Lên Tây Thiên… cai nghiện game

Thứ Bảy, 12/09/2009, 15:59
Mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đón vài trăm lượt chúng sinh lên để tu nhân tích đức trong mùa an cư kết hạ. Năm nay trong số đó có nhiều phụ huynh còn đưa cả con em mình lên cùng. Phần lớn các em là những học sinh chưa ngoan, còn ham chơi bời và đặc biệt có một số lượng không nhỏ là nghiện game, Internet. Sau một thời gian "tập tu", hầu hết các em cảm thấy tinh thần phấn chấn, sức khỏe khá hẳn lên.

Có thể nói, tình trạng học sinh, sinh viên nghiện game, Internet... đang là "vấn nạn" của toàn xã hội. Đã có không ít hồi chuông "cảnh tỉnh" mà tác dụng chưa được là bao. Thế nhưng, mùa hè vừa qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bỗng dưng trở thành "trung tâm cai nghiện game" cho cả trăm "con nghiện"...

Khi "con nghiện" trở thành... cư sĩ

Lúc ấy là khoảng 3h30 sáng, khi đất trời Tam Đảo còn chìm trong màn sương sớm, người ta đã thấy hàng trăm thanh, thiếu niên vận áo nâu sồng đầu chưa xuống tóc mà cũng chẳng hề để chỏm, tề tựu đông đủ trong ngôi Đại hùng Bảo điện của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên để tọa thiền.

Cuộc tọa thiền kéo dài khoảng một giờ rưỡi. Thi thoảng có những "cư sĩ nhí" ngọ ngoạy tay chân, song không dám động cựa mạnh vì sợ ảnh hưởng tới các bạn chung quanh. Bên tả ngôi chính điện có cô bé áng chừng 10 tuổi khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ đang nhẹ nhàng xoa đôi bàn chân hằn đỏ. Có lẽ cô bé chưa quen phải ngồi lâu như thế này. Thế rồi em lại tiếp tục nhẹ nhàng khoanh chân nhắm mắt ngồi thiền cùng với chúng bạn.

Các cư sĩ nhí đang ngồi thiền.

Đại Đức Thích Trúc Thông Phổ cho biết, đây là lớp tập tu của lũ trẻ ở dưới xuôi lên. Chúng được cha mẹ đem lên đây gửi gắm và nhờ nhà chùa trông nom, dạy dỗ từ đầu mùa hè.

Bắt đầu từ mùa an cư kết hạ năm nay, có rất nhiều tăng sĩ cùng chúng sinh tập trung về Thiền viện. (An cư kết hạ nghĩa là tọa tại chùa vào mùa nhập hạ, là khoảng thời gian các tăng sĩ tu kín trong chùa, ít đi ra khỏi nơi tu hành. Các sư sẽ tập trung tu tập cho việc hành đạo nhất là tu tập thiền định, thực hành bát chính đạo). Mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đón vài trăm lượt chúng sinh lên để tu nhân tích đức trong mùa an cư kết hạ. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Và trong số đó có nhiều phụ huynh còn đưa cả con em mình lên cùng.

Phần lớn các em là những học sinh chưa ngoan, còn ham chơi bời và đặc biệt có một số lượng không nhỏ là nghiện game, Internet. Sau một thời gian "tập tu", nhiều em đã có những biểu hiện tích cực. Hầu hết đều cảm thấy tinh thần phấn chấn, sức khỏe khá hẳn lên.

Tiếng lành đồn xa, khách thập phương cứ ùn ùn đưa con em lên nhờ "nhà chùa" dạy bảo giúp. Lúc cao điểm, tại Thiền viện có tới 70 em nam và hơn 30 em nữ có mặt để tập tu.

Vào thăm nơi sinh hoạt của các em trai, chúng tôi gặp bé Minh, hiện là học sinh một trường tiểu học trên quận Thanh Xuân. Cậu bé nằn nì xin cho mượn cái điện thoại di động chơi trò xếp hình. "Cái trò ấy là hạng bét, nhưng chẳng qua là cháu thèm chơi quá thì muốn chơi tạm thôi". Kể cả trẻ em lẫn người lớn, khi lên Thiền viện, điện thoại di động tất tật bị "lưu kho", bao giờ xuống núi sẽ trả.

Vũ Hữu Nam (nhà ở tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng được bố mẹ đưa lên đây được gần một tuần. Nam kể, lên đây cậu được làm những công việc mà trước nay cậu chưa bao giờ biết đến. Bắt đầu từ việc tự gấp chăn màn, quét nhà, nhổ cỏ, tập nấu cơm bằng bếp củi (dẫu ở đó có nồi cơm điện!), tự giặt quần áo (các cháu đều cho hay ở nhà toàn chị hoặc bác "ôsin" làm), bữa đến xếp hàng ngay ngắn, áo tu hành chỉnh tề, bưng bát đĩa của mình xuống núi ăn cơm trong nhà ăn tập thể, tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và Kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn.

Một ngày của bọn trẻ (được gọi là các cư sĩ) bắt đầu vào 3 giờ rưỡi. Sau hơn 1 giờ ngồi thiền, các cư sĩ trở lại phòng thu xếp chăn màn giường chiếu. Đến 5h, các cư sĩ được chia thành nhiều khu vực quét tước, dọn dẹp sân vườn. Các em gái thì xuống bếp phụ nấu ăn.

6 giờ kém 15 phút, một hồi kẻng vang lên. Tất cả tăng, ni, cư sĩ xếp thành hàng một, mỗi người cầm một cái bát xuống nhà ăn. 8h, các cư sĩ chuẩn bị sách vở lên giảng đường. Tại đây, mỗi ngày một vị cao tăng sẽ đăng đàn giảng về Chính đạo ca và Kinh pháp bảo đàn. Nếu cư sĩ nào không "mặn mà" với việc nghe giảng thì có thể về phòng đọc sách.

Đại Đức Thích Trúc Thông Phổ cho chúng tôi biết, tiếng là tập tu nhưng các thầy cũng phải lựa theo tâm lý của chúng mà bảo ban dạy dỗ, tức là vừa lấy cái lòng bao dung, độ lượng vừa lấy cái kỷ cương của nhà chùa để giáo huấn. Ví như chuyện phổ độ triết lý nhà Phật cũng không thể tùy tiện rao giảng như đối với những người đã quy y mà đôi lúc phải nhẹ nhàng bằng cách lồng ghép những câu chuyện thực tế diễn ra trong cuộc sống.

Chúng tôi lặng lẽ tìm một chỗ ngồi để nghe Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương giáo huấn về cái lẽ đúng sai của việc bẻ cành hái lộc ngày xuân. Thầy vừa nêu "đề bài", ở dưới đã có tiếng xì xào, lao xao bàn tán. Đợi cho đám đông hồi tâm trật tự, thầy mới thuyết rằng: "Thân cây cũng như thân người, nó cũng là loài biết sống và biết vươn lên giúp ích cho đời sao ta lại nỡ lòng nào bẻ cành vặt lá chỉ vì một chút lòng tin u mê tăm tối. Ấy là chưa kể đến việc ta đang ra tay hủy hoại môi trường, tiêu diệt chỗ sống của chính ta".

Rồi như chuyện trước mỗi bữa ăn, các em lại đọc một bài kệ để nhớ tới công ơn nông phu đã từng một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi sống chúng sinh. Hoàng Anh (21 tuổi, hiện trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) kể từ ngày lên Thiền viện tập tu, bữa cơm nào cậu cũng ăn rất ngon lành và ăn hết sạch sành sanh mọi thức ăn. Bởi nếu bỏ dư thừa một chút cũng là có tội.

Xếp hàng đi ăn.

Ngay cả chuyện đơn giản như... quét sân, quét nhà cũng chứa đựng nhiều bài học bổ ích. Hoàng Anh kể, khi ở nhà anh không bao giờ phải động đến cái cán chổi, song khi lên đây Hoàng Anh được các sư thuyết giảng về tầm quan trọng của lao động trong cuộc sống. Rằng con người muốn tồn tại, phát triển cần phải học tập để có tri thức, lao động để nâng cao sức khỏe.

11h, toàn thể tăng ni cư sĩ lại rồng rắn xếp thành hàng một xuống ăn trưa. 14h chiều, các cư sĩ sẽ được học đạo Phật với tuổi trẻ. Tới 15h30 thì các em được nghỉ lo vệ sinh cá nhân và đi ăn chiều. 17h45, toàn thể chư ni lại tập trung tại tăng đường để tụng kinh sám hối 6 căn (một tác phẩm của Vua Trần Thái Tông với mong muốn chư đạo học để bảo vệ các giác quan, tránh làm điều tội lỗi). 19h30 là giờ tọa thiền cho đến 21h. Đúng 22h, toàn bộ chư tăng đều phải lên giường nằm ngủ.

"Trước việc chúng sanh đưa con em lên nhờ dạy dỗ, ban đầu nhà chùa rất lúng túng" - Đại Đức Thích Trúc Thông Phổ kể tiếp. Vì trước nay ở Việt Nam nói chung và Thiền viện nói riêng chưa hề có tiền lệ "dạy học" cho một lúc hàng trăm học sinh như thế. Có phụ huynh còn đưa cả con em mới 7, 8 tuổi lên nhờ vì... không dạy nổi con. Lại nữa, có không ít các cháu là những học sinh cá biệt, thường xuyên "tung hoành" ở cõi trần mà không chịu bất kỳ một sự quản lý nào. Các sư cũng rất băn khoăn, liệu Phật pháp từ bi có "dung" nổi lũ học trò chuyên nghề quậy phá?

Hội đồng tăng ni phải mở một cuộc họp bàn về việc sẽ giải quyết nơi ăn chốn ở, phương pháp dạy dỗ các "cư sĩ nhí" như thế nào. Cuối cùng, với tinh thần hoằng hóa độ sinh, Thiền viện quyết định sẽ nhận tất cả những học trò mà chúng sinh gửi gắm. Phòng khách không còn đủ chỗ chứa, Sư trụ trì quyết định đưa các tăng ni lên khu trước đây là nhà ăn để lấy phòng cho các học sinh dọn vào ở. Thế rồi Thiền viện lên kế hoạch cắt cử người phụ trách, phân công cao tăng hàng ngày giảng đạo cho các em.

"Phát tâm tỉnh giác, lìa chỗ tối tăm, xa rời đường dữ"

Nhớ lại những chúng sinh ngỗ nghịch từng tập tu tại chùa, Đại đức Thích Trúc Thạnh Trí nói với giọng phấn khởi. Có nhiều cháu khi mới được gia đình đưa lên đây, mắt trước mắt sau chỉ định... trốn về. Có cháu thì kiên quyết không thực hiện theo nội quy của nhà chùa... Nhưng sau một thời gian ở đây thì tinh thần, tính khí lại đổi khác hẳn.

Thầy Huệ tín kể cho chúng tôi nghe chuyện một thanh niên 21 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình được cha mẹ đưa lên Thiền viện với một triệu chứng gần như... tâm thần. Khi được dẫn lên gặp các sư, anh ta ngồi trên ghế mà cái đầu vẫn luôn luôn... lắc lư giống như đang lắc theo tiếng nhạc. Hai tay thì cũng huơ trên mặt bàn như đang chơi game trên bàn phím. Phụ huynh cho biết, anh ta nghiện nặng game Audition tới mức quên ăn quên ngủ. Ở nhà chơi game đã đành, đến trường cũng thường xuyên bỏ học để online chơi game trên mạng. Phụ huynh anh ta bảo, nếu mang lên Thiền viện mà không đỡ thì chắc phải đưa nó lên bệnh viện tâm thần hoặc... trói ở nhà.

Rồi lại có trường hợp một cử nhân 27 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân. Anh này cũng là một "đồng đạo" của game online Võ lâm truyền kỳ. Có lẽ do chơi game không điều độ nên khi được đưa đến Thiền viện, mặt mũi anh ta lúc nào cũng đờ đẫn. Thế rồi lúc cười, lúc khóc...

Quét dọn sân chùa là công việc thường ngày của các game thủ lên đây cai nghiện game.

Điều chẳng ai ngờ tới là hầu hết các trường hợp khi phụ huynh đã... bó tay trong việc dạy dỗ con cái thì sau khi nhận lại con em từ nhà chùa, họ không thể nhận ra được những đứa con "ngỗ nghịch" ngày xưa nữa. Một cô giáo nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự. Cô đã dạy con tới gần chục năm, mà không bằng việc cho con 10 ngày trên Thiền viện.

Sư trụ trì cùng các cao tăng thông qua các cuộc nói chuyện, giảng kinh đã khơi lại cho các em giá trị rằng mình là một con người. Ở đây các em được tôn trọng, không bị cưỡng ép, đánh mắng. Các em được dạy "sớm phát tâm tỉnh giác, lìa chỗ tối tăm, xa rời đường dữ".

Đinh Hoàng Anh là một "con nghiện" nặng của game online. Nghiện đến nỗi cha mẹ không thể can ngăn nổi, phải đưa lên đây nhờ sư trụ trì giúp đỡ. Hoàng Anh thú nhận có lúc mê chơi game đến quên ăn, quên ngủ. Cậu ta có thể chơi suốt 3 ngày liền mà không thấy mệt mỏi. Đang làm phụ lái xe cho người bác, nhưng vì mê game quá nên cậu ta không làm được việc gì cho ra hồn. Thế nhưng sau hai tuần ở trên này với các tăng ni, Hoàng Anh đã thay đổi hẳn. Mọi sinh hoạt đã đi vào nề nếp, Hoàng Anh không thấy những trò chơi điện tử thúc bách nhiều như trước nữa.

Khi được cha mẹ lên đón về, nhiều em bật khóc và nằng nặc đòi ở lại. Thu Trang, nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự: "Ở đây em có những ngày sống trong êm ấm, an lành, có những người bạn hiền hậu tốt bụng". Cha mẹ Trang phải hứa năm sau lại cho lên tập tu thì em mới chịu về nhà.

Gặp lại Vũ Hữu Nam sau khi em đã tập tu được một thời gian và dự lễ Vu Lan báo hiếu tại Thiền viện, tôi trông em "sáng láng" hơn hẳn ngày đầu. Nam đã hiểu thêm những bài học về cuộc sống, về đạo làm con. Mẹ của Nam kể, cháu nó đã biết nghe lời cha mẹ hơn, bớt chơi bời lêu lổng. Bữa cơm nào cũng quanh quẩn giúp mẹ nhặt rau, vo gạo...

P>
Thời gian trên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ giúp các em tĩnh tâm, xa rời những trò chơi có hại.

Đúng là game online đang trở thành một vấn nạn lớn đối với thế hệ trẻ. Việc phải đưa các “con nghiện game” lên cửa chùa để cai nghiện đã cho thấy chúng ta đang “tuyệt vọng” chống trả sự bùng nổ của thứ trò chơi hiện đại này. Và một bi kịch cho xã hội là trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của game online thì một số phương tiện thông tin mà đặc biệt là các đài truyền hình lại hăng hái nhiệt tình quảng cáo cho thứ trò chơi này. Đúng là họ chỉ vì tiền. Đã đến lúc cần phải cấm quảng cáo game online giống như cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi

Minh Tiến - ANTG số 891
.
.
.