"Lõm giải phóng" đặc biệt giữa địa ngục trần gian Côn Đảo

Thứ Hai, 28/07/2014, 09:42
Từ tiểu đoàn Tâm lý chiến được kẻ thù dựng lên ngay trong khu vực trại giam khét tiếng của nhà tù Côn Đảo nhằm đối phó và lôi kéo những người cộng sản kiên trung, trại câu lưu cựu tù chính trị 1-6B Côn Đảo trở thành niềm tự hào của những người tù chính trị Côn Đảo một thời.

Mặc sự kìm kẹp, tra tấn của địch, Đảng bộ duy nhất của cựu tù chính trị vẫn hoạt động. Những bản tin - tờ báo của lực lượng cựu tù chính trị được "xuất bản", chuyền tay và truyền khẩu giữa những con người bị giam cầm trong những căn phòng chật hẹp, ngột ngạt và khép kín kèm theo những cuộc đấu tranh dai dẳng và khốc liệt nhằm đòi những quyền lợi tối thiểu nhất đã giành thắng lợi khiến 1-6B  được mệnh danh là "lõm giải phóng" đặc biệt giữa địa ngục trần gian Côn Đảo. Tuy nhiên, có một lần đến tận nơi, nhìn danh sách dài những người con kiên trung hy sinh trong quá trình "thiết lập khí tiết cách mạng", nghe chuyện kể của những người cựu tù mới thấu hiểu phần nào những con người làm nên điều phi thường ấy.

Cùng các cựu đồng đội lần bước theo từng phòng giam của hai dãy trại 1-6B, thạc sĩ, Anh hùng Lao động Bùi Văn Toản, cựu tù chính trị Côn Đảo rưng rưng đọc tên từng đồng đội đã hy sinh anh dũng ngay trong trại kể từ khi được tái thiết, năm 1963. Gọi là tái thiết bởi từ năm 1957 đến 1960, dưới thời của Ngô Đình Diệm, trại là nơi để kẻ địch thực hiện chính sách trường kỳ khủng bố, đánh phá tư tưởng, bắt tù chính trị khuất phục. Chỉ trong 3 năm này, hàng trăm người đã hy sinh, chỉ còn 6 người sống sót mà vẫn giữ vững khí tiết, không chịu khuất phục.

Những ngày cuối cùng của năm 1963, trại được tái lập bởi 16 chiến sĩ chuồng Cọp. Đầu năm 1964, hàng loạt các tù chính trị câu lưu chống chào cờ, chống nội quy nhà lao bị chuyển về. Ước tính, gần 900 người công khai trực diện chống lại tất cả mọi ý đồ thâm độc của kẻ thù, giữ vẹn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng giữa chốn ngục tù khiến kẻ địch bất lực đã hiện diện tại 1-6B cho đến ngày Côn Đảo giải phóng. Tất nhiên, cái giá phải trả cho quyết tâm và thái độ đó khó có thể hình dung một cách cụ thể và đủ đầy được. Một tập thể có hơn 5 năm ròng trong chuồng Cọp, hơn 10 cuộc tuyệt thực lớn, kéo dài 14, 19, 22 ngày, chịu những trận khủng bố, đàn áp dã man, kể cả những người nằm ở bệnh xá, triền miên những tháng ngày là giấc ngủ chập chờn vì đói khát, bệnh tật, ám ảnh về chết chóc nhưng vẫn luôn suy nghĩ, tính toán cách đối phó với những thủ đoạn của kẻ thù, tự đấu tranh tư tưởng với chính mình và đồng đội.

Tưởng niệm đồng đội đã hy sinh tại trại 1-6B, nghi lễ không thể thiếu của các cựu tù chính trị mỗi khi trở lại Côn Đảo.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn nhớ lại: Năm 1970, địch thanh lọc khoảng 800 tù nhân ở các khu, các trại đưa về tập trung giam giữ tại khu B trại 6 (trại 1-6B) để thực hiện mở lớp thí điểm tâm lý chiến Côn Sơn. Đây là âm mưu lớn của Mỹ - Thiệu nhằm biến những can phạm an trí trở thành những người "quốc gia" chịu đứng ra "tố cộng", chống lại cộng sản, khi mãn hạn tù chấp nhận đi lính làm tay sai cho địch. Nếu thành công, chúng sẽ triển khai trên diện rộng ở khắp các nhà tù miền Nam. Trực tiếp phụ trách lớp tâm lý chiến là các sĩ quan chiến tranh chính trị chúng vừa cho tu nghiệp từ Đài Loan trở về, hình thành hẳn bộ khung từ trung đội đến tiểu đoàn. Không chịu để kẻ thù mặc sức tuyên truyền, xuyên tạc cộng sản, Bác Hồ, sự nghiệp giải phóng dân tộc, 200 người chống học tập chính trị. Dụ dỗ, mua chuộc không được, chúng đưa 200 người vào một phòng giam rồi phân tán đến các sở ruộng, sở rẫy buộc lao động khổ sai nhưng tất cả tiếp tục chống chào cờ, chống lao động khổ sai khiến chúng phải đưa về giam cầm tại trại cũ.

Từ năm 1971 đến 1974, 6B là khu trại giam có chế độ giam cầm khắc nghiệt, biệt lập, với 10 buồng giam, mỗi buồng khoảng 60 đến 80 tù nhân. Mặc dù bị giam cầm khắc nghiệt, cùm chân, đàn áp khủng bố, bị bóp siết các sinh hoạt tối thiểu nhưng bất chấp gian khổ, những người tù chính trị vẫn tổ chức truyền dạy, rèn luyện cả về văn hóa lẫn bản lĩnh cách mạng. Đảng bộ mang tên người chiến sĩ cách mạng kiên trung Lê Chí Hiếu ra đời, sinh hoạt đều đặn. Chiếc radio bí mật đưa vào trong trại. Những người tù khoét nền nhà, lấy cơm nghiền nát hòa nước, bột vôi cạo trên tường trét lên mặt để che giấu. Ông Vũ Xuân Toản được giao nhiệm vụ mở đài, nghe tin tức, tổng hợp. Người tù gần như trẻ nhất trại là Châu Văn Mẫn, sau một thời gian học tập, rèn luyện, chữ đẹp nhất trại được giao nhiệm vụ chép tin, các bài viết. Những chiếc lỗ nhỏ bằng ngón tay trên tường được ông gọi vui là "lỗ thông tin" giữa các phòng giam. Những bản tin nối nhau ra đời, truyền qua các phòng giam, được phát oang oang trong những giờ nghỉ càng khiến địch cay cú, lùng sục, đàn áp.

Năm 1973, thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Paris, địch lên kế hoạch tráo án tù chính trị thành thường án để ém nhẹm không trao trả. Biết âm mưu này, thành viên các phòng giam nhất định không khai tên họ, không chịu tách riêng nhau. Năm tháng đày ải, người người đều gầy trơ xương, chỉ nhận diện thông thường rất khó, nhiều người còn mài cả các ngón tay chân để mờ hết dấu vân, không cho chúng nhận dạng. Để thực hiện kế hoạch, địch tăng cường một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến được trang bị mạnh từ đất liền ra phối hợp với lực lượng cảnh sát quốc gia Côn Sơn, trật tự an ninh tổ chức nhiều cuộc tấn công vào trại giam 6B bắt tù nhân đưa ra ngoài nhằm phân lọc, xé lẻ, không tiến hành trao trả. Cả hai đợt tấn công đều gặp phải sự phản kháng quyết liệt. Những người tù chính trị sử dụng khẩu trang chống độc tự tạo, những mẩu sắt vụn, dây kẽm gai chống trả lại. Ban an ninh xung kích tại mỗi phòng đứng đầu bảo vệ cả phòng giam. Tất cả các ổ khóa đều bị nhét bông gòn không cho địch mở. Địch phải dùng máy hàn cắt cửa, bắn phi tiễn, ném lựu đạn cay vào phòng giam nhiều đợt khiến tù nhân ngất xỉu, nhiều người hi sinh mới bắt được 200 người lăn tay, chụp hình và ký tên vào bản án có sẵn. Thế nhưng, số tù chính trị này vẫn tiếp tục đấu tranh chống lăn tay, làm hỏng bản án. Người ở lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cũng cật lực phản đối, đồng loạt tuyệt thực khiến chúng phải nhượng bộ.

Những cuộc đấu tranh quyết liệt khiến vòng kìm kẹp dần được nới lỏng. Người tù giành được quyền cai quản bếp ăn. Vẫn đói ăn, khát uống, bệnh tật nhưng trại 1-6B góp phần thắp sáng niềm tin về cách mạng nơi tù ngục tăm tối nhất. Trại trở thành lớp rèn luyện đặc biệt, giúp những người tù chính trị vững vàng, bản lĩnh hơn trong những năm tháng trở lại với đời thường.

Trong chuyến trở lại Côn Đảo cùng các cựu tù chính trị 1-6B mới đây, trên nhà trưng bày của trại, chúng tôi thấy có đến 11 người cựu tù trở về được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 người là Anh hùng Lao động. Hiện diện giữa tiểu đoàn tâm lý chiến ngày nào là tấm bia tưởng niệm và bia ghi danh hơn 30 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong khoảng thời gian tái thiết khí tiết cách mạng. Với những người cựu tù ấy, gần như ai cũng thuộc nằm lòng tên tuổi, sự hy sinh của từng đồng đội. Tất cả đều chia sẻ rằng, những tháng ngày ấy, con người ấy không thể bị lãng quên. Với những người đồng đội, họ đã hy sinh thân mình cho đồng đội, đồng chí được sống và hưởng cuộc sống thái bình. Với Tổ quốc, với lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau, họ là ân nhân, là tấm gương để học hỏi, cần được tri ân mãi mãi

Hoa Nguyễn
.
.
.