Làng gom, giặt rác thải ở Bắc Ninh: Nhọc nhằn kiếm sống

Thứ Ba, 23/09/2008, 08:05
Có một ngôi làng chủ yếu sống bằng nghề gom và giặt rác thải. Họ lại xuất cho những ngôi làng có "công nghệ" tái chế khác. Nhưng gắn liền với việc tạo ra công ăn việc làm, rác cũng khiến làng bị ô nhiễm. Đó là làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Đổi thay và hiểm họa

Rất nhiều rác từ các nơi được thu gom lại, đưa về làng để giặt. Bằng các loại xe: cải tiến, xe đạp, ôtô… Và cứ thế, những đống rác lớn hoặc chưa kịp giặt, hoặc đã giặt xong cứ chất đống ở các con đường làng, dọc bờ sông dẫn về Đồng Ngư.

Đi đến đầu làng, tôi đã cảm nhận được sự ô nhiễm. Người dân đang chăm chỉ làm việc với những đống rác đã hoặc chưa được giặt. Hỏi, tôi được người già cho biết công việc này bắt đầu từ năm 2004. Khi đó làng chỉ có mấy người đi gom nhặt bao nilon, đem về giặt, phơi khô và bán. Nghề đã cho họ một khoản thu nhập kha khá. Sau, rác thải sinh hoạt và công nghiệp ngày càng nhiều, người ta rủ nhau đi gom ở khắp hang cùng ngõ hẻm những vùng quê xung quanh về.

Cảnh gom rác và phơi rác. Ảnh: TV

Khi làng Khoai (tên chính là làng Minh Khai, Mỹ Hào, Hưng Yên) phát đạt và giàu lên nhờ nghề chế biến nhựa từ rác thì họ có nhu cầu sử dụng bao nilon để tái chế nhiều hơn. Những ông chủ ở làng Khoai tìm đến tận Đồng Ngư ký hợp đồng mua về. Có mối quen, một vài ông chủ Đồng Ngư tự thu gom của dân chở đến làng Khoai. Vì tiện đường cho nên công việc này không tốn kém lắm.

Từ năm 2006 trở đi thì làng Đồng Ngư trở thành "sân sau" đắc lực cho làng Khoai. Làng Đồng Ngư có khoảng 100 hộ dân, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, mức sống của người dân không cao. Thanh niên trong làng phải đi khắp nơi để kiếm công ăn việc làm. Từ khi nghề giặt và "xuất" rác của làng phát đạt, ngôi làng này mới được gọi là "mở mày mở mặt".

Ông Nguyễn Đình Ất là người đã làm nghề này mấy năm, được coi là phát đạt nhất. Lúc tôi đến thăm, vợ ông đang ngồi trên cái ghế gỗ con con, lấy tay xé toạc những bao nilon ra để có thể giặt sạch cả trong lẫn ngoài.

Tôi hỏi: "Sao bác không đeo găng tay vào? Như thế có sợ mảnh vụn thuỷ tinh, gai góc đâm vào không?". Bà Ất lắc đầu: "Dùng bao tay rất khó làm, nó không linh hoạt nữa. Như thế này mới nhanh. Còn vụn thủy tinh và gai góc, tôi có gặp, nhưng chưa đến nỗi nghiêm trọng".

Bên kia, cô con gái bà cũng đang thoăn thoắt xé bao nilon. Tay cô có đeo găng, nhưng là đôi găng đã thủng cả mười ngón. Chỉ bao được bàn, còn mười ngón kia vẫn trơ ra, ngo ngoe. Ngồi hỏi chuyện, bà Ất nói rằng, nghề này đã giúp cho gia đình bà qua cơn "khủng hoảng kinh tế". Vừa lo cho con đi học đại học, lại cưới vợ cho cậu cả một cách ổn thỏa.

Cơ sở nhà chị Nguyễn Thị Lượng được coi là cơ sở lớn thứ hai của làng. Khi đó những người phụ nữ đang miệt mài công việc. 4 người xé và 3 người giặt. Chị không muốn cho tôi chụp ảnh. Chị bảo công việc này quá bình thường, đâu có gì đáng phải chụp. Nhìn vào bể nước đen ngòm, những đống rác chất cao, rãnh nước chảy róc rách đổ ra ao, tôi thấy rùng mình vì thấy rằng việc làm của họ đang ảnh hưởng đến môi trường.

Môi trường đang bị đầu độc

Hiện nay kinh tế Đồng Ngư ngày càng phát triển mạnh. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang, làm công trình phụ, -bê tông hóa đường, ngõ... lại nuôi được con ăn học. Nhưng song song với một bộ mặt mới, tương lai no đủ thì làng cũng bị ô nhiễm cùng với nguy cơ bệnh tật đang ẩn chứa. P

hần lớn những người nông dân tiếp xúc với rác đều không chú ý đến việc bảo hộ, đảm bảo an toàn cho bản thân. Họ trực tiếp dùng tay chân để làm việc. Nước bơm lên để giặt là nước giếng khoan. Và nguồn nước thải lại đổ ra cống rãnh, ao làng. Để lâu ngày tích tụ, bốc mùi hôi thối.

Những người làm ở nhà chị Lượng rả rích nói chuyện. Họ đưa đôi bàn tay ra cho tôi xem. Những đôi bàn tay răn reo, thâm đen vì bị nước ăn. Ngày hè còn đỡ, mùa đông, nước độc ngấm qua da, cả đôi cánh tay đổ bệnh, tê buốt và cứng đơ đơ. Sở dĩ phải thuê thêm người làm công vì người trong làng đôi khi giặt không xuể, họ thuê người ở làng khác giặt thuê, trả lương 40.000 đồng/ngày. Chủ  nhà sẽ đỡ vất vả.

Chị Lượng chỉ tay vào bể nước đang có người giặt, nói: "Trong đó chứa thập cẩm tất cả mọi thứ. Sau khi giặt thì rác đã tương đối sạch. Cho nên người đứng mãi trong cái bể này rất nguy hại đến sức khỏe. Nhưng có khi phải đứng giặt trong đó từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến tối vào những ngày rác về nhiều. Rất dễ mắc bệnh thấp khớp".

Người dân đang tìm mua loại ủng cao quá đầu gối để lội vào giặt, có người kiếm được, người không. Một số người chẳng cần dùng ủng, vì nó vướng. Nhiều người vì vậy mà bị nhức chân, ngâm nước muối không đỡ.

Đi quanh làng, nhìn chỗ nào cũng tơi tả, phấp phới rác bay. Những đứa trẻ vẫn chơi đùa bên những đống rác bẩn thỉu, mặt mũi nhem nhuốc. Chúng không nghề biết rằng, miếng cơm manh áo hay cả sự học hành của chúng có được là do sự vất vả của bố mẹ chúng bên những đống rác cả ngày mà có. Chúng càng không biết rằng, nghề cha mẹ chúng cũng đang đem lại hiểm họa cho chính cuộc sống của biết bao con người. Không khí, chỗ chúng chơi đang bốc mùi ô nhiễm.

Trong chiều nhập nhoạng, tôi chia tay ngôi làng. Những người dân đang hoàn thành nốt công việc cuối ngày để trở về nhà. Khuôn mặt họ đầm đìa mồ hôi và đầy hy vọng. Tôi mong họ có được cuộc sống đàng hoàng, no đủ và càng mong họ nhận ra sự quan trọng của môi trường sống và biết gắn sự phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái

Tiểu Vân
.
.
.