Mạch ngầm thân thương nơi Hoàng Sa

Thứ Tư, 02/11/2016, 10:33
Trung tuần tháng 6-2014, khi Trung Quốc có hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Biên tập Báo CAND, tôi đã có mặt tại khu vực biển Hoàng Sa.

Khác với chuyến công tác tại Trường Sa vào năm 2012, lần này, ra với Hoàng Sa – nơi biển “động” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi vinh dự được sát cánh cùng các anh - lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Hôm tôi lên tàu KN22 của lực lượng Kiểm ngư để ra Hoàng Sa đúng vào thời điểm vùng áp thấp xuất hiện trên biển, con tàu KN22 như chiếc lá giữa biển trời mênh mông. Tàu chông chênh. Hết lắc bên phải, rồi giật bên trái. Đúng như lời anh Trần Văn Huy, Kiểm ngư viên trên tàu nói: “Tàu lắc ngang không sợ bằng tàu lắc dọc đâu!”. Hễ cơn sóng biển dâng lên, con tàu lắc lên rồi giật xuống, là y như rằng cánh phóng viên chúng tôi lại nằm rạp xuống sàn, ôm khư khư lấy cái thau, cái chậu.

Say sóng sợ lắm, thế nhưng do có động lực ở phía trước, những cơn say nhanh chóng tan đi khi chiếc loa trên tàu thông báo: “Tàu đã chuẩn bị tới vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam). Mọi người chú ý! Mọi người chú ý!”.

Không ai bảo ai, chúng tôi, người tay xách máy ảnh, người tay cầm máy quay, rồi quơ vội cuốn sổ, chiếc bút để ghi chép và nhanh chóng lao vội lên ca bin – vị trí có thể quan sát tốt nhất mọi di biến của các tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hung hãn sẵn sàng tấn công các tàu thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta.

Không khí trên ca bin tàu róng ran. Tiếng tuyên truyền viên Dương Thanh Tuấn phát qua loa phóng thanh sang sảng, đanh thép trong từng câu chữ: “Đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đó là sự thực được toàn thế giới công nhận. Mọi hành động của các bạn (Trung Quốc – PV) tại vùng biển này là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng…”.

Tác giả đại diện cho Đoàn Thanh niên Báo CAND tặng quà động viên tuổi trẻ tàu KN22 đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa (ảnh chụp tháng 6-2014).

Bất giác, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc của các thành viên đang có mặt trên con tàu KN22 ngày hôm đấy sục sôi hơn bao giờ hết. Mọi hành vi hung hãn, sẵn sàng đâm va, tấn công của các tàu, máy bay hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nhanh chóng được máy ảnh, máy quay của chúng tôi ghi lại.

15 ngày ở Hoàng Sa, là 15 ngày tôi được chứng kiến nghị lực phi thường, ý chí đấu tranh quật cường của các anh – những Kiểm ngư viên, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam trước hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo quê hương của các tàu, máy bay hộ tống giàn khoan của Trung Quốc. Có những lúc, nếu như không xử trí nhanh, chiếc tàu của chúng tôi rất có thể sẽ bị hư hỏng nặng, thậm chí còn bị chìm khi những con tàu hộ tống giàn khoan hung hãn lao thẳng vào giữa con tàu.

Không hề nhụt chí, những lúc như vậy, các anh – những Kiểm ngư viên trên con tàu KN22 lại thường tếu táo với nhau rằng: “Có mà hít khói nhé! Muốn đâm va sao được”. Cùng sinh hoạt và làm nhiệm vụ trên con tàu thân thương KN22, chúng tôi thấy ở các anh sự tâm huyết với công việc. Các anh dồn hết tâm vào nhiệm vụ.

15 ngày trên vùng biển Hoàng Sa, thu thập thông tin viết bài tuyên truyền trên Báo CAND và các chuyên đề, qua đó góp phần vào công cuộc đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu, máy bay hộ tống khỏi vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, tôi cảm nhận được mạch ngầm thân thương đang gắn kết giữa những người con của Tổ quốc.

Dẫu có gian khó, thậm chí là cả sự hy sinh, thế nhưng các anh – những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió của như toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn không chùn bước, một lòng hạ quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Trần Huy
.
.
.