Lính đảo làm báo ở Trường Sa

Thứ Hai, 21/06/2010, 11:37
Lính Trường Sa rất nhiệt tình "làm báo" và làm cũng không "thua chị kém em". Chỉ có điều, một số ít có cộng tác với báo khác: Quân đội, Tuổi trẻ… phần lớn sản phẩm của lính đảo được dành cho… báo tường, "sản xuất" mang tính tự cung tự cấp. Đó đây, cũng đã có một vài cây bút đã vượt ra phạm vi của "cây nhà lá vườn", đến với đông đảo bạn đọc cả nước.

Những tập báo đã cũ mèm, dễ thành hàng… đồng nát từ nhiều tháng trước lại trở thành người bạn được trân quý của người lính tiền tiêu giữa biển khơi. Những con chữ được chắt chiu và trang trí thật đẹp, cẩn trọng trong mỗi số... báo tường. Từ nhịp cầu nối giữa đất liền với hải đảo xa xôi, không biết từ bao giờ, báo chí cũng trở thành "ông tơ bà nguyệt", chắp cánh cho tình yêu vượt muôn trùng sóng gió, xây nên không ít mối lương duyên, trong đó có cả những mái ấm gia đình của lính đảo Trường Sa với chính những người làm báo.

Nắng gắt nhưng Đá Nam, hòn đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa vẫn lồng lộng  gió. Gần nửa trăm con người lần lượt "chen chân" lên đảo nhỏ rồi nhanh chóng tỏa ra khắp các ngóc ngách, lạ lẫm nhưng quen thuộc cứ như thể những người đi xa lâu ngày trở về ngôi nhà của mình. Đôi ba phóng viên "sục sạo" vào tất cả các phòng sinh hoạt, ngủ nghỉ của cán bộ chiến sĩ chợt xúm xít trước góc bàn nhỏ chồng dày một tập những báo với báo.

Tủ sách báo - niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam.

"Chủ nhà" kiêm "hướng dẫn viên", Thiếu úy Vũ Quang Lực đùa vui: Sách báo trên đảo bây giờ không hiếm như xưa, chỉ tội hơi… cũ! Nói là hơi cũ nhưng thử lật mấy tập san trên bàn, chúng tôi chỉ thấy rặt báo của năm trước, gần nhất cũng đã xuất xưởng vài tháng. Có những tờ báo cập nhật thông tin hàng ngày kịp thời cho các cán bô,å chiến sĩ ngoài đảo nhỏ hiện nay vẫn khó khăn vì phải chờ tàu tiếp tế ra đảo. Có lẽ thế nên, báo ở đây cũng… đặc biệt. Toàn là những tập san, báo tuần, báo tháng, cũ theo ngày tháng và cũng cũ mòn do bàn tay người đọc. Thực ra, lính đảo quý sách báo không hẳn vì tin tức vì nếu chỉ để biết tin tức thì đã có phương tiện khác vừa xem được hình ảnh, sinh động hơn. Nhưng báo vẫn rất cần, rất cần như một nhu cầu đọc tự nhiên của con người.

Đọc thì như thế nhưng lính Trường Sa cũng rất nhiệt tình "làm báo" và làm cũng không "thua chị kém em". Chỉ có điều, một số ít có cộng tác với báo khác: Quân đội, Tuổi trẻ… phần lớn sản phẩm của lính đảo được dành cho… báo tường, "sản xuất" mang tính tự cung tự cấp. Thực tế, qua gần chục đảo nhỏ của Trường Sa, chúng tôi có dịp "chiêm ngưỡng" khá nhiều công trình báo chí kiểu ấy. Phần lớn đều là thơ, được viết tay, trang trí thủ công và khá… lộng lẫy trên tường. Thơ của lính đảo có, thơ sưu tầm cũng nhiều. Nhưng, dù là thơ sưu tầm hay tự sáng tác thì những "ấn phẩm" kiểu này cũng giúp người đọc có dịp tìm hiểu khá nhiều về cuộc sống, sinh hoạt cũng như tâm hồn người lính đảo.

Đó đây, cũng đã có một vài cây bút đã vượt ra phạm vi của "cây nhà lá vườn", đến với đông đảo bạn đọc cả nước. "Nổi tiếng" nhất hiện nay phải kể đến Mai Thắng, lính nhà giàn thuộc vùng 2 Hải quân với loạt bài về nhà giàn DK1 từng gây xôn xao dư luận cả nước do anh phối hợp với phóng viên báo Tuổi trẻ thực hiện, vừa mới đây còn được nhận giải thưởng báo chí cấp quốc gia.

Mai Thắng cũng cho biết, anh từng có rất nhiều năm cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở nhà giàn, với những người từng trực tiếp chứng kiến sự hy sinh cao cả của các đồng đội khi nhà giàn bị sóng gió đánh sập nên hiểu hơn hết sự gian lao và anh dũng của các anh. Cầm bút viết như một sự chia sẻ, không ngờ lại có sức tác động xã hội lớn đến thế. Cho đến hôm nay thì Mai Thắng đã là một cộng tác viên khá thân thuộc với nhiều tờ báo.

"Ấn phẩm" báo chí của lính đảo Trường Sa.

Về phía các nhà báo, không ít người hôm nay cũng trở thành "người nhà" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của lính Hải quân tự bao giờ. Còn nhớ, khi đoàn công tác của chúng tôi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, biết có người cùng quê vợ ra đảo, Trung úy Phan Huy Chiến đã cả mừng, ngập ngừng hỏi thăm rồi… thất vọng.

Trung úy Chiến kể rằng vợ anh cũng là phóng viên, đang công tác tại Báo Hải Dương. Đi biền biệt quanh năm, anh thương vợ vất vả, vừa lo toan gánh vác việc nhà, vừa lo bài vở nhưng lực bất tòng tâm, chỉ biết động viên qua thư hay điện thoại. Thời gian rảnh rỗi, anh thường ra biển sưu tầm vỏ ốc, tỉ mỉ cắt từng đoạn thép nhỏ rồi dùng vỏ bao đựng lương thực thực phẩm chuyên dụng, "trút nỗi nhớ thương" thành từng cành hoa hồng nhỏ. Những cành hoa trắng xinh thế nhưng khá kỳ công, đòi hỏi sự khéo tay và tính kiên nhẫn khá cao. Ngay với bàn tay đã chai sạn của lính đảo như anh mà ngày đầu kết không quen cũng bỏng rát.

Biết anh đang tính sẽ kết thành cây hoa 100 đóa mang về tặng vợ trong đợt nghỉ phép gần nhất, nhiều người đùa vui: lính đảo cũng lãng mạn quá! Lại nghe anh cười hiền bảo: nhà báo cũng có lúc lãng mạn nên vợ anh mới yêu và lấy lính đảo như anh đấy thôi, cả chủ và khách cùng cười vang căn phòng nhỏ. Dường như Trường Sa lại gần hơn, thân thương hơn thêm nữa

Ngọc Nguyễn
.
.
.