Lang bạt xứ người

Thứ Tư, 27/04/2005, 07:39

Họ là những con chim lạc lìa đàn còn biết lưu lại dấu vết chân móng của mình trên tang trống đồng cổ tích, là những con chim lạc lúc vỗ cánh bay đi trăm ngả vẫn còn biết để bóng dáng mình ở lại với nước non.

Trong số những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, có người như chỉ vừa rời quê nhà dăm ba tháng, tiếng Việt trôi chảy rành mạch, lại có người giọng đã lơ lớ, khó khăn tìm lời, tìm chữ, một câu tiếng Việt kèm mấy câu tiếng Tây. Có người còn nhớ từng bậc đá bến nước làng mình, lại có người chỉ biết trong mình đang có dòng máu Việt chảy mà không rõ gốc gác, quê cha đất tổ là đâu.

Người quen ăn cơm bằng đũa, người không biết cầm đũa, ăn phải cầm dĩa, cầm dao. Có người sung sướng với cái vị chát của chén trà Thái, thèm tợp một hụm nước vối rồi rít một điếu thuốc lào Tiên Lãng, lại có người chỉ quen rượu Whisky và rít xì gà, mọi thứ khác đều xa lạ, đều nhắm mắt lắc đầu. Có người biết hò mái nhì mái đẩy, có người biết kể Lục Vân Tiên, có người biết lẩy Kiều, nhưng lại có người đến giờ vẫn chỉ biết lơ mơ về nhiều sự kiện lớn trong lịch sử nước nhà thời hiện đại!

Tất cả đều thân thiết, gần gụi với tôi, tôi xem họ đều là người nhà, tôi nắm bàn tay họ mà thấy không khỏi bồi hồi xao xuyến, khi họ hỏi tôi, anh sang khi nào, khi nào anh về, dạo này tình hình ở nhà ra sao, tôi thấy se lòng như thể mình lâu ngày gặp lại anh mình, chị mình, em mình vậy. Tôi chợt bắt gặp ở họ vừa có cốt cách của người Việt cổ lại vừa có cả cốt cách của người Việt tương lai. Lại như từ họ, những kiếp người ấy, mà thấy hiển hiện ra biết bao chìm nổi, biết bao buồn tủi đa đoan, biết bao quả cảm, biết bao cứng cỏi và thủy chung nghĩa khí. Đó là những cốt cách Việt Nam bền vững dẻo dai, là cái gia sản duy nhất mà họ đã kịp mang theo trên những dặm đường xa tuyết rơi, gió thổi, là những gì mà quê nhà lam lũ đã kịp dành dụm đặt vào tay những đứa con của mình trong buổi ra đi.

Có thể nói, giờ đây trên khắp trái đất đông đúc này, ở đâu có người là ở đó có họ, có những người Việt chúng ta, nếu muốn là sẽ gặp và tôi đã đi tìm họ như chỉ là để nói một lời yêu dấu và quý trọng.

Từ Hà Nội qua Bangkok chỉ mất hai giờ bay, vậy mà mãi hôm nay tôi mới có dịp đến đó. Cái duyên với vùng đất này muốn chậm, nhưng chậm còn hơn không. Sự chuẩn bị của tôi cho chuyến đi Thái Lan lần này là rất nghèo nàn, tôi muốn nói đến những hiểu biết của mình về đất nước ấy. Thuở nhỏ có đọc mấy bài du ký của ông Phạm Quỳnh in trên tờ Nam Phong, kể chuyện Vọng Các, Nam Vang và Viêng Chăn. Văn chương sáng sủa giản dị. Lớn thêm vài tuổi nữa, vào khoảng năm 1960, có được đọc một tập truyện ngắn Thái Lan do nhà văn học dịch và xuất bản, chỉ cảm thấy đất nơi ấy mộ Phật, người nơi ấy hiền hậu, lễ phép.

Đúng lúc ấy thì chuông điện thoại đổ ròn, tôi xem là điềm lành. Bằng Việt gọi đến buổi chiều, Nguyễn Đức Mậu gọi đến buổi tối. Cả hai anh đều dặn, đến Bangkok phải liên lạc ngay với một người Việt mang quốc tịch Thái Lan tên là Thavi Quý, hai anh bảo tôi lấy bút ghi số điện thoại và địa chỉ của anh Thavi Quý vào sổ tay.

Một tối tại khách sạn Orient nằm ở trung tâm Bangkok, tôi đã được gặp anh Thavi Quý, hai anh em ngồi với nhau cho tới khuya.

Nhà anh Quý cách chỗ tôi ở trên mười cây số, nhận được điện thoại của tôi là anh nhảy taxi đi liền, vậy mà phải một giờ sau anh mới đến nơi. Là vì Bangkok quá đông, nạn ùn tắc xe cộ còn nặng hơn ở Hà Nội gấp cả chục lần. Anh Quý nói, Bangkok hôm nay đã thành một trung tâm chính trị - kinh tế lớn, một địa chỉ du lịch nổi tiếng có tầm thế giới, chỉ nói chùa chiền cũng đã có trên ba trăm cái, cái nào cũng lớn, đẹp và đặc biệt tôn nghiêm. Khách bốn phương đổ đến hàng ngày đông nghìn nghịt, sân bay quốc tế hôm nay tuy đã lớn, nhưng sắp tới sẽ còn khánh thành một cái nữa lớn hơn nhiều, hiện đại hơn nhiều. Thành phố suốt đêm ngày lúc nào cũng ù ù như một cái cối xay lúa khổng lồ.--PageBreak--

Tôi hỏi thăm về gia cảnh, anh Quý cho biết, năm nay anh đã sắp tám mươi, vợ anh cũng đã ngoài sáu mươi, chị gốc người Quảng Bình, theo cha mẹ qua Lào kiếm ăn từ lúc đang lon ton tập chạy. Chị có mấy năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở bên Lào, sau mới dạt qua Thái, cứ trôi theo Mêkông như cánh lá rừng. Anh chị có ba người con, một gái, hai trai. Một đứa con đang học đại học tại đây, hai đứa kia xuống Singapore làm ăn, chúng nó khá giả, đã có nhà cửa bên đó. Tuy đã cao tuổi, nhưng anh Quý vẫn chịu khó đi làm thêm để kiếm tiền, rủng rỉnh có tiền trong túi, lâu lâu anh lại làm một chuyến về nước thăm thú nơi này, nơi nọ, vài tuần nữa anh sẽ bay về Bình Thuận để kịp dự lễ hội Katê của bà con người Chăm. Anh Quý cũng vừa xong một hợp đồng dịch thuê cho một đoàn Nhật, mỗi ngày họ trả 150 đô la Mỹ, 1 đô ăn 40 bạt. Anh làm liền cho họ ba tháng, tiền công như thế cũng là khá. Lương một kỹ sư mới ra trường ở đây chỉ có từ mười lăm đến hai mươi ngàn bạt mỗi tháng mà thôi.

Anh Quý là người thông thạo cả bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Thái và Việt. Anh làm thông ngôn, viết báo, dịch sách, viết sách, dạy học bằng cả bốn thứ tiếng đó. Hồi nhỏ ở quê nhà, anh Quý là học trò của cụ Phạm Văn Bạch. Về sau này đã có lúc cụ Bạch làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, anh Quý vừa học xong tú tài trường Tây, tham gia phong trào tại Sài Gòn, xem các ông Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Luân là bậc đàn anh. Đầu năm 1947, tại Bangkok, ta được phép đặt đại diện ngoại giao, tên gọi chính thức là Vietnam Information Service, tức là Phòng Thông tin của Việt Nam, do ông Nguyễn Đức Quỳ phụ trách, anh Quý được ông Quỳ dắt sang làm thư ký của cơ quan này. Đến năm 1951, cơ quan này phải đóng cửa, ông Quỳ về nước nhận nhiệm vụ khác, còn anh Quý thì xin phép được ở lại, định cư hẳn bên Thái. Thân cô thế cô, bắt đầu một thời lang bạt với hai bàn tay trắng và một cái túi rỗng lặn lội sống giữa xứ người.

Bằng vốn ngoại ngữ đã có, anh cắm đầu lao vào tự học tiếng Thái, rồi viết báo bằng tiếng Thái, nói tiếng Thái như người Thái. Anh phát hiện ra là mình có năng khiếu ngoại ngữ và còn hơn thế, nếu chịu khó, có thể trở thành một nhà nghiên cứu tiếng Thái. Mấy năm sau đó, anh Quý được Trường Đại học Xiêngmay mời vào làm giảng viên của Khoa Ngôn ngữ, dạy cho sinh viên, rồi dạy lên cả bậc thạc sĩ. Dạy ở Xiêngmay sáu năm, anh Quý mới chuyển về sống ở Bangkok.

Tỉnh Xiêngmay nằm ở phía Bắc nước Thái, xưa thuộc tiểu vương quốc Lána, tiếng Thái, Lána có nghĩa là một triệu miếng ruộng. Vào dịp xây dựng tượng đài kỷ niệm ba vị vua đã có công khai mở vùng đất cổ này, anh Thavi Quý được chính quyền sở tại mời ra viết văn bia bằng chữ Thái, đó là một vinh dự rất lớn, tấm bia đó đến nay vẫn đang được giữ gìn trân trọng trong khu tưởng niệm.

Tôi nói để anh Quý biết, theo chương trình làm việc, mấy hôm tới các nhà văn đến nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2004 sẽ tới thăm thư viện Bangkok, gặp gỡ báo chí và đông đảo bạn đọc tại đó, tôi muốn mời anh buổi ấy cũng có mặt. Anh vui vẻ nhận lời, còn hứa sẽ đứng ra phiên dịch khi tôi lên phát biểu và tặng sách cho thư viện theo yêu cầu của bạn.

Anh Quý cười rất ấm áp, ánh mắt lấp lánh vui. Anh nói, thế là đã có ba người Việt Nam được thư viện này cất giữ sách. Người đầu tiên là cụ Doỏng; người thứ hai là anh, tên Thái là Thavi, tên cúng cơm là Hoàng Châu Quới, người Cần Thơ; còn người thứ ba là Đỗ Chu. Cụ Doỏng ngồi thuyền buồm theo cha mẹ sang Thái từ thuở tóc còn để chỏm, trên thuyền ngoài chum nước ngọt, ít củi, ít gạo, ít muối, giỏ gừng khô, đáng kể nhất còn có một đống sách chữ nho, đó là tài sản của một gia đình khoa bảng. Cũng vì một lý do nào đó họ phải ra đi.--PageBreak--

Vừa đặt chân đến là cụ Doỏng được gửi vào trường học chung với trẻ con Thái, nhưng về nhà vẫn phải học chữ nho. Đám bạn cùng học hiểu lầm Doỏng là người Tàu, Doỏng giải thích sao chúng cũng không tin, chúng không biết nước Đại Nam là ở đâu. Khi trưởng thành, Doỏng làm thầy giáo dạy lũ trẻ con các gia đình người Việt, vừa học tiếng Thái vừa học tiếng Việt. Để có một cuốn sách giáo khoa làm cơ sở cho chương trình giảng dạy mà Doỏng đã soạn cuốn lịch sử này bằng tiếng Thái, nói đúng ra là Doỏng đã chép lại theo trí nhớ những gì mà các sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và Lê Quý Đôn đã viết. Ngày đó, người Việt mới chỉ có một nhóm sống ở bên này, lại rải rác mỗi người một phương, phần lớn ở mấy tỉnh giáp biên. Lớp học của Doỏng chỉ có mươi trẻ, có đứa ở xa vài trăm cây số, mỗi năm được về thăm bố mẹ vài ba lần.

Cuốn sách của cụ Doỏng về sau in ra được nhiều người Thái biết đến, họ đọc và rất thích. Sách dày 860 trang, khổ lớn, bìa bọc da đen đúa, thứ chữ mầm giá nom rối mù và bí hiểm, được đặt nhan đề là "Lược sử nước Đại Nam". Sách bắt đầu kể từ thời các vua Hùng dựng nước, đến thời Hồng Bàng, qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, dừng lại ở năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi mở đầu triều Nguyễn.

Có nhẽ bây giờ ở Bangkok hiếm có người Việt nào còn bỏ thời gian mò vào thư viện để tìm đọc cuốn sử này, trừ anh Thavi Quý. Anh đến đó luôn, lần nào cũng rút cuốn sách của cụ Doỏng ra để ngắm nhìn lúc lâu. Đó là một cuốn sách cổ quý giá, tính đến tháng 10/2004, khi tôi có dịp đến đây thắp một nén hương tinh thần tưởng nhớ tác giả của nó, cuốn sách đã ra đời đúng một trăm lẻ hai năm.

Cùng nằm chung trong tủ sách đó, ở một hốc khác là gần hai chục cuốn sách của anh Thavi Quý, ngoài sách còn có gần năm chục bài báo của anh chưa được in thành sách, tất cả đều chỉ bàn về ngôn ngữ Thái mà thôi.

Bằng máy vi tính, anh đã mày mò tạo ra vài chục phông chữ cho cụm ngôn ngữ Thái. Có tới vài chục ngữ Thái với nhiều dị biệt là vì có tới vài chục dòng Thái quần cư theo hai bờ Mêkông từ nghìn đời nay. Đã có Thái trắng lại còn có Thái đen, Thái đỏ… một đại gia đình Thái.

Một sớm mai nhiều nắng và gió, tôi dắt vợ và con gái ra tận cổng lớn thư viện Bangkok để trân trọng đón vợ chồng anh Quý cùng mấy bà con Việt kiều đã hẹn đến dự buổi giao lưu văn học. Một chiếc xe con màu đen sang trọng lướt tới. Cháu Hà nhà tôi lập tức reo lên, bác Quý kia rồi. Anh Quý bước ra trước mở cửa xe.

Rồi anh ân cần giới thiệu gia đình chúng tôi làm quen với các bạn mới. Đây là bà xã tôi, tên là Hận, ở nhà gọi vui là Hậu, Hoàng Hậu. Còn đây là bác Tư, người gốc Triệu Phong - Quảng Trị, lưu lạc qua Lào bằng đường Lao Bảo từ lúc mười hai tuổi. Đây nữa là Thái Mạnh Hùng, một kỹ sư điện tử và cũng là một thầy giáo dạy tiếng Việt cho lũ con cháu mình không lấy tiền. Và đây là Thúy Nga, nhân viên ngân hàng kiêm bà chủ một cửa hiệu kha khá, tất nhiên là tư nhân, nay mai cô ấy sẽ thay tôi làm đại biểu của cộng đồng bà con mình ở đây.

Cũng trạc tuổi anh Quý nhưng nom bác Tư già hơn nhiều. Người thấp nhỏ, nói năng nhỏ nhẹ, điềm đạm. Tôi hỏi bác sống bằng nghề gì, bác cho biết đã từng qua nhiều nghề, làm lâu nhất là nghề thợ nề, thợ mộc. Nhưng giờ thì chơi được rồi, các cháu khôn lớn cả rồi, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn, một đứa còn đang làm tiến sĩ bên Australia. Năm ngoái bác đã về thăm quê, ở lại hẳn mấy tháng, xây mồ xây mả cho ông bà cụ kỵ, đi thăm khắp nội, ngoại bà con. Định năm tới lại về, lần này là mang tiền quyên góp về tặng cho các cháu bị chất độc da cam. Quảng Trị của bác chưa bao giờ không vất vả, năm nào cũng nghe có lũ lụt, đến là xót ruột xót gan.

Lúc sắp chia tay nhau, chị Hận dúi vào tay tôi một gói giấy học trò, chị khoe chị cũng làm thơ. Tôi mở ra xem qua, dễ có đến vài chục bài, nét chữ bình dân học vụ được viết bằng mực tím nom hệt nét chữ mẹ tôi hồi bà cụ còn sống. Tôi xin phép trích ra đây hai câu thơ chị viết hồi về nước viếng Lăng Bác: Cha đừng về trời cha ơi. Bỏ con ở lại chơi vơi dưới trần.

Anh Quý kể, người Thái có chung một niềm tin, khi họ mất, linh hồn sẽ bay về trời, và linh hồn chỉ có thể lên được trời nếu biết lần theo dòng Nậm Hu, tìm đến cánh đồng Điện Biên. Trong tâm thức người Thái, Điện Biên từ bao đời nay đã là một chốn thiêng liêng, với họ nó là một thánh địa. Việt Nam có hai con sông đổ về hướng Tây làm phụ lưu của Mêkông, Tây Nguyên có Sêrêpốc còn Tây Bắc có dòng Nậm Hu, nguồn của Nậm Hu xuất phát từ cánh đồng Điện Biên.--PageBreak--

Tôi hỏi anh Quý đã khi nào anh đến Sa Pa để xem những hình khắc kỳ lạ trên những bãi đá cổ dưới cánh đồng đó chưa. Anh Quý gật đầu, ba lần về nước, gần đây anh đều đã lội tới chỗ ấy, anh đã nằm úp mặt ghi chép lại cuốn sách trời được ghi trên những phiến đá của cánh đồng dưới chân Sa Pa. Anh thì thầm, theo tôi đó là lịch của người Lự cổ. Người Lự cũng là một dòng Thái. Nghe nói, ở bên nhà vừa tìm thấy văn tự cổ của người Lự, vậy là mừng lắm, nếu thấy khó xin gửi qua bên này để tôi đọc cùng. Tôi ngờ rằng, nếu chịu khó tìm thì đâu đó chắc sẽ còn nhiều bãi đá mang dấu vết người xưa để lại ở hai bờ thượng du sông Hồng. Những bãi đá ấy nằm im lặng giữa trời giữa đất cả vạn năm nay, bỗng một ngày ta gặp lại và ta đọc to lên tư tưởng của người xưa, thú vị biết bao. Ở đời, không có gì vui bằng được mày mò tìm ra chìa khóa mở những dòng mật mã đó, gọi là những câu bùa chú cũng được.

Một tối, tôi sửa soạn đến nhà Hoàng thân Sukhumbhan Paribatra dự tiệc đêm thì anh Quý tạt qua chơi. Anh khen ông hoàng là một nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, đã từng qua Mỹ du học và anh dặn tôi phải gọi tên ông cho đầy đủ là Mỏm Ratsavông Sukhumbhan Paribatra. Theo thứ bậc của hoàng gia thì dòng cả được gọi là Mỏm Chao, dòng thứ là Mỏm Ratsavông, thứ nữa là Mỏm Luổng, thứ nữa là Nai.

Con sông chảy qua Bangkok người Pháp gọi là Le Ménam, nghĩa là mẹ nước, trên thực tế là sông cháu, Phráya. Nó là một con sông nhỏ chảy qua đồng bằng Nam Thái, đổ ra biển Thái. Vài trăm năm trước, nơi đây chưa có gì cả, ngoài một xóm nhỏ nằm trên bờ sông, đầu xóm có trồng những cây kok. Khi thành phố mọc lên, người ta bèn gọi tên nó là Bangkok, ngày ấy triều chính cũng chưa di về đây, kinh đô còn ở một vùng cách đây chừng một trăm cây số. Hôm nay Bangkok đã trở thành một thành phố sầm uất, sang trọng và hiếu khách. Hai bên bờ là những đường phố rộng rãi, nhấp nhô nhà cao tầng, nhấp nhô những con thuyền, những tán dù đủ màu sắc lộng lẫy, nhấp nhô những đám lục bình hoa tím đang trôi theo sóng nước. Và xa xa là những cây cầu lớn với những dòng xe nối đuôi nhau lao vun vút.

Những cây đèn sáng suốt đêm, mặt sông ồn ã náo nhiệt suốt đêm. Khách sạn Orient vừa tân kỳ vừa cổ kính nhìn ra dòng sông ấy. Đối diện ở bờ bên kia là một khu nhà lợp ngói, nằm ẩn mình trong vườn cây ngan ngát phong lan, nó là chốn ăn chơi nhã nhạc về đêm của khách khứa hotel Orient.

Đêm cuối của chuyến viếng thăm nước Thái, tôi tiễn chân anh Thavi Quý ra mãi đầu đường Silỏm. Silỏm có nghĩa là cối xay gió. Đây là một dãy phố cổ nằm ở trung tâm thành phố, ở giữa con phố đó có một ngôi nhà trước kia Việt Nam kháng chiến đã từng chọn đặt trụ sở đại diện. Năm 1947, giáo sư Đặng Văn Ngữ từ Tokyo trở về Việt Bắc đã dừng chân cả tháng trong ngôi nhà này, ông được hẹn đón tại đó. Cả tháng trời, ông quanh quẩn trong nhà, không ló mặt ra ngoài. Cả tháng trời, ông lúi húi với công việc riêng. Trong căn buồng tối và chật mà anh em dành cho mình, ông bày la liệt những chai, những lọ. Có anh cán bộ trẻ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan nhiều lần để ý thấy ông hay mở ra đậy vào những cái lọ ấy thì lấy làm khả nghi lắm, bèn hỏi hình như giáo sư có mang theo thứ gì bí mật. ông Ngữ cười, đây là một loài nấm tôi đang cấy, hàng ngày vẫn phải nhìn vào.

Rồi người thanh niên ấy trở thành lính dẫn đường đưa ông Ngữ về nước. Từ Bangkok về tới Tuyên Quang phải mất gần nửa năm trời. Đi bộ suốt về đến khu Bốn, ông được ghép cùng đi với một đoàn cán bộ ở hậu địch ra, trong đoàn lại có một chú bé chừng dăm tuổi, nó đang bị thương hàn rất nguy kịch. Lúc qua suối Rút, chợ Bờ, ông Ngữ vừa ngồi nghỉ chân vừa tính toán hồi lâu, rồi ông quyết định mở túi đồ nghề lấy ra liều thuốc kháng sinh ít ỏi định mang về báo cáo với Cụ Hồ. ông vén quần lội ra giữa dòng suối, ghé ống nghiệm múc một ít nước lã pha thuốc, tiêm cho thằng bé một mũi. Thằng bé nhờ thế mà khỏi bệnh, lớn lên thành kỹ sư, được gửi qua nước bạn học tập rồi lại được gửi vào mặt trận Quảng Trị tham gia chiến đấu, về sau có nhiều năm công tác ở Phủ Thủ tướng, gần đây là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Bộ trưởng ấy họ Đoàn, tên gọi Mạnh Giao. Còn ngôi nhà mà Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã từng lúi húi cấy nấm lõi ngô làm thuốc kháng sinh trong những ngày ăn đợi nằm chờ ở Bangkok là ngôi nhà số 543 đường Silỏm.

Anh Thavi Quý sinh năm 1926, tuổi Bính Dần, nay đã thành một ông lão tóc bạc, dáng anh cao lớn phương trượng, phong độ lịch lãm, chân thật và nhân hậu. Sắp qua một kiếp rồi, già thật rồi, gần 80 mà chưa bảo già sao được. Đã có sáu chục năm xa nước, sáu chục năm lang bạt xứ người trở thành người xứ lạ. Rồi năm tháng đi qua, sau nhiều bôn ba chìm nổi, sau nhiều từng trải xứ lạ thành quen, thành thuận hòa gắn bó với vùng đất, vùng người nơi đây.

Một miền lưu vực rộng lớn của một dòng sông hùng vĩ vào bậc nhất thế giới. "Mêkông sông dài trên hai ngàn cây số mênh mông / Nguồn tự Trung Hoa có Vạn Lý Trường Thành / Có Hy Mã Lạp Sơn Động Đình Hồ Tây Du Thủy Hử / Mêkông chảy cây lao đá đổ / Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương / Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn / Ngẫm nghĩ voi đi Thác Khôn cười trắng xóa"… Chế Lan Viên từng khen Nguyên Hồng mang được cái hoang dại vào thơ.

Những cánh rừng nhiệt đới trùng điệp, bát ngát cánh đồng, hào phóng hoa trái, mái nhà sàn ẩn hiện, tháp chùa ẩn hiện gợi đến dáng những chiếc mũ đội trên đầu các vũ nữ buông váy bước đi khoan thai trong tiếng nhạc thánh thót và tiếng nhạc với những khúc thức nghe càng lâu càng thấm một vẻ đẹp u hoài, một lời rủ rê miên man

Đỗ Chu
.
.
.