Lâm Đồng: Rau sạch chưa thực sự "sạch"

Thứ Ba, 09/01/2007, 14:39

“Rau sạch trong nhà lồng vẫn phải phun thuốc mới đạt năng suất cao,” anh Nguyễn Văn Thắng, người đã nhiều năm trồng rau ở phường 2, TP Đà Lạt, thú nhận. Tình trạng chung này là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia nói “không” với rau Lâm Đồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Lâm Đồng có khoảng 33.000ha đất trồng rau. Trong đó khoảng 1.000ha rau, hoa công nghệ cao được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới... Nhưng hiện mỗi năm địa phương này chỉ chế biến xuất khẩu được khoảng 7.000 tấn rau các loại, đạt xấp xỉ 1% sản lượng rau trong toàn tỉnh; sản xuất được trên 715 ngàn tấn rau thương phẩm các loại, phần lớn lượng rau chỉ để cung cấp cho TP HCM và các tỉnh lân cận.

Đặc biệt chú ý do chất lượng rau của Lâm Đồng không đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... nên bị mất thị phần trong những năm vừa qua.

Ông Phạm Lê Phương, Giám đốc Nhà máy Asuzac ở Đơn Dương, Lâm Đồng cho biết, từ ngày 2/11/2006, cơ quan kiểm định Nhật Bản bắt buộc phải kiểm định 100% đối với rau tươi và rau bó xôi đã qua chế biến có xuất xứ từ Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp xuất khẩu rau sang nước ngoài như Nhật Bản phải hợp đồng với những đơn vị 100% vốn đầu tư nước ngoài trồng và sản xuất rau ở Lâm Đồng cung cấp nguồn hàng xuất khẩu. Còn phần rau do nông dân Việt Nam trực tiếp sản xuất bị các nhà xuất khẩu loại trừ, không dám mua.

Bà Nguyễn Thị Thuận ở phường 8, TP Đà Lạt, cho biết: "Gia đình có hơn 2 sào rau trồng khép kín nhà lồng nhưng chỉ đủ sống qua bữa vì giá rẻ". Còn anh Nguyễn Văn Thắng, người đã nhiều năm trồng rau ở phường 2, TP Đà Lạt, cũng thú nhận: "Rau sạch trong nhà lồng vẫn phải phun thuốc mới đạt năng suất cao". Chính điều ấy đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài lắc đầu vì chất lượng rau ở Lâm Đồng không đảm bảo.

Một thực tế là suy nghĩ đơn giản của người nông dân chúng ta phần lớn vẫn quen với kiểu cách nhà nông, sản phẩm tiêu thụ trong nước là chủ yếu chứ chưa đủ tầm vươn ra thị trường thế giới. Có doanh nghiệp nước ngoài ký hợp đồng với nông dân trồng rau sạch xuất khẩu nhưng vì ham lợi trước mắt của không ít nông dân mà hợp đồng bị phá vỡ. Nhiều nông dân muốn sản phẩm mình làm ra đạt số lượng nhiều để thu lợi nên đã bất chấp các nguyên tắc quy định về độ an toàn sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Làm thế nào để thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trồng rau ở Lâm Đồng? Trong cuộc họp báo đầu năm, ngày 3/1/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Huỳnh Đức Hòa cùng lãnh đạo ngành chức năng địa phương đều xác nhận thực trạng rau xuất khẩu ra ngước ngoài có nguồn gốc từ Lâm Đồng bị trả lại là có thật.

Để giúp người dân địa phương trồng rau sạch đúng nghĩa theo các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong giai đoạn nền kinh tế nước ta đã gia nhập WTO, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh việc tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan nghiên cứu khoa học. Ngành chức năng cùng nhà đầu tư phối hợp tập huấn quy trình sản xuất rau sạch cho nông dân, gắn quy hoạch sản xuất với chế biến, tạo nguồn nông sản sạch cung ứng xuất khẩu và cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần có những tổ chức như hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu rau Lâm Đồng theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể tập hợp nông dân làm rau sạch theo yêu cầu và kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Có lẽ không chỉ vấn đề rau Lâm Đồng mà nhiều mặt hàng nông sản khác, Việt Nam muốn vươn ra cạnh tranh với thị trường nước ngoài cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn sạch và chất lượng quốc tế. Muốn đạt được điều ấy, trước mắt chúng ta cần phải có chiến lược làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân Việt Nam

Ngọc Như
.
.
.