Trung tá Hoàng Thị Thu Toàn, vợ liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà:

Lúc sóng gió có đồng đội để vượt lên

Thứ Năm, 28/07/2011, 14:15
"Thời gian anh ấy đi xa càng dài, mình càng phải mạnh mẽ hơn. Cũng không biết từ lúc nào mình không còn ốm vặt nữa bởi đâu còn anh làm chỗ dựa. May mà các đồng đội cùng Cục Cơ yếu, người thân, đã luôn ở bên giúp mình qua những hụt hẫng, trống trải, để nhận ra cần thay anh làm điểm tựa cho hai con còn thơ dại", Trung tá Hoàng Thị Thu Toàn, vợ của liệt sĩ Công an, Thiếu tá Nguyễn Sơn Hà, đã tâm sự khi chúng tôi gặp chị tại đơn vị Cục Cơ yếu, Bộ Công an.

Lâu lắm rồi chị mới dám nhắc lại chuyện cũ, nhắc lại những kỷ niệm về người chồng cùng ngành. Sau 8 năm mất chồng, lúc này chúng tôi đã bắt gặp niềm vui của chị khi chị nhắc đến thành tích học tập của hai đứa con, đặc biệt là con trai đầu, liên tục trong nhiều năm liền mang giải thưởng về cho Đội tuyển tin học của Bộ Công an.

Con phố Hoàng Hoa Thám là nơi chị Toàn và anh Hà đã cùng nhau lớn lên, rồi đến khi hết phổ thông, cơ duyên lại đẩy hai người gần nhau hơn khi họ cùng thi đậu vào Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Công an, nay là Đại học Hậu cần - Kỹ thuật.

Chị Toàn nhớ lại, nhà anh Hà và nhà chị chỉ cách nhau 50m, là hàng xóm, nên khi thấy hai đứa bằng tuổi, chơi và cùng nhau học tập, cả hai gia đình đều vun vén và ủng hộ. Tình yêu của họ có những bước khởi đầu suôn sẻ và ngay đến khi ra trường, hai người lại cùng về công tác tại Cục Cơ yếu, Bộ Công an.

Bắt đầu những năm tháng sống cuộc sống gia đình, rồi cậu con trai đầu lòng chào đời, bé Nguyễn Hà Dương, là lúc hai vợ chồng phải tính toán để có thể xoay xở với đồng lương eo hẹp. Anh Hà ngoài giờ làm việc, còn bươn bả đi làm thêm bên ngoài để lo cho vợ con.

Vợ chồng chị Toàn, anh Hà và hai con trai.

Nhớ lại hình ảnh anh suốt ngày tất bật, chị Toàn lại rơm rớm nước mắt. Khi có anh bên cạnh, chị là người phụ nữ với đúng nghĩa, sau giờ làm, chỉ biết chăm lo cho con cái, nhà cửa, bếp núc gọn gàng.

Ngoài ra mọi việc đều anh Hà lo toan hết. Thuận vợ, thuận chồng "tát biển Đông cũng cạn", khi bé Dương được hơn 2 tuổi, anh chị lại cùng nhau học Đại học Bách khoa, khoa Công nghệ tin học. Với vốn kiến thức tin học vững chắc, theo nhu cầu thực tế của nhiều học sinh, sinh viên, và công chức văn phòng, anh Hà lại mở một lớp dạy tin học ngay tại nhà.

Cũng chính tại đây, đã khơi nguồn cho tình yêu và niềm đam mê tin học của cậu bé Dương. Mới 5 tuổi, học lớp 1, Dương là thí sinh nhỏ tuổi nhất của Đội tuyển tin học Bộ Công an tham gia Giải Tin học trẻ không chuyên Hà Nội, mang về cho Đoàn Bộ Công an giải nhì. Năm 2000, Dương là đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Những khó khăn của cuộc sống gia đình cũng dần qua đi, năm 1997, anh chị lại chào đón thành viên thứ hai, lại là một bé trai. Anh chị đặt tên con là Nguyễn Hà Minh. Có hai cậu con trai, anh Hà càng phải quan tâm, để mắt tới ba mẹ con hơn.

Vì chị Toàn ở nhà thường hay ốm, sức khỏe không tốt, lại hay làm hết việc nhà, nên anh Hà thường nhắc hai con trai giúp mẹ. Khi còn làm việc ở Cục Cơ yếu, tuần nào anh Hà cũng có 3 buổi trực đêm, mỗi lần đi trực, anh đều dặn hai cậu con trai ở nhà không được "bắt nạt" mẹ.

Anh cũng luôn dạy dỗ các con các kỹ năng để làm người đàn ông trong gia đình như dạy các con sửa xe, sửa điện, nước… Chính tầm ảnh hưởng của người cha ngay từ lúc nhỏ đã khiến hai cậu con trai của chị Toàn và anh Hà đều rất ngoan và biết chia sẻ khó khăn với cha mẹ.

Năm 2003, anh Hà chuyển công tác về Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cuối năm 2004, trong một lần trên đường đi địa bàn, anh Hà nghe tiếng kêu cướp thất thanh, với bản lĩnh của một người lính, anh lập tức phóng xe đuổi theo tên cướp đến đoạn Nhà máy phân lân Văn Điển, giữa lúc lao xe chặn tên cướp, anh đã bị ngã chấn thương sọ não và ra đi sau hai ngày đau đớn tại bệnh viện.

Tin sét đánh đến với chị Toàn lúc 4h chiều, khi cách đó chưa lâu, anh còn gọi điện hẹn chị 15h30 cùng ngày đi lấy chứng minh nhân dân làm mới cho bố mẹ. Chị hớt hải chạy vào viện nhưng vẫn cứ nghĩ anh chỉ bị thương nhẹ thôi. Nào ngờ… Cảm giác hụt hẫng, trống vắng trong người phụ nữ vốn mềm yếu đã khiến chị như ngã quỵ.

Hàng đêm đối diện với tiếng khóc thắc thỏm đòi ba của cậu con trai bé, lúc đó mới 6 tuổi, như thêm vết dao cứa vào tận tim gan. Suốt nhiều tháng sau ngày anh mất, ngày nào anh chị em, và các đồng đội của anh chị tại Cục Cơ yếu cũng luôn có mặt tại nhà, quan tâm, tạo mọi điều kiện cho chị tĩnh tâm vượt qua nỗi đau, tĩnh tâm để lấy lại thăng bằng cho thằng bé quá nhạy cảm, đã gần như rơi vào trạng thái trầm cảm sau cú sốc mất đi người cha.

Sau này, chị Toàn mới được nghe một đồng nghiệp kể lại, trong đám tang anh Hà, cậu con trai cả đã chạy vào phòng khóc như mưa, nhưng khi nghe cô dặn: "Giờ cháu phải thay ba làm chỗ dựa cho mẹ và em" thì cậu bé đã gạt nước mắt, không khóc nữa.

Những hành động của Dương sau ngày cha mất cũng già dặn, chín chắn hơn. Và cậu luôn bên cạnh mẹ, đồng hành cùng mẹ vượt khó khăn. Thiếu vắng cha, nhưng luôn cố gắng bù đắp và thường tâm sự với con "Con là người đàn ông của mẹ". Với niềm tin yêu của mẹ, Dương đã tự lập trình cho việc học của mình.

Tham dự nhiều cuộc thi về tin học trong thành phần đội tuyển của Bộ Công an, Dương đã mang về một giải nhì, hai giải nhất. Ngay cả khi là sinh viên Đại học Bách Khoa, Dương vẫn tham gia huấn luyện cho đội tuyển của Bộ Công an.

Nét mặt Trung tá Toàn hân hoan hẳn lên khi nhắc đến niềm tự hào của chị. Chị bảo, Dương đã từ bỏ nhiều cơ hội đi du học để ở nhà cùng mẹ, đợi đến khi em Minh vào đại học, hiện tại cậu bé nhạy cảm ngày nào Nguyễn Hà Minh đang học lớp 9 tại Trường THCS Chu Văn An.

Thượng tá Dương Lê Loan, Trưởng phòng  Cục Cơ yếu, nơi chị Toàn công tác, gắn bó từ nhiều năm nay cho biết, riêng phòng nghiệp vụ anh đang trực tiếp phụ trách có tới 5 cán bộ, chiến sĩ là thân nhân gia đình liệt sĩ. Đối với chị Toàn, đơn vị đã dành quan tâm đặc biệt để chị vượt lên hoàn cảnh, vững vàng nuôi con học giỏi.

Dù chỉ có một mình, nhưng với tư chất của một học sinh giỏi Toán, kinh nghiệm về ngành cơ yếu, chị Toàn là chủ nhiệm 3 đề tài khoa học phục vụ công tác cơ yếu. Những người lính cơ yếu dù ở hoàn cảnh nào thì họ vẫn vậy, lặng thầm hy sinh và lặng thầm cống hiến

Thu Uyên-Anh Hiếu
.
.
.