Lặn hải sâm ở Quảng Ngãi: Nghề bán mạng cho “thuỷ thần”

Thứ Tư, 19/09/2007, 10:12

Với giá bán từ 500.000 - 700.000 đồng, lúc đỉnh điểm lên đến gần 1 triệu đồng/kg, vì thế việc lặn để săn bắt hải sâm được xem là một nghề làm giàu của ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn. Thế nhưng, cũng vì loại hải sản quý hiếm này, không ít ngư dân đã bỏ mạng hoặc tàn phế suốt đời.

Tiền...

Sau gần 1 giờ theo tàu vượt sóng, chúng tôi có mặt tại huyện Lý Sơn vào một ngày gần giữa tháng 9 - nơi mà việc săn bắt hải sâm đang được xem là nghề "hái ra tiền" của nhiều ngư dân ở vùng đất đảo này.

Anh Nguyễn Văn Tường (52 tuổi), một cựu thợ lặn ở xã An Hải cho biết: Hải sâm còn được gọi là vú biển, một trong những loại hải sản quý hiếm thường sống ở độ sâu từ 50 - 70m. Những năm trước, hải sâm không đắt lắm nên được ngư dân trên đảo bắt về ngâm rượu uống, hoặc phơi khô làm quà tặng cho người thân. Tuy nhiên mấy năm gần đây, nhiều tư thương ở các tỉnh phía Nam ra tận nơi tìm và đặt mua với giá rất cao nên ngư dân, nhất là số thợ lặn trẻ ở Lý Sơn đã dần chuyển sang lặn bắt hải sâm ngày càng nhiều. Ước tính toàn huyện có khoảng 60 tàu thuyền, với trên 800 người tham gia lặn hải sâm. Trong đó nhiều nhất là xã An Hải khoảng 40 tàu, 300 người, còn lại là An Vĩnh và An Bình.

Tính theo giá thị trường hiện nay thì hải sâm được mua từ 500.000 - 700.000 đồng/kg, có lúc đỉnh điểm lên gần 1 triệu đồng/kg. Nhiều ngư dân Lý Sơn đã quả quyết: Lặn hải sâm là kiếm được nhiều tiền nhất so với các nghề khai thác hải sản khác ở đây. Được biết, trung bình một tàu thuyền đi lặn có từ 12 - 13 người. Trong đó thợ lặn khoảng 8 người, số còn lại có nhiệm vụ thả dây hơi cho người lặn và kéo họ lên tàu thuyền. Mỗi chuyến đi về khoảng 2 - 3 tháng, trừ các khoản chi phí thì một ngư dân kiếm "bèo" nhất cũng được gần 20 triệu đồng/chuyến.

Cách đây không lâu, chỉ sau hơn 1 tháng ra khơi, tàu của ông Dương Quang Thắng, ở thôn Tây, xã An Hải đã khai thác được 1.400kg hải sâm và một số loại khác: đồn đột, da trăn, ổ hoa... bán được trên 800 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ngư dân trên tàu được chia từ 30 - 40 triệu đồng. Đó là chưa nói đến trường hợp "trúng mánh" được chia cả trăm triệu đồng/người không phải là chuyện hiếm.

Chị Phạm Thị Huệ, một đại lý thu mua hải sâm ở đây cho biết: Trung bình mỗi tháng mua được từ 200 - 400kg hải sâm. Mấy năm trước trên đảo chỉ có 1 - 3 điểm thu mua, nhưng hiện nay đã tăng lên 10 điểm thu mua.

... Được đánh đổi bằng mạng sống

Hơn 15 năm theo nghề lặn và từng được coi là người có sức khoẻ tốt nhất nhì trên tàu, thế nhưng cuối cùng vẫn không thoát nạn và trở thành một người bại liệt để rồi mọi sinh hoạt phải nhờ vào vợ và những đứa con, anh Trần Đình Lộc, ở thôn Tây, xã An Vĩnh cay đắng cho biết: Hải sâm thường sống ở những vùng biển gần đảo, dưới độ sâu từ 50 - 70m. Để bắt được hải sâm, sau khi lặn xuống tới nơi, thợ lặn còn phải mò, tìm kiếm. Thời gian ở dưới nước trung bình của mỗi lần lặn phải mất khoảng 1 giờ.

Đối với nghề lặn thì nhiệm vụ của người thả ống hơi, kéo dây vô cùng quan trọng, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Bởi lẽ chỉ cần kéo nhanh hay chậm thì tính mạng các thợ lặn cũng đều gặp nguy hiểm. Vì thế, không ít trường hợp thợ lặn dù đã được kéo lên tàu rồi vẫn bị nạn như thường.

Anh Huỳnh Ngọc Dũng, cán bộ thủy sản xã An Vĩnh cho biết: Chuyện chết do lặn hải sâm ở đảo Lý Sơn này xảy ra rất nhiều. Và hầu như 100% số thợ lặn hải sâm trên đảo đều phải chịu di chứng. Cách đây khoảng 2 tháng, anh Nguyễn Tấn Thành (28 tuổi), thợ lặn ở xã An Hải đã phải tử nạn do lặn hải sâm mà chưa kịp biết mặt đứa con trai đầu lòng vừa mới sinh. Và cách đây chưa đến 1 tháng, 2 ngư dân nữa là anh Ngô Văn Thế (30 tuổi) và Bùi Trận (33 tuổi) cũng đã mất mạng vì lặn hải sâm.

Theo ước tính của người dân trên đảo, từ năm 2003 đến nay, trên huyện đảo Lý Sơn đã có gần 100 người bị nạn do lặn, trong đó 41 người chết, trên 50 người bị bại liệt. Vì vậy, người dân địa phương còn gọi đây là nghề bán mạng cho "thủy thần"

C.Nguyễn
.
.
.