Hải Dương:

Làm rõ trách nhiệm để xử lý vụ mua bán trang trại của một số cán bộ PMU18

Thứ Hai, 17/04/2006, 15:16

Không cư trú ở địa phương nhưng vẫn được xác nhận hộ khẩu để được nhận khoán; không được xây nhà trong rừng trồng nhưng một biệt thự sang trọng vẫn ngang nhiên mọc lên… Ai là người tiếp tay cho những sai phạm này của một số cán bộ PMU18?

Ngày 12/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Hoàng Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo ngành chức năng và hai xã Văn An, Cộng Hòa  (huyện Chí Linh) về việc mua bán trang trại của quan chức PMU18. Bước đầu, đã phát hiện những sai phạm trong sự buông lỏng quản lý của các ngành và địa phương.

Xác nhận hộ khẩu giả để được nhận khoán

Từ tháng 12/2001, ông Đỗ Kim Quý (nguyên Phó Tổng giám đốc PMU18) có trang trại ở Cộng Hòa, thị trấn Sao Đỏ với diện tích 2,85 ha. Từ tháng 6/2004, hai ông Nguyễn Nhật Anh (con rể nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến) có trang trại ở xã Văn An với diện tích 7,75 ha; ông Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch PMU18) cũng ở xã Văn An có trang trại 7,26ha đứng tên bố đẻ là Phạm Văn Thịnh. Cả 3 quan chức PMU18 hiện đang "nhận khoán" diện tích trồng rừng 17,86ha ở huyện Chí Linh.

Theo ông Trịnh Viết Hệ, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Nam Chí Linh thì các ông Đỗ Kim Quý, Nguyễn Nhật Anh, Phạm Văn Thịnh đã có hợp đồng nhận khoán trồng rừng hợp pháp, phù hợp với Nghị định 01 ngày 14/1/1995 và Quyết định 178 ngày 12/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Song thực chất, họ tự mua bán vườn cây ăn quả của những gia đình ở địa phương được Nhà nước quản lý, hộ khoán rừng phải giao nộp sản phẩm cho Ban Quản lý rừng khi đến hạn giao nộp. Nhưng để mua được những trang trại trên, chính quyền xã Văn An, Cộng Hòa, thị trấn Sao Đỏ đã có xác nhận công nhận ba quan chức trên đều có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Văn An Nguyễn Văn Hải thừa nhận chính ông xác nhận cho những người này, song không hề biết mặt các quan chức PMU18. Chủ yếu việc mua bán rừng đều thông qua ông Lê Tiến Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình và ông Hải ký vào đơn nhận khoán là sai. Ông Hải không giấu giếm rằng, do nể PMU18 đã giúp địa phương khá nhiều tiền để xây dựng chợ Trại Sen và hỗ trợ làm đường nên bỏ qua mọi nguyên tắc.

Thêm nữa, tại Hợp đồng khoán gọn trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, bảo vệ cây ăn quả số 04/2001 ngày 12/12/2001 và số 16/3 ngày 16/12/2001 của ông Đỗ Kim Quý; Hợp đồng số 41/HĐ-TR-BVR ngày 30/6/2004 của ông Phạm Văn Thịnh đều do ông Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc Ban Quản lý rừng Hải Dương đứng tên bên giao khoán ký. Sở dĩ ông Thơ ký vào các hợp đồng khoán gọn trên đều trên cơ sở những gia đình, cá nhân đó đang cư trú hợp pháp tại địa phương quản lý đất trồng rừng. Điều đó có nghĩa là các ông Quý, Anh, Thịnh đã được xác nhận có hộ khẩu giả để nhận khoán.

Xây biệt thự trên đất trồng rừng, nhưng không xử lý…

Ngay sau khi có trang trại, ông Đỗ Kim Quý bắt tay vào xây dựng biệt thự trên đất trồng rừng. Đầu tư nhiều tỷ đồng, ông Quý xây biệt thự 2 tầng với diện tích khoảng 200m2, có tầng hầm gara ôtô, bể bơi trong khuôn viên rộng hơn 100m2. Theo Điều 21, chương 3, Quyết định 178/2001/QĐ/TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ "về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao thuê đất, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp" thì ông Quý được làm nhà trên diện tích đất không quá 20m2, nhưng phải được bên giao khoán thỏa thuận bằng văn bản và phải đăng ký với UBND xã sở tại. Tuy nhiên, ông Quý phớt lờ việc đó, bất chấp vi phạm.

Biệt thự không hợp pháp của ông Đỗ Kim Quý trên đất rừng Chí Linh.

Nhận được đơn tố giác, Ban Quản lý rừng của tỉnh đã giao cho Trạm Quản lý rừng Nam Chí Linh lập biên bản đình chỉ mở rộng xây dựng. Tại biên bản kiểm tra ngày 12/9/2002 và biên bản ngày 8/8/2004 do Trạm Quản lý rừng Nam Chí Linh lập đều nêu rõ hiện trạng vi phạm hợp đồng giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Trong đề xuất giải quyết đều yêu cầu ông Quý chấp hành đúng theo hợp đồng nhận khoán và dừng việc mở rộng xây dựng biệt thự nhờ chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng của tỉnh có ý kiến xử lý. Ngay sau đó, Ban Quản lý rừng của tỉnh đã có báo cáo việc xây dựng nhà trái phép của ông Quý đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Chí Linh để xin ý kiến chỉ đạo xử lý việc vi phạm trên.

Trong thời gian chờ đợi, một mặt ông Quý tiếp tục mở rộng xây dựng thêm hàng chục phòng nghỉ, mặt khác từ UBND huyện Chí Linh đến Sở NN&PTNT không hề có ý kiến hoặc báo cáo với UBND tỉnh. Tìm hiểu dư luận được biết, tất cả đều né tránh! Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc "bật đèn xanh" cho ông Quý tự do xâm phạm rừng.

Trách nhiệm đó thuộc về ngành chức năng nào, cá nhân nào, ai cố tình không xử lý, đều phải được làm rõ trong thời gian sớm nhất như ý kiến của ông Hoàng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tổng kiểm tra việc chuyển nhượng, nhận khoán đất rừng trên địa bàn huyện Chí Linh để báo cáo UBND tỉnh xử lý

Nhóm PVMDH
.
.
.