Làm báo ở Thụy Điển: Yên mà không tĩnh

Chủ Nhật, 16/04/2006, 08:10

"Mục tiêu của chúng tôi là đánh thức tình cảm của người đọc, đánh thức phản ứng bột phát tự nhiên của họ bằng cách Hét To lên. Có lúc chúng tôi bị phê phán là giật gân, nhưng kiên quyết không từ bỏ con đường riêng", ông Otto Sjơbrg, TBT nhật báo Expressen, đứng vào hàng lớn thứ 3 ở Thụy Điển, nói.

Khi đoàn nhà báo Việt Nam chúng tôi bay tới Thụy Điển thì đất nước có hơn 9 triệu người này ngỡ như còn nằm ngủ yên trong tuyết rơi trắng xóa. Cô Tinna Bondestam, Phó Tổng Biên tập tờ báo Sundvalls, một tờ báo miền Trung Thụy Điển, đón chúng tôi ở sân bay Stockholm nhìn tuyết qua cửa kính thốt lên: "Đây là một mùa đông dài nhất của Thụy Điển trong 21 năm qua. Nhiệt độ ngoài trời có lúc âm 10 độ".

Khi bay tiếp về thành phố Kalmar, một thành phố tỉnh lẻ phía Nam cách Stockholm khoảng 400km lại càng thấy sự yên bình gần như tuyệt đối từ các con đường nhão nhoẹt tuyết tan lạnh cóng và rừng cây bị phủ trắng, thưa thớt người đi và sự vắng vẻ của xe cộ, tôi đã nhủ thầm: "Dễ mà thương cho các đồng nghiệp chúng tôi sắp được làm quen. Họ sẽ lấy đâu tin tức để lấp đầy 60 trang báo ra hàng ngày khi ngay cả giữa trưa này, thành phố gần như còn mơ màng ngủ…". Như để minh chứng cho ý nghĩ ấy của tôi, suốt 10 ngày quẩn quanh trên các con đường và rừng cây ở Kalmar này, tôi chưa hề thấy một vụ đụng xe hay sự tụ tập đông người bất thường nào như thường thấy ở bên ta.

Ngồi trên "đống lửa"

Đó là cảm giác đầu tiên của tôi về báo chí địa phương Thụy Điển khi bà Tổng Biên tập (TBT) Keretin Johasson của nhật báo Blekinge Lans Tioning bước vào lớp để trao đổi kinh nghiệm làm việc tại một tờ báo ở Kalmar phát hành 36.000 bản một ngày.

Hãy tưởng tượng một tờ báo dày từ  50 - 90 trang phát hành liên tục 6 số trong tuần mà chỉ có hơn 50 phóng viên bao gồm cả họa sĩ thiết kế trình bày (không kể bộ phận quảng cáo bán hàng) kể ra cũng là… "bở hơi tai". Nhưng tôi thề rằng, nếu ai được làm người lính dưới quyền điều hành của bà TBT 48 tuổi kia thì sẽ luôn có cảm giác tin cậy đến vững chãi, không sợ bất cứ điều gì, hay nói một cách khác việc gì cũng có thể làm được.

Keretin Johasson dáng cao lớn, lừng lững như một nữ tướng, kiệm lời, khuôn mặt hồng thắm, mắt sắc lẹm, nhìn chỗ nào có cảm giác nóng lên ngay chỗ ấy. Nom bà hao hao giống nữ Thủ tướng Thatcher của Vương quốc Anh thời những năm 80 của thế kỷ trước. Bà đưa ra một tuyên ngôn: "Tôi ra lệnh cho phóng viên phải viết ngắn. Sẽ khuyến khích viết nhiều bài ngắn về một vấn đề. Chứ không viết một bài lê thê về nó"…

Ví như bà kể, sáng 8/3/2006, được tin dịch cúm gia cầm có dấu hiệu xuất hiện trở lại thành phố Kalmar với bằng chứng do một bạn đọc trông thấy con vịt trời bị chết dưới lòng hồ đóng băng, bà TBT đã lệnh cho 4 phóng viên đi ngay, làm việc suốt trong 1 ngày. Sau đó, bà quyết định in tin "động trời" ấy nhắc lại trên 5 trang trong cùng một số báo… Đó quả thật là một tin không yên tĩnh đã làm xôn xao thành phố đang ngủ này. Bà phải làm nhanh tin ấy vì còn phải cạnh tranh với tờ nhật báo địa phương khác tên là  Baromentern phát hành 44.000 bản/ngày cũng do một phụ nữ làm TBT.

Nói gì thì nói, hai người đàn bà làm TBT này phải là đối thủ thương trường của nhau. Bởi chỉ một ngày sau khi chúng tôi thăm báo Baromentern, ông Piter - Thư ký Tòa soạn đã nói rằng, ông luôn được bà TBT nhắc nhở mỗi sáng sớm phải đọc nhanh báo bạn để phát hiện thiếu sót của báo mình, rút kinh nghiệm với các phóng viên vì sao báo ta lại thua tin hay của Blekinge Lans Tioning.

Khi được hỏi, bà TBT Keretin Johasson làm gì trong một tuần, được trả lời: "Đôi khi tôi có đọc những bài báo quan trọng nhất của một số báo, còn lại tiếp bạn đọc phàn nàn kiến nghị về báo, đào tạo đội ngũ lãnh đạo dưới quyền, báo cáo tài chính lên công ty chủ quản. Tôi luôn là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi vấn đề. Lúc nào tôi như cũng ngồi trên đống lửa, có ngày nghỉ ở nhà để lấy lại sự yên tĩnh mà suy ngẫm…".

Tập đoàn báo chí đa phương tiện

Có thể nói ông TBT Otto Sjơbrg của báo Expressen ở Stockholm là một người đàn ông "quá khích". Tin tức nào vào tay ông dù nhỏ nhắn yên tĩnh mấy thì cũng nổ tung lên thành một vấn đề thời sự lớn. Nhật báo Expressen đứng vào hàng lớn thứ 3 ở Thụy Điển, phát hành 44 vạn bản/ngày, với 1,2 triệu độc giả. Báo còn có các phụ trương là tạp chí TV, tạp chí Thể thao, báo mạng với số lượng 480.000 độc giả/ngày. Trên báo mạng họ còn có hẳn một kênh truyền hình càng ngày càng có đông người xem.

Trao đổi với chúng tôi, ông TBT mới tuổi ngoài 40 nói trong căn phòng rất hẹp mà giọng cứ oang oang, nom mồm miệng ông phát âm người nghe cũng cảm thấy rất mệt, nhưng ông thì diễn thuyết say sưa, tóc tai, miệng mũi, mắt cũng co giãn, nhấp nháy chừng như minh họa cho cách nói ấy.

Ông TBT này không giấu giếm: "Cách làm báo của chúng tôi trước một sự kiện lớn là hét lên, nói to lên. Bằng cách gì ư? Bằng trình bày chữ to, tít bài ấn tượng, ảnh to ở trang 1". Đúng là TBT nào thì… báo ấy. Ông giải thích, đây là cách làm riêng của báo Expressen, có truyền thống từ ngày mới thành lập khiến bạn đọc đã quen "khẩu vị" mất rồi. Ông lập luận rằng, ta phải sốt ruột, phải hét to lên gấp mười lần thì may ra mới truyền đến cho bạn đọc được một hai cảm xúc của nhà báo.--PageBreak--

Đã có một TBT báo Expressen mạnh dạn cải tiến, làm báo theo cách "điềm tĩnh". Ngay tức khắc, báo bị giảm khoảng 70.000 bản. Cũng ngay lúc đó, tờ báo đối thủ Aptolbladet ở Stockholm cũng tăng tiara lên từng ấy. 70.000 độc giả của Expressen đã bỏ báo này để chạy sang với Aptolbladet. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử báo chí thế giới. Vậy là ông TBT phải ra đi, TBT mới của Expressen quyết định quay lại với cách làm truyền thống.

Chúng tôi hỏi ví dụ như số báo ra ngày 23/3/2006 các ông đã hét lên như thế nào? Ông TBT đọc to lên một tít bài ở trang 1 rằng "Một chính trị gia viết sách nói xấu cha mình". Quả thật, đó là cách làm riêng độc đáo của Expressen trong một đất nước có tới 175 tờ báo ngày. "Mục tiêu của chúng tôi là đánh thức tình cảm của người đọc, đánh thức phản ứng bột phát tự nhiên của họ bằng cách Hét To lên. Có lúc chúng tôi bị phê phán là giật gân, nhưng kiên quyết không từ bỏ con đường riêng", ông TBT khẳng định.

Có một sự độc đáo là Báo Expressen chỉ bán lẻ ở 12.000 đại lý khắp trên đất nước Thụy Điển. Vì sao lại không bán dài hạn, ông TBT trả lời: "Chúng tôi không muốn mất nhiều tiền khi phải chuyên chở. Nguồn bán báo của chúng tôi chiếm 70% lợi nhuận, quảng cáo chiếm 30%”. "Hiện các ông đang đương đầu với thách thức nào?", TBT Otto Sjơbrg đưa ra một tuyên ngôn: "Hoặc phải thích ứng cạnh tranh, hoặc là chết". Ông dẫn lời một TBT tờ báo TIMES của Mỹ từng nói: "Đi đến miền đất hứa bao giờ cũng phải vượt qua miền đất chết".

Stockholm có tờ báo Svenka Đagblaet nhưng lại thuộc về một công ty của nước Na Uy láng giềng. Tờ báo này có lịch sử đã hơn 100 năm (ra đời năm 1884), hiện có tới 350 nhân viên, phát hành 20 vạn bản/ngày. Cũng như nhiều tờ báo khác, Svenka Đagblaet có cả tờ báo mạng với hơn 120.000 lượt người truy cập, trên báo mạng còn tải cả một kênh truyền hình.

Hôm tiếp chúng tôi, ông Giám đốc đã mở báo mạng khoe những khuôn hình mà phóng viên của ông vừa quay được cuộc họp báo của Thủ tướng Thụy Điển về sự kiện bà Bộ trưởng Ngoại giao từ chức. Nói về thu nhập ở đây thì thôi rồi! Lương phóng viên khoảng 30.000 krona, tương đương với khoảng trên 4.000 USD, quả là lương ấy cũng xứng với đồng tiền bát gạo.

Chúng tôi đưa ra câu hỏi về cách chọn một sự kiện cho báo mạng và báo in như thế nào. Ông Giám đốc nhân sự Svenka Đagblaet ngần ngừ bảo rằng, đây thực sự là câu hỏi đang được giải đáp khá khó khăn ở Thụy Điển. Theo kinh nghiệm của ông, khi sự kiện nào ai cũng biết rồi thì cho lên mạng càng sớm càng tốt. Còn những tin có thể độc quyền thì trước hết phải ưu tiên cho báo in. Nghe chuyện, tôi sực nhớ người TBT của chúng tôi, Thiếu tướng Hữu Ước cũng thường căn dặn chúng tôi như vậy. Thì ra có những điều ở quê nhà mình làm mãi, sang đây mới nghe bạn nói...

"Sứ mệnh của phóng viên như một vị Đại sứ", đó lại là tuyên ngôn của người điều hành tập đoàn báo chí LandStockholm với 14 ấn phẩm riêng. Mỗi ấn phẩm đều có một TBT riêng, hạch toán riêng do một Tổng Giám đốc điều hành chung. Ông Giám đốc nhân sự nói với chúng tôi rằng, trong 14 ấn phẩm ấy thì báo Land đóng vai trò như "một con bò sữa để kiếm tiền". Thế nhưng, "con bò sữa" ấy cũng chỉ phát hành một tuần 2 kỳ, lại trở thành một trong 2 tờ báo đặt dài hạn lớn thứ 2 ở Thụy Điển.

Hỏi "tại sao không tăng kỳ phát hành cho báo Land, lại ra thêm 13 ấn phẩm chuyên san khác nữa?", ông Giám đốc nhân sự cũng thẳng thắn: "Giá bán của Land rất đắt, nếu chúng tôi tăng kỳ nữa, bạn đọc sẽ dễ bỏ chúng tôi mà đi. Ra thêm báo là có thêm bộ mặt mới, sẽ khuyến khích bạn đọc mua vì lợi ích chung của tập đoàn".

Tập đoàn báo chí LRF của Land cũng như các đồng nghiệp của Expressen, Svenka Đagblaet đều đang sốt ruột vì 2 tờ báo phát không của Thụy Điển là Stockholm City, Metro đang "phả hơi nóng" sau gáy mình. Chính chúng tôi đã chứng kiến một sáng sớm mùa đông lạnh giá ở Stockholm, đã có hàng đoàn nam thanh nữ tú mặc quần áo thể thao chạy bộ trên các đường phố để quảng cáo và phát không báo Stockholm City, Metro cho bạn đọc. Nghe nói những tờ báo phát hành miễn phí kiểu này có ngày lên tới 1 triệu bản, mà xem nội dung, nào họ cũng có kém cỏi ai…

Con đường riêng của những tài năng

Thụy Điển, một đất nước có tờ báo đầu tiên ra đời từ thế kỷ XVII (1645) và Luật Tự do báo chí ra đời năm 1766, hiện có 175 tờ báo ngày và đang bị giảm dần trong từng năm vì phải cạnh tranh với báo điện tử. Xem cách làm báo hiện đại ở một đất nước dường như yên tĩnh, ít những biến động, mới thấy dù ở đâu, con đường của những người làm báo chân chính… cũng chỉ từng ấy "ngón nghề". Nhưng có thể nói, thành công chỉ đến với bất cứ tờ báo nào khi họ biết chọn con đường riêng. Người tìm con đường riêng đó không ai khác chính là TBT. Đó chính là con đường riêng của các tài năng

.
.
.