Lái xe và những vụ TNGT thảm khốc: Vẫn phải "Tiên trách kỷ"

Chủ Nhật, 11/10/2009, 10:35
Những con số giật mình, những hậu quả mà bất cứ ai cũng phải bàng hoàng thảng thốt. Có một thực tế thật xót xa rằng trong số những nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đau lòng đó khá nhiều là tài xế. Hẳn rằng khi ngồi sau vô lăng nhấn ga vào những chuyến hành trình mưu sinh nhọc nhằn đó, họ chẳng bao giờ chọn trước cho mình một kết thúc nghiệt ngã và bi thương như vậy.

Những "điểm dừng" không định trước

Con số thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, bình quân mỗi tháng tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 1.000 người. Nếu đem so sánh với hậu quả của cơn bão số 9 vừa qua làm hơn 160 người chết, thì bình quân mỗi tháng chúng ta gánh chịu tổn thất về người do tai nạn giao thông tương đương 6 cơn bão.

Một con số thật đáng giật mình. Càng giật mình hơn nữa khi những nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông đa phần là những người chết trẻ. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng những "cơn bão" như vậy vẫn quét qua, lặp đi lặp lại đều đặn cướp đi hàng chục mạng sống mỗi ngày.

Chưa bao giờ thời điểm kết thúc Tháng ATGT chúng ta lại phải chứng kiến liên tiếp 3 vụ tai nạn giao thông thảm khốc dồn dập làm 85 người chết và bị thương. 

Chẳng ai tưởng tượng được rằng chuyến tham quan Đền Hùng của gần 50 thầy cô giáo và học sinh ở Yên Bái lại không thể trở về trong nguyên vẹn. Vào lúc 14h30' ngày 20/9, khi chạy đến địa phận huyện Đoan Hùng, xe ôtô khách BKS 21H-1946 đã đâm vào một chiếc xe khách đi ngược chiều làm 8 người chết, 17 người bị thương nặng.

Khi dư luận chưa hết bàng hoàng với vụ tai nạn trên thì trưa 2/10 trên QL1A đoạn qua địa bàn huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, một chiếc xe khách nhãn hiệu Ford 16 chỗ ngồi đã đâm trực diện vào một chiếc xe container đầu kéo. Vụ va chạm cực mạnh này đã làm 11 người chết, 5 người khác bị thương rất nặng. Tài xế chiếc xe khách nói trên cũng đã chết tại chỗ. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do đường vắng, xe chạy tốc độ quá cao nên đã dẫn đến tai nạn.

Chỉ chưa đầy hai ngày sau đó hồi 2h sáng 4/10, trên QL1A đoạn đi qua Đèo Con thuộc xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khác. Chiếc xe khách mang BKS 88H-3564 chạy hướng Hà Nội - TP HCM khi đi đến đoạn đường này đã đâm vào chiếc xe khách BKS 43S-3610 chạy ngược chiều. Hậu quả làm 8 người chết, 21 người bị thương nặng. Trong vụ tai nạn thảm khốc đó hai lái xe khách cũng đã chết tại chỗ…

Nhưng có lẽ vụ tai nạn thảm khốc nhất từ đầu năm đến nay vẫn là vụ tai nạn kinh hoàng trên đèo Đại Ninh hồi trung tuần tháng 3/2009 làm 10 người thiệt mạng (trong đó có 9 du khách Nga) và 14 người khác bị thương nặng. Chiếc xe khách nhãn hiệu SAMCO 30 chỗ ngồi sau khi đưa đoàn khách Nga thăm quan TP Đà Lạt trở về khi đến đèo Đại Ninh do không làm chủ tốc độ đã lao thẳng xuống vực…

Có một điểm rất dễ nhận thấy là trong số những vụ tai nạn nêu trên thì phần lớn các tài xế cũng đều thiệt mạng. Chứng kiến cảnh vật vã đau đớn của người thân của những người bị nạn, trong đó có cả vợ, con của những người tài xế, chẳng ai dám chắc rằng nỗi đau của họ ít hơn so với những gia đình nạn nhân khác.

Nghiệp lái xe và những áp lực đường trường

Gặp anh Tiến, lái xe chất lượng cao của nhà xe Quân Trung ở bến xe Phía Nam (Hà Nội) khi xe anh vừa về bến. Anh Tiến kể: "Chạy xe đường dài quan trọng nhất là phải đảm bảo sức khỏe. Mình đi hơn 1.000km hai ngày, không có sức là không chạy được".

Hỏi về áp lực trên đường, anh Tiến cho biết: Đối với những nhà xe chất lượng cao, uy tín thì họ luôn yêu cầu lái xe phải chạy đúng quy định. Nếu lái xe chạy ẩu quá tốc độ quy định bị CSGT thổi phạt thì lái xe phải tự bỏ tiền túi ra để nộp phạt. Tệ nạn, nghiện hút là người ta không thuê lái đâu. Chỉ cần chạy ẩu vài lần cũng bị sa thải ngay…

Tuy nhiên, theo anh Tiến thì nói vậy không có nghĩa là không có những ức chế, bất cập. Đơn cử như về quy định tốc độ trên đường như hiện tại đường trường đối với xe khách 70km/h, qua thành phố, thị trấn 40km/h rất bất cập và thực tế ít có lái xe nào tuân thủ.

Xe đẹp, đường ban đêm chẳng có ai đi mà có những đoạn phải chạy 40km/h thì chẳng khác nào rùa bò. Chính vì vậy nếu gặp CSGT đành chạy đối phó, qua khỏi đoạn đường này nhiều lái xe lại nhấn lút ga theo thói quen cũ.

Theo anh Tiến thì nếu quy định không phù hợp rất khó để các lái xe tự giác tuân thủ. Ít nhất cũng phải nâng lên khoảng 10km/h. Nghĩa là qua thị trấn, thị xã thì quy định 50km/h, trên đường trường thì nên quy định là 80km/h là vừa.

Những tài xế trong các công ty lớn như anh Tiến chưa phải số nhiều so với hàng vạn những bác tài của những nhà xe tư nhân nhỏ lẻ khác. Số chạy ẩu, chạy bạt mạng cũng tập trung ở những dòng xe "chợ" này.

Một số tài xế tâm sự: Biết chạy nhanh, chạy ẩu là nguy hiểm thường trực nhưng nhiều khi vẫn phải nghiến răng chạy. Thời xe nhiều, hành khách ít nên việc cạnh tranh trên đường rất gắt gao. Thực tế đúng như vậy. Người viết bài này đã nhiều lần thót tim khi ngồi trên các chuyến xe giành giật khách trên đường như vậy.

Anh S., tài xế cho một nhà xe tư nhân chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa gằn giọng: Chạy không "gấu" còn lâu chủ nó mới thuê. Chạy "gấu" mới giành giật được khách trên đường với xe khác thì nhà xe mới có đủ khách, mới có lãi.

Xe tư nhân có nhiều cách trả lương cho tài xế. Thường thì vẫn kiểu "bóc bánh trả tiền", trả tiền theo chuyến. Nhận tiền xong, chạy bạt mạng cho xong chuyến. Ngày hôm sau chủ này không thuê nữa, những bác tài lưu động này lại "đánh thuê" cho chủ khác.

Chạy mát ga là thói quen cố hữu của cánh lái xe. Chạy ẩu nhưng không có ai nhắc nhở, thiếu chế tài giám sát thường xuyên nên thành thói quen. Lúc phát hiện thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ giảm tốc độ chỉ là động tác đối phó.

Trên thực tế thì nhiều bác tài vẫn luôn tự tin vào khả năng của mình mà không lường hết những nguy hiểm của việc chạy ẩu. Trong số những tài xế chạy ẩu có không ít những con nghiện.

Nghề căng thẳng, đãi ngộ thấp lại luôn phải chịu những áp lực và va đập của xã hội khiến nhiều người không giữ được mình đã phải tìm đến ma túy. Tài xế "kiêm" con nghiện. Có dạo dư luận rộ lên chuyện về tình trạng lái xe container, lái xe khách đường dài… nghiện hút.

Thậm chí cánh lái xe ở một thị trấn miền biên giới ở Hà Tĩnh có dạo vẫn kháo nhau về tình trạng tuyển dụng lái xe nghiện, sử dụng "bằng lái xe quốc tế" được cấp cực nhanh cho những chuyến xe xuyên Việt.

Một cán bộ CSGT cho biết trong một vụ tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây, một số hành khách đã nhìn thấy lái xe vào quán chích thuốc. Sau khi nhìn thấy hình ảnh rùng mình đó, những hành khách này vội vàng rời khỏi xe và may mắn thoát nạn.

Thay lời kết

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, có lẽ cần phải có thêm những cách tiếp cận khác. Nhiều ý kiến cũng thống nhất rằng lực lượng CSGT chẳng thể nào có đủ lực lượng, có đủ phương tiện để giám sát các điểm chốt trên đường. Một khi không thể giám sát được những người cầm lái trên suốt cả chặng hành trình thì cần có những biện pháp khác để chạm đến lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Để những người cầm lái này luôn tự tìm những điểm dừng cần thiết. Sẽ rất cần thiết cùng với việc kiểm tra, xử phạt chúng ta nên mở thêm những lớp tâm tình đối với đội ngũ lái xe khách.

Thực tế có những lúc quy định, mệnh lệnh và những phiếu phạt khô khan chưa chắc đã tác động và thay đổi hết những suy nghĩ cố hữu của những người cầm lái. Chúng ta đã từng cảnh báo về các điểm đen giao thông.

Tuy nhiên rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc vừa qua lại diễn ra trên những cung đường đẹp. Vì vậy, xóa những "điểm đen"giao thông trong lòng mỗi tài xế vẫn luôn là một việc làm khó 

Xuân Luận
.
.
.