Lớp học “Niềm vui” của cô giáo giàu lòng nhân ái

Thứ Hai, 12/12/2016, 09:39
Hưởng ứng chương trình sách hóa nông thôn do kĩ sư Lê Minh Tuấn quê ở Quảng Trị làm nhóm trưởng, cô giáo Linh kết hợp với những người chung nỗi lòng khơi lại văn hóa đọc trong thế hệ trẻ ở những vùng sâu, vùng xa...

Tôi đến thăm lớp học “Niềm vui” của cô giáo Lê Nam Linh, giáo viên Trường Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà, Quảng Trị. 

Bao giờ cũng vậy, cô Linh rất khiêm tốn mỗi khi nói về mình: “Để mở được lớp học “Niềm vui”, dạy học miễn phí cho các em học sinh yêu thích môn văn nhưng ít có điều kiện tìm tòi, khám phá môn học này, tôi và các em đã được rất nhiều người giúp đỡ. Một mình tôi dù cố gắng mấy mà thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ của chồng, con; sự giúp sức của rất nhiều người tử tế, thì sẽ không bao giờ thành công được”…

Lớp học Niềm vui của cô giáo Linh giữa trung tâm TP Đông Hà. 

Hơn 7 năm qua, lớp học “Niềm vui” của cô Linh vẫn đầy ắp tình người ấm áp. Mỗi buổi chiều sau tầm tan trường, bác bảo vệ Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Đông Hà đều nở nụ cười đôn hậu, đón các em học sinh vào lớp học của cô giáo Linh. 

Lớp học ấy hội tụ rất nhiều thứ riêng đặc biệt. Từ cái tên “Niềm vui”, cho đến các em học trò đang học đầu cấp, cuối cấp, từ nhiều miền quê khác nhau tìm về đây để được tìm tòi, khám phá, bồi dưỡng thêm về kiến thức văn học mà không phải tốn một đồng tiền học phí nào. Giống cái cách người nông dân bổ những nhát cuốc khai hoang trên cánh đồng chưa hề có dấu ấn của cơ giới hóa.

Những hạt mầm từ đó bật lên xanh tươi và khỏe khoắn hơn. Tiết học của cô Linh cũng vậy, không ôm đồm nhiều kiến thức, trước một buổi học mới, cô bao giờ cũng dành thời gian ôn lại những kiến thức nền đã học, tiếp đó bắt đầu khơi gợi, hướng cho học sinh tập nắm bắt và thực hành một vấn đề mới, từ dễ đến khó…

Quê nhà ở tận xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, cách lớp học đến cả vài chục cây số nhưng em Lê Thị Phương vẫn luôn đều đặn đến lớp học “Niềm vui” trên chiếc xe đạp cọc cạch. Phương chia sẻ rằng, em đến lớp học của cô giáo Linh từ rất lâu, năm nay lên lớp 12, dù ở trường huyện khá xa nhưng em quyết tâm sắp xếp thời gian để đạp xe ra đây theo học. 

Ở lớp học này em thấy cách dạy học văn khá thích thú, không chỉ biết thêm được nhiều kiến thức mà quan trọng nhất là với sự hướng dẫn của cô Linh, em biết được cách thức, phương pháp để nắm bắt, triển khai một bài văn như thế nào để vừa súc tích, vừa đúng và đủ, tránh được những đoạn viết lan man, lạc đề…

Hai năm trở lại đây, hưởng ứng chương trình sách hóa nông thôn do kĩ sư Lê Minh Tuấn quê ở Quảng Trị làm nhóm trưởng, cô Linh kết hợp với những người chung nỗi lòng khơi lại văn hóa đọc trong thế hệ trẻ nhằm giúp các em học sinh ở những vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về sách có được nguồn sách quý để đọc. Rồi cô lập trang face book, kết nối với bạn bè, học trò cũ…; thông qua đó kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ.

Chia tay lớp học “Niềm vui”, tôi ngẫm ra rằng, không cần phải có những hô hào to tát, mà chỉ cần có những tấm lòng nhân ái, những con người lặng lẽ làm những công việc giúp ích cho đời như cô giáo Linh. Và, những đôi bàn tay đưa ra giúp sức cùng cô để nối dài hành trình học văn, để học làm người tử tế đã viết nên câu chuyện cổ tích về ân tình trong lòng phố chan chứa tình người này!

Phan Thanh Bình
.
.
.