Ký ức không bao giờ phai

Thứ Ba, 01/05/2012, 11:30
Đã gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về năm tháng hào hùng vẫn còn in đậm trong trái tim những CBCS Công an TP Cảng Hải Phòng từng lên đường chi viện cho an ninh miền Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Đông, nguyên UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dù đã sắp vào tuổi “bách lão”, vẫn sáng suốt và sôi nổi trong từng cử chỉ, giọng nói. Nhắc lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đó ông đang là Giám đốc Sở Công an Hải Phòng, người cán bộ lão thành như rung lên những cảm xúc cháy bỏng.

Ông bảo: Cả miền Bắc lúc ấy sôi động phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để giải phóng miền Nam”. Thấm nhuần lời Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chủ trương chi viện cho an ninh miền Nam, từ Giám đốc Sở Công an cho đến chiến sĩ ở các đơn vị cũng đều đăng ký sẵn sàng lên đường chi viện cho tiền tuyến lớn...

Cũng theo đồng chí Trần Đông, từ những năm đầu thập kỷ 60 đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, Công an Hải Phòng có hàng nghìn cán bộ chiến sĩ bằng nhiều con đường, vào miền Nam làm nhiệm vụ chiến đấu trong lòng địch và bảo vệ ANTT vùng mới giải phóng. Rất tự hào về đội ngũ của chúng ta, những cán bộ chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, thuỷ chung, trong sáng.

Trong các chiến sĩ Công an của chúng ta, có những đồng chí bị địch bắt, dụ dỗ, tra tấn cực hình, nhưng vẫn giữ phẩm chất trung kiên của người cán bộ CAND, như đồng chí Tuyết (tức “Tư Phong”), người Hưng Yên. Những đồng chí của ta đã hy sinh anh dũng như đồng chí Huỳnh Vĩnh Kính (tức “Huỳnh Nồm”) và các đồng chí Kiểm, Sửu, Liên, Sau… Có đoàn 40 CBCS lên đường thì 16 đồng chí nằm xuống.

Nhiều người lập công lớn như đồng chí Tư Ngẫu, lọt được vào Bộ Tổng tham mưu quân đội nguỵ Sài Gòn, thu thập được nhiều tài liệu tình báo quan trọng chuyển về cho ta. Không ít người sau này trưởng thành, từng giữ chức vụ quan trọng như đồng chí Nguyễn Duy Hạc (tức Ba Hạc) – Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh; đồng chí Kim Thanh (tức Điển) - Giám đốc Công an tỉnh Thuận Hải; đồng chí Thi - Phó Giám đốc Công an khu V…

Tại buổi họp mặt truyền thống của các cán bộ chi viện an ninh miền Nam tại Đồ Sơn (Hải Phòng) mới đây, chúng tôi vô cùng xúc động về những câu chuyện, những kỷ niệm của các cựu binh an ninh Hải Phòng năm nào. Đại tá Bùi Hữu Hới, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng từng vào sinh ra tử trong chiến trường miền Đông nước mắt cứ trào ra khi ôn lại kỷ niệm xưa.

CBCS  Công an TP Hải Phòng lên đường chi viện an ninh miền Nam.

Ông nhớ lại: “Đầu năm 1964, đang là Trưởng Công an huyện Thủy Nguyên, tôi được đồng chí Trần Đông triệu tập, giao nhiệm vụ trong vòng 24 giờ phải hoàn tất mọi công việc để vào miền Nam. Trao đổi xong rồi anh em ôm nhau, người đi người ở nghẹn ngào”.

Còn bà Lã Thị Xang, vợ ông kể: “Ông ấy về nói trên cử đi học ở Liên Xô, một thời gian thì về. Mãi sau mới biết là ông ấy đi B chiến đấu”. Được biết, trong một trận càn của địch với  hơn 200 xe tăng. Đại tá Bùi Hữu Hới là Phó Trưởng Công an huyện Tân Nguyên, Thủ Dầu Một cùng 5 cảnh sát bảo vệ bị địch bao vây. Trên đường rút lui, các ông được một cụ già địa phương cho bò, cho xe nguỵ trang trở về đơn vị an toàn. Khi ấy cơ quan đã chuẩn bị xong lễ truy điệu...

Ông Vũ Đình Cảnh, nguyên Tổ trưởng điệp báo an ninh khu V những năm 1967 - 1975 (sau này là Phó Trưởng ban Chỉ huy an ninh, Công an TP Hải Phòng) bồi hồi nhớ lại những giây phút cân não ở vùng ven Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông nói: “Nếu không có người dân vùng đất Quảng –Đà, các ông không thể nào hoàn thành nhiệm vụ và cũng không thể sống đến ngày hôm nay”. Có bà má Quảng Nam đã đóng giả làm người đi bắt cua để tiếp tế cho các ông hoạt động.

Một lần, ở xã Hoà Hiệp, trời mưa to kéo dài, hầm ngập nước, các ông cũng phải nằm ngoài cánh đồng và bị địch phát hiện, truy sát. Trong tình thế hiểm nguy, một người dân đang nhổ cỏ trên đồng đã dùng mưu níu kéo đám lính để ông rút lui an toàn.

Với Đại tá Nguyễn Văn Khánh, nguyên Trưởng phòng CSGT,  chuyến đi công tác của ông thật cảm động. Vợ mất, ông đã để lại nhà 4 đứa con nhỏ ốm yếu, bệnh tật. Khó khăn là vậy song ông đã quyết tâm lên đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại tá Khánh cho biết thêm, cũng như ông, nhiều đồng chí cao tuổi nhưng vẫn thiết tha, tình nguyện lên đường như đồng chí Huỳnh Nồm lúc đó đã gần 60 tuổi, đồng chí Lê Tự Trữ - Giám thị Trại giam hơn 50 tuổi...

Vào năm 1968, địch tăng cường cách ly cán bộ của ta. Trước tình hình đó, các ông đã vận dụng kiến thức và kinh nghiệm vận động nhân dân bám trụ, bám đất. Cùng thời gian này, các bệnh viện bị biệt kích, thám báo địch tập kích, bắt bác sĩ, y tá và thương binh. Có bệnh viện bị tập kích tới 12 lần, gây tổn thất. CBCS Công an Hải Phòng chi viện nhanh chóng nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và tham mưu cho cấp uỷ khu V, có biện pháp khắc phục, bảo vệ bí mật lực lượng, đảm bảo sự gắn kết giữa hậu cần phục vụ chiến đấu với tiền phương.

Chiến tranh đã đi qua, Đất nước đang chuyển mình trong công cuộc đổi mới với bao thành tựu vĩ đại, song ký ức của một thời khói lửa trên dưới nửa thế kỷ trước, không thể nào nhạt phai. Đó là tình cảm của hậu phương miền Bắc với miền Nam yêu thương. Đó là bản lĩnh, phẩm chất cách mạng, kiên trung của những CBCS Công an thành phố Cảng, là trang sử hào hùng về những con người chỉ biết “Còn Đảng còn mình” và là bản hùng ca cho các thế hệ mai sau

Quốc Phòng – Văn Thịnh
.
.
.