Làng muối đìu hiu mùa... "ngủ đông"

Thứ Ba, 04/11/2008, 09:31
Về Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào một ngày đầu tháng 11 sau những trận mưa chuyển mùa vừa dứt, trời u ám. Những cánh đồng muối vắng tanh, chỉ còn một vài người tham việc đang vãi cát tưới nước, hi vọng vớt vát được ít nào...

Từ bao đời nay, nghề làm muối gắn bó với người dân ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vốn đã khó khăn vất vả mà thu nhập không đủ nuôi sống họ. Có lẽ vậy mà ngày càng có nhiều người không còn mặn mà với nghề muối, người dân đang bỏ nghề, bỏ làng phiêu bạt nơi đất khách, những mong kiếm được miếng cơm manh áo.

Chúng tôi về làng muối giữa những ngày bắt đầu không khí lạnh ở miền Bắc tràn về, mùa đông lại sắp về, trời tắt nắng là lúc bà con diêm dân nghỉ việc để nghỉ đông, càng thấy làng muối buồn đìu hiu.

Đìu hiu… đồng muối chuyển mùa

Chúng tôi về Cẩm Nhượng vào một ngày đầu tháng 11 sau những trận mưa chuyển mùa vừa dứt, trời u ám. Những cánh đồng muối vắng tanh, chỉ còn một vài người tham việc đang vãi cát tưới nước, hi vọng vớt vát được ít nào. Đã hàng trăm năm nay, người dân nơi đây đã quen thuộc với muối, quen với những khó khăn vất vả của nghề. Gặp chị Hà Thị Loát, ở thôn Tân Dinh đang một mình cặm cụi múc nước tưới vào các ô muối, chúng tôi lại hỏi chuyện.

Chị Loát nói: "Chồng chị đạp xe thồ hơn tạ muối lên huyện Hương Sơn cách nhà 50 - 80km để bán, nên đi từ sáng vẫn chưa về...Vì vậy sáng nay có một mình chị đi làm".

Ở đây giá muối rất thấp, hơn nữa thường bị tư thương ép giá. Mỗi yến muối có giá khoảng từ 3.700đ - 3.900đ, vào những ngày thường còn vào ngày chính vụ giá muối thấp hơn chỉ được khoảng 3.500đ - 3.600đ/yến. Bình quân một gia đình có hai đến ba lao động thì được hai tạ muối một ngày, bán được 50 - 70 ngàn đồng, có gia đình ít lao động thì chỉ được khoảng 20 - 30 ngàn đồng.

Đấy là những ngày đẹp trời, muối làm được nhiều. Còn vào những ngày trời xấu thì được ít hơn, có khi mất trắng. Cứ trông vào đầu muối thì không đủ ăn nên nhiều gia đình có lao động khoẻ mạnh phải thồ muối đi bán, đi đổi ở các nơi thì được giá hơn. Có những gia đình còn dành hẳn một lao động chuyên thu mua của bà con đem đi bán hoặc đi đổi, hoặc chuyển sang nghề bán muối rong.

Giá muối thấp và bấp bênh như vậy, nhưng công việc của những người dân ở đây thì cực kỳ vất vả. Vất vả nhất là vào những ngày mưa giông, khi thấy hiện tượng thời tiết xấu là cả làng đổ ra đồng "cứu muối", cố gắng thu được càng nhiều càng tốt. Nghề làm muối mỗi năm chỉ có 3 tháng chính vụ, đó là lúc trời nắng nhiều nhất, làm được nhiều muối nhất.

Làm muối thu nhập được rất thấp, nhưng vốn đầu tư vào đó cũng không phải là ít. Theo tính toán cứ 3 năm sản xuất thì phải mất 1 năm bỏ tiền công vào tu sửa các ô muối, giếng nước và máng nước... Chưa kể đến các chi phí bỏ ra ban đầu. Rồi đến chuyện đóng thuế, nào là thuế ruộng, thuế thuỷ lợi... cũng rất tốn. Có lẽ vậy mà ngày càng nhiều người dân không còn mặn mà với nghề muối.

Nỗi lo những ngày dài

Bà Nguyễn Thị Duật, thôn Liên Thành, có thâm niên làm muối hơn 40 năm tâm sự: "Mấy chục năm gia đình tôi làm việc quần quật vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn nghèo. Chắc đến đời con, đời cháu tôi chẳng đứa nào dám theo nghề".

Trong thôn của bà ngày càng có nhiều người bỏ nghề, bỏ làng đi tìm việc nơi khác. Mỗi gia đình thường có từ 2 - 3 lao động, nhiều hộ đi cả nhà. Họ ra Hà Nội, vào TP HCM, hay chỉ đơn giản là lên TP Hà Tĩnh hay sang các huyện khác để làm thuê làm mướn, ô sin, cửu vạn... Cũng có khi chỉ là tìm một vùng đất mới để định cư, để làm ăn sinh sống.

Tất cả mọi người ai cũng muốn trốn tránh, rời xa những cánh đồng muối đã gắn bó bao đời, âu cũng vì miếng cơm manh áo. Tính chung cả làng muối đã mất đi gần 50% lao động, mà đa số là những lao động trẻ, khoẻ mạnh. Nhìn những cánh đồng muối bỏ hoang bạt ngàn, thấp thoáng là bóng dáng của những ông bà già, trẻ con mà không khỏi chạnh lòng. 

Mang những nỗi niềm ấy, chúng tôi tìm đến UBND xã Cẩm Nhượng, ông Nguyễn Sỹ Huyền, Thường trực HĐND xã cho chúng tôi biết: "Theo kế hoạch phát triển nghề muối từ năm 2005 đến năm 2010 của xã thì sẽ chuyển đổi một số diện tích ruộng muối ở những vùng trũng, năng suất thấp, chất lượng kém sang nuôi trồng thuỷ hải sản. Số diện tích còn lại sẽ được quy hoạch và đầu tư để phát triển làm muối sạch, giá trị cao".

Thế nhưng, cái khó của cánh đồng muối Cẩm Nhượng là không phải ruộng nào cũng làm được muối sạch, hơn nữa làm muối sạch phải đầu tư vốn và kỹ thuật rất lớn. Dù cho UBND xã đã có biện pháp trợ giá cho những người làm muối nhưng dường như vẫn chưa đủ để khuyến khích bà con tham gia

Thành Nam
.
.
.