Ký ức kinh hoàng về trận “đại hồng thủy” nhấn chìm làng Phương Trung

Thứ Ba, 05/11/2019, 10:03
Nước lũ ùa về trong đêm. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục ngôi nhà của làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị nhấn chìm, sạt lở do nước lũ và “lũ cát”. Gần nửa diện tích đất của làng bị trôi tuột xuống dòng Vu Gia…

Tròn 20 năm trôi qua kể từ ngày trận lũ lịch sử quét qua làng Phương Trung, xã Đại Quang, ký ức kinh hoàng về cơn “đại hồng thủy” năm nào vẫn còn ám ảnh biết bao người dân trong làng.

Trò chuyện cùng phóng viên CAND tại làng cũ Phương Trung, xã Đại Quang, bà Nguyễn Thị Mai Lợi (SN 1944) kể rằng, những ngày đầu tháng 11-1999, khi đó trời nắng to. Bất ngờ ngay hôm sau, trời chuyển mưa. Mưa xối xả liên tiếp 2 ngày. Ngay trong đêm, nước lũ ùa về khiến người dân làng Phương Trung đang ngủ say bỗng bật dậy. Nước lớn rất nhanh, nhấn chìm mọi thứ trong làng.

Bà Lợi bên căn nhà bỏ hoang của gia đình sau trận lũ lịch sử năm 1999.

Tiếng kêu cứu thất thanh vang vọng từ đầu làng đến cuối làng. Nước dâng cao, mưa tiếp tục đổ xuống xối xả, có nhà nước ngập tới gác buộc người dân phải phá bỏ mái tôn để cả gia đình trèo lên nóc nhà chạy lũ.

“Lúc bấy giờ tôi ngồi trên gác cùng với mấy đứa con cháu. Thấy nước lũ lên nhanh quá, sắp ngập đến gác rồi nên mấy đứa con cũng tính đến việc phá dỡ mái tôn để trèo lên nóc”, bà Lợi chia sẻ.

Tiếp lời bà Lợi, bà Nguyễn Thị Lý (SN 1962) cho biết, nước lũ năm đó rất kinh hoàng. Nước chảy xiết, kéo theo cây cối từ thượng nguồn và cát đổ về nhấn chìm mọi thứ trong làng.

“Tôi nhớ chị Nguyễn Thị Thúy, hàng xóm của tôi đã chết trong trận lũ đó. Chuyện là khi nước lũ lên ngập gác, chị Thúy cùng chồng phá mái tôn đưa 3 người con lên nóc nhà. Khi chồng con đã lên nóc, chị Thúy đứng dưới gác thì căn nhà bằng tre bất ngờ nghiêng xuống đè lên chị Thúy khiến chị bị rơi xuống nước, bị cát vùi lấp. Mặc dù biết vợ rơi xuống nước, song vì lo cho 3 đứa con đang trên mái nhà và trong đêm tối không thấy gì cả nên người chồng đành bất lực. Phải 2 ngày sau, thi thể của chị Thúy mới được phát hiện thấy dưới lớp cát dày hơn nửa mét”, giọng bà Lý nghẹn ngào, kể.

Trên mảnh đất đau thương do "đại hồng thủy" gây ra năm nào, bà Lý đã trồng nên vườn cây trái xanh tươi.

May mắn cho chồng và 3 người con của bà Thúy, sau khi nghe tiếng kêu cứu, ông Phạm Văn Trung, Công an viên làng Phương Trung, xã Đại Quang, lúc bấy giờ đã chèo ghe đến ứng cứu kịp thời. Sau đó, ông Trung tiếp tục chèo ghe đến ứng cứu hàng chục người khác cũng trong tình trạng bị nước lũ đe dọa tính mạng.

Đến sáng hôm sau, dù nước lũ vẫn còn bao vây làng Phương Trung, song Công an xã Đại Quang, Công an huyện Đại Lộc cùng chính quyền, các đoàn thể xã hội đã dùng ghe máy tiếp cận người dân trong làng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và di dời người dân, tài sản chưa bị hư hại đến nơi an toàn.

Ông Đoàn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Quang, cho biết trận “đại hồng thủy” năm 1999 đã làm sập hàng chục căn nhà của người dân làng Phương Trung, khoảng 1/2 diện tích đất của làng bị bồi cát, xói lở, 1 người chết và hàng chục người bị thương.

Làng Phương Trung mới được hình thành sau trận lũ lịch sử năm 1999, cách làng cũ chừng 1km.
Sau khi tiếp nhận thông tin về trận “đại hồng thủy” xảy ra tại làng Phương Trung, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ đã về thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo chính quyền địa phương lên phương án dời làng. Đồng thời, Tổng  Bí thư Lê Khả Phiêu đã huy động xây dựng 100 căn nhà cho người dân vùng sạt lở, vào ổn định chỗ ở trên làng Phương Trung mới.
Ngọc Thi
.
.
.