Lại có một làng "chim cánh cụt"

Thứ Năm, 04/05/2006, 08:11

Cả ngôi làng nhỏ Yên Bồ bỗng vỡ như tổ ong. Các bậc phụ huynh với khuôn mặt lo âu thắc thỏm dắt theo con nhỏ ùn ùn kéo về Trạm Y tế xã. Bọn trẻ đến mấy trăm đứa xếp hàng ngay ngắn từ sân Trạm Y tế tràn ra giữa đường liên xã. Trông đứa nào cũng như đứa nào, lưng gù xuống, hai cánh tay tóp lại, khuỳnh ra, lắc lư như một đàn chim cánh cụt.

Làng Yên Bồ trên khu đồi Dộc Chùa (xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây) bao năm nay vẫn bình yên. Người dân cả ngày chỉ biết quanh quẩn với những mảnh ruộng lổn nhổn đá gan trâu cày cấy. Trẻ con trong làng cứ còi cọc không chịu lớn, người ta cứ tưởng do đói ăn nên cũng là chuyện thường tình, nào ngờ ngày 24/4/2006, ông Trạm trưởng Y tế Phùng Duyên Hải kêu ầm ĩ lên: "Bọn trẻ teo rút cơ vai biến thành chim cánh cụt hết rồi!". Lúc này, các ông bố, bà mẹ mới vạch áo con mình ra xem thì hỡi ôi, nhiều đứa bị teo cả cánh tay, co rút cơ vai. Cả làng hoang mang tột độ, không biết bọn chúng bị bệnh gì nên cứ tiện mồm nói với nhau là bệnh "chim cánh cụt".

Sự việc bắt đầu từ khi UBND huyện Ba Vì có công văn gửi tất cả các trường THCS trong huyện, trong đó có Trường THCS Vật Lại về việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tàn tật, hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Nhà trường bất ngờ nhận được tới tấp đơn xin hỗ trợ của phụ huynh. Ban giám hiệu liền mời trạm y tế xã đến khám cho số học sinh có đơn.

Trạm trưởng Phùng Duyên Hải “chộp” bừa vài em khám liền phát hiện được tới 22 đứa bị teo cơ, gù lưng, so vai. Những em này ngực phẳng lỳ, hai xương vai nhô hẳn ra sau lưng, kéo vai gù xuống. Anh Hải bảo bọn trẻ giơ hai tay ra trước mặt rồi chụm hai khuỷu vào nhau nhưng chúng không làm được. Bảo chúng thả tay chùng xuống đùi nhưng hai cánh tay cứ khuỳnh ra, đi lại lắc lư như con chim cánh cụt. Anh bóp vào vai, vào bắp tay chúng chẳng thấy thịt đâu, chỉ thấy da, xương và một cục cơ rắn tói, có nghĩa là cơ tay chúng bị xơ hóa cả rồi.

Kho thuốc còn sót lại trên đồi Dộc Chùa.

Chỉ là một y sĩ, nhưng anh Hải cũng nghi đây là một dạng bệnh mà vừa rồi báo chí nhắc đến khá nhiều ở miền trung: Bệnh xơ hóa cơ delta. Hoảng hốt, anh vào Trường tiểu học Vật Lại vồ bừa lấy vài cháu, cởi áo các cháu ra xem xét thì phát hiện ra thêm 13 “chim cánh cụt” nữa, toàn ở thôn Yên Bồ. Anh bảo các cháu giơ hai cánh tay lên cao, nhưng các cháu chỉ giơ lên được đến ngang mặt. Các cháu bệnh quá nặng rồi. Như vậy, chỉ mới khám qua loa ở trường tiểu học và trường THCS đã phát hiện ra tới 37 cháu bị bệnh “xệ cánh”, toàn ở thôn Yên Bồ.

Nhận được tin, tôi đã có mặt ngay ở Trạm Y tế xã Vật Lại. Vừa mới phát hiện ra chuyện trầm trọng này, anh Hải cũng chưa biết xử lý, báo cáo cho ai. Anh Hải dẫn tôi đến nhà ông Chu Văn Trọng, Trưởng thôn Yên Bồ. Đến lúc giữa trưa mà không thấy ông Trọng đâu, bà vợ bảo nhận được tin trẻ em trong thôn mắc bệnh lạ, ông đã tất tả đến từng nhà dân trong thôn để xem bệnh, thống kê. Mấy đứa cháu nhỏ phải chia nhau gọi khắp xóm mới tìm được ông Trọng về. Ông giở cuốn sổ còn thơm mùi mực cho chúng tôi xem. Cả Trạm trưởng Hải và chúng tôi đều bàng hoàng khi trong cuốn sổ của trưởng thôn con số trẻ em "biến" thành “chim cánh cụt” đã tới 63, đấy là chưa kể thằng cháu nội Chu Hữu Toàn mới 3 tuổi của ông đang bị teo cái chân trái, đi lại cứ ật ưỡng.

Trong cuốn sổ mà ông mới bắt đầu thống kê từ hôm qua, có tới 6 gia đình có hai đứa con thì cả hai đều đã biến thành “chim cánh cụt”, như gia đình anh Chu Nhân Là, Chu Công Khanh, Chu Hữu Huyến, Chu Văn Mến, Chu Hữu Tuấn, Chu Văn Thương và hai cháu nhà chị Chu Thị Chanh. Hầu hết các cháu bị bệnh đều ở độ tuổi từ 5 đến 15. Cháu lớn nhất là Chu Thị Hải, con anh Chu Văn Đoan, sinh năm 1990. Cháu nhỏ tuổi nhất bị bệnh được phát hiện cho đến lúc này là cháu Chu Quang Đông, sinh năm 2003, con anh Chu Quang Độ. Cháu bị bệnh nặng nhất là Chu Thị Hằng, con anh Chu Văn Thao, sinh năm 1995.

Vợ chồng anh Thao rất nghèo, sống trong căn nhà tường đá ong thủng loang lổ. Anh Thao kể, cháu Hằng sinh ra rất khỏe, thông minh, học giỏi. Nhưng hồi 6 tuổi, tự nhiên cháu cứ còi cọc, dù ăn nhiều như thế nào cũng không lớn lên được. Mấy lần chắt bóp đi khám bệnh cho cháu ở huyện, nhưng bác sĩ không phát hiện ra bệnh gì. Tiền không có nên anh chị chẳng thể mang cháu xuống bệnh viện trung ương được.

Bây giờ, nghe thấy chuyện trẻ em cả làng bị bệnh anh chị mới hoảng hồn, vạch áo cháu ra xem thì thấy bệnh cháu nặng quá rồi. Ngực cháu tóp lại, hai cục xương sau lưng ngay dưới vai đã trồi hẳn ra ngoài, cánh tay khẳng khiu như que củi, cầm cái gì cũng khó, cũng run tay. Cháu đi lại trông như bà còng, hai cánh tay khuỳnh ra kềnh càng như hai cái càng cua, vẫy vẫy chẳng khác gì con chim cánh cụt. Anh chị sợ quá đêm nằm ôm cháu khóc ướt cả gối. Ông Trọng đã đánh dấu đỏ vào tên cháu trong sổ, ông hy vọng qua báo chí các cơ quan trung ương vào cuộc, ông sẽ đề nghị khám cho cháu Hằng trước tiên.--PageBreak--

Khi chúng tôi đang thống kê các trường hợp bị bệnh teo cơ, xệ vai trong cuốn sổ của ông Trọng thì anh Hải thông báo một tin sét đánh sau khi vạch lưng bọn nhóc đang nghịch ngợm trong nhà ông Trọng: Cháu Chu Thu Hằng, cháu nội ông Trọng cũng bị teo cơ vai. Ông Trọng chạy ra ngó vai cháu thì ôi trời, cháu Hằng phát bệnh thật.

Hằng sinh năm 1997, đang học lớp 3, cháu có đôi mắt to, khuôn mặt rất xinh. Không hiểu lớn lên cháu biến thành "chim cánh cụt" thì đau xót biết nhường nào. Trong khi ông Trọng đang cuống cuồng đi điều tra, thống kê trẻ em bị bệnh trong xóm, thì ông lại bỏ quên ngay đàn cháu mình. Hiện tại vợ chồng ông đang phải nuôi 6 đứa cháu nội, 7 đứa cháu ngoại, vì cha mẹ chúng đi làm ăn xa cả. Bọn trẻ toàn lóc nhóc vài tuổi, ông bà đâm lo, không hiểu vài tuổi nữa có mấy đứa sẽ phát bệnh xệ vai biến thành "chim cánh cụt". Vậy là trong cuốn sổ bệnh, ông Trọng ghi thêm tên đứa cháu nội yêu quý của mình. Con số trẻ mắc bệnh teo cơ, xệ vai trong thôn Yên Bồ tạm thời là 64 trường hợp.

Năm ngoái, khi báo chí nhắc đến loại bệnh này ở miền Trung đã tạo nên dư luận rất lớn, tuy nhiên xã nào nhiều lắm cũng chỉ có đôi chục trường hợp. Các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, song vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, anh Trạm trưởng Hải, người mới phát hiện ra căn bệnh này ở xã mình cũng không dám đưa ra kết luận nào về nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, ông Trưởng thôn Yên Bồ Chu Văn Trọng, người đã sống hơn 60 năm trên ngọn đồi Dộc Chùa cho rằng nguyên nhân có thể do những kho thuốc đặt giữa làng từ hồi chiến tranh (?).

Đạp chiếc xe lọc cọc, ông Trọng dẫn chúng tôi lên ngọn đồi Dộc Chùa, ở góc tây thôn Yên Bồ. Ông Trọng kể rằng, năm 1967, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc nên Công ty Dược liệu cấp 1 (giờ đổi tên thành Xí nghiệp Dược liệu Trung ương 1) phải sơ tán lên vùng Yên Bồ để tránh bom. Công ty đã xây dựng tới 5 kho chứa thuốc và hóa chất liền nhau trên đỉnh đồi Dộc Chùa, mỗi kho rộng tới 80m2.

Ông Trọng cùng rất nhiều người khác được HTX Hợp Nhất giao nhiệm vụ vận chuyển thuốc và trông giữ kho. Ông Trọng cũng không biết đó là những loại chất gì, nhưng bác sĩ có nói với ông rằng một số loại cực độc như lưu huỳnh và một tinh dầu rất đặc biệt. Trên rất nhiều bình chất hóa học chứa trong các kho dán những mảnh giấy có hình ảnh đầu lâu người, là ký hiệu thuốc độc hồi đó. Loại tinh dầu này nghe nói để chế biến thuốc... tẩy giun. Những người vận chuyển đều phải đeo mặt nạ bảo hiểm. Bác sĩ cũng bảo với ông Trọng rằng nếu một chai tinh dầu giun vỡ thì người đứng cách hàng kilômét theo chiều gió cũng bị ảnh hưởng.

Ngày đó, ông Trọng còn làm công việc tiêu hủy chất hóa học và những loại thuốc quá hạn sử dụng, bị mốc, ẩm, bị vỡ chai, bình... Ông Trọng cùng một số người đào rất nhiều hầm sâu từ 1,5 đến 5m ngay cạnh kho thuốc để chôn. Những loại chất độc như lưu huỳnh thì phải đào hố sâu. Những loại không độc thì đổ cả đống ở sườn đồi và không lấp lại. Ông Trọng còn nhớ loại thuốc có tên Hoàn-phì-nhi-cam-tích bị mốc và đổ đi cả đống rất lớn. Ông Chu Kính Diện đã ăn thử một viên thuốc bỏ đi này và ngay lập tức lăn ra co giật đùng đùng. Nếu mọi người không đưa ông đi viện cấp cứu kịp thời thì ông đã về trời.

Hiện tại, trên đỉnh ngọn đồi Dộc Chùa chỉ còn một kho thuốc để hoang và một cái “hồ” xây bằng bêtông chứa nước để cứu hỏa. Người dân đã phá sạch phần lớn các kho thuốc để xây nhà ở. Ngôi nhà của vợ chồng chị Chu Thị Tâm nằm trên một cái hầm mà chính tay ông Trọng xưa kia đào chôn lượng lớn lưu huỳnh.

Chị Tâm kể rằng, chị lấy chồng và ở nhà chồng, rồi sinh đứa con đầu lòng năm 1992. Năm 1993, vợ chồng chị dắt nhau về đây, san khu vực cạnh kho thuốc dựng căn nhà cấp bốn và sinh sống đến nay. Tuy nhiên, từ hồi chuyển ra đây, vợ chồng, con cái cứ ốm yếu quặt quẹo. Cháu Chu Thị Nhà nuôi mãi không thấy lớn, 14 tuổi rồi mà chẳng lớn hơn hồi 10 tuổi chút nào, gầy ngẳng như bộ xương. Điều khổ nhất là 13 năm ở đây vợ chồng chị không sinh con được nữa dù đã chạy chữa khắp nơi, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của.

Chị Tâm kể, hồi đào móng xây nhà, có mùi rất sợ bay lên khiến đám thợ xây nôn nao ruột gan, thậm chí ói mửa. Cả cái ao cá mà vợ chồng chị Tâm bỏ rất nhiều công sức đào, đắp cũng phải lấp lại thành vườn để trồng cây vì cá không sống được, cứ thả con nào con nấy lại chết trương bụng. Hồi đào ao chồng chị xúc được cả thúng hạt màu đen, trông tựa hạt bí. Ông Trọng kể rằng, ngày xưa ông cũng vận chuyển vào kho rất nhiều bao tải chứa loại hạt như chị Tâm kể và bác sĩ bảo loại hạt đó để chiết xuất độc dược. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có căn cứ nào để khẳng định việc trẻ em bị bệnh "chim cánh cụt" là do nhiễm độc thuốc.--PageBreak--

Đang lúc chúng tôi tranh luận tại nhà chị Tâm thì có 2 cháu là Chu Thị Thoa, 7 tuổi và Chu Thị Thúy, 4 tuổi, đều là con chị Chu Thị Gấm, nhà ở trên nền kho thuốc cũ vào chơi. Anh Hải cởi tuột áo hai cháu ra và thấy rõ ràng cả hai cháu đã mắc bệnh “xệ vai” quái ác. Mọi người hốt hoảng đi tìm chị Gấm báo tin dữ. Nhìn đôi vai của hai đứa con, nghe Trạm trưởng Hải bảo chúng đã mắc bệnh teo cơ, chị Gấm ôm con khóc nức nở. Hai đứa con nhỏ chẳng hiểu gì, cứ ngơ ngác nhìn mọi người. Ông Trọng lại giở sổ ra ghi tiếp tên tuổi 2 cháu Thoa và Thúy vào cuốn sổ mang theo. Vậy là con số bệnh nhân ở Yên Bồ đã lên đến 66.

Ông Trọng chỉ căn nhà nép ngay sau kho thuốc còn sót lại, phía dưới sườn đồi và bảo đó là nhà chị Chu Thị Chanh. Theo trí nhớ của ông Trọng thì ngôi nhà của vợ chồng chị Chanh cũng được xây cất trên nền một kho thuốc. Hai đứa con của chị Chanh là Chu Đình Thái, 12 tuổi và Chu Thị Lan, 8 tuổi cũng đều đã bị bệnh rất nặng và ông ghi tên hai cháu ở ngay đầu cuốn sổ.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng tôi cùng anh Hải, Trưởng trạm y tế, ông Trọng Trưởng thôn đã vô tình phát hiện ra thêm 3 trường hợp nữa. Còn rất nhiều trường hợp ở độ tuổi dưới 15 trong thôn mà ông Trọng và anh Hải chưa kiểm tra hết, có nghĩa là số trẻ em bị mắc bệnh có thể còn khá nhiều. Những trường hợp mắc bệnh mà ông Trọng và anh Hải thống kê trong thôn chỉ là các cháu học tiểu học, THCS và một số cháu mẫu giáo. Tất cả những cháu học THPT đều chưa kiểm tra.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng đang khám bệnh cho các cháu.

Khi chúng tôi đang sục sạo ở cái kho thuốc hoang trên đỉnh đồi Dộc Chùa tìm lời giải hay ít ra cũng đặt được câu hỏi cho cái bệnh lạ xuất hiện ở thôn Yên Bồ thì loa phát thanh xã vang lên yêu cầu tất cả các gia đình trong thôn dẫn trẻ dưới 15 tuổi đến Trạm Y tế xã vì có Phó giáo sư, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình Nhi Việt Nam, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương về xã xem bệnh cho các cháu. Chúng tôi tất tả theo anh Hải chạy về Trạm Y tế. Nói là tất tả vì bản thân anh Hải cũng mới chỉ biết tin này qua chiếc loa truyền thanh.

Cả ngôi làng nhỏ Yên Bồ bỗng vỡ như tổ ong. Các bậc phụ huynh với khuôn mặt lo âu thắc thỏm dắt theo con nhỏ ùn ùn kéo về Trạm Y tế xã. Bọn trẻ đến mấy trăm đứa xếp hàng ngay ngắn từ sân Trạm Y tế tràn ra giữa đường liên xã. Trông đứa nào cũng như đứa nào, lưng gù xuống, hai cánh tay tóp lại, khuỳnh ra, lắc lư như một đàn chim cánh cụt. Lần lượt từng đứa vào phòng theo tiếng gọi của một bác sĩ giúp việc cho TS. Hưng. Những đứa đầu thì TS. Hưng còn bắt cởi áo, giơ tay, khép khuỷu, sờ nắn từng bước. Nhưng cứ kiểm tra cẩn thận như thế thì đến sáng hôm sau cũng chưa xong, thành thử, về sau chỉ nhìn hai cái miếng xương gồ lên dưới vai sau lưng ông đã kết luận bị bệnh. Kiểm tra đến chiều tối thì TS. Hưng xác định được 82 cháu dưới 15 tuổi bị bệnh mà theo ông tên gọi là của bệnh này là xơ hóa cơ delta, trong đó 11 cháu bị nhẹ, chưa đến mức phải tiến hành phẫu thuật, 15 cháu bị một bên, số cháu còn lại bị xơ hóa cơ delta cả hai bên vai và chắc chắn 71 cháu cần phải được mổ kịp thời trong thời gian tới, nếu để muộn các cháu sẽ bị bại liệt.

Theo TS. Hưng, hiện tại nền y học nước ta chưa xác định rõ cơ chế gây bệnh nên ông chưa có kết luận gì về nguyên nhân gây bệnh xơ hóa cơ delta cho các cháu ở thôn Yên Bồ. Việc ông khám bệnh cho các cháu nhỏ là để xác định cháu nào bị bệnh, còn việc mổ cho các cháu là do chính quyền địa phương quyết định.

Theo ông Trọng Trưởng thôn, thôn Yên Bồ có 2.000 dân, và có khoảng 400 cháu ở độ tuổi từ 5 đến 15. Như vậy, với ít nhất (vì chưa kiểm tra hết) 82 trường hợp mắc bệnh xơ hóa cơ delta thì số trẻ em độ tuổi từ 5 đến 15 ở thôn Yên Bồ mắc bệnh chiếm đến 20,5%. Đây là con số thật khủng khiếp, có thể gây bàng hoàng dư luận và đủ sức gây hoang mang cho cả cái thôn Yên Bồ vốn rất yên bình.

Việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho hàng loạt cháu nhỏ ở thôn Yên Bồ cũng như việc chữa trị kịp thời cho các cháu, những thế hệ tương lai của đất nước là hết sức cấp thiết. Người dân Yên Bồ cả đời khốn khó với mảnh ruộng, mảnh vườn đá sỏi gan trâu chỉ còn biết trông chờ vào những quyết sách của chính quyền địa phương

Phạm Ngọc Dương
.
.
.