Lập công xuất sắc cho ngày đại thắng mùa xuân

Thứ Bảy, 28/04/2012, 19:09
Với sự chi viện tích cực nhân lực cũng như vật lực từ Miền Bắc, lực lượng An ninh miền Nam đã có những chiến công xuất sắc, những chiến công thầm lặng đó đã góp phần tiết kiệm xương máu chiến sỹ và đồng bào, tạo nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Cuối năm 1961, nhằm tăng cường lực lượng cho công tác xây dựng cán bộ khung các cấp cho lực lượng An ninh miền Nam, Bộ Công an đã lựa chọn nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ưu tú các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp Phó trưởng Ty và Phó Cục trưởng về trường Công an TW để bồi dưỡng nhiệp vụ, chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 2/1962, đoàn cán bộ, sỹ quan Công an chi viện cho chiến trường gồm 260 đồng chí đã lên đường vào Nam làm nhiệm vụ, bổ sung cho lực lượng An ninh Khu V 89 đồng chí; chiến trường B2 gồm các tỉnh Nam Bộ và TW Cục 160 đồng chí…

Nhằm chuẩn bị triển khai kỹ thuật mới cho Cơ yếu An ninh miền Nam, tháng 4/1966, Bộ Công an đã chọn 14 cán bộ, sỹ quan Công an vũ trang để huấn luyện về kỹ thuật mật mã. Từ đội ngũ cán bộ Công an chi viện này, tháng 6/1968, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã có đủ lực lượng để thành lập phòng cơ yếu.

Ngày 24/7/1971, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục điều động 500 cán bộ gồm Công an huyện, Cảnh sát, trinh sát, Công an vũ trang, cơ yếu, thông tin để chi viện cho lực lượng An ninh miền Nam. Năm 1972, đoàn cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam tiếp tục có 816 đồng chí. Từ sự chi viện này, đến năm 1972, hệ thống thông tin, cơ yếu của lực lượng An ninh miền Nam đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 29 vào tháng 12/1974, để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, Bộ Công an một lần nữa chỉ đạo khẩn trương tập trung bồi dưỡng cán bộ để lên đường chi viện cho kịp với diễn biến tình hình chiến tranh ở miền Nam. Từ tháng 1/1975 đến ngày 29/4/1975, Bộ Công an đã chi viện An ninh miền Nam 4.500 cán bộ, sỹ quan Công an.

Đồng chí Trần Quốc Hương kể chuyện về cụm điệp báo A10.

Theo Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, nguyên Chánh văn phòng An ninh Trung ương Cục miền Nam, đón nhận chi viện to lớn từ miền Bắc, từ cán bộ lãnh đạo, cán bộ cốt cán cho đến vũ khí khí tài, phương tiện kỹ thuật… Đặc biệt là đội ngũ cán bộ Công an chi viện từ miền Bắc qua huấn luyện chính quy đã góp phần đào tạo, xây dựng và kết hợp với lực lượng An ninh tại chỗ đáp ứng kịp thời các diễn tiến của cuộc đấu tranh chống tình báo, gián điệp của địch ở miền Nam.

Chi viện của lực lượng Công an từ miền Bắc liên tục về mọi mặt đã tạo điều kiện cơ bản cho An ninh miền Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Đặc biệt, lực lượng điệp báo An ninh miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Trung ương Cục đã tổ chức được nhiều mạng lưới điệp báo tại các đô thị lớn ở miền Nam; tổ chức tốt công tác nắm tình hình địch và đấu tranh vũ trang để phá kìm, diệt ác trừ gian; bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng miền Nam.

Ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng tư lịch sử, ông Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Nội chính Trung ương – Phó trưởng Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ thời kỳ chống Mỹ, khẳng định: Để có thể chấm dứt cuộc chiến một cách nhanh gọn, chúng ta đã tiến công bằng “3 mũi giáp công”. Cùng lúc ngoài quân chủ lực ở trong đánh ra, ngoài đánh vào còn có lực lượng An ninh, điệp báo đã được ta cài cắm vào hàng ngũ của địch. Thực tế đã chứng minh, trong ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vai trò của mũi tiến công thứ 3 là khá quan trọng.

Lúc 10h30 quân giải phóng mới tiến vào Sài Gòn, nhưng 8h30 Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Ông Mười Hương kể, ngay sau giờ phút giải phóng, trả lời câu hỏi của đồng chí Lê Đức Thọ: Lực lượng nào tác động chính đến việc nhanh chóng tuyên bố đầu hàng? Dương Văn Minh đã khẳng định ngay: Nhóm họa sỹ Ớt, thuộc cụm điệp báo A10 vẫn hằng ngày thân cận với Dương Văn Minh. Họa sỹ Ớt chính là đồng chí Huỳnh Bá Thành, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh sau này. Ngưng một lát, đồng chí Mười Hương giải thích, nếu không có việc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhanh chóng khiến ngụy quân tan rã, thì không biết Sài Gòn khi đó sẽ ra sao; đồng bào, chiến sỹ ta sẽ còn biết bao nhiêu người phải đổ máu ngay tại sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền…

Nhắc tới cụm điệp báo A10, ông Mười Hương bồi hồi nhớ lại, trước khi ra Hà Nội họp hội nghị Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhắc ông là bằng mọi cách phải tác động để “dựng” được Dương Văn Minh lên làm tổng thống ngụy để có lợi cho cách mạng. Được cơ sở của ta ở Thượng viện và Hạ viện chính quyền ngụy hỗ trợ, nhưng ông Mười Hương vẫn bàn với anh em An ninh lập ra cụm điệp báo A10 để tác động cho Dương Văn Minh lên làm tổng thống ngụy.

Theo đánh giá của ông Mười Hương, sự kiện Dương Văn Minh lên làm tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy quyền đã đem lại cơ hội để các lực lượng của ta tác động, sử dụng con bài Dương Văn Minh. Bởi ngoài việc thân cận với một số thành viên của cụm điệp báo A10, đây là tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa không phải do Mỹ dựng lên. Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhậm chức, lập tức ngày 28/4/1975, ông Mười Hương cử thành viên cụm điệp báo A10 tiếp cận và lật bài ngửa với ông Minh. Chỉ là những trí thức trẻ gồm sinh viên, nhà báo, luật sư… được ông Mười Hương trực tiếp xây dựng và chỉ huy, song cụm điệp báo A10 đã lập được những chiến công xuất sắc.

Nhưng điều khiến ông Mười Hương tâm đắc hơn là dù trải qua nhiều cuộc đấu trí cam go, không cân sức, các thành viên cụm điệp báo A10 vẫn vững vàng vượt qua. Để rồi cả tổ còn vẹn nguyên chứng kiến thời khắc lịch sử giữa Sài Gòn trong ngày giải phóng

Đ.T.
.
.
.