Lời thỉnh cầu của vợ một cán bộ điệp báo

Thứ Năm, 12/04/2012, 10:34
Công an TP Hà Nội đã có Giấy xác nhận nhằm "giúp cho gia đình ông Đinh Kim Chi trình với cơ quan chức năng xem xét thực hiện chế độ theo quy định chung của Nhà nước”. Trình bày với chúng tôi bà Thu cho biết: Gia đình mong mỏi cơ quan chức năng có sự khen thưởng xứng đáng với những đóng góp của ông.

Sau một thời gian gõ cửa một vài nơi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khen thưởng xứng đáng cho chồng chưa có kết quả, qua lời giới thiệu của Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, bà Nguyễn Thị Thu - người vợ của một cán bộ điệp báo hoạt động bí mật tại Hà Nội những năm kháng chiến chống Pháp đã tìm đến Báo CAND.

Trong số những hồ sơ, tài liệu liên quan đến những hoạt động của người chồng đã mất cách đây 40 năm có cả những ý kiến xác nhận gửi tới các cơ quan chức năng của đồng chí Nguyễn Tài - Nguyên Giám đốc Công an Hà Nội thời chống Pháp và Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1932) cho biết: Chồng bà, ông Đinh Kim Chi (sinh năm 1919) quê ở Xuân Trường - Nam Định nguyên là nhân viên báo vụ, Phòng Thông tin liên lạc thuộc Nha Khí tượng Thủy văn (nay là Tổng cục Khí tượng Thủy văn dưới thời Pháp thuộc). Hai ông bà cưới nhau năm 1947 và sinh được 10 con, trong đó 6 trai, 4 gái. Vốn là nhân viên của Nha Khí tượng và có nghề sửa chữa vô tuyến điện nên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1948) ông được Công an Hà Nội tuyển dụng làm cán bộ điệp báo hoạt động bí mật trong nội thành.

Trong bức thư gửi lãnh đạo Công an TP Hà Nội viết từ năm 2006 đồng chí Nguyễn Tài - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: “Với tư cách là một tổ viên của Tổ Điệp báo Công an Hà Nội thời đó: những tin tức về khí tượng cũng như các thông tin khác do ông Chi cung cấp được Bộ Tổng Tham mưu của ta đánh giá cao vì phục vụ tốt cho hoạt động của quân đội ta. Riêng tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp ông Chi và có lần tự tay tôi đã trao cho ông Chi sửa chữa một máy phát vô tuyến điện do ta tự tạo (theo chỉ thị của anh Trần Quốc Hoàn hồi đó là Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội)”.

Cũng liên quan đến câu chuyện này trong một bài báo đăng trên Báo CAND cách đây ít lâu đồng chí Nguyễn Tài đã kể lại việc đồng chí nhận lệnh từ cấp trên tiếp nhận một chiếc máy phát vô tuyến bị hỏng để chuyển ra căn cứ sửa chữa. Sau khi tiếp nhận chiếc máy đồng chí Nguyễn Tài đã quyết định sẽ sửa máy ở ngay trong nội thành vì trong số các cơ sở điệp báo của Công an Hà Nội lúc đó có một người làm nghề vô tuyến điện ở Nha Khí tượng của địch. Người cán bộ đó cũng đã nhận lời là có thể chữa được chiếc máy phát vô tuyến nghi bị hỏng.

Anh hùng Nguyễn Tài khẳng định: “Hồi đó sống trong vòng kìm kẹp tại một thành phố như Hà Nội mà một người viên chức trong bộ máy của chúng, dám tham gia công tác điệp báo của Công an ta, đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng (được Cục Tình báo Trung ương của ta đánh giá cao) thì đó đã là một nghĩa cử đáng biểu dương. Thế mà nay còn dám nhận chữa tại nhà mình một loại đồ “quốc cấm”, thì phải thừa nhận là “to gan”, vì ai cũng biết: mỗi người viên chức hồi đó đều có một gánh nặng gia đình; đóng góp với kháng chiến, mà lỡ sa sảy thì bản thân bị tù đày, gia đình cũng tan nát ngay”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Tài thì sau đó do phía ta thu được một bộ thu phát vô tuyến của Mỹ, nên chiếc máy tự tạo vẫn để ở chỗ ông Chi và đồng chí Nguyễn Tài dặn anh tìm cách giấu kỹ…

Vợ chồng ông Đinh Kim Chi.

Theo lời kể của bà Thu vợ ông thì tháng 7/1954 khi chồng bà cùng mấy anh em trong tổ điệp báo được chuyển từ Công an Hà Nội sang cơ quan Tình báo Trung ương. Một số người nhận nhiệm vụ đi vào Nam công tác, riêng ông Chi đề đạt nguyện vọng ở lại do phần vì gia đình, phần vì muốn được sống trong không khí độc lập tự do đã ao ước bao nhiêu năm. Mọi việc tưởng dừng lại tại đó, nào ngờ đến năm 1965 do không hiểu ai tố cáo mà Công an đến khám nhà tìm thấy cái máy phát vô tuyến trên trần nhà và gán cho ông Chi tội gián điệp. Theo bà Thu thì sau đó chồng bà được “tạm tha” chứ không phải là “vô tội”. Nhưng sau đó ít năm ông đã qua đời do tai nạn ôtô.

Như vậy từ một cán bộ tham gia hoạt động bí mật nội thành có những đóng góp nhất định cho kháng chiến, ông đã bị hàm oan. Sau khi ông bị bắt, gia đình, vợ con đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, sự phân biệt đối xử của nhiều cơ quan, đoàn thể vì đã có chồng, có cha làm… “gián điệp”.

Sự việc cứ thế trôi đi đến 10 năm sau, theo đồng chí Nguyễn Tài kể lại thì sau năm 1975: sau khi ông từ miền Nam trở về công tác tại Bộ Công an bà Thu đã tìm đến gặp ông để kể lại sự oan ức của chồng mình. Khi đó đồng chí Nguyễn Tài đã họp các cán bộ biết việc ở Công an Hà Nội cũ để xác nhận cho ông Chi. Sau đó đồng chí đã báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Bộ trưởng đã giao trách nhiệm cho một số cán bộ xuống họp tổ dân phố để minh oan cho ông Chi. Nhờ có những cách giải quyết như vậy nên con cái ông Chi mới được đi học, vào Đoàn và gia đình không còn bị bà con dân phố phân biệt đối xử.

Trong bức thư gửi đến lãnh đạo Công an TP Hà Nội năm 2006, đồng chí Nguyễn Tài đề nghị: Sự đóng góp của ông Chi đáng được khen thưởng. Theo đồng chí Nguyễn Tài thì thành tích của ông Chi là đối với chính quyền kháng chiến của ta, thông qua Tổ Điệp báo của Công an Hà Nội. Chính vì vậy Công an TP Hà Nội phải là nơi đứng ra làm thủ tục xét thưởng cho ông Đinh Kim Chi mới đúng thẩm quyền.

Được biết ngày 10/7/2007 Công an TP Hà Nội đã có Giấy xác nhận số 823/CN-CAHN (PX13) trong đó khẳng định: “Từ tháng 5/1948, khi còn là nhân viên của Nha Khí tượng dưới thời thực dân Pháp chiếm đóng, ông Chi đã tham gia hoạt động bí mật nội thành. Hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ điệp báo Công an Hà Nội giao nhiệm vụ. Sau hòa bình năm 1954, ông Chi tiếp tục tham gia công tác tại Nha Khí tượng (sau này là Tổng cục Khí tượng - Thủy văn). Tháng 12/1972 ông Chi chết do bị tai nạn giao thông. Thành tích tham gia kháng chiến của ông Chi đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (chống Pháp) và Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Giấy xác nhận này để giúp cho gia đình ông Đinh Kim Chi trình với cơ quan chức năng xem xét thực hiện chế độ theo quy định chung của Nhà nước”.

Trình bày với chúng tôi bà Thu cho biết: Nguyện vọng của gia đình là mong mỏi cơ quan chức năng cần có sự khen thưởng xứng đáng với những đóng góp của ông

Lưu Vinh - Xuân Luận
.
.
.