Làng ma ám (phần II)

Thứ Bảy, 07/10/2006, 08:58

Hiện tượng trâu, bò, lợn, chó ở xóm Đầu (Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) chết hàng loạt, chết không biết nguyên nhân khiến 34 hộ dân với 200 nhân khẩu vốn đã nghèo đói, lại trở nên đói nghèo hơn nữa. Dân làng hết sức lo lắng và đã tự đi tìm nhiều biện pháp giải quyết mang tính mê tín dị đoan.

Ban đầu, một số ông thầy cúng bảo làng bị “động long mạch” do tự động thay đổi hướng ngôi miếu thờ Thành Hoàng ở đầu làng. Năm đó, dân trong làng mong làm ăn khấm khá nên bàn nhau góp tiền xây ngôi miếu thêm hai gian nữa cho to hơn, đàng hoàng hơn và xoay hướng ngôi miếu ra hướng Đông, nơi có mặt đường cái. Khi ngôi miếu vừa khánh thành thì cũng chính là thời điểm diễn ra hiện tượng gia súc, gia cầm chết hàng loạt.

Để trấn trạch long mạch, các hộ dân trong xóm lại góp tiền, người bảy chục, người một trăm để mời ông thầy cúng “nổi tiếng” nhất huyện về cúng giải hạn. Đàn tế được lập ngay trước ngôi miếu. Thầy cúng vung con dao phay sắc ngọt chém đứt đầu hai con chó mực, vứt xuống hai cái giếng gần miếu thờ rồi lấp giếng lại để yểm, trấn long mạch.

Yểm xong, thầy cúng tuyên bố: “Nếu gia súc, gia cầm trong làng còn chết, thầy thề không thay trời hành đạo, cứu nhân độ thế nữa”. Tuy nhiên, ông thầy cúng vừa rời khỏi làng hôm trước, hôm sau gia súc lại tiếp tục nổi điên nổi đóa lăn ra chết, chết hàng loạt, chết nhiều đến nỗi chuồng trại nhà nào cũng trống hơ trống hoác. Khắp làng chỉ thấy còn giống loài 2 chân là gà, vịt, ngan và 2 loài 4 chân là mèo và chuột.

Sau cuộc “trấn trạch long mạch” không thành, người dân xóm Đầu còn 3 lần lập đàn tế mời 3 thầy cúng nổi danh và 3 lần nữa mời sư ông, sư bà về cúng bái, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cực chẳng đã, người dân trong làng thuê người về phá dỡ 2 gian miếu xây mới, trả lại hiện trạng ngôi miếu như cũ với mong ước cuộc sống được trở lại như xưa. Nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đấy, vận hạn vẫn đổ lên đầu cái “làng ma ám” này.

Theo trưởng xóm Lưu Văn Lần, hiện tại, đàn ông trong làng chỉ còn anh và vài ba người nữa, còn lại đã bỏ ra thành phố hoặc đi các vùng khác làm thuê làm mướn kiếm sống cả. Một số túng quẫn thì đi buôn bán ma túy. Trong làng giờ chỉ còn lại người già và trẻ con.

Người nông dân bao đời chỉ biết trông vào đồng ruộng, chuồng trại, nay con trâu, con bò, con lợn, con chó không sống được, lại không biết vì sao, không tìm được nguyên nhân để trị, thì chỉ còn nước chuyển nhà sang làng khác. Xóm Đầu đã có hai hộ chuyển nhà đến làng khác sinh sống, đó là gia đình ông Hoạt và ông Duyên. Tuy nhiên, cũng như gia đình anh Hùng, dù họ sống ở làng khác, gia súc vẫn chết thẳng cẳng như thường. Người dân giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào các nhà khoa học mà thôi...

Duy nhất có một chuyện lạ mà người dân trong làng, kể cả ông trưởng thôn Lưu Văn Lần cùng các cán bộ xã được chứng kiến, ấy là tại ruộng lúa của một hộ dân ở ngay mép làng, cách đây 3 năm, vào buổi chiều tà xuất hiện một cột khói xanh lét, đậm đặc, nhỏ bằng cái đũa, song cao đến gần ngọn tre. Dân làng gọi cả các nhà khoa học về xem. Cột khói nhỏ đó biến mất sau mấy tiếng đồng hồ. Trưởng xóm và đám thanh niên vác cuốc xẻng đào địa điểm đó lên xem, nhưng không thấy có hiện tượng lạ gì ở dưới.

Mặc dù ngôi làng nằm co cụm giữa những giồng đất pha cát trên tổng diện tích 10 ha, song khắp làng cây cối rậm rì, tươi tốt, điều đó chứng tỏ đất làng rất tốt, không xuất hiện những “tia đất” độc hại, có thể tác động lên sự sống trên mặt đất. Ngoài ra, cách xóm Đầu một con đường rộng 1,5m là các xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Đông, thế nhưng, chuyện gia súc ở các xóm này đột tử không hề xảy ra, kể cả trong thời gian cả nước xuất hiện dịch lở mồm long móng.

Qua tìm hiểu thì thấy các xóm cạnh bên cũng có cách chăn thả, chăm sóc và những kinh nghiệm nuôi gia súc tương tự xóm Đầu. Hơn nữa, mọi nguồn nước, nguồn thức ăn, môi trường sống đều chẳng có gì khác biệt. Việc tìm ra nguyên nhân không phải là chuyện đơn giản.

Cuối năm 2005, khi các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang xuống xã Lương Phong tiếp xúc cử tri, người dân thôn Đầu đã phản ánh hiện tượng lạ này và đề nghị các ban ngành chức năng của tỉnh giúp đỡ. Lập tức, UBND tỉnh triệu tập cuộc họp gồm các ban ngành có liên quan cùng trao đổi, bàn bạc, tìm hiểu về hiện tượng gia súc chết hàng loạt ở thôn Đầu để tìm cách giúp bà con vượt qua khó khăn.

Việc quan trọng nhất là ổn định tâm lý, tránh để lực lượng dị đoan cố ý đưa tin sai lệch, gây bất ổn trong dân chúng. Nhiệm vụ này được giao cho Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang cùng với các ban ngành liên quan.

Tháng 5/2006, Sở KH-CN Bắc Giang đã giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN triển khai đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp khôi phục, phát triển chăn nuôi gia súc tại xóm Đầu, thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang”.

Ngay khi đề tài triển khai, lãnh đạo Sở KH-CN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN đã cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan chuyên môn Trung ương với những thiết bị hiện đại về xóm Đầu tiến hành nghiên cứu.

Mỗi lần thấy những chiếc xe sang trọng đỗ ở đầu xóm, người dân xóm Đầu lại bỏ hết công việc đồng áng tập trung theo dõi, cùng làm việc với các nhà khoa học.

Đợt đầu là các cán bộ thuộc Trung tâm Môi trường của Bộ Tư lệnh Hóa học về lấy mẫu đất ngoài đồng, trong làng, lấy mẫu nước sinh hoạt, nước giếng khơi, nước ao hồ, kênh rạch để phân tích tại chỗ và bảo quản mang đi. Chiếc máy hút bụi từ không khí đặt ở trong các chuồng lợn, chuồng bò nổ phành phạch suốt cả buổi.

Theo anh Thân Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN Bắc Giang, cơ quan trên kết luận rằng, cả mẫu nước trong ao tù, kênh rạch, dưới lòng đất, giếng khơi, đất cát trong làng, đến những mẫu bụi hút từ không khí đều không có khác biệt so với những ngôi làng cạnh bên, không nhiễm độc, chưa tìm thấy virus lạ và đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Thực tế, Trạm Thú y huyện Hiệp Hòa, Chi cục Thú y Bắc Giang cũng từng vào cuộc từ năm 1999 và đưa ra một kết luận: Do lượng vi khuẩn Ecoli ở khu vực xóm Đầu vượt quá mức quy định. Ngay lập tức diễn ra công cuộc tẩy uế chuồng trại, phun hàng tạ thuốc diệt khuẩn, tiêm thuốc phòng bệnh Ecoli cho động vật... Thế nhưng, tất cả những cố gắng trên đều vô vọng.

Về sau, hai cơ quan này phải thừa nhận đã đưa ra kết luận vội vàng, hời hợt, vì rất nhiều nơi tồn tại lượng vi khuẩn Ecoli lớn hơn mức bình thường, nhưng cũng không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng.

Sau khi cơ quan thú y bó tay thì Sở NN&PTNT cử cán bộ xuống tận nơi điều tra, múc nước của cả 13 ao tù trong xóm đi phân tích, song cũng không phát hiện ra hiện tượng gì đặc biệt. Thậm chí, các cán bộ còn cùng nhân dân tát cạn cả 13 ao trong làng, rồi rắc Alohit, vôi bột, phun thuốc sát trùng khắp  làng, nhưng gia súc chết vẫn hoàn chết.

Tiếp theo đến lượt Công ty Thiết bị Môi trường Hà Nội chở rất nhiều máy móc hiện đại về đo phóng xạ, bức xạ, từ trường... Thế nhưng, dù đem máy đi rà khắp làng, hết khu vực chuồng trâu đến nơi đặt cũi chó cũng chẳng tìm ra được loại sóng, nguồn bức xạ đặc biệt nào ở khu vực xóm Đầu.--PageBreak--

Theo ông Hà Văn Quê, Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang, để tìm ra nguyên nhân, phải phân tích, điều tra được ba yếu tố: Môi trường (đất, nước, không khí), các phông bức xạ, phóng xạ, từ trường và tình hình an ninh trật tự địa bàn (những đối tượng xấu gây thù hằn, hại nhau bằng cách bỏ độc). Thế nhưng, qua điều tra bước đầu, dường như cả ba yếu tố này đều đã gần như bị loại bỏ.

Từ nhiều năm nay, công an huyện, xã đã tích cực, ráo riết nằm vùng, điều tra, song đều không tìm thấy thủ phạm. Vả lại, chuyện gia súc, gia cầm chết vì thuốc độc là chuyện khó có thể xảy ra, bởi nếu gia súc, gia cầm trúng độc sao người dân cứ làm thịt rồi đánh chén vô tư từ 10 năm nay mà không thấy có triệu chứng bị nhiễm độc, vả lại, nếu bị bỏ độc tràn lan như vậy thì đâu chỉ có bốn giống loài trên bị chết? Hơn nữa, nếu đàn gia súc ở thôn Đầu chết vì trúng độc thì các nhà khoa học với những phương tiện hiện đại đã tìm ra từ lâu rồi.

Để truy tìm được nguyên nhân dẫn đến việc gia súc ở thôn Đầu chết hàng loạt, vả lại cũng để giúp bà con vượt qua phần nào khó khăn, Sở KH-CN Bắc Giang tiếp tục tiến hành bước hai của đề tài, đó là đưa gia súc về xóm Đầu nuôi dưỡng.

Những con giống được Viện Thú y Trung ương kết hợp với Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi chọn lọc rất kỹ càng, được khám bệnh, tiêm chủng, tiêm phòng cẩn thận trước khi đưa về địa bàn. Toàn bộ số con giống, thức ăn đều do đề tài cung cấp và có cán bộ ngày đêm nằm ở địa bàn theo dõi sát sao, quản lý nghiêm ngặt cùng với một tủ thuốc để chữa trị khi đàn gia súc... lên cơn.

Đợt đầu tiên đã đưa về xóm Đầu 6 con bò, 11 con lợn và 9 con chó. Qua 3 tháng triển khai, cả 11 con lợn đều mạnh khỏe, đạt từ 65 đến 80kg và mới đây đã xuất chuồng, 6 con bò đều bình thường, hay ăn chóng lớn. Đây là kết quả bước đầu đáng mừng, song người dân xóm Đầu vẫn không thực sự tin tưởng vào kết quả này, bởi vì theo họ, số gia súc, gia cầm này là do cán bộ chọn giống, cán bộ nuôi dưỡng, cán bộ cung cấp thức ăn, do vậy chúng mới không chết (người dân đưa ra lý do như vậy là vì thực tế người xóm cạnh thả nhờ gia súc ở xóm Đầu vẫn sống).

Nếu để dân làng tự bỏ tiền mua giống, tự tìm nguồn thức ăn, tự chăm bẵm mà nó vẫn sống thì họ mới tin. Điều này thể hiện người dân xóm Đầu đã bị ám ảnh rất nặng nề về những cái chết kỳ lạ của đàn gia súc trong xóm.

Tuy nhiên, theo anh Đào Trọng Nghĩa, chủ nhiệm đề tài kể: Ngày 25/8/2006, con chó của đề tài nuôi ở nhà anh Bùi Văn Hùng đột nhiên lên cơn điên chạy nhảy khắp nơi, anh Hùng liền điện cho anh Nghĩa.

Nhận được tin báo, anh Nghĩa cùng các cán bộ lập tức từ TP Bắc Giang về theo dõi, nghiên cứu. Anh Nghĩa yêu cầu mọi người vây bắt con chó đó lại để xem bệnh, nhưng vừa tóm được thì nó run lẩy bẩy rồi lăn ra chết sau hơn một tiếng “nổi đóa”. Trong số 9 con chó của đề tài đem về xóm Đầu thì 5 con đã chết cùng một triệu chứng, điều này khiến bà con vẫn rất hoang mang.

Để có kết luận chính xác về hiện tượng gia súc chết hàng loạt ở xóm Đầu không phải đơn giản. Những câu hỏi như: Tại sao chỉ có trâu, bò, lợn, chó ở xóm Đầu mới chết? Những giống khác như mèo, chuột, gà, ngan, vịt... không việc gì? Tại sao gia súc, gia cầm cả xóm chết mà nhà anh Tâm cũng ở giữa làng lại không chết bất cứ một con nào? Và tại sao hàng trăm hộ dân ở những ngôi làng nằm cách xóm Đầu chỉ bằng cái ngõ rộng 1,5 mét lại vẫn chăn nuôi bình thường, không có hiện tượng gì xảy ra, mặc dù môi trường, điều kiện chăm sóc đều như nhau?

Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cần phải chung tay vào cuộc cùng với các cán bộ Sở KH-CN Bắc Giang nghiên cứu, tìm ra lời giải, bởi ngoài việc giúp người dân nơi đây tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục lại nghề chăn nuôi, còn là một vấn đề khoa học rất thú vị, độc đáo.

Trao đổi với một số nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tiềm năng con người và những hiện tượng lạ trong tự nhiên, tôi nhận được một số lời giải đáp bước đầu:

Nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng: Hiện tượng gia súc chết hàng loạt vào những ngày trong làng có hiếu hỷ, rồi dân trong làng mang gia súc đi nơi khác chăn thả vẫn chết là hiện tượng rất lạ, phức tạp, khó giải thích.

Ông Hải cũng khuyên là, những chuyện mê tín như sửa sang miếu thờ, mời thầy cúng bái là không có căn cứ, việc này chỉ tốn công sức, tiền của lại gây thêm hoang mang trong dân, không mang lại lợi ích gì. Theo ông Hải, gia súc ở xóm Đầu chết hàng loạt có thể là do một loại virus và loại virus này chỉ trong những điều kiện thích hợp mới gây tác hại, hoặc chúng đã “biến tướng” nên rất khó có thể xác định trong ngày một ngày hai. 

Theo nhà khoa học Tuệ Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học tin học ứng dụng thì có thể nguyên nhân do khu vực này mới phát xạ một nguồn năng lượng đặc biệt nào đó mà những loại máy móc đo bức xạ hiện thời chưa phát hiện ra (?). Những chuyện “ma ám ma iếc” gì đó như lý giải của người dân trong làng là không có cơ sở.

Ông Đức cũng thông tin rằng, ông đang tập hợp các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về những hiện tượng dị biệt, trực thuộc ba cơ quan gồm: Liên hiệp Khoa học tin học ứng dụng, Trung tâm Bảo trợ Kỹ thuật truyền thống và Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) để lên Bắc Giang đi tìm lời giải đáp trong thời gian tới. Ông Đức khẳng định, hiện tượng này có thể giải thích bằng khoa học, không có gì ma quái, do vậy nhân dân ở xóm Đầu không phải lo sợ gì cả

Phạm Ngọc Dương
.
.
.