Lãnh tụ Fidel Castro và chuyến vào tuyến lửa Khu 4

Chủ Nhật, 14/12/2008, 08:51
Chiều 16/9/1973, nghe tin Fidel Castro đến thăm Quảng Bình, ngư dân xã Bảo Ninh, xã Quang Phú mang hải sản quý đánh bắt được đến tặng nhà bếp Ủy ban nhân dân tỉnh. Trước bàn ăn, thấy những thức ăn hải sản quý, Fidel tỏ ra băn khoăn không hài  lòng thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giải thích: "Việt Nam và Cuba là bạn thân. Bạn đến chơi nhà thì có cái gì ngon, cái gì quý nhất đưa ra đãi bạn mới thực lòng!". Nghe vậy, Fidel liền vui vẻ ngồi xuống cùng nâng cốc chúc sức khoẻ tất cả những người cùng đi...

"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến cả máu mình", đó là câu nói nổi tiếng của Fidel Castro vang lên từ Cuba, hòn đảo tự do của châu Mỹ Latinh trong những ngày Việt Nam sục sôi đánh Mỹ.

Lời nói ấy đã được thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể. Cuba không những đón nhận hàng nghìn sinh viên Việt Nam đến đào tạo miễn phí tại đất nước mình, mà còn giúp Việt Nam hàng triệu tấn đường, sữa bột, dụng cụ y tế và cả vũ khí hiện đại để đánh Mỹ, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong kinh tế và xây dựng quốc phòng.

Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết. Bom đạn vẫn còn ngút ngàn ở miền Nam, hậu quả của chiến tranh vẫn còn tiềm ẩn trong lòng đất khắp nơi ở miền Bắc, đặc biệt là ở Khu 4. Nhưng Fidel Castro là vị chính khách đầu tiên ở nước ngoài đến thăm Quảng Bình và Văn phòng Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị.

9h40’ ngày 15/9/1973, chuyên cơ chở Fidel và các vị tuỳ tùng Cuba đáp xuống sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Sau lễ đón tiếp diễn ra long trọng, Đài TNVN, các báo lớn ở Hà Nội đưa tin và thông báo lịch làm việc tiếp đó của Chủ tịch Cuba tại Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng sau đó một đoàn xe bịt kín, chở Chủ tịch Cuba và đoàn tháp tùng Việt Nam, dẫn đầu là Thủ tướng Phạm Văn Đồng với một số người cùng đi quay lại sân bay Gia Lâm.

Chuyên cơ ký hiệu AN-24 đã đậu sẵn để đón Chủ tịch Fidel và toàn Đoàn vào Khu 4. Từ trên máy bay nhìn xuống, thấy những chiếc cầu gãy gục, mặt đất nhoè nhoẹt, những hố bom chồng chất, mắt Fidel chau lại, nét mặt nghiêm trang, biểu lộ một sự hờn căm.

Đúng 10h55', chuyên cơ AN-24 đã nhẹ nhàng đỗ xuống sân bay Đồng Hới. Các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã ra đón tiếp tại sân bay. Rồi sau đó, đã sắp xếp từ trước, chỉ duy nhất hai chiếc Uóat chở toàn Đoàn lên đường ngay, tiến về phía Nam. Đại tá Nguyễn Quang Chiêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an là người được tiếp cận để bảo vệ Fidel.

Đến phà Quán Hàu đầu nguồn sông Nhật Lệ, cách thị xã Đồng Hới về phía Nam 8km đã có những vị lãnh đạo huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình, Công an bảo vệ đứng sẵn để tiễn khách sang phà. Mọi người bỗng hốt hoảng khi thấy chiếc phà bất ngờ quay tròn giữa dòng sông. Chuyện gì đã xảy ra?

Sau đó mới được biết, thấy nước sông Nhật Lệ trong xanh, núi Trường Sơn uốn lượn nhấp nhô in bóng, cảnh ngoạn mục của sông nước "non Mâu, biển Lệ", một nơi du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai của Quảng Bình, Chủ tịch Cuba yêu cầu cho phà lượn một vòng để thưởng ngoạn trước vẻ đẹp diễm lệ của thiên nhiên Việt Nam trên vùng quê vừa ngừng bom đạn giặc.

Qua khỏi phà Quán Hàu chưa đầy 1km, lại thêm một bất ngờ nữa xảy ra. Chủ tịch Fidel yêu cầu cho xe dừng lại. Bởi vì, ông thấy sát đường cái, đầu thôn Hà xã Võ Ninh, có mấy khẩu pháo "Vua chiến trường" của Mỹ mà bộ đội ta thu được ở chiến trường miền Nam đưa ra Bắc đang tập kết ở đây. Chủ tịch Fidel xoa tay lên từng khẩu pháo, vừa như mỉa mai trước một phương tiện chiến tranh chiến bại của Mỹ, vừa như thán phục, tự hào những chủ nhân của sự chiến thắng.

Đoàn xe lại lắc lư trên con đường quốc lộ 1A lổn nhổn đất đá và hố bom. Bỗng có một tiếng nổ lớn, đất đá mịt mù sát đường đoạn cuối xã Sen Thuỷ, Quảng Bình, gần giáp thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Một anh nông dân khi làm đồng bỗng vấp nổ một quả bom bi của Mỹ sót lại. Fidel khoát tay cho xe dừng lại. Ông xuống xe cùng Thủ tướng Phạm văn Đồng và bảo tài xế cùng cần vụ của mình chở ngay nạn nhân vào Bệnh viện Đông Hà để cấp cứu.

Đoạn, ông lại ngồi vào xe của Công an bảo vệ, tiếp tục lên đường. Cũng nhờ cấp cứu kịp thời mà nạn nhân được sống. Chuyện này, sau đó ít lâu các phương tiện thông tấn trong và ngoài nước đưa tin. Mọi người vô cùng thán phục, tự hào về lãnh tụ tối cao của nhân dân Cuba anh hùng.

Đoàn vào nghỉ trưa tại Vĩnh Linh, chậm mất 1 giờ theo lịch trình. Chiều đó, đi thăm địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh, Chủ tịch Cuba yêu cầu cho mình nghỉ lại ngay trong nhà hầm, nơi ngày xưa bà con Vĩnh Linh đã từng sống ở đây để sản xuất và chiến đấu. Những người bảo vệ thật vất vả trước một quyết định bất ngờ không thể cưỡng lại của Chủ tịch Cuba.

5h25’ sáng 16/9/1973, Đoàn vượt Vĩ tuyết 17. Fidel lại yêu cầu cho xe dừng lại bên cầu Hiền Lương. Đôi mắt ông lại đăm đăm nhìn dòng sông, cái cầu và nói với mọi người cùng đi: "Nơi cái chết của lịch sử đã không còn". 

Xe vào Đông Hà, lên Đường 9, ghé lại Đồi 241 ở Tân Lâm, nơi từng diễn ra cuộc chiến giữa ta và địch quyết liệt đã giải phóng từ năm 1972. Tại đây, Chủ tịch Cuba đã dự cuộc mít tinh chào mừng Đoàn của Sư đoàn Vinh Quang. Đồng chí Đồng Ngọc Vân - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Vinh Quang đã lên tặng Fidel lá cờ truyền thống của đơn vị.

Chủ tịch Fidel phất cao lá cờ và nói: "Các đồng chí hãy phất cao lá cờ này tại sào huyệt Sài Gòn!". Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước tới đã ôm hôn thắm thiết và hứa sẽ làm đúng lời chúc của Chủ tịch Fidel.

Sau đó, Đoàn về Cam Lộ, nơi đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thăm và làm việc tại đây.

Chiều 16/9/1973, đoàn xe chở Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở về. Khi đến ngã ba Đường 9, đoạn giáp Đông Hà, có một chiếc xe tăng của Mỹ bị Quân Giải phóng bắn hỏng nằm cạnh đường. Fidel Castro lại yêu cầu cho xe dừng lại. Ông leo lên xe tăng với vẻ mặt sung sướng, hân hoan và nói: "Phải đưa chiếc xe tăng này về La Habana để nhân dân Cuba tự hào về Việt Nam thắng Mỹ".

Quả vậy, sau chuyến đi đó, Chính phủ Việt Nam đã chở chiếc xe tăng này tặng Fidel Castro và nhân dân Cuba, món quà "chiến lợi phẩm" của Việt Nam thắng Mỹ tại chiến trường miền Nam.

Trên đường trở lại Quảng Bình, Fidel Castro đã ghé thăm Dốc Miếu, nơi trước đây Mỹ đã đặt hàng rào điện tử Mắc Namara. Lúc này, khắp nơi ngổn ngang những chiến hào, dây thép gai bùng nhùng và những khẩu pháo 105 gục nòng.

Fidel Castro còn ghé thăm Đội nữ Pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình, Đơn vị Anh hùng đã hai lần bắn cháy tàu chiến Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác. Ông bắt tay từng người tại trận địa, miệng luôn luôn nở một nụ cười tươi như muốn chia sẻ niềm vui với những cô gái miền biển từng làm nên chiến công thắng Mỹ vang dội.--PageBreak--

Đi ngang thị xã Đồng Hới tan tành, đổ nát do đế quốc Mỹ gây nên suốt 18 năm qua, duy nhất còn lại một cây đa gãy cành và 8 gốc dừa nham nhở vệt bom chém, nhựa ứa bầm tím và sạm đen thân lá đứng dọc bờ sông Nhật Lệ, Chủ tịch Fidel Castro bất ngờ yêu cầu cho xe dừng lại. 15 phút, Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi bộ giữa lòng thị xã Đồng Hới đổ nát và lòng đất vẫn còn nhiều quả bom Mỹ chưa nổ.

Fidel lấy khăn lau nước mắt mấy lần. Ông đứng lặng bên bờ sông Nhật Lệ, đôi mắt lại rớm lệ, khi người phiên dịch chỉ Bến đò Mẹ Suốt, nơi người mẹ Anh hùng 60 tuổi đã lập công chở bộ đội qua sông giữa trùng vây bom đạn Mỹ và nói rõ chính tại nơi đó, bom Mỹ đã giết hại mẹ sau khi mẹ được Quốc hội Việt Nam phong Anh hùng, trở về, cầm lại mái chèo chở khách qua sông.

Mãi 17h30’, đoàn xe của Chủ tịch Cuba và Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới về đến nhà khách Giao Tế Đồng Hới ở đồi Đức Ninh. Tại đây, học sinh Trường cấp 3 Đồng Hới cùng đại biểu nhân dân Đồng Hới đã đứng đông nghịt hai bên đường, tay vẫy cờ Cuba và Việt Nam, miệng hô vang khẩu hiệu "Viva Cuba!" "Vi va Fidel".

Khi xe dừng lại, Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống bắt tay các đại biểu và nhận hoa tươi chúc mừng của các cháu thiếu nhi. Một tràng pháo vang lên, thủ tục thời bấy giờ tỏ rõ niềm vui kính trọng được đón khách quý của người dân địa phương. Nhưng, đôi mắt Fidel đượm buồn một cách kín đáo.

Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nhà hầm Tỉnh ủy Quảng Bình sáng 17/9/1973 (Ảnh tư liệu).

Sáng hôm sau, 17/9/1973, tại hội trường Tỉnh uỷ Quảng Bình đóng ở khu phố Đồng Sơn, phía Tây thị xã Đồng Hới, mở đầu cuộc nói chuyện suốt 3 giờ liền không nghỉ trước hàng ngàn đảng viên, đại biểu các ban ngành, đơn vị hành chính trong tỉnh Quảng Bình, Fidel đã giải thích cử chỉ buồn thầm lặng chiều hôm qua của mình.

Ông cho biết, lúc ấy vừa nhận được tin, Tổng thống Agende của Chile, người bạn chiến đấu của ông đã bị bọn phản động giết hại, một tổn thất lớn cho cách mạng châu Mỹ Latinh, khiến mọi người vô cùng cảm động.

Cũng trong cuộc nói chuyện này, Fidel đã hết lời ca ngợi Quảng Bình, ca ngợi Việt Nam và hứa sẽ giúp Việt Nam xây dựng một Bệnh viện hiện đại 450 giường tại Quảng Bình.

Năm 1978, Bệnh viện Việt Nam - Cuba xây dựng hoàn thành tại xã Lý Ninh - thị xã Đồng Hới. Các kỹ sư và công nhân Cuba là lực lượng chủ yếu cùng các phương tiện xây dựng đưa từ Cuba sang trực tiếp thi công cùng với sự hợp tác lao động phổ thông của công nhân Việt Nam.

Mười năm tiếp đó, Cuba đã cử các đoàn chuyên viên y tế có trình độ chuyên môn giỏi đến trực tiếp làm việc với các cán bộ y tế Việt Nam để điều trị, chữa bệnh cho nhân dân Quảng Bình.

Nhớ lại, chiều 16/9/1973, nghe tin Fidel Castro đến thăm Quảng Bình, ngư dân xã Bảo Ninh, xã Quang Phú mang hải sản quý đánh bắt được đến tặng nhà bếp Ủy ban nhân dân tỉnh. Trước bàn ăn, thấy những thức ăn hải sản quý, Fidel tỏ ra băn khoăn không hài  lòng thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giải thích: "Việt Nam và Cuba là bạn thân. Bạn đến chơi nhà thì có cái gì ngon, cái gì quý nhất đưa ra đãi bạn mới thực lòng!". Nghe vậy, Fidel liền vui vẻ ngồi xuống cùng nâng cốc chúc sức khoẻ tất cả những người cùng đi.

Để có một đêm ngủ yên tĩnh, thoải mái tại Nhà khách Giao Tế, Quảng Bình sau gần hai ngày đi thăm, làm việc vất vả ở Quảng Trị, Quảng Bình, Ủy ban thị xã Đồng Hới đã chỉ đạo Ban quản lý HTX Mộc Hồng Hải điều động cấp tốc các xã viên có tay nghề giỏi, trong một ngày đã hoàn thành chiếc giường gõ ngoại cỡ: dài 2,3m, rộng 1,8m để đón Fidel.

Hiện nay, chiếc giường gõ mà Chủ tịch Fidel đã nghỉ đêm tại Quảng Bình vẫn đặt tại khu di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ở thôn Giao Tế, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Đó là một kỷ vật vô giá để người Quảng Bình nhớ mãi hình ảnh cánh đại bàng của hòn đảo tự do Cuba, Chủ tịch Fidel Castro đã bay đến đây với những tình cảm quốc tế vô sản cao đẹp, thiêng liêng

Hồ Ngọc Diệp
.
.
.