Linh hồn của phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam

Chủ Nhật, 20/11/2011, 15:07
Trong các bài phát biểu của mình về Việt Nam, Erich Honecker, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng CHDC Đức có nhiều câu mà ngay sau đó trở thành những khẩu hiệu làm chấn động hàng triệu trái tim trong các thành phố, xóm làng, các nhà máy, đơn vị quân đội, trường học, như: "Đoàn kết với Việt Nam là sự nghiệp của trái tim", "Đoàn kết với Việt Nam là nhu cầu của trái tim", "Ủng hộ Việt Nam là quốc sách"…

Chỉ vài hôm sau khi tôi đặt chân đến Thủ đô Berlin để bắt đầu công việc thường trú của một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, tôi đã được tham dự cuộc mít tinh rầm rộ của 30 vạn nhân dân Berlin biểu thị tình đoàn kết ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Cũng từ hôm ấy, 20/7/1972, tôi được nhìn thấy các vị đứng đầu của Đảng và Nhà nước CHDC Đức trên Đoàn chủ tịch mà trung tâm là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Erich Honecker. Ông mặc bộ lễ phục trắng, đội mũ trắng rộng vành. Hôm đó trời rất nóng, Erich Honecker nói: "Nóng như cuộc chiến đấu của chúng ta!".

Trong 10 năm làm công tác thông tấn ở nước bạn, tôi đã được chứng kiến hầu hết các sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của CHDC Đức thập kỷ 70 thế kỷ trước, và như vậy, cũng rất nhiều lần được chứng kiến các hoạt động sôi nổi và phong phú của Erich Honecker. Có thể nói, trong 10 năm đó - như tôi đã biết - ông thực sự là linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam ở CHDC Đức. Tôi mãi mãi ghi nhớ hình ảnh của vị lãnh tụ thường xuyên dẫn đầu các cuộc tuần hành và mít tinh sôi động của hàng chục vạn nhân dân Berlin ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dù đó là một trưa hè nóng nực hay một buổi sớm tinh mơ đầy giá tuyết.

Trong các bài phát biểu của mình về Việt Nam, Erich Honecker có nhiều câu mà ngay sau đó trở thành những khẩu hiệu làm chấn động hàng triệu trái tim trong các thành phố, xóm làng, các nhà máy, đơn vị quân đội, trường học, như: "Đoàn kết với Việt Nam là sự nghiệp của trái tim", "Đoàn kết với Việt Nam là nhu cầu của trái tim", "Ủng hộ Việt Nam là quốc sách"…

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông lại kêu gọi: "Đoàn kết với Việt Nam - lúc này càng cần thiết!". Hòa trong niềm vui chiến thắng của các đồng chí và nhân dân Việt Nam, Erich Honecker đã tuyên bố đáp ứng yêu cầu của Việt Nam trong việc giúp đỡ quy hoạch và xây dựng lại TP Vinh; đã thông báo trước Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Berlin về quyết định: Tất cả những viện trợ của nước CHDC Đức từ đó trở về trước dành cho Việt Nam đều không hoàn lại. Tôi không thể nào quên buổi chiều mùng 6/2/1973 ấy: Trung ương Đảng và Nhà nước CHDC Đức đã tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật, chứa chan tình hữu nghị anh em với các bạn Việt Nam tại phòng khách lớn của Trung ương Đảng để chúc mừng việc Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết.

Chủ tịch Erich Honecker và Chủ tịch Fidel Castro với lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Hable (Đức) năm 1971.

Tại cuộc gặp gỡ này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Erich Honecker đánh giá cao những cống hiến của Việt Nam vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng chung toàn thế giới và khẳng định tình đoàn kết trước sau như một của 17 triệu nhân dân CHDC Đức với nhân dân Việt Nam. Cho tới lúc đó, các bạn Đức đã góp được 260 triệu đồng mác để ủng hộ Việt Nam. "Một đồng mác - một quả tim" - các bạn Đức nói như vậy. Và biết bao lá thư, bức điện, bản kiến nghị, biết bao lít máu, thuốc men cùng biết bao bài thơ, bản nhạc, bức họa… đã được gửi sang Việt Nam! Đến tận hôm nay, ngót 39 năm, tôi vẫn còn nghe văng vẳng những câu thơ của H.Berger phát từ Đài tiếng nói CHDC Đức:

"Mừng Việt Nam chiến thắng
Hòa bình đã về đây
Anh em ơi, cần lắm
Những bàn tay đắp xây!

Cần lắm, anh em ơi
Những bàn tay bè bạn
Cũng giữ vững cho đời
Những niềm vui bất tận…"

Ngày miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng đã trở thành một trong những ngày hội rực rỡ nhất, tuyệt vời nhất trong lịch sử nước CHDC Đức. Đó là ngày 1/5 lịch sử, rất đẹp trời. Erich Honecker và các vị lãnh đạo khác cùng hơn nửa triệu nhân dân thủ đô Berlin đã mít tinh chào mừng chiến thắng của Việt Nam trên quảng trường đại lộ Marx-Engels. Trên lễ đài, vị lãnh tụ tối cao của nước bạn cùng mọi người tung cờ, hoa và hát vang bài "Tháng 5 đỏ" do Câu lạc bộ Tháng Mười của thanh niên Berlin sáng tác ngay sau khi được tin giải phóng miền Nam Việt Nam. Điệp khúc của bài hát tạo ra cái không khí hừng hực, thật náo nức:

"Nào tất cả đổ ra đường phố
Tháng Năm ơi, rực đỏ màu cờ
Nào tất cả đổ ra đường phố
Sài Gòn ơi, nay đã tự do!"

Hai năm rưỡi sau ngày lễ tưng bừng này, Erich Honecker - lúc này trên cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - sang thăm Việt Nam, đất nước mà ông và nhân dân ông đã dành cho những tình cảm nồng hậu nhất, sự ủng hộ to lớn nhất. Giữa Hà Nội nồng nhiệt đón mừng ông, ông đã nói:

"Khi chuẩn bị cho chuyến đi thăm này, một lần nữa, trước mắt chúng tôi lại hiện lên lịch sử vĩ đại vì một tương lai hạnh phúc mà nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết bằng những hành động quang vinh và những sự hy sinh to lớn. Chúng tôi nhớ lại những năm chiến tranh và ngày chiến thắng. Phong trào đoàn kết mạnh mẽ thật sự bao trùm cả đất nước chúng tôi và đã hòa vào dòng thác rộng khắp trên thế giới để bày tỏ cảm tình và sự ủng hộ quốc tế xã hội chủ nghĩa đối với nước Việt Nam đang chiến đấu để phản đối cuộc xâm lược man rợ của bọn đế quốc. Kẻ thù đã bị đánh bại. Dựa vào những người bạn của mình trên toàn thế giới, nhân dân Việt Nam anh hùng và dũng cảm đã nêu một bằng chứng bất tử về sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, của sự nghiệp độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội".

Là một phóng viên thông tin báo chí, tôi may mắn có mặt trong nhiều cuộc hội đàm thân mật giữa ông và nhiều vị lãnh đạo ta từng sang thăm CHDC Đức như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị…

Có một sự kiện làm tôi đặc biệt cảm động về thái độ ân cần, đầy tình nghĩa anh em mà ông dành cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với tư cách Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang thăm hữu nghị chính thức CHDC Đức. Ngay chiều đầu tiên mới đặt chân tới Berlin (18/10/1973), Thủ tướng Phạm Văn Đồng không may bị cảm nặng, ngất xỉu. Tổng Bí thư Erich Honecker rất lo lắng, đã dìu người đồng chí Việt Nam vào phòng nghỉ và ngồi ở đó hàng giờ liền cùng các giáo sư, bác sĩ chăm sóc ân cần cho đến khi sức khỏe Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở lại bình thường.

Gặp gỡ thanh, thiếu niên nước ta, Erich Honecker cũng biểu thị một tình cảm trìu mến lạ thường. Tại Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 10, ông âu yếm ôm hôn em Võ Thị Liên, em bé duy nhất còn sống sót trong vụ tàn sát của Mỹ ở Sơn Mỹ. Ông thường đến thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam sang dự Trại hè quốc tế "Wilhelm Pieck" ở gần Thủ đô Berlin.

Chiều 23/8/1974, tại đây, ông bế cháu Hồ Thúy Hường, 8 tuổi, quê Sài Gòn - Gia Định và trò chuyện vui vẻ với các cháu Việt Nam. Ông âu yếm nói: "Các cháu hãy tin rằng, bằng tình đoàn kết anh em và bằng hành động cụ thể, các đội viên thiếu niên "E.Thaelmann" cùng các bác, các cô ở CHDC Đức đã, đang và sẽ mãi mãi gắn bó với các cháu đội viên thiếu niên của Tổ quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình thân ái…".

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác của Đức, Erich Honecker rất yêu mến Bác Hồ của chúng ta. Có lần, trò chuyện với một số cán bộ Việt Nam, ông tỏ ý làm tiếc là chưa được trực tiếp tiếp xúc với Bác Hồ. Sau chuyến đi thăm Việt Nam về, ông thích thú kể lại cuộc viếng Lăng và thăm ngôi nhà sàn, nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của ông và đoàn mang dòng chữ: "Chúng tôi không bao giờ quên đồng chí Hồ Chí Minh".

Trước đó, Erich Honeeker đã nói với cán bộ và học sinh Việt Nam trên sân bay Schoenefeld tối 11/12/1977:

"Đoàn đại biểu chúng tôi rất sung sướng được đi thăm đất nước tuyệt vời của các đồng chí. Ở Thủ đô Hà Nội hay ở TP Hồ Chí Minh, ở Nhà máy cán thép Gia Sàng hay ở Nhà máy Việt Thắng, đâu đâu chúng tôi cũng đã được sống trong tình cảm ấm áp của những người anh em Việt Nam. Đó là những con người tuyệt vời đã làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến cứu nước, giờ đây lại đang lập nên những thành tựu to lớn trong lao động sản xuất để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Từ đáy lòng mình, chúng tôi xin chúc nhân dân Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh quang vinh, tiếp tục giành được những thắng lợi mới, rực rỡ hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Các đồng chí và các bạn Việt Nam thân mến hãy hiểu rằng, trước sau như một, Đảng, Nhà nước và nhân dân nước CHDC Đức luôn luôn đứng về phía các đồng chí và các bạn, nguyện làm hết sức mình để giúp đỡ và ủng hộ một cách xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Việt Nam anh em".

Mỗi lần nhắc đến Việt Nam, Erich Honecke lại thể hiện tình cảm thật đặc biệt. Tại Hà Nội, ông khẳng định tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước "luôn luôn phát triển dưới một bầu trời trong sáng; không gì và không ai có thể làm vẩn đục được bầu trời đó". Sau này, vào những ngày đen tối cuối đời, cực kỳ gian truân, bị kẻ xấu vu khống, xuyên tạc đầy thù hận, buộc tội vô căn cứ, trở thành nạn nhân của các mưu đồ chính trị mập mờ và thấp hèn, Erich Honecke vẫn giữ khí phách cao cả, sự trung kiên và cao thượng.

Đầu tháng 10/1991, sau hai ca phẫu thuật hiểm nghèo vào tuổi 80, trả lời phỏng vấn của một tờ báo lớn, ông vẫn dõng dạc khẳng định niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, vẫn ca ngợi "đất nước Việt Nam quả cảm, nước đã chọn con đường chủ nghĩa xã hội và không quỳ gối ngay cả trước những tên đế quốc".

Nghĩ đến Erich Honecke, mãi mãi chúng ta ghi nhớ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, nhà hoạt động quốc tế kiên trung, người bạn lớn và thân thiết của nhân dân Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Trần Đương
.
.
.