Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Ký ức những ngày ở chiến trường

Thứ Sáu, 20/03/2015, 09:15
Nay đã bước sang tuổi 83 nhưng với Đại tá Nguyễn Trung Chính (tên thật là Tạ Văn Hiếu), ký ức những ngày sống trong lòng địch vẫn như còn vẹn nguyên. Gặp chúng tôi lúc thành phố lên đèn trong căn nhà nhỏ trên phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), ông say sưa kể về một thời trai trẻ oanh liệt của người chiến sĩ Công an miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là những tháng năm đầy gian khổ mà rất đỗi tự hào…

Quê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông Chính bắt đầu cuộc đời binh nghiệp, trở thành cán bộ của Viện Nghiên cứu quân giới, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) từ khi còn trẻ. Sau đó ông được điều động chuyển sang công tác tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an).

Đại tá Nguyễn Trung Chính.

Bước ngoặt cuộc đời đã đến với ông vào năm 1959, ông được cử sang Liên Xô để đào tạo giám định viên. Bốn năm sau, ông về công tác tại Phòng kỹ thuật khoa học của Bộ Công an (hiện là Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an). “Do có chuyên môn về giấy tờ, kỹ thuật, tôi và đồng chí Trần Kim Cang (Bình Định), Võ Văn Mãng (Quảng Nam) được chọn đưa vào Nam để khi quân ta vào giải phóng giành chính quyền thì làm nhiệm vụ tiếp quản cơ sở kỹ thuật của địch ở Sài Gòn” - ông Chính bộc bạch. Ông được phân về Tiểu ban bảo vệ chính trị (nay là Tổng cục An ninh) gồm hơn 20 người, làm nhiệm vụ nghiên cứu giấy tờ, làm hộ chiếu, giấy căn cước, thông hành…

Năm 1965, Nguyễn Trung Chính được điều đến B6 (Trường đào tạo cán bộ Công an) giảng dạy về kỹ thuật, công tác khám nghiệm, để khi cán bộ của ta đi vào lòng địch thì biết cách xoá dấu vết. “Những năm đó địch đánh phá ác liệt, mà cả trường 500-600 người không thể tập trung đông nên Bộ đã đưa chúng tôi xuống Ban An ninh T2 ở Mỹ Tho, Tiền Giang (gọi là Khu VIII). Lúc này tôi phụ trách chung công tác kỹ thuật, nhưng đồng thời phải nghe ngóng, nắm bắt tình hình địch để thông báo cho lực lượng tình báo…”, ông Chính chia sẻ.

Mười một năm tăng cường, chi viện cho An ninh miền Nam là chừng ấy thời gian ông trải qua biết bao gian lao, nguy hiểm. Có những trận ông bị địch bao vây không lối thoát, chúng tổ chức càn quét, quây chặn, nhiều lúc ở giữa rừng, sống - chết chỉ là trong gang tấc.

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình luồn sâu vào lòng địch làm nhiệm vụ, ông Chính kể giọng đầy căng thẳng: “Trong một lần tôi cùng đồng chí nữ Huyện uỷ viên đi vào lòng địch, thì bị địch phát hiện được và bám theo. Tôi vừa lên nhà sàn (nhà của cơ sở) chuẩn bị nghỉ thì tên mật thám lên theo và rút ngay khẩu súng lục để trên bàn. Lúc này chị Huyện uỷ viên đang xuống nhà uống nước, tên mật thám đội mũ nồi đen ngồi đối diện tôi, cất tiếng hỏi “có đạn không?” Tình huống bất ngờ khiến tôi bối rối. Tuy nhiên quyết không thể run sợ để kẻ địch dọa dẫm, tôi bèn trấn tĩnh nói: “Tôi ở trên Bảy Núi (An Giang – là địa danh địch rất sợ vì có căn cứ của ta), đi làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Chúng tôi đi cả đoàn 20-30 người, anh em đoàn kết bảo vệ lẫn nhau.  Nếu các anh giết tôi thì các anh sẽ bị xử lý, vì các anh làm vì tiền, còn chúng tôi làm vì chính nghĩa, vì dân tộc”. Nghe tôi nói xong, thái độ của tên mật thám chuyển sang hoà hoãn, rồi hắn để cho tôi đi…”.

Đầu năm 1968, Ban An ninh Trung ương Cục lại gọi ông về Trường B6 đào tạo, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân.

“Năm 1974, Ban An ninh cử tôi đến vùng Bình Long, Phước Long (vùng vừa giải phóng) để xem xét, học tập kinh nghiệm tiếp quản. Tôi và đồng chí Hai Yên xuống thu hồi tài liệu của địch, nghiên cứu tình hình. Sau đó rút tôi về viết đề án về cách tiếp quản Sài Gòn. Lúc này tôi về Tiểu ban Trật tự trị an (tức Tổng cục Cảnh sát) do đồng chí Mười Thạnh phụ trách chung”. Ông được phân công lo việc in ấn, chuẩn bị giấy tờ. Lúc đó chưa có máy in, ông phải sang Ban Tuyên huấn nhờ in, vất vả vì  phải chạy đua với thời gian.

Mùa xuân năm 1975, Nguyễn Trung Chính được Ban An ninh triệu tập, chuẩn bị làm các giấy tờ tiếp quản, như giấy đăng ký trình diện, giấy thu hồi vũ khí, in ấn các tài liệu…

Đêm trước ngày giải phóng (đêm 29/4), ông cùng với đoàn quân khoảng 70 anh em chở tài liệu vào Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, để sáng 30/4 đoàn quân Ban An ninh đi thẳng vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát được thuận lợi.

Những sỹ quan, người từng làm việc cho địch rất lo sợ, họ tập trung rất đông và hỏi nhiều câu hỏi. Bởi, trước đó địch tuyên truyền xuyên tạc khiến người dân lo sợ,  rằng nếu quân giải phóng vào thì sẽ bắt mọi người đánh đập, buộc dây thép vào chân kéo lê lên rừng… nên họ tỏ ra sợ hãi. “Chúng tôi đã giải thích cho họ không phải như vậy, rằng chúng tôi không đàn áp, bắt bớ, mà chỉ muốn những người dân Việt Nam cùng đoàn kết, xây dựng đất nước… Dần dần thấy việc mình làm họ tin tưởng và không còn hoảng sợ nữa” - Đại tá Nguyễn Trung Chính mỉm cười.

Cuối năm 1976, khi công tác tiếp quản cơ bản xong, người lính chi viện năm xưa trở về Hà Nội, tiếp tục công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự và làm việc tại đó cho đến ngày nghỉ hưu (năm 1991). Ông lập gia đình với một nữ cán bộ Cục Vật tư, Bộ Y tế. Vợ chồng ông có một cô con gái, sau này theo nghề y. Giờ ông vẫn sinh hoạt thường xuyên ở Câu lạc bộ cán bộ Công an hưu trí Bộ Công an, vui hưởng tuổi già bên cháu con. Nhìn lại một chặng đường cách mạng ông đã trải qua, tuy gian khổ mà hào hùng…

Quỳnh Vinh - Kim Kim
.
.
.