Lời Bác dặn, ấy là lời non nước

Thứ Năm, 30/01/2014, 16:30
Tròn 7 thập kỉ trước (1944-2014), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Từ đội quân 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ đã nhanh chóng phát triển thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, làm nên những “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử giữ nước thời hiện đại… Những chiến công của Quân đội ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc của nhân dân và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Đội trưởng Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội. Nắm bắt nguyện vọng của toàn dân, Việt Minh đã tập hợp được đông đảo các giới đồng bào đẩy mạnh đấu tranh dưới mọi hình thức chống thực dân, phong kiến. Đến năm 1944, tình hình đòi hỏi phải có một tổ chức vũ trang tập trung, thống nhất. Trong một cuộc họp tại hang Pắc Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) với một số đồng chí, trong đó có Võ Nguyên Giáp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến, nhân dân lại phải tản cư vào rừng núi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao, cứ hoạt động vũ trang mà dân ở đâu vẫn ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để địch bắt, hại những người hoạt động… Cách giải quyết tình hình trên được Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Chúng ta sẽ lập đội Quân giải phóng!

Sau những phân tích sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc quay sang hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?”. Vị Đại tướng tương lai năm đó mới 34 tuổi, đã tự tin trả lời “Có thể làm được!”. Sau khi nghe Võ Nguyên Giáp trình bày ý kiến, Người nêu vấn đề: “Có thể tìm được một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không?”. Võ Nguyên Giáp đáp: “Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được”… Sau này trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Khi trả lời Bác như vậy, tôi đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, nghĩ đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hi sinh tất cả vì Tổ quốc... Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ kỷ niệm 18 năm thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1962).

Tại cuộc họp ngay ngày hôm sau, Võ Nguyên Giáp báo cáo bản kế hoạch vừa dự thảo. Nghe xong, Bác nói: “Được. Tình hình quốc tế đang có điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đội Quân Giải phóng, thành “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó. Bác tiên đoán: “Tuy lúc đầu quy mô nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Mục tiêu đầu tiên được Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lựa chọn là đồn Phai Khắt, thuộc xã Tam Lộng (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) có khoảng 20 lính, do một viên quan Pháp chỉ huy. Theo kế hoạch, anh em đội viên bí mật ém quân trong một cánh rừng rồi cải trang thành toán lính dõng ở châu đi tuần về để đột nhập đồn địch; khi lọt vào đồn sẽ chiếm luôn kho súng, bắt tất cả bọn địch đầu hàng, nếu chúng chống cự sẽ tiêu diệt. Thời cơ tốt nhất là 5h chiều, khi địch đang ăn cơm. Lúc đó trời còn sáng, quân ta cải trang đi ban ngày, địch sẽ ít nghi ngờ, mất cảnh giác… Sau khi trinh sát kĩ bố phòng, nội tình của địch, đúng ngày Noel 25 tháng 12 năm 1944, lúc 5h chiều, người dân làng Phai Khắt bỗng nhiên thấy một toán lính dõng, đầu đội nón bọc vải xanh, vành trắng, mình mặc quần áo chàm, chân quấn xà cạp, đi đầu là một viên đội sếp và hai lính khố xanh từ phía châu Nguyên Bình tiến vào làng. Đến cổng làng, một người chìa giấy cho tên lính gác xem, rồi đi thẳng vào đồn của quan Tây. Tiểu đội trưởng Sơn, mặc bộ ka-ki lính tập, xách tiểu liên đi đầu đến trước mặt tên lính gác cổng đồn địch, hỏi bằng giọng hách dịch: “Quan Tây có nhà không? Chúng tao đi tuần!”. Ông Sơn rút mảnh giấy, chìa trước mặt tên lính gác cho hắn xem cái dấu triện đỏ chói, rồi gạt luôn hắn sang bên, đi thẳng vào đồn. Cả tiểu đội 1 đi đầu bám sát người chỉ huy vào thẳng kho địch để súng. Tiểu đội 2 cũng đi liền phía sau, vừa lọt vào đồn lập tức bao vây khu vực binh lính ở. Tiểu đội trưởng Sơn dõng dạc hô bằng tiếng Pháp, lệnh cho binh lính trong đồn tập hợp để đón quan ở châu về. Mười bảy tên lính và một tên cai đội họp lại giữa sân (viên quan Pháp chỉ huy đồn vắng mặt ở thời điểm đó, hắn đi ngựa lên châu và trinh sát ta đã nắm được thông tin quý giá này). Thời cơ đến, Tiểu đội trưởng Sơn chĩa ngang khẩu tiểu liên - thứ vũ khí hiện đại duy nhất của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có được khi thành lập - vào tên cai đội hô lớn: “Chúng tôi là quân cách mạng; anh em giơ tay đầu hàng , sẽ không giết ai hết. Giơ tay lên”. Trong thế bị động và hoàn toàn bất ngờ, tất cả bọn lính đều giơ tay đầu hàng. Không tốn một viên đạn, quân ta đã chiếm được đồn, bắt sống toàn bộ bọn lính… Đúng lúc đó, tên quan Pháp cùng một số tên lính trở về; hắn cưỡi con ngựa hồng cao lớn, đủng đỉnh đi vào cổng đồn. Một tiếng hét: “Giơ tay lên”… Bỗng một loạt đạn nổ vang. Cả tên đồn trưởng và con ngựa đều trúng đạn, ngã lăn xuống sân. Đây là tình huống ngoài dự định bắt sống hắn, do những chất chứa dồn nén bấy lâu khiến anh em đội viên không nén được căm thù…

Sau khi thu dọn chiến lợi phẩm, xóa sạch dấu vết và căn dặn đồng bào cách đối phó nếu giặc về tra hỏi, lực lượng ta hành quân gấp trong đêm và sáng hôm sau tiến chiếm đồn Nà Ngần, cách đồn Phai Khắt khoảng 25 cây số. Với hai trận đánh đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã thực hiện tốt chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trận đầu nhất định phải thắng”… Chưa đầy một năm sau ngày Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, Cách mạng tháng Tám thành công. Toàn quốc kháng chiến, Chính phủ và các cơ quan Trung ương trở lại Việt Bắc, dựa vào lòng dân và núi rừng kiên quyết trường kì kháng chiến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao những trọng trách mới về chính trị, quân sự.

Sau những thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc 1947, trong phiên họp Chính phủ ngày 19/1/1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, phong Trung tướng cho Nguyễn Bình và 10 vị khác được phong Thiếu tướng. Lịch sử nước ta không ghi chép cụ thể lễ tấn phong các vị tướng huyền thoại như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Riêng lễ tấn phong vị Đại tướng đầu tiên trong lịch sử hiện đại Việt Nam, được ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính, thành viên Chính phủ kháng chiến ghi lại khá cụ thể trong “Nhật ký của một Bộ trưởng”.

Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên đứng 2 bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chánh phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chánh phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng, Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng Võ Nguyên Giáp cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chánh phủ, và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước”…

Tròn 7 thập kỉ qua, từ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Quân đội ta không ngừng phát triển, lớn mạnh. Và Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được nhân dân và các sử gia thế giới đánh giá là một trong những vị tướng xuất sắc nhất của lịch sử quân sự - đó cũng là sự tôn vinh một đội quân anh hùng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, chiến đấu, luôn luôn làm trọn sứ mạng mà quốc dân, lịch sử đã phó thác

T.D.H.
.
.
.