Lòng dân Lũng Cò với Bác Hồ và kháng chiến

Thứ Bảy, 13/08/2011, 20:12
Trong trí nhớ của những người cao tuổi thôn Lũng Cò, xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang vẫn còn in đậm hình ảnh Bác Hồ, những ngày Bác về làm việc tại đây, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và hình ảnh các cán bộ Nha Công an Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Bà Ma Thị Nhậy và ông Ma Văn Khanh (nay đã hơn 80 tuổi) là cháu ruột cụ Ma Văn Hiên, tên thường gọi là cụ Chuột kể lại: Gia đình cụ Chuột nằm trên sườn đồi  nhìn xuống vạt đất bên dòng suối Lê thoáng mát và yên tĩnh đã dành ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái để Bác Hồ và phái đoàn Đồng Minh ở, làm việc. Trên nền ngôi nhà ấy hiện đã được dựng tấm bia đá ghi rõ: “Địa điểm ngôi nhà Bác Hồ ở trong dịp đón tiếp phái đoàn Đồng minh tháng 7 năm 1945”. Bà Nhậy nói: “Cụ Hồ ở nhà tôi có 10 ngày, nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in những việc Cụ làm mà tôi được biết. Là con cháu, chúng tôi chỉ được ở nhà dưới để nhà trên phục vụ phái đoàn và Cụ Hồ làm việc”.

Ông Khanh nhớ lại: “Tôi được phân công gác, nếu thấy người lạ thì báo cho cán bộ. Có buổi chiều tối, từ xa tôi thấy một cụ già mặc áo chàm, đội nón lá cọ men đường đi về phía nhà, tôi nói với mấy anh Việt Minh: “Có ông già Keo Đoóc (người Kinh chân đen) sắp tối rồi mà còn vào bản mua trâu”. Mấy anh vui cười nói: “Ông già Keo Đoóc là Cụ Hồ đi xem địa bàn đang về nhà mình đấy”, lúc bấy giờ tôi mới nhìn lại đúng là Cụ Hồ ở nhà mình thật”.

Ông Ma Văn Khanh và bà Ma Thị Nhậy.

Hằng ngày, Cụ Hồ miệt mài làm việc, lúc ngồi viết, lúc trải bản đồ ra thảo luận cùng một số người. Những buổi đêm khuya, Cụ Hồ ngồi bên sàn nói chuyện với cụ Hiên về công việc đời thường và công việc cách mạng. Một số bà con trong bản khi biết có cán bộ Việt Minh ở nhà cụ Chuột muốn lên thăm để biếu chút quà là trái cây, quả trứng phải báo cáo với ông Thược (chú ruột cụ Khanh), khi được Bác Hồ đồng ý tiếp thì dẫn lên. Mỗi lần như vậy, Bác Hồ vui cười nói chuyện, khuyên bà con chăm lo sản xuất và sẵn sàng ủng hộ Việt Minh, cách mạng đánh đuổi Nhật, Tây.

Những ngày sau đó, Cụ Hồ tạm biệt gia đình đi công tác.

Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, dân làng Lũng Cò lại đón cán bộ, chiến sĩ các cơ quan Trung ương và Quân đội lên lập chiến khu chống Pháp. Gia đình cụ Ma Văn Hiên lại được ông Lê Giản lúc đó là Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương chọn làm trụ sở khoảng 6 tháng năm 1947. Mối quan hệ cũ của cụ Hiên, bà Nhậy, ông Khanh với ông Lê Giản cùng với dân làng Lũng Cò đã giúp cán bộ Nha Công an Trung ương nhanh chóng xây dựng, củng cố lán trại đóng quân, luyện tập tham gia kháng chiến.

Câu chuyện về gia đình cụ Chuột được Bác Hồ chọn làm trụ sở làm việc với phái đoàn quân Đồng Minh tháng 7/1945, và trụ sở của Nha Công an Trung ương năm 1947, chúng tôi được nghe kể ngay trên chính mảnh đất có ngôi nhà xưa ở bản Lũng Cò. Chúng tôi còn được chứng kiến cuộc hội ngộ hơn nửa thế kỷ giữa ông Ma Văn Khanh cùng các cháu khi lên thăm ông bà Lê Giản vào tháng 8/2002 tại Hà Nội trong dịp lễ mừng thọ ông Lê Giản tuổi 90. Câu chuyện của vị lão thành cách mạng 90 tuổi với ông già người Tày 75 tuổi từ vùng sơn cước Tuyên Quang là những kỷ niệm đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà như mới diễn ra. Hình ảnh, lời nói, việc làm của Bác Hồ được các ông nhắc đến khá nhiều, cứ như Người đang trong bộ quần áo chàm, đội nón lá cọ, tay chống gậy, men theo dòng suối Lê dưới chân đồi Lũng Cò.

Vâng, có một Lũng Cò bên dòng suối Lê, một địa chỉ đỏ của thời tiền khởi nghĩa và những ngày đầu cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp; ở đó có những người dân, có những gia đình lặng lẽ vì nghĩa lớn với cách mạng. Nhưng lạ thay, hiện tấm bia bằng đá bê tông khắc dòng chữ “Địa điểm ngôi nhà Bác Hồ ở trong dịp đón tiếp phái đoàn Đồng Minh (tháng 7/1945), trước dựng ở vườn, đã bị nhà cửa cấy cối che khuất, chỉ những người thân với gia đình mới được ngắm nhìn.

Thiết nghĩ các cấp, các ngành có trách nhiệm ở TW và địa phương cần kịp thời bổ sung tôn tạo di tích lịch sử nơi Hồ Chủ tịch đã làm việc tháng 7/1945 và nơi giúp cơ quan Công an trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp ở bản Cò ngang tầm với các địa điểm trong quần thể di tích lịch sử Tân Trào, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.

Bà Nhậy và ông Khanh là người trực tiếp giúp công sức cho cách mạng những ngày đầu và trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược cũng không nhận được chế độ từ trước tới nay. Được biết, ngày 30/6/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 52/CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Nghị định này có hiệu lực từ 15/8/2011, ông Ma Văn Khanh, bà Ma Thị Nhậy là những người có công giúp đỡ cách mạng đã nhiều lần gửi đơn và cả các văn bản xác nhận của một số người (trong đó có ông Lê Giản) đến các cấp chính quyền và đơn vị chức năng nay cần được khẩn trương thực hiện vì tuổi hai ông bà đã quá cao.

Duy Tường
.
.
.