nhiều lao động nhất đang làm việc tại thị trường này. Sau những biến động về kinh tế, Malaysia đã trở lại ổn định và đang có nhu cầu lớn về lao động. Vì vậy thị trường này vẫn là nơi giải quyết việc làm, giúp người nghèo có cơ hội xóa đói, giảm nghèo với thu nhập trung bình khoảng 3 - 5 triệu đồng

Sang Malaysia lương gấp 10 lần ở nhà... đi làm cửu vạn!

Đó là lời tâm sự chân thành của Bí thư Đảng ủy xã Gia Lộc (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) Triệu Văn Choóc khi nghe tôi hỏi hiệu quả xóa đói giảm nghèo từ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Là xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, Gia Lộc có 4.000 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề nông. Cả chục năm nay, thanh niên trong xã thường đi làm cửu vạn vác hàng thuê trên biên giới hoặc đi vác gỗ lậu, công việc nguy hiểm, dễ dính vào tệ nạn xã hội mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Vì vậy khi tỉnh, huyện có chủ trương giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bằng XKLĐ, Gia Lộc là xã hưởng ứng nhiệt tình nhất. Năm ngoái, cán bộ của Trung tâm XKLĐ thuộc Công ty Du lịch - Dịch vụ Dầu khí Việt Nam về tư vấn XKLĐ ở 7 xã núi đá trong đó có Gia Lộc. Lúc đầu mọi người chưa tin vì sợ sang được vài tháng lại phải về vì không có việc. Thuyết phục mãi cuối cùng mấy cán bộ xã “liều” cho con đi, tất cả 5 người đăng ký đi đầu tiên đều là con em cán bộ, hiện công việc rất tốt, thu nhập cũng khá.

Phó bí thư Vi Văn Nhận thì hồ hởi khoe với chúng tôi về cô con gái Vi Thị Chí đang làm việc ở nhà máy dệt PEN: “Nó kể làm mỗi ngày 8 tiếng, lương một tháng được 4 triệu đồng chưa kể làm thêm, hồi trước đi làm ở Lạng Sơn mỗi tháng lương 300.000 đồng đã thấy tốt lắm rồi. Vừa rồi nó mới viết thư về bảo tôi cho nốt em nó là thằng Sảo đăng ký đi Malaysia, hóa ra ở bên ấy công việc tốt chứ không như ở nhà đồn”.

Chị Vi Thị Chăng, cán bộ phụ nữ xã cũng có hai con đang làm việc ở Malaysia. Chị Chăng khoe: “Hai đứa đã 3 lần gửi tiền về được tổng cộng 53 triệu đồng”. Với bà con dân tộc, không có cách tuyên truyền nào hiệu quả hơn thực tế mắt thấy tai nghe. Trưởng phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Chi Lăng Hoàng Triều Dương cho biết 8 tháng đầu năm nay, tỉnh Lạng Sơn có gần 400 lao động đi XKLĐ thì hơn 200 người của huyện Chi Lăng, trong đó Công ty Du lịch - Dịch vụ Dầu khí Việt Nam đưa tới 105 người. Từ hiệu quả này, huyện đã chọn XKLĐ là một trong những hướng chính giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho người đi XKLĐ, chính quyền địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và doanh nghiệp tuyển dụng lao động để người lao động được vay vốn ngân hàng.

Nhớ hôm đến gia đình ông Nông Văn Ty ở xã Phú Lạc (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), chúng tôi rất bất ngờ khi nghe ông già 50 tuổi người dân tộc Nùng nói ông vừa đi... “chát” về. Tưởng đùa hóa ra thật, bởi 2 tháng nay tuần nào ông cũng một lần ra quán Internet ở thị trấn huyện để “chát” với thằng con trai út là Nông Văn Kha đang làm công nhân nhà máy cơ khí ở Malaysia. Ông bảo: "Gọi điện thì đắt quá, đi “chát" vừa rẻ vừa tiện, cha con vừa nói chuyện vừa nhìn thấy mặt nhau”. Tháng 5 vừa rồi, Kha cùng bạn là Nguyễn Văn Thịnh sang Malaysia làm việc trong nhà máy dệt. Bây giờ lương được hơn 4 triệu đồng/ tháng mà lại nhàn hơn đi làm chè và cái quan trọng hơn là tránh xa được đám bạn nghiện ngập ở nhà. Vì vậy mà ở xã hiện đang có nhiều người muốn cho con em đi XKLĐ.

Việc đang chờ người

Sau cơn khủng hoảng, nền kinh tế Malaysia đang tiếp tục ổn định và phát triển. Nhu cầu về lao động nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ vẫn rất lớn. Đặc biệt sau khi Malaysia thực hiện chính sách ân xá cho phép lao động nước ngoài bất hợp pháp về nước mà không bị xử phạt trong thời gian từ 29/10/2004 tới 28/2/2005 và thông báo áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với lao động nước ngoài bất hợp pháp cố tình ở lại Malaysia, đã có hơn 380.000 lao động nước ngoài bất hợp pháp (chủ yếu là người Indonesia) về nước, gây ra sự thiếu hụt lao động trầm trọng. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Malaysia đã đưa ra một số chính sách cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi đối với việc tiếp nhận lao động từ nước ngoài đến làm việc. 

Với khoảng 100.000 lao động đang làm việc trong các nhà máy, công xưởng, Việt Nam là 1 trong 3 nước có nhiều lao động nhất làm việc tại Malaysia (Indonesia có tới 1,1 triệu lao động; Nepal có 159.000 lao động), với chi  phí thấp đây vẫn là thị trường phù hợp nhất với đối tượng đi XKLĐ để xóa đói, giảm nghèo. 8 tháng đầu năm 2005, cả nước đã đưa được 43.741 người đi XKLĐ, trong đó có hơn 12.000 người đi Malaysia. Sau những biến cố đối với lao động trong lĩnh vực xây dựng vào năm 2004, hiện công việc của lao động Việt Nam tại Malaysia khá ổn định với mức lương khoảng 800 - 1.200 RM/ tháng (1RM= 4.000đ). Đặc biệt tại một số nhà máy trả lương theo mức khoán hoặc đơn giá sản phẩm (may mặc, điện tử) với lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm có thể đạt 1.600 RM/ tháng.

Theo nhận định của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, cơ hội đến Malaysia làm việc của lao động Việt Nam còn rất lớn bởi nhu cầu lao động Việt Nam của thị trường này những tháng cuối năm sẽ cần khoảng 2.300 - 2.500 người/ tháng, nhất là lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực may mặc, điện tử và chế biến thủy sản. Được đánh giá khá cao so với các lao động nước ngoài khác trong khu vực nhờ chịu khó và tiếp thu công việc nhanh, vì vậy chủ sử dụng lao động vẫn muốn nhận lao động Việt Nam vào làm việc. Không những thế, năm nay cũng là năm bắt đầu kết thúc 3 năm hợp đồng đối với số lao động Việt Nam sang từ năm 2002, nhiều nhà máy đã quen sử dụng lao động ta nên muốn tiếp tục được nhận lao động Việt Nam để thay thế số hết hạn hợp đồng về nước.

Nhưng cái khó mà hiện nay tất cả các doanh nghiệp gặp khi tuyển lao động đi Malaysia là ngoài việc tuyên truyền để người lao động hiểu đúng về thị trường Malaysia thì nhiều lao động muốn đi nhưng... không có tiền. Mỗi doanh nghiệp đang tự tìm cách riêng để giải bài toán “đầu tiên” của lao động nghèo. Theo ông Ngô Văn Thu, Giám đốc Trung tâm XKLĐ - Công ty Du lịch - Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, thị trường Malaysia đang rất ổn định với đơn hàng lớn, hiện đối tác và công ty đang đề nghị mỗi năm cung ứng cho họ tới 2.500 lao động, vì vậy công ty sẵn sàng đầu tư cho người lao động mà không ngại rủi ro. Hiện công ty đang có gần 3.000 lao động làm việc trong các nhà máy dệt, may, sản xuất nhựa, đồ nội thất tại Malaysia với mức lương 800RM - 1.200RM/ tháng. Vì vậy với những lao động khó khăn về tài chính, công ty sẽ cho vay. Người lao động sẽ được công ty ứng trước toàn bộ chi phí và sẽ trừ dần từ lương trong quá trình người lao động làm việc tại Malaysia. Đã có vài chục lao động nghèo được công ty cho vay theo cách này và đây cũng là hướng mới của doanh nghiệp dành cho đối tượng nghèo.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, lao động Việt Nam vẫn còn những điểm yếu, đó là ngoại ngữ hạn chế (vì vậy từ tháng 11/2005 trở đi, trước khi sang Malaysia làm việc, người lao động phải tham gia học ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Malaysia) và thi lấy chứng chỉ theo giáo trình và chứng chỉ do phía Malaysia cung cấp); tính kỷ luật lao động của một số người có lúc chưa cao. Đây chính là nguyên nhân hiện nay khiến chủ sử dụng lao động có tâm lý ngại nhận nam lao động Việt Nam.

Từ thực tế đó, Hiệp hội XKLĐ cảnh báo các doanh nghiệp khi khai thác hợp đồng cần thẩm định kỹ để lấy được những hợp đồng có điều kiện tốt về việc làm và thu nhập cho người lao động. Mặt khác cũng cần thông báo cụ thể cho người lao động biết công việc họ phải làm, điều kiện ăn, ở; trong ba tháng đầu thử việc chủ sử dụng thường không bố trí thời gian làm thêm cho người lao động; hoặc trong thời điểm không có việc làm thêm do trùng ngày nghỉ, lễ, tết của người Malaysia và người Hoa, bởi nếu không được hướng dẫn kỹ thì đây có thể sẽ là nguyên nhân xảy ra phản ứng tiêu cực từ phía người lao động. Đặc biệt cũng cần hướng dẫn kỹ người lao động về thái độ ứng xử với chủ sử dụng, người quản lý nhà máy và người lao động khác cùng làm

Nguyễn Thiêm
.
.
.