Lời hịch cứu nước vang dội non sông

Chủ Nhật, 18/12/2011, 14:41
Trong một lần đi sưu tầm tư liệu phục vụ công tác biên soạn lịch sử Cảnh vệ CAND Việt Nam, tôi được gặp bác Nguyễn Tuấn Liêu, nguyên GĐ Học viện Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao), là con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Dương, người làng Vạn Phúc. Cách đây 65 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Dương vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc trong những ngày đầu và giữa tháng 12/1946. Và tại quê hương truyền thống cách mạng Vạn Phúc ấy, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Được chứng kiến sự kiện đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Liêu kể lại:

Vào một buổi sáng cuối tháng 11 năm 1946, ông Nguyễn Tấn Phúc (hay còn gọi là Nguyễn Phúc Khánh) ngày ấy là Bí thư chi bộ xã Vạn Phúc, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đến gặp cha tôi trao đổi công việc. Khách ra về, cha tôi không nói gì, nhưng niềm vui và vẻ rất quan trọng lộ rõ trên nét mặt. Bẵng đi mấy hôm, vào 7h tối 3/12/1946, gia đình tôi vừa ăn cơm tối xong, cha tôi vội chạy lên trên gác tìm anh em chúng tôi và nói: “Các con thu xếp quần áo, sách vở xuống dưới nhà, nhường cả gác hai cho cán bộ cao cấp Trung ương về ở”.

Nhìn vẻ mặt của bố tôi có gì khác mọi ngày, cử chỉ vội vàng, anh em chúng tôi không hỏi gì thêm, vội vàng thu dọn đồ đạc cần thiết xuống nhà. Mọi người chỉ kịp dọn được mấy thứ thì khách đã đến và đi thẳng lên gác. Trong số khách đến hôm đó, tôi không biết có những ai, chỉ biết có “ông cụ cán bộ cao cấp”. Ông cụ thì ở phòng trong, còn mọi người ở phòng ngoài.

Khi khách thu dọn, ổn định xong nơi ở, một chị (sau này gia đình tôi mới biết đó là người phục vụ Bác Hồ) đi xuống nói với gia đình: “Cụ nhờ gia đình chuẩn bị cơm tối vì làm việc xong ở Hà Nội, Cụ về thẳng đây; nhưng đề nghị gia đình sẵn có gì cho dùng nấy, đừng mổ gà, Cụ sẽ không dùng đâu”.

Sáng hôm sau, khoảng 5h, tôi dậy lên gác lấy thuốc đánh răng còn bỏ quên trên tầng 2. Lên đến đầu cầu thang thì thấy một người thanh niên vạm vỡ đứng ngay đầu cầu thang; ở cuối sân gác có ông cụ người gầy, dáng cao nhưng có vầng trán rộng và đặc biệt có đôi mắt rất sáng đang tập thể dục. Tôi nhận ra ngay là Bác Hồ. Tôi vô cùng bất ngờ, trong lòng rạo rực, xốn xang. Tôi không tin vào mắt mình. Không lẽ gia đình mình lại được đón Cụ Hồ, mà cách đây hơn một năm, ngày 2-9 tại vườn hoa Ba Đình, Cụ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mang lại độc lập cho dân tộc trong đó có gia đình tôi. Tôi lấy lại bình tĩnh, khoanh tay lễ phép: “Cháu chào cụ ạ!”. Bác gật đầu mỉm cười rồi từ từ trở vào căn phòng làm việc.

Nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, nay là Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Vì nguyên tắc giữ bí mật, nên tôi không dám nói với ai, ngay cả mẹ và các em tôi. Đêm nào tôi cũng hồi hộp hết đứng lại nằm, ngửa mặt lên gác hình dung Bác đang ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ từng giây từng phút lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta vượt qua ngàn trùng sóng gió.

Khi biết tôi đã rõ “cụ cán bộ cao cấp” là Bác Hồ, cha tôi gọi mấy anh em tôi lại nói: “Đây là vinh dự lớn cho gia đình ta, dẫu có tiền bạc cũng không quý bằng. Nhưng các con phải tuyệt đối giữ bí mật. Ngay cả cán bộ xã cũng không được biết cụ thể, chỉ được chỉ thị bố trí tự vệ tăng cường canh gác ngày đêm để kiểm soát chặt chẽ người lạ mặt. Nên với anh em họ hàng, các con cũng không được cho ai biết”. Điều bố tôi dặn dò, chúng tôi giữ trọn, không chỉ trong những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại nhà tôi, mà suốt những năm kháng chiến, không một lần nào anh em tôi hé nửa lời với ai.

Trong những ngày Bác Hồ ở tại nhà tôi, Người làm việc rất miệt mài. Đêm Bác thức rất khuya, có đêm thức trắng. Trong căn gác hẹp, Bác ngồi trên giường thay ghế, vai khoác áo choàng ngắn, đầu cúi xuống bên ngọn đèn dầu nhỏ. Bác đang chăm chú viết trên chiếc bàn gỗ kê sát giường. Sáng Người dậy rất sớm tập thể dục. Ngày nào Bác cũng ra Hà Nội để tiếp khách ngoại giao, nhà báo hay thân sĩ.

Nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác có ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng nhất của Bác tại làng Vạn Phúc khi viết ra lời hịch kêu gọi quốc dân đồng bào cả nước: Tờ mờ sáng 19/12, Bác đã dậy, gọi chuẩn bị giấy, bút. Đêm qua chắc Bác ngủ ít nên mắt Bác thâm quầng. Bác đọc cho viết thư gửi Thủ tướng Pháp Leon Blum. Bác đọc thẳng bằng tiếng Pháp. Có lúc phải hỏi lại Bác để viết cho đúng. Trời lạnh, gió làm rung rinh ngọn đèn dầu con. Hàng chữ viết cũng rung rinh, không thẳng hàng. Bóng Bác ngồi choàng áo khoác in to trên tường vẫn thấy vững, không động đậy. Ai mà nghĩ Cụ Hồ chưa sáng đã dậy cặm cụi làm việc trong căn gác hẹp nhà “cậu tú” ở làng Vạn Phúc. Giờ này mùa đông rét lạnh, chắc nhiều người còn đang ngủ.

6h45 ngày 19/12, Bác và những người cùng đi di chuyển đến nơi ở mới. Bác từ trên gác xuống nói với chủ nhà, ông Nguyễn Văn Dương: “Hôm đến vì phải giữ bí mật, chưa chào được, hôm nay tôi phải đi, tôi có lời cảm ơn gia đình đã giúp cơ quan nơi ăn ở, làm việc chu đáo. Gia đình có bát ăn, bát để nên tích cực ủng hộ kháng chiến”.

Ông Dương vừa run vừa nuốt từng lời dặn của Người, không ngờ Bác lại gần gũi đến thế. Và sau đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã đi theo Bác lan truyền rộng khắp, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam, như một lời hịch cứu nước vang dội non sông: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...”.

Lời kêu gọi thiêng liêng đó cho đến nay vẫn vang mãi, hào hùng, lắng đọng hồn núi sông đất nước Việt Nam, mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành lời thề bất tử của dân tộc ta

Nguyễn Đức Quý
.
.
.