Làng Pơmu giữa đại ngàn Tây Bắc

Thứ Tư, 21/12/2016, 08:13
Xã Ngọc Chiến - Mường La là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc, nằm cách TP Sơn La khoảng 80km về phía Đông Bắc, ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La.

Đặc biệt, ở đây vẫn đang có hơn 1.000 ngôi nhà sàn làm hoàn toàn bằng gỗ pơmu và mái lợp cũng bằng gỗ pơmu. Nơi đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên cung đường khám phá Tây Bắc…

Ngôi nhà sàn của ông Lò Văn Pẩu, ở bản Mường Chiến, có 1 tầng, 4 mái và một lầu tứ giác nhỏ ở trên bên trái. Ngôi nhà khá đẹp và được bố trí ngăn nắp, chia thành nhiều gian. Ông Pẩu chỉ cho mọi người thấy từng cái cột, kèo, tới cầu thang, cửa sổ, cửa chính, và cách làm mái lợp từ gỗ pơmu như thế. 

Ông bảo, để dựng được một ngôi nhà sàn thì dễ nhưng để có một ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ pơmu thì rất khó, gia đình ông mất hơn 5 năm ròng để tích gỗ. Việc chọn gỗ cũng rất phức tạp, như từng cây gỗ mình phải nhớ gốc và ngọn để khi dựng nhà không cắm ngọn xuống đất…

Ông Lò Văn Án, Trưởng bản Mường Chiến cho biết, nhà ông dựng cách đây cũng gần 40 năm, ngồi trong nhà khi nắng dần buông xuống ông lấy 1 cây gậy dài khoảng 3m, đẩy tấm lợp trên mái nhà trở lại vị trí cũ. Ông bảo, mỗi nhà đều có 1 cây gậy như vậy dùng để đẩy ngói lấy ánh sáng, hoặc khi mưa gió thì kéo trở lại. 

Nhà sàn của người Thái trắng ở Mường Chiến rất độc đáo, không ở đâu có được, bởi toàn bộ nhà đều làm bằng gỗ pơmu, dựng theo kiểu truyền thống với đủ 34 cột vuông và 2 cầu thang, kiến trúc đầu tròn, đầu xà, kèo cột, các hoa văn họa tiết ở cột kèo được thiết kế khá tinh xảo hình rồng, phượng hoặc hình hoa lá. 

Trong đó, ở đầu các cột nhà, các đố đỡ đều được tạo hình đầu voi với cái vòi vươn dài khá cầu kỳ. Đặc biệt, mỗi tấm lợp mái nhà được bổ từ gỗ pơmu rộng 50cm và dài 1m đan lồng lên nhau... Với ngôi nhà này, có thể sau 100 năm mới phải tu sửa.

Một góc bản Lướt ở Ngọc Chiến.

Nhà ông Pẩu, ông Án chỉ là hai trong số hơn 1.000 ngôi nhà sàn gỗ pơmu ở Ngọc Chiến. Sự tồn tại của hơn 1.000 ngôi nhà sàn gỗ pơmu nguyên bản có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ không chỉ đơn giản là những ngôi nhà sàn, mà trở thành nét độc đáo của Ngọc Chiến.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Pháng cho biết, Ngọc Chiến được coi là xứ sở của pơ mu, ở đây có 21.000ha rừng trong đó có khoảng 12.000ha rừng nguyên sinh, đa phần là cây pơmu. Hầu hết những ngôi nhà gỗ pơmu trong bản được dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, có ngôi nhà tuổi đời gần 100 năm. Từ khi pơmu nằm trong danh sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, tới lệnh đóng cửa rừng, người dân đã không vào rừng khai thác nữa. 

Để giữ được những cánh rừng xanh, ngày một phát triển giữa đại ngàn Tây Bắc là niềm tự hào của mỗi người dân Ngọc Chiến. 

Theo lý giải của ông Lò Văn Pháng, giữ được rừng tất cả đều từ hương ước của người dân, mỗi bản làng đều có hương ước riêng về việc bảo vệ rừng, bất kể ai cũng đều tôn trọng và rừng vẫn sống với người dân. 

Đến nay, phần lớn rừng đã được giao khoán cho các hộ dân, tuy nhiên tại bản Nà Tâu vẫn còn có một khu rừng chung và ai cũng chung tay bảo vệ, cùng trồng rừng và cùng khai thác. Bản có hơn 100 hộ nhưng không có tệ nạn xã hội, không có tình trạng trộm cắp, ANTT được đảm bảo…

Đến Ngọc Chiến những ngày giữa mùa đông giá lạnh, ngắm những ngôi nhà sàn độc đáo, mới thấy được nét hoang sơ, bình dị giữa đại ngàn của người dân vùng Tây Bắc, một điểm hấp dẫn đối với người ưa khám phá và trải nghiệm. 

Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty Thiên đường Á Châu cho rằng, Ngọc Chiến có đầy đủ yếu tố để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình Tây Bắc, nhất là trong phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để xây dựng được điểm đến thì trước tiên chính nội tại người dân Ngọc Chiến phải giữ được nét văn hoá đặc trưng, từ ngôi nhà sàn cổ, tránh bị bê tông hoá. 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Du lịch đường sắt Hà Nội cũng cho rằng, bảo tồn những ngôi nhà cổ là đặc biệt quan trọng ở Ngọc Chiến. Bên cạnh đó rất cần sự tập huấn cụ thể theo kiểu cầm tay chỉ việc cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng, tránh sự bùng phát mạnh ai nấy làm, mà phải có quy hoạch cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Trưởng phòng Văn hoá, thông tin huyện Mường La cho biết, để phát triển du lịch cộng đồng ở Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã bước đầu hỗ trợ cho xã 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng. Dự kiến trong thời gian tới, nguồn kinh phí này sẽ xây dựng 1 cơ sở đón tiếp khách, xây dựng nhà vệ sinh, mở các lớp tập huấn, và tuyên truyền người dân về làm du lịch homestay.

Lưu Hiệp
.
.
.