Lão đồng chí 100 tuổi đời, 83 tuổi đảng

Thứ Bảy, 02/02/2013, 20:28
Ở phường Khương Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) có một đảng viên rất đặc biệt. Đặc biệt là bởi, người đảng viên này đã tròn 100 tuổi ta (sinh ngày 8/3/1914) và có 83 tuổi Đảng. Có lẽ đến thời điểm hiện tại (tháng 2/2013), đây là trường hợp duy nhất ở Hà Nội, thậm chí là cả nước, vẫn còn bình sinh một người vào Đảng từ năm 1930.

Gần đây do cụ tuổi cao, sức yếu nên các đồng chí trong chi bộ đề nghị không phải sinh hoạt định kì, cụ đồng ý nhưng vẫn đóng đảng phí đều đặn... Đó là lão đồng chí Phạm Thị Trinh.

Chúng tôi đến thăm người đảng viên đặc biệt và không khỏi ngạc nhiên về sức khỏe và sự minh mẫn của người lão đồng chí 100 tuổi. Cụ cười rổn rảng, tự hào khoe mình đã đạt tuổi bách niên: “Bà tuổi Giáp Dần - 1914, năm nay tròn 100 theo tuổi các cụ!”. Rồi cụ Trinh kể về những ngày mới tham gia cách mạng, cầm cờ dẫn đầu đoàn người biểu tình ở xã kéo lên huyện đấu tranh với quan phủ, quan huyện... Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, nhưng toát lên từ người đảng viên kì cựu 83 tuổi đảng là bầu nhiệt huyết cách mạng, vẫn vẹn nguyên ở tuổi thanh xuân.

Cụ Trinh ra ở xã An Phú (nay là xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Cụ là con thứ mười một trong gia đình, nên thường gọi là cô Một – theo lối địa phương. Những người anh của cụ đều tham gia cách mạng từ sớm: Người anh thứ sáu là Phạm Ngọc Trân thời kháng chiến chống Pháp là Trưởng ty Công an Quảng Ngãi; anh thứ mười là Phạm Kiệt, sau này là Trung tướng, Tư lệnh lực lượng CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng)...

Bước vào tuổi 100, cụ Trinh vẫn có trí nhớ lạ thường. Có những sự kiện cách nay hơn 80 năm, cụ còn nhớ được chính xác cả ngày xảy ra. Cụ hào hứng kể lại buổi đầu tiên tham gia cách mạng sau khi được biết tin về những cuộc biểu tình có cả các anh trai mình tham gia, xảy ra ở Sơn Tịnh đầu tháng 10/1930. Năm đó, cô gái Phạm Thị Trinh mới tròn 16 tuổi. Được giác ngộ cách mạng từ những người anh trai, công tác đầu tiên cô Một tham gia là rải truyền đơn, rồi treo cờ búa liềm ở chợ huyện...

Dù đã bước sang tuổi 100 nhưng lão đồng chí Phạm Thị Trinh vẫn mạnh khỏe, minh mẫn và vẹn nguyên niềm tin vào con đường đã chọn.

Cụ Trinh kể: “Nhiều lá cờ treo trên những ngọn cổ thụ, bọn tuần phủ, chức dịch không kịp gỡ nên cờ bay mãi đến trưa. Đồng bào kéo nhau đi xem rất đông. Còn truyền đơn, khẩu hiệu được dán chặt vào tường đình, tường miếu, gốc cây làm chúng rất khó gỡ. Trên nóc miếu cũng gài nhiều truyền đơn, có cơn gió thì truyền đơn bay ra tứ tung... Bọn chức dịch ngạc nhiên, tức tối vì không bắt được người rải truyền đơn mà thi thoảng truyền đơn lại ở đâu bay xuống như có phép thuật”.

Không những thế, một số tên cường hào, ác bá còn bị những người cách mạng răn đe bằng cách tung truyền đơn, ném dây thừng, gậy gộc vào nhà, khiến chúng không dám hung hăng tác oai, tác phúc như trước.

Nhờ năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác cách mạng, cuối năm 1930, cô Một vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những ngày xông pha hoạt động, cô Một đã bén duyên với người đồng chí, đồng hương của mình là Nguyễn Chánh. Nhưng lần lượt, cả hai vợ chồng đều bị giặc bắt đi tù... Nhớ khi vợ chồng sắp làm đám cưới, cụ Trinh kể: “Cả hai bên gia đình đều không tán thành cuộc hôn nhân của bà và ông Chánh. Có một điểm chung giữa hai nhà, đều có vài ba người phải đi tù vì “tội” theo cách mạng, “tội” làm cộng sản; nên không ai muốn rước thêm về nhà mình những người sẽ phải vào tù ra tội”. Thế là, hai ông bà lại có thêm cuộc đấu tranh mới để bảo vệ tình yêu, bảo vệ hạnh phúc của mình; đến năm 1935, hai người chính thức thành vợ, thành chồng. 

Cùng chung con đường tranh đấu, nhưng hai vợ chồng cụ Trinh cũng ít khi được gặp nhau. Đồng chí Nguyễn Chánh trở thành một vị chỉ huy của Đội Du kích Ba Tơ huyền thoại, cô Một là cán bộ năng nổ của tỉnh. Trong Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, ông bà đều là những người lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Bà là Bí thư phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, sau làm Bí thư phụ nữ cứu quốc Khu V. Ông Nguyễn Chánh sau này là một vị tướng của Quân đội, Ủy viên Trung ương Đảng.

Con gái của cụ Trinh là cô Tuyết Minh, PGS.TSKH về ngôn ngữ cho biết: Sắp tới, gia đình cô sẽ tổ chức lễ mừng thọ bách niên cho bà. Cô Tuyết Minh thật thà kể: “Thực ra, bà không phải sinh trưởng trong gia đình dòng dõi, giàu có gì đâu. Lúc mới tham gia cách mạng, bà vẫn còn mù chữ đấy; nhà nghèo lắm đâu có điều kiện học hành. Hơn nữa, là con gái thì lại càng không được gia đình coi trọng việc học”. Người đảng viên kì cựu này, cuộc đời bà đúng là vừa đấu tranh, vừa học tập để hoàn thiện mình... Sau khi tham gia cách mạng, cô Một đi mua sách về tự học đánh vần, rồi hỏi thêm các đồng chí; vào tù cũng tự học, lập cả “tổ học tập” trong tù, lấy chồng đẻ con rồi vẫn học...

Một câu chuyện xảy ra trước khi cụ Trinh được học trường Nguyễn Ái Quốc không lâu. Dịp Quốc khánh 2-9-1957, cụ Trinh khi ấy vừa đi tham gia đợt “Sửa sai” trong cải cách ruộng đất về. Hay tin, đồng chí Nguyễn Chí Thanh sang thăm. Cụ Trinh kể: “Sau khi thăm hỏi, anh Nguyễn Chí Thanh đề nghị tôi cho biết suy nghĩ thật của mình. Vốn là chỗ thân quen và trên tinh thần thẳng thắn, tôi nói: “Thưa anh, việc đánh giá kẻ thù giai cấp của ta không đúng!”. Anh Thanh ngắt lời: “Bà này cả gan thật”, rồi cười khà khà bảo nói tiếp đi”. Được khích lệ, cụ Trinh đã trình bày một số thống kê rồi đưa ra kết luận của mình nhằm tránh lặp lại những sai lầm, thiếu sót… Những lí lẽ đó của người nữ cán bộ kiên trung khiến đồng chí Nguyễn Chí Thanh tâm đắc: “Bà này khá nhỉ, chưa học lí luận mà kết luận như một nguyên lí triết học”…

Dằng dặc hai thập kỉ đấu tranh, năm 1975, cụ Trinh trở về thăm quê hương núi Ấn, sông Trà của mình. Nhớ lại kỉ niệm sâu sắc đó, cụ Trinh kể: “Nghe tin bà về, cả xóm kéo đến thăm. Người thì gọi bà là cô Một, chị Một, bà Một; người thì gọi là thím Chín (gọi theo bên chồng, ông Chánh là con thứ chín). Ai nấy đều xúc động vì cứ tưởng hai năm mà thành hai mươi năm mới được trở lại quê nhà”.

Được gặp lão đồng chí Phạm Thị Trinh, tôi khâm phục một người phụ nữ đã trải qua tù đày, bị địch tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn kì lạ khi đã 100 tuổi. Chú Tường, người con trai của cụ kể: “Lúc ngoài 60 tuổi, mẹ tôi bị một cơn đau tim tưởng chết chắc rồi. Sau đận ấy, bà tự mày mò tập yoga, tự làm thuốc xoa bóp cho mình; sức khỏe dần hồi phục và giữ được đến nay. Hơn 30 năm qua, ngày nào bà cũng dậy từ 4h30 tập yoga, tự xoa bóp đến 6h. Bà thích uống atiso, thích ăn rau diếp cá... Mật ong là thứ thuốc đặc trị bệnh cảm, viêm họng, viêm loét dạ dày. Bà uống mật ong đều đặn mấy năm liền và khỏi được nhiều bệnh”...

Tạm biệt gia đình cụ Trinh, tôi chợt nhớ câu thơ của Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Ngày nay, người sống đến 70, 80 tuổi không phải là hiếm. Nhưng sống đến 100 tuổi như cụ Trinh mà còn khỏe mạnh, minh mẫn thì cực hiếm và càng cảm phục hơn bởi tấm lòng trung trinh với nước, với dân của người lão đồng chí vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu

Trần Duy Hiển
.
.
.