Ký ức đẹp của một người lính biển

Thứ Năm, 14/02/2013, 19:46
Đã 48 năm trôi qua nhưng ký ức một người lính biển vẫn sống mãi những lời chúc Tết Ất Tỵ thân thương, ấm áp của Bác Hồ khi con tàu không số cập bến Vũng Rô chi viện vũ khí chiến trường Nam Trung bộ. Ngày Tết Quý Tỵ, vị thuyền trưởng đó bồi hồi tưởng nhớ kỷ niệm đẹp năm xưa. Ông là Trung tá Hồ Đắc Thạnh - Anh hùng LLVTND, nguyên thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số. Chân dung ông là nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim 5 tập “Những người lính biển” của đạo diễn Trần Vịnh.

Duyên nghiệp của người lính biển

Tiếp tôi tại nhà riêng ở 99/2 Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bằng phong cách bình dị và nụ cười hiền lành, thân thiện. Ở tuổi 80, mái tóc bạc màu thời gian, nhưng vóc dáng ông còn khỏe. Đời binh nghiệp gắn liền nhiều chiến công huyền thoại trên những con tàu không số luôn tái hiện trong tâm trí ông những tư liệu sống.

Ông Thạnh vào bộ đội khi Cách mạng tháng 8 bùng nổ và lên chuyến tàu cuối cùng rời Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Sau một năm ở Sư đoàn 324 đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam tại Thanh Hóa, trong lúc ông đang học ở Trường hạ sĩ quan, thì Cục phòng thủ bờ biển – tiền thân Bộ tư lệnh Hải quân tuyển về Trường 45 ở Hải Phòng huấn luyện nghiệp vụ hàng hải, rồi tuyển vào khóa đầu tiên Trường sĩ quan Hải quân ở Quảng Ninh.

Khi 4 tháng nữa kết thúc khóa đào tạo 4 năm, ông Thạnh cùng 3 sĩ quan được rút về Đoàn 759 – tiền thân Lữ đoàn hải quân 125. Gần một tháng nghỉ dưỡng trong khu tập thể ở phố Lý Nam Đế - Hà Nội, ông Thạnh về Hải Phòng làm thuyền phó tàu 54 vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam.

Ông Thạnh giải thích “Gọi là tàu không số, nhưng thực ra tàu nào cũng có số hiệu. Tuy nhiên vùng biển phía Nam thời đó không chỉ có điệp viên cài cắm trên các tàu thương mại, mà nhiều đội hải thuyền, tàu Hải quân Mỹ hoạt động ngăn chặn, khám xét, bắt giữ tàu thuyền nghi ngờ xâm nhập từ miền Bắc. Trên không, máy bay Mỹ từ ở Philippines kiểm soát đến vĩ tuyến 17, dọc bờ biển là hệ thống rada ở Cù Lao Ré, Đề Gi, Chóp Chài, Hòn Tre… kiểm soát suốt ngày đêm.

Để vượt qua nhiều thử thách, hiểm nguy suốt hải trình, tàu vận chuyển vũ khí đều giấu số hiệu thật, mang theo nhiều số hiệu giả và cờ một số quốc gia để hóa trang khi cần thiết. Để đánh lạc hướng địch, nhiều chuyến tàu không số phải ra hải phận quốc tế, xuống tận vùng biển Malaysia rồi ngược lên Cà Mau. Có lần máy bay địch đến gần, chúng tôi treo những tấm lưới chuồn, xâu cá khô trên khẩu pháo để chuyển hóa thành tàu đánh cá”.

Lần đầu làm thuyền phó tàu 54 rời Hải Phòng ngày 12/9/1963, chở 60 tấn vũ khí vào Cà Mau. Thêm một chuyến làm thuyền phó tàu 56 vào Bến Tre ngày 6/12/1963, ông Thạnh đảm nhiệm thuyền trưởng tàu 41 và đã lần lượt chỉ huy 10 chuyến tàu vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi.

Kỷ niệm sâu sắc trong đêm giao thừa Ất Tỵ

Giữa tháng 11/1964, trong lúc tàu 41 neo đậu ở Hạ Long thì được lệnh vận chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô. Ông Thạnh nhớ lại “Nghe tới Vũng Rô, tôi thật sự bồi hồi xúc động vì được về quê hương sâu nặng nghĩa tình. Cùng với việc tiếp nhận 60 tấn vũ khí, tôi nghiên cứu hải đồ, xác định thủy triều suốt hành trình và chọn hướng tránh rada…”.

Tác giả và Anh hùng Hồ Đắc Thạnh.

Tàu 41 rời Bãi Cháy đêm 24/11/1964 khi thời tiết biển xấu dần lên. Hai ngày sau, khi đang vượt qua vĩ tuyến 17 thì nhận điện báo “Bộ Tư lệnh Vùng 1 duyên hải cử 2 tàu chiến hộ tống phái đoàn Mỹ thị sát rada Cù Lao Ré, tàu 41 chú ý khi qua Đà Nẵng”. Trưa hôm đó, máy bay trinh sát xuất hiện nhưng thủy thủ tàu 41 đã khẩn trương treo cờ “ba que” và giơ cao những xâu cá, mực, rượu chai để chào mời như ngư dân thứ thiệt. Nửa giờ sau, hai tàu tuần tra xuất hiện, bám sát một hồi mới rút lui.

12h trưa 28/11/1964, tàu 41 cách bờ biển Phú Yên 120 hải lý, nhưng phải chờ nửa đêm mới vào Vũng Rô. Ra đón tàu, ông Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bật khóc khi nhận ra thuyền trường là người đồng hương.

Do vũ khí quá nhiều, không thể bốc hết trong đêm để tàu rời bến trước 3h sáng. Dù Vũng Rô mực nước sâu, núi chắn kín gió với nhiều hang đá, nhưng chỉ có một cửa ra vào và không nơi trú ẩn như rừng tràm, rừng đước Nam bộ. Phương án mạo hiểm được triển khai, bộ đội, dân công chặt cây rừng phủ lên những tấm lưới giăng Hòn Nưa ra phủ kín tàu 41 thành một phần của… núi.

Ông Thạnh nhớ lại “Lúc đó, nhìn bộ đội, dân công ăn sung rừng, vì đèo Cả đã bị địch phong tỏa nhiều ngày đêm, tôi thật sự xót lòng nên trước chuyến tàu thứ hai về Phú Yên đêm 25/12/1964, tôi đề nghị Bộ tư lệnh Hải quân hỗ trợ bến Vũng Rô 3 tấn gạo tám thơm”.

Lần thứ ba, Bộ Tư lệnh hải quân chỉ đạo tàu 41 phải đưa 60 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô đêm giao thừa Ất Tỵ - 1965. Mừng vui vì được đón Tết ở quê hương, ông Thạnh cùng đồng đội góp tiền mua kẹo, bánh chưng, trà Thái Nguyên, thuốc lá Thăng Long, bia Trúc Bạch. Những vật phẩm đó đều bóc nhãn hiệu trước khi đưa lên tàu, một cành đào cũng được xếp vào thùng giấy.

Vượt qua nhiều trở ngại, tàu 41 vào Vũng Rô lúc 23h42 ngày 1/2/1965. Đạn pháo địch từ đèo Cả dội sáng một khoảng trời để đón giao thừa. Khi Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền cùng nhóm dân công đầu tiên lên tàu cũng là lúc chiếc radio ở phòng báo vụ âm vang lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu đầy ấm áp, thân thương trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam.

Sau những phút lắng nghe trong tâm trạng bồi hồi xúc động, mọi người chúc Tết, thưởng thức quà miền Bắc. Gần 3h sáng mùng 2 Tết Ất Tỵ, nữ dân công Nguyễn Thị Tản trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất gói trong khăn tay và bày tỏ “Xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu ra Bắc. Dù mảnh đất này bom cày, đạn xới, nhưng chúng tôi vẫn vững niềm tin chiến thắng khi đã có vũ khí chi viện từ miền Bắc thân yêu”. Bây giờ, nắm đất đó lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân và hình ảnh trao nhận nắm đất đã được tái hiện bằng bức tượng đồng ở Nhà truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125.

Sau lần đó, ông Thạnh chỉ huy thêm hai chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí vào Quảng Ngãi, Cà Mau. Khi chở 40 tấn vũ khí vào bến Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đêm 26/1/1966, tàu 41 chưa kịp khắc phục sự cố kỹ thuật thì tàu chiến địch bao vây, nên phải kích hoạt khối chất nổ phá hủy tàu 41. Trong lúc bơi vào bờ dưới tầm đạn pháo địch, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ đã nằm lại ở Phổ An, ông Thạnh cùng 18 thủy thủ bơi vào bờ, ngược đường Trường Sơn về lại Hải Phòng tiếp tục làm người lính biển…

Gần 60 năm tuổi Đảng, 30 năm binh nghiệp, ký ức thuyền trưởng năm xưa đầy ắp kỷ niệm buồn vui, nhưng đêm giao thừa trên con tàu không số nghe Bác Hồ chúc Tết Ất Tỵ giữa vùng địch ở bến Vũng Rô mãi mãi là kỷ niệm đẹp và sâu sắc nhất trong cuộc đời Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh.

Ngày 11/1/1973, tàu 41 được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND. Với riêng Trung tá Hồ Đắc Thạnh, sau ngày đất nước thống nhất ông đảm nhiệm chức trách Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đến năm 1984 mới nghỉ hưu. Sau mấy lần xin rút tên vì ý nguyện dành lại phần thưởng cao quý cho những đồng đội đã mất, đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011) người thuyền trưởng tàu 41 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Hữu Toàn
.
.
.