Mái ấm của 200 đứa trẻ bất hạnh

Thứ Hai, 08/11/2010, 13:27
Gần 200 đứa trẻ bị bỏ rơi với sự chăm sóc tận tình của 20 sư cô trong chùa, là những người mẹ hiền cho những đứa trẻ thiếu tình cảm. Chùa Đức Sơn đã che chở, nuôi nấng cho nhiều thế hệ những đứa trẻ đến và đi, một mái nhà đầy ắp niềm vui và tình thương.

Nơi những đứa trẻ nương thân          

Ngôi chùa được xây dựng từ những năm 1964, đến nay đã được 48 năm, thì đã hơn 20 năm qua là nơi nương tựa cho những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ bị bỏ rơi, hay những đứa trẻ thiếu tình thương… Gần 200 đứa trẻ từ sơ sinh đến đại học, thì mỗi đứa có một hoàn cảnh và mỗi đứa có một kiểu xuất hiện ở chùa khác nhau. Đứa thì nhặt được trước cổng chùa do những người mẹ sinh ra không thể nuôi các em được, đứa thì nhận về từ bệnh viện, đứa do cha mẹ bị bệnh, hay bị tai nạn không thể chăm sóc được đều được đón nhận vào chùa…

Tất cả đều là nhờ sự nỗ lực hết mình của các sư cô ở chùa, như những người mẹ hiền, chăm sóc từng giấc ngủ, từng miếng ăn, từng lời răn dạy… của những người mẹ chưa một lần sinh con. Nhưng đối với các mẹ - sư cô thì tất cả các em đều như là con ruột của mình. Ngôi chùa dù không có sư thầy, nhưng tất cả các hoạt động của chùa vẫn diễn ra rất bình thường, các em vẫn ngoan ngoãn dưới sự chỉ dạy và dẫn dắt của các sư cô. 

Dù các cháu bé ở độ tuổi mẫu giáo rất nghịch ngợm nhưng các sư cô vẫn luôn nở nụ cười thân thiện và ánh mắt trìu mến, cùng những lời răn dạy các em. Sư cô Liên An (năm nay 49 tuổi), nhưng vào chùa được 16 năm nay. Sư cô tâm sự: "Nhiều cháu tội nghiệp lắm, có cháu nhặt được từ thùng mỳ tôm người ta mang bỏ ở trước cổng chùa mà còn đỏ như hòn máu. Cháu thì mồ côi cả cha cả mẹ không nơi nương tựa. Tội nghiệp các cháu sinh ra mà không biết cha mẹ mình là ai…".

Những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm thay vì được mẹ của mình chăm sóc thì đó lại là bàn tay của các sư cô. Không bao giờ các sư cô được ngủ sớm, luôn là người ngủ muộn nhất trong ngôi chùa. Để có thể kéo lại chăn cho các con đỡ lạnh, thả mùng màn cho khỏi muỗi, hay quay đầu các con lại để không đạp lên nhau… sao cho các con có những giấc ngủ ngon nhất.

Sư cô Liên An đang đan len để làm mũ len cho các cháu ấm áp trong mùa đông.

Bộn bề những khó khăn

Chăm lo cho các cháu có giấc ngủ ngon, có bữa cơm ấm bụng, cho các cháu được đi học… đó là những công việc chính của các sư cô. Nhưng còn nhiều khó khăn bên trong mà không phải ai cũng hiểu được.

Sư cô Minh Đức - Trụ trì chùa cho tâm sự: "Mỗi tháng gần 2 tấn gạo để nấu đó là một khoản không phải nhỏ, tiền sinh hoạt, rồi học hành các cháu, các sư cô luôn phải lo nghĩ để chi cho hợp lý. Cũng may chùa được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân nên các cháu mới đủ ăn và sinh hoạt".

Dù ở chùa, nhưng các em vẫn được ăn nghỉ như chế độ người bình thường, không bắt các em phải tu, ăn chay mà vẫn cho các em ăn đồ mặn để các em đủ chất phát triển thể lực. Được biết, hiện nay chùa đã mở thêm một quán cơm chay Tịnh Tâm để phục vụ cho những người ăn chay, nhằm mục đích tạo thêm công việc cho các em lớn thời gian nghỉ học làm và tạo một nguồn kinh phí để chùa hoạt động.

Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, các em đều được thầy ở phân đường Nghĩa Dũng về dạy võ cho các em nâng cao sức khỏe, giáo dục ý thức cho các cháu. Ngoài ra, còn có các lớp học đàn, học múa, ngoại ngữ, tin học để dạy các em sớm nắm bắt hòa nhập xã hội.

Trụ trì Minh Đức chia sẻ: "Dù có sao đi nữa thì chùa vẫn không để các cháu thất học, không để các cháu phải đói. Nhiệm vụ các cháu bây giờ là đi học, ngay cả công việc bổ củi các sư cũng không cho các em làm vì sợ gây tai nạn đến sức khỏe các em. Nên chùa đã phải thuê người bổ củi. Ngoài học hành ra, các cháu lớn sẽ chăm lo chỉ dạy các em nhỏ để đỡ phần nào cho các sư cô. Nhìn các cháu chăm sóc nhau như anh em là các sư cô bụng vui và phấn khỏi biết chừng nào…".

Toàn chùa đã có 70 học sinh được học và rời chùa có công ăn việc làm, 4 em đang theo học đại học, 23 em học trung cấp và học nghề. Các em ở trong chùa đến khi ra trường có việc làm thỉnh thoảng quay lại chùa để thăm các sư cô và giúp đỡ phần nào cho các sư cô chăm lo cho đàn em nhỏ đang trú dưới mái chùa.

Dưới tán cây bồ đề, nơi cửa Phật thì các sư cô vẫn ngày ngày không chỉ quét lá mà còn đảm nhận trách nhiệm như những người mẹ hiền. Tấm lòng nhân hậu thương trẻ bơ vơ đã vượt lên trên tất cả những khó khăn thường nhật để làm tròn trách nhiệm của người mẹ.

Ngô Toàn
.
.
.