Làng vắng trẻ trai

Thứ Ba, 07/04/2009, 08:23
Cảm nhận của tôi về Ước Lễ khác xa với những gì đã nghĩ trước đó. Đây không chỉ là một làng cổ, mà còn là "làng già", vì giờ đây, người sống trong làng chủ yếu là người cao tuổi. Nhiều ông già, bà già vác cuốc ra đồng một mình, than thở rằng: Giàu có cũng để làm gì, chết đi cũng chỉ được một chiếc quan tài. Vậy mà, tiền vẫn kéo con dân của làng đi xa, ly hương.

Chưa đến làng Ước Lễ, tôi hình dung rằng khi đã đặt chân đến đây, sẽ được ngửi thấy mùi thơm phức của món giò lụa truyền thống. Hoặc sẽ là một không khí nhộn nhịp trong cảnh giã giò, như hàng ngàn làng nghề khác.

Nhưng không, đến với Ước Lễ, tôi nhận ra vẻ vắng lặng nơi đây. Làng chỉ còn những người già, cần mẫn ở lại với ruộng đồng, giữ lấy những nếp nhà cổ, cách sống truyền thống rồi đợi con cháu một năm nữa trở về, đoàn tụ mấy ngày Tết, rồi lại xa. Nhiều cụ già của làng, xã phải ở một mình, chịu cảnh "cơm niêu nước lọ".

Rủ nhau… xa quê

Đến cổng làng Ước Lễ cổ kính, có đính chữ "Phi thương bất phú". Điều đó như một định mệnh đối với người dân từ hàng trăm năm nay. Đó là lý do khiến người dân đi khắp nơi làm ăn, buôn bán. Đi qua một chút là cây đa và mái đình, nghiêng nghiêng xuống năm tháng. Phía dưới là một cái chợ nhỏ của làng chỉ họp từ sáng sớm đến 9h.

Cảm nhận của tôi về Ước Lễ khác xa với những gì đã nghĩ trước đó. Đây không chỉ là một làng cổ, mà còn là "làng già", vì giờ đây, người sống trong làng chủ yếu là người cao tuổi. Các con ngõ nhỏ lúc nào cũng vắng heo hút, cảm giác như bị bỏ hoang. Nhiều ông già, bà già vác cuốc ra đồng một mình, chuẩn bị gieo cấy cho vụ xuân, than thở rằng: Giàu có cũng để làm gì, chết đi cũng chỉ được một chiếc quan tài. Vậy mà, tiền vẫn kéo con dân của làng đi xa, ly hương.

Giờ xóm làng chỉ còn lại các cụ già và trẻ nhỏ, những người chân yếu tay mềm. Các cụ già bảo, mấy làng ở xã Tân Ước này chỉ đông đủ vào 2  ngày Tết thôi, mồng Ba đã đi làm kiếm tiền. Nhà cửa, đồng điền vắng ngắt, lạnh lẽo.

Xã Tân Ước có 4 làng Ước Lễ, Tri Lễ, Phúc Thụy và Quế Sơn, với 1.930 hộ (8.367 khẩu). Với nghề truyền thống của cha ông để lại, đa phần người dân Tân Ước theo nghề làm giò chả, bánh chưng, nem, ruốc. Trong đó, thương hiệu của Ước Lễ lớn hơn cả, tuy là làng nhỏ nhất, với số dân ít nhất.

Cụ Nguyễn Công Khả, 74 tuổi, người của làng Ước Lễ nói: "Những gia đình đi làm ăn xa về làng kéo theo họ hàng, anh em, trẻ nhỏ đi cùng. Dân số làng, xã cứ thế giảm dần. Nhiều nhà bị bỏ hoang. Trước đây, cả xã chỉ có 600ha đất nông nghiệp, chủ yếu là cấy lúa nên thu nhập cũng chẳng ăn thua gì. Làng tôi đã đi làm xa hơn hai phần ba rồi".

Ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ước có hai con trai hiện đang lập nghiệp tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Người con cả của ông Bình theo nghề của cha ông, làm giò chả. Mặc cho vợ chồng ông thuyết phục nhiều lần, anh cũng không chịu về quê. Công việc làm ăn thuận lợi các con ông đón luôn cả mẹ vào Nam để phụ giúp. Vì công việc của UBND xã, ông Bình phải ở lại sống một mình, đơn chiếc.

Người già ở Ước Lễ xuống ruộng cày, bừa.

Xã Tân Ước nói chung, làng Ước Lễ nói riêng, cảnh "cơm niêu nước lọ" như ông Bình không phải là hiếm. Có đến 90% số hộ đi làm ăn xa của Tân Ước lập nghiệp bằng nghề truyền thống của làng. Lúc đầu, chỉ vợ hoặc chồng đi, sau khi thuê nhà, ổn định chỗ ở và các mối làm ăn, họ đem theo người thân, con cái đi cùng, an cư ở nơi mới. Gia đình nào khá giả, làm ăn thuận lợi thì thuê người giúp việc không thì nhờ ông bà lên thành phố trông giúp. Số còn lại phải mang con về quê nhờ ông bà trông nom.

Tôi đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Bé, 84 tuổi, lúc cụ đang đun nước dưới bếp. Căn bếp nhỏ lom đom người già, như đang cố thắp lên một mùa xuân của tuổi già, của nỗi cô đơn. Cô đơn không phải vì cụ không có con. Cụ có tới 6 người, hiện đang làm ăn ở xa, mỗi người mỗi nơi. Bản thân cụ, xưa kia cũng mang nghề giò chả xuống Hải Phòng để làm. Khi thấy không còn sức làm việc nơi xứ người nữa. Cụ về quê.

Giàu tiền và những hệ lụy

Cụ Nguyễn Thị Bé tuy cao tuổi, nhưng còn tinh anh. Cụ còn nhớ như in những bước để làm giò chả ngon. Cũng là một trong những người có thâm niên làm giò chả lâu năm nhất ở Ước Lễ. Cụ kể: "Thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi còn chế độ bao cấp, mọi thứ đều theo tem phiếu, làng tôi gần như không thể hành nghề cổ truyền này. Tôi và một số người của Ước Lễ vẫn cố gắng duy trì. Có lẽ, vì thế, sự lĩnh hội các bí quyết làm nghề của tôi đã đạt đến mức hoàn hảo. Rồi cả làng đã bám trụ và làm giàu từ nghề giò chả, ly hương bởi giò chả".

Ông Nguyễn Văn Bình lên Hà Nội lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, đến nay đã trở thành một trong những người giàu nhất làng. Ông cũng chính là người đã đảm nhận thực hiện chiếc bánh chả lớn nhất nước ta, được triển lãm tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) năm 2003.

Có những người mang cả ra nước ngoài như ở châu Âu, châu Đại Dương... Xưa kia, thợ làm giò ở Ước Lễ thường phải làm thủ công, nhưng giờ đây, công đoạn giã đã được cơ giới hóa bằng máy. Nhưng không vì thế mà giò kém ngon. Bà Nguyễn Thị Luân (nay đã mất) mang cả nghề làm giò chả cổ truyền sang tận Califonia (Mỹ) và làm giàu ngay tại đất nước cách quê hương nửa vòng trái đất.

Cách đây mấy năm, khi về thăm quê, bà Luân đã ủng hộ trên 200 triệu đồng, xây dựng trường tiểu học của xã; xây dựng nhà cho hội người mù của huyện... Ước tính mỗi năm, dân làng Ước Lễ thu vào túi cả chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các thôn khác trong xã chỉ đạt khoảng 3,9 triệu đồng/người/năm nhưng con số này ở làng Ước Lễ khoảng 12 triệu đồng. Giữ gìn được nghề, sống được từ nghề và có thể làm giàu bằng nghề là điều đáng mừng trong xu hướng phát triển xã hội hiện nay.

Có thể nói việc lao động nông thôn di cư lên thành phố tìm việc làm để mưu sinh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhân, hộ khẩu. Hệ quả nữa từ việc ly dời quê hương ở Ước Lễ là các đối tượng thanh niên xa quê, mắc các tệ nạn xã hội. Khi họ trở về làng trở thành những con nghiện vật vờ, thành đồ đệ của "nàng tiên nâu".

Ngoài ra, việc quản lý nhân khẩu sẽ rất khó khăn cho cán bộ xã. Chưa kể đến việc làm nghĩa vụ quân sự của thanh niên, rồi nạn trộm cắp tràn vào làng, khi mà làng không còn người khỏe mạnh nữa, thì một số kẻ gian tha hồ hoành hành, làm mất trật tự xã hội trong xã. Giàu có là quý, nhưng giàu có như thế  nào, và sẽ để lại được gì, vậy mới quan trọng

Diên Khánh
.
.
.