Lesbian và chuyện đám cưới gây sốc ở Hà Nội

Thứ Năm, 23/12/2010, 20:30
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, đám cưới của hai bạn trẻ đồng tính nữ chưa đúng về mặt luật và “theo thời gian hai bạn trẻ này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức”. Chuyên gia tâm lý này cũng khuyến cáo, tình trạng giả đồng tính xảy ra hiện nay hoặc do các bạn trẻ a dua học đòi, coi đó là thứ mốt. Song cũng không loại trừ do bị gia đình quá khắt khe trong chuyện bạn bè khác giới.

Những ngày vừa qua dư luận xôn xao về một đám cưới của một cặp lesbian (đồng tính nữ) còn khá trẻ.

Đám cưới gây "sốc"

Cũng như nhiều cặp đôi khác trong ngày trọng đại của mình, cô dâu Thùy Linh nổi bật với một chiếc váy trắng, voan phủ đầu trắng, lại không quên thắt một chiếc nơ tinh khôi. Còn vị hôn phu Quang Minh diện bộ vest trắng, sơmi trắng, cà vạt đen. Đám cưới được diễn ra trong một nhà hàng xinh xắn, cũng có hoa hồng, có nến, có bàn tiệc, có bánh ga tô... Đến chung vui có rất nhiều bạn bè của hai họ, lại có cả sự hiện diện của phía "nhà trai" là mẹ của “chú rể”. Nếu thoạt nhìn cũng không khác lắm so với những cặp uyên ương trong ngày đại hỷ của mình.

Tuy chỉ được chiêm ngưỡng đám cưới đặc biệt này trong vòng 10 phút đồng hồ ngắn ngủi, song dường như người xem có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của hai nhân vật chính. Nghi lễ của đám cưới cũng không thể thiếu màn cắt bánh,  màn phù dâu dắt cô dâu tới gặp "chú rể", hai người trao nhẫn cưới cho nhau trong sự hò reo cổ vũ của mọi người xung quanh. "Chú rể" phát biểu trước mọi người: "Mình với Linh muốn nói với các bạn đó là chúng mình sẽ luôn ở bên nhau và sống hạnh phúc. Thật là hạnh phúc!".

Đám cưới của cặp đôi Minh - Linh.

Trong clip được tải trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube, cô dâu Thùy Linh đã rất mạnh dạn, tự tin chia sẻ suy nghĩ của mình về đám cưới của hai người: "Thực ra thì em thấy chuyện này rất bình thường, ở nước ngoài đã xảy ra nhiều, Việt Nam mình cũng nên cởi mở hơn...". Còn "chú rể" thì bộc bạch: "Em cho rằng, mình hãy nghĩ nó cũng đơn giản thôi. Trong tình yêu và cuộc sống đều có những khó khăn riêng. Như những cặp nam nữ khác, nhiều cặp còn bị phản đối. Còn chuyện của em, ban đầu biết, mẹ em cũng có buồn trong một vài tháng, sau đó mẹ nói với em rằng quan trọng là con cảm thấy hạnh phúc".

Được biết cặp đôi là Linh - Minh vốn là bạn học của nhau tại Trường Raffles Hà Nội (thuộc Tập đoàn Giáo dục Raffles - chuyên về kinh doanh và thiết kế của Singapore). Khi mới gặp nhau, Linh thì ấn tượng mái tóc đỏ rực của Minh, và ngược lại Minh cũng ấn tượng không kém với mái tóc dài của "đối phương", rồi yêu nhau. Khi tình yêu "chín muồi", họ đã quyết định đi đến đám cưới.

Và dường như, đám cưới này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ bạn bè của cô dâu, “chú rể”. Sự có mặt của mẹ “chú rể” cũng là một niềm động viên rất lớn đối với một đám cưới được cho là đặc biệt này.

Một người bạn của cô dâu tỏ ra khá vui mừng trước hạnh phúc của đôi bạn trẻ: "Mình thích thế! Dù sao thì mình thấy phụ nữ tốt hơn đàn ông nên được như thế thì tốt!". Khi được hỏi bạn có sẵn sàng lấy một cô gái làm chồng không, cô trả lời: "Nếu mà yêu thì lấy chứ. Nhưng mỗi tội là không yêu thôi. Dù sao lấy được phụ nữ vẫn tốt hơn". Cô gái này nêu ra đủ lý do: "Ít nhất là sẽ không ngoại tình này, không đi uống bia bỏ bê vợ con... Hai người đều là con gái nên dễ hiểu nhau hơn, dễ thông cảm cho nhau hơn (!?)".

Thậm chí, một độc giả còn mạnh miệng tuyên bố: "Đây là phát súng mở màn cho phong trào phụ nữ bình quyền, chống lại trào lưu "Chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau" bằng trào lưu mới "Chỉ có phụ nữ mới đem lại hạnh phúc cho nhau".

Tuy nhiên, cũng đã có những ý kiến tỏ ra băn khoăn về tương lai của cặp đôi này. "Cái em mà được gọi là "chú rể"  thì cũng thấy có tí chững chạc, còn cái em là cô dâu thì thấy hơi nhí nhố, cảm giác như em đang mạo hiểm với cuộc đời để có được những giây phút kỳ quặc như kia. 19 tuổi - còn quá trẻ để có thể tự quyết định điều gì lâu dài cho tương lai" - một độc giả chia sẻ. Có bạn nghĩ xa hơn: "Hai đứa con gái mới đầu lấy nhau về thì thích. Như kiểu bạn thân với nhau thì cái gì cũng chia sẻ được nên thấy hợp là đúng. Xong rồi cưới nhau về, sống với nhau lâu ngày, bản tính đàn bà trỗi dậy. Lúc đấy mới sinh chuyện". Cũng có một số lại còn lo xa hơn: "Về lâu dài hai người muốn có con thì sẽ thế nào?".

Trào lưu... giả Les?

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi mới phát hiện ra rằng, hiện nay có một bộ phận giới trẻ đang xuất hiện một trào lưu... giả đồng tính. Một chuyên gia tâm lý của Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng kể lại cho chúng tôi về những ca tư vấn đáng nhớ của mình.

Cách đây khoảng vài tháng, Thu (học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội) được bố mẹ đưa đến với nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt. Theo lời cha mẹ cô gái thì con mình "bỗng dưng bị... les", nhờ các chuyên viên tư vấn viên giúp đỡ cháu.

Sau khi tìm hiểu, chuyên gia tâm lý phát hiện xuất phát điểm là những trò chơi rất vô tư, hai bạn gái học cùng lớp từ bậc tiểu học tỏ ra rất quấn quýt nhau. Chúng nhận nhau là vợ vợ, chồng chồng. Sau đó một trong hai cô gái có sự đổ vỡ tình cảm đối với một bạn nam. Vậy là cả hai thỏa thuận quyết không chơi với bạn khác giới nữa. Thậm chí, Thu và bạn gái còn có quan hệ tình cảm. Rất may sau một thời gian điều trị, cô nữ sinh kịp thoát ra khỏi trò chơi nguy hiểm.

Trào lưu giả Les của một cặp học sinh phổ thông.

Một trường hợp khác là một cô gái người Nghệ An ra Hà Nội ôn thi đại học. Cô gái này kể: "Em có người chị họ đang học ở Hà Nội, nên em được chị giúp đỡ cho ở cùng trong nhà trọ. Hàng ngày em đi học ở lớp luyện thi gần trường, buổi tối em ngủ với các chị sinh viên cùng phòng với chị họ em. Thế rồi có một chị cùng phòng chăm sóc, yêu quý em ra mặt. Chị mua quà, tặng khăn, mua váy cho em. Đi đâu chị ấy cũng rủ em đi cùng và có lúc còn giới thiệu với mọi người rằng em là "người yêu" của chị ấy. Có hôm chị bỏ tiết về phòng ngủ với em vì biết em đang học ở nhà một mình.

Em bắt đầu xa dần người chị họ của mình, bám chặt lấy "chị yêu". Những khi chị ấy phải đi thực tập, hay có việc về quê là em nhớ chị ấy tới mức mất ăn, mất ngủ, đầu óc không tập trung vào học được nữa. Lúc nào em cũng thèm được chị ấy "yêu". Có hôm chị ấy bận học, không chú ý tới em, em đã làm nũng chị ấy, giả vờ giận dỗi và chủ động đòi hỏi chị ấy yêu mình. Em đã trở thành một người đồng tính nữ thật sự rồi”.

Cô gái này một mực cho rằng cô không thể nào quên được mối tình với "chị kia", sẽ tìm gặp chị ấy, van xin chị ấy đừng bỏ cô, cô sẽ hiến dâng trọn đời cho chị ấy, không thèm lấy chồng. Chuyên gia tư vấn đã phân tích cho cô hiểu rằng cô không phải là người đồng tính luyến ái, dù có tham gia vào trò tình dục đồng giới.

"Tôi khẳng định cô là cô gái bình thường, nhưng đã bị lôi kéo vào trò chơi tình dục tới mức tưởng đánh mất giới tính thật của mình" - vị này nói. Tuy nhiên, bên cạnh một số cô gái bị lôi kéo, thì cũng có những em gái do chưa ý thức được trò chơi nguy hiểm này mà coi đó như một cái mốt. Giờ ra đường cứ phải ôm, hôn nhau một cách tự nhiên để khẳng định thương - hiệu - lạ. Không những chơi lẻ cặp, mà các bạn còn lập hội, nhóm. Nhan nhản trên blog những cái tên: "Đồng tính hội", "Trụy lạc hội"...

Nếu thương nhau thì... cứ ở với nhau

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, người rất quen thuộc với thính giả của Đài tiếng nói Việt Nam thông qua chuyên mục "Cửa sổ tình yêu" phân tích. Trước tiên, cần phải nhận thức một điều rằng, đồng tính nữ cũng như đồng tính nam (gay) là một hiện tượng có thật trong xã hội và tồn tại một cách khách quan cùng với sự phát triển của loài người. Theo những nghiên cứu khoa học gần đây nhất thì hiện tượng đồng tính chiếm từ 1,5-2% dân số trên thế giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ này cũng xêm xêm. Như vậy có nghĩa là ở nước ta số người đồng tính luyến ái lên tới con số... cả vạn.

Tuy nhiên, hiện tượng này lâu nay hình như chưa được quan tâm một cách đúng mực. Nếu có quan tâm thì cũng hay bị đề cập tới những mặt trái. Tỉ dụ như trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta hay bắt gặp người đồng tính gây án, hay vi phạm pháp luật...; chứ hiếm khi gặp các hình ảnh tích cực.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: "Theo thời gian hai bạn trẻ này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức".

Về đám cưới của hai bạn trẻ đồng tính nữ, nếu xét trên phương diện pháp luật thì là chưa đúng. Pháp luật Việt Nam hiện tại chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Còn trên khía cạnh đạo đức, xã hội thì dường như cả cô dâu và “chú rể” có tuổi đời còn quá trẻ (cả hai đều 19 tuổi). Có thể ở trong thời điểm này, họ cảm thấy "không thể sống thiếu nhau được", và muốn chứng tỏ cho cả xã hội thấy rằng: "Tôi hoàn toàn có thể sống bằng tình cảm và khả năng của mình". Tuy nhiên, theo thời gian hai bạn trẻ này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, về phương diện xã hội khi mà công khai chuyện của mình cho toàn thể mọi người biết thì hai bạn sẽ khó tránh khỏi những con mắt tò mò soi mói của người khác; không muốn nói là những lời bình phẩm sẽ có thể khiến cả hai bị tổn thương.

Thứ hai, hôn nhân - ngoài chuyện là kết quả của một tình yêu đẹp, là đích đến của những tình cảm luyến ái giữa hai người nam và nữ - thì cũng còn là để duy trì, phát triển nòi giống. Giả sử một cặp hôn nhân dị tính luyến ái, khi mà tình cảm của hai người sau một thời gian bị phai nhạt, thì đứa con, tài sản chung của hai người... sẽ là thứ níu kéo họ ở lại với nhau. Nói như vậy cũng không hẳn là lấy nhau chỉ để sinh con, song đứa con sẽ là một sự ràng buộc đối với cả hai vợ chồng. Và rõ ràng là hai người đồng tính nữ sau kết hôn thì những yếu tố ràng buộc hầu như là rất ít ỏi.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết, ông đã tiếp xúc với một số lượng không nhỏ người đồng tính, và thấy rằng, thông thường, với những người đồng tính thực sự thì họ luôn có xu hướng muốn ẩn mình, và hôn nhân không phải là điều mà họ bắt buộc phải hướng tới. Bởi vậy nếu hai người đồng tính mà có tình cảm với nhau, thì nên cứ "lặng lẽ" dọn về sống chung. Không cần thiết phải làm đám cưới một cách rình rang. Trên thực tế cũng đã có nhiều cặp đôi làm như thế.

Dĩ nhiên có thể cho rằng, đám cưới của đôi bạn trẻ Minh - Linh là "lá cờ đầu", muốn khẳng định sự bình đẳng trong xã hội của người đồng tính. Song ngay trong lễ cưới của mình thì "chú rể" Quang Minh vẫn phải mặc một bộ đồ rất "nam tính". Và khi mà xã hội vẫn còn chưa có cái nhìn "cởi mở" lắm đối với người đồng tính, thì tốt hơn hết không nên làm rùm beng, gây sự chú ý.

Đề cập tới trào lưu... giả đồng tính, chuyên gia tâm lý này cho biết, một người để khẳng định là đồng tính thì phải thỏa mãn 3 yếu tố. Thứ nhất là đó phải là người trưởng thành, có ý thức nhận thức đầy đủ về bản thân. Thứ hai, phải có tình cảm yêu thương người đồng giới như tình cảm nam nữ. Thứ ba phải có khát khao tình dục đồng giới. Nếu thiếu đi một trong 3 yếu tố này thì không thể nói một người là đồng tính luyến ái được.

Chuyên gia tâm lý này cũng khuyến cáo, tình trạng giả đồng tính xảy ra hiện nay hoặc do các bạn trẻ a dua học đòi, coi đó là thứ mốt. Song cũng không loại trừ do bị gia đình quá khắt khe trong chuyện bạn bè khác giới. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm tới những biến chuyển về tâm sinh lý, tình cảm của con em mình

Minh Tiến – Chuyên đề ANTG tuần số 1021
.
.
.