Hoàn cảnh thương tâm của gia đình cựu cán bộ Công an huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An:

Lời khẩn cầu tình nghĩa

Thứ Sáu, 11/03/2011, 13:43
Dù đã được anh cán bộ Công an tỉnh Nghệ An kể về sự bi đát của gia đình ông Nguyễn Thái Hồ, nguyên Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Đàn nhưng khi vượt hơn 70km từ TP Vinh về đến thị xã Thái Hoà (Nghệ An) đặt chân vào ngôi nhà này chúng tôi mới cảm thấy nghẹn lòng chua xót. Người chồng, trụ cột trong gia đình đã mất sớm do bạo bệnh để lại người vợ già yếu bệnh tật cùng 3 người con tật nguyền suốt hàng chục năm nay.

Bất hạnh và nước mắt

Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng của núi rừng miền Tây xứ Nghệ, ngồi giữa những đứa con ngô nghê tàn tật, miệng lảm nhảm những điều vô nghĩa, bà Nam kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đường dài mà vợ chồng bà và những đứa con đã đi qua và không biết đến bao giờ sự bất hạnh và nghiệt ngã mới buông tha những đứa con của họ.

Chồng bà, ông Nguyễn Thái Hồ tham gia hoạt động cách mạng từ khi mới 15 tuổi trong vai trò là một thiếu sinh quân. Năm 1956, ông được UBND tỉnh bổ sung vào Ty Công an tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1956, ông được điều động lên nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ke Du, huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trong khoảng thời gian này, ông đã gặp bà khi ấy đang là công nhân ở Nông trường Tây Hiếu. Hai người đã đến với nhau. Năm 1969, ông được tỉnh chọn đi học tại Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh). Sau khi hoàn tất khoá học, ông trở về công tác tại Công an huyện Nghĩa Đàn, sau đó là Ty Công an Nghệ An. Từ năm 1976 đến năm 1982, ông được bổ nhiệm là Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An)…

Những tưởng cuộc sống của vợ chồng ông bà sẽ hạnh phúc, thế nhưng nỗi bất hạnh này chưa qua thì nỗi bất hạnh kia đã ập đến. Do nhiều năm công tác ở vùng biên giới, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét khiến sức khỏe liên tục bị ảnh hưởng. Năm 1961, sau khi sinh hạ người con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thái Hoà, hai vợ chồng ông mừng vui khôn tả.

Thế nhưng bất hạnh thay, cậu con trai đầu lòng chào đời sau đó chỉ nằm bất động trên giường, không nói được mà thay vào đó là những tràng cười ngây dại. Đến năm 10 tuổi, Hoà cũng chỉ có thể bám vào thành giường lết từng bước chân chậm chạp. Tất tật mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.

Năm 1969, nỗi bất hạnh tiếp tục ập đến với vợ chồng ông, khi cô con gái Nguyễn Thị Hà vừa sinh ra đã mắc bệnh động kinh, toàn thân co giật liên hồi. Hà chỉ đi lại được bằng cách chống hai tay xuống đất rồi lết từng bước chậm. Thế nhưng sự bất hạnh vẫn chưa dừng lại đó, hai năm sau (năm 1971), đứa con gái tiếp theo của vợ chồng ông là Nguyễn Thị Thanh cũng phải chung số phận. Thanh liên tục mắc các chứng bệnh lạ như: mắt lồi to, đầu phát triển hơn cơ thể, chân tay teo tóp, suốt ngày hú hét đập phá mọi vật xung quanh…

Nhìn 3 người con tàn tật với những tiếng hú hét và nụ cười man dại bò quanh nhà, vợ chồng ông trào nước mắt. Công tác ở một địa bàn trọng điểm, ông Hồ đã phải thường xuyên vắng nhà để tập trung cho công việc. Chồng đi vắng, mọi việc trong nhà dồn hết lên vai vợ. Bà Nam đã phải xin nghỉ việc không chế độ để gánh vác việc nhà, chăm sóc đàn con thơ dại tàn tật…

6 người con sinh ra, thì có tới 3 đứa tật nguyền. Tưởng rằng đó đã là nỗi đau tột cùng mà vợ chồng bà đã phải gánh chịu nhưng ít lâu sau đến lượt ông Hồ liên tục bị những cơn sốt rét ác tính hành hạ. Năm 48 tuổi, ông phải nghỉ chế độ và sau gần chục năm chống chọi lại bệnh tật, năm 2006 ông đã qua đời do bạo bệnh.

"Từ trước đến giờ, tất cả đều dựa vào đồng lương hưu của ông. Từ lúc ông qua đời, tôi già yếu bệnh tật nên mọi việc trong nhà đều phải do đứa con út là cháu Nguyễn Thái Hạ gánh vác" - bà Nam tâm sự. Được biết, năm 2005, bà Nam cũng bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, gãy hai chân nên sức khỏe của bà vốn đã yếu nay càng yếu hơn.

Đại diện Báo CAND, Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) thăm hỏi, trao tiền ủng hộ của Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi cho gia đình bà Nam. 

Cần có chính sách để cứu giúp gia đình ông Nguyễn Thái Hồ

Hiện tại, cuộc sống của gia đình mẹ con bà Nam đều trông vào đồng lương ít ỏi của cậu con trai út là Nguyễn Thái Hạ hiện đang là giáo viên THCS ở thị xã Thái Hoà cùng khoản phụ cấp hơn 1 triệu đồng mà bà được hưởng. Năm 2007, theo sự hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An,  bà đã đưa 3 người con tàn tật đi giám định thương tật.

Theo kết quả của Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Nghệ An, cả 3 người con của ông Hồ đều bị sa sút trí tuệ bẩm sinh, suy giảm khả năng lao động hạng A 81%. Căn cứ kết luận trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục kèm theo công văn đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam vận dụng, giải quyết cho 3 người con của ông Nguyễn Thái Hồ được hưởng chế độ tiền tuất hằng tháng để giúp đỡ các cháu giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên cho đến nay những đề nghị trên vẫn chưa được giải quyết…

Mẹ già yếu, bệnh tật với 3 anh chị tàn tật nên kể từ khi bố mất đến nay, mọi lo toan trong gia đình đều phải trông vào người con út Nguyễn Thái Hạ. Hết giờ lên lớp Hạ lại phải tranh thủ về nhà chăm sóc, giặt giũ, vệ sinh cho 3 người anh chị tàn tật của mình. Gia đình hoàn cảnh nên dù năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng Hạ vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng cho mình.

Ngồi cạnh những đứa con tàn tật, bà Nam rơm rớm nước mắt: "Vì tuổi cao lại đau yếu thường xuyên, nên tôi sợ rằng đến một ngày nào đó khi tôi không còn nữa thì các con tôi không biết nương tựa vào ai. Vì thế tôi rất mong muốn các cấp, các ngành có sự quan tâm, tạo điều kiện chế độ cho các cháu để gia đình đỡ khó khăn, vất vả".

Cùng đi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Đình Đào - Phó trưởng Công an thị xã Thái Hoà cho biết: Đồng chí Nguyễn Thái Hồ là một cán bộ rất mẫu mực. Từ khi còn là một cán bộ trinh sát cho đến thời điểm giữ chức vụ lãnh đạo, đồng chí vẫn luôn được đồng đội, tập thể đánh giá cao và kính phục bởi đức tính liêm khiết, luôn đặt việc công lên trên hết.

Thậm chí, khi phải nghỉ chế độ do bệnh tật đem lại, huyện Nghĩa Đàn đã cấp cho gia đình đồng chí một mảnh đất bên quốc lộ 48, nhưng đồng chí đã từ chối với lý do "còn nhiều người khác cần hơn" và về ở trong gian nhà tập thể cũ mua lại của Nhà nước.

Trước hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh của gia đình, Công an tỉnh Nghệ An và các cấp chính quyền địa phương cũng đã vận động cán bộ, chiến sĩ, nhà hảo tâm cuối năm 2010 xây cất cho gia đình một ngôi nhà tình nghĩa thay thế ngôi nhà cũ nát, lụp xụp. Nỗi lo về chỗ ở được giải quyết nhưng nỗi lo hằng ngày vẫn luôn canh cánh trong gia đình.

Nguyện vọng của gia đình cũng như lực lượng Công an, chính quyền địa phương mong muốn cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạo điều kiện, xem xét giải quyết chế độ trợ cấp xã hội cho 3 người con của ông Hồ, bà Nam. Chiều 9/3, đại diện Báo CAND cũng đã trao 5 triệu đồng do Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi ủng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nam.

Ngày 28/2, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An kiểm tra hoàn cảnh thực tế, hồ sơ bệnh án… tham mưu văn bản để UBND tỉnh báo cáo đề nghị Bộ LĐ-TB&XH giải quyết chế độ cho các con của bà Nam theo quy định hiện hành (hoặc vận dụng) giảm bớt hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các con bà Nam ổn định cuộc sống. Kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/3.

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.