“Làng loa” Lạc Đạo

Thứ Bảy, 02/12/2006, 10:16

Bây giờ chả còn mấy người gọi là thôn Ngọc nữa, dân quen gọi là làng Loa. Khách đến thôn Ngọc, ngay từ khi mới bước chân vào chợ Đậu đã nghe thấy inh ỏi khắp làng. Âm thanh của đủ các thể loại nhạc từ rock, rap đến cải lương, chèo, tuồng lẫn với tiếng búa đục chan chát, tiếng máy cắt xoèn xoẹt vang khắp nơi.

Vài năm trở lại đây, người dân thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đua nhau mở xưởng đóng loa thùng. Bên cạnh một Lạc Đạo vốn nổi tiếng với ngành nghề thủ công truyền thống còn có một Lạc Đạo - loa thùng mà ít người biết tới.

Tôi rất bất ngờ khi nghe chị Nguyễn Thị Thoa - chủ một xưởng sản xuất gia công đồ điện tử ở Lạc Đạo, cho biết: Trung  bình một ngày xưởng của chị xuất ra thị trường khoảng 200 bộ loa các loại.

Theo anh Lê Văn Mạnh, thợ làm thuê cho chủ một xưởng loa, mấy tháng cuối năm, thợ thuyền như anh làm không kịp nghỉ. Anh bảo loa của Lạc Đạo bán ra, cả nước thì không dám nói, nhưng nhiều tỉnh phía Bắc cũng chẳng ngoa chút nào. Nếu như có thể dán mác "Made in Lac Dao" thì đi tỉnh nào cũng thấy.

Ngay cả chủ những cửa hàng chuyên kinh doanh trang âm, ánh sáng rất sang trọng trên Hà Nội như phố âm thanh Hai Bà Trưng, Hàng Bài hay chợ giời Thịnh Yên cũng cất công về đây lấy hàng. Thậm chí những xưởng đóng loa trên ấy còn về tận đây đặt vỏ thùng đóng thô để về lắp ráp thành phẩm.

Nói về số lượng vỏ thùng thì không đâu bằng Lạc Đạo. Đa số những xưởng trên Hà Nội mặt bằng chật hẹp nên dân Lạc Đạo kiêm nhiệm hết. Từ khâu nhập gỗ, nhập linh kiện đến cắt dán tạo mẫu rồi lắp ghép, hoàn thiện, đóng hộp, họ chỉ việc bốc về. Và thế là mỗi nhà trở thành một "nhà máy mini".

Nhà nào đông khách, nhiều mối thì lập xưởng to. Nhà nào ít khách, neo người thì lập xưởng nhỏ hoặc làm gia công đóng vỏ thùng cho những nhà khác. Bây giờ gọi "làng Loa" là "làng TNHH" cũng được vì số gia đình mở công ty nhiều chưa thống kê hết.

Với vai là người đi tìm nguồn hàng về mở cửa hiệu bán thiết bị âm thanh, chúng tôi theo chân anh Hoan tham quan xưởng sản xuất. Không ngờ cái xưởng của anh nó lại tuềnh toàng đến thế. Trong xưởng ngổn ngang những vỏ hộp, vỏ thùng được xếp chồng đống không theo thứ tự. Vài đống mùn cưa, dăm cuộn đề can vân gỗ, vỏ hộp carton dùng để đựng loa, một cái máy xẻ gỗ loại nhỏ là tất cả những tài sản mà xưởng loa này sở hữu.

Chúng tôi lên thăm khu lắp ráp, cơ ngơi cũng chẳng khác gì. Một gian nhà cấp bốn tường vữa long lở, cánh cửa xiêu vẹo. Dưới nền đất la liệt những mỏ hàn, nhựa thông, loa đóng dở cùng hàng lô nhãn mác xanh đỏ. Mang ra một tập catalô mẫu mã, ông chủ tuyên bố tất cả những loại loa hiện đại trong đó đều do anh thiết kế và sản xuất. Chỉ cần chọn kiểu và đặt tiền ký hợp đồng hẹn đúng ngày là người chủ sẽ giao hàng đủ.

Không mấy tin tưởng sản phẩm ở đây, chúng tôi tới cơ sở sản xuất loa nổi tiếng nhất làng. Chị T. (chúng tôi xin không nêu tên thật), chủ xưởng sản xuất ra loại loa nhãn hiệu phương Tây, đang bận tít mù nhấc điện thoại giao dịch với khách. Chủ xưởng chỉ tôi liên hệ qua một cậu nhân viên làm nhiệm vụ sổ sách chứng từ. Vẻ khinh khỉnh của anh chàng biến mất khi tôi nêu vấn đề cần đặt làm số lượng lớn loa theo kiểu mẫu của nước ngoài. Anh khẳng định, xưa nay xưởng của anh chưa từ chối bất kỳ một đơn đặt hàng nào.

Hỏi về nhãn mác và chất lượng, anh bảo: "Quan trọng là khách ưng chất lượng và mẫu mã thôi. Loa đạt, chất lượng âm thanh không thua kém gì hàng xịn, hình thức y hệt, còn vài cái mác Bose, BMB, Tanoy hay Denon, thợ làng này làm dễ như bỡn. Giá cả lại chỉ bằng 1/10”.

Quả thực, trong hàng trăm cái loa thành phẩm đang thi nhau ùng oàng thử tiếng kia, chúng tôi chẳng thể phân biệt nổi cái nào là của "Made in Lac Dao", cái nào là của các hãng loa chính hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng lại được "khai sinh" ra từ làng loa Lạc Đạo!

Mai Tâm Hiếu
.
.
.