Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)

Ký ức của người Anh hùng thông cửa tử Cù Bai

Thứ Hai, 30/03/2015, 08:53
Anh hùng LLVTND Đào Xuân Hướng kể lại những kỷ niệm chiến tranh như mới vừa xảy ra: “Chúng tôi chọn những gia đình ít người đang cày cấy ở khu vực ruộng sát với sông Cam Lộ để tiếp cận họ, đặt vấn đề với họ hoạt động cho mình. Có nhiều kỷ niệm lắm, suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên họ!”. Ông nhắc lại một cách biết ơn!

Cù Bai giáp với nước bạn Lào, thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Năm 1962, khi ta khai thông tuyến biên giới, mở đường Hồ Chí Minh để phục vụ chiến trường miền Nam, nơi đây đã trở thành cửa tử bởi bom đạn địch đánh phá suốt ngày đêm. Không thông được Cù Bai nghĩa là việc giải phóng miền Nam gặp phải trở ngại rất lớn.

Anh hùng LLVTND Đào Xuân Hướng hạnh phúc tuổi già bên gia đình.

Trước tình hình đó, các cán bộ, chiến sĩ Công an giới tuyến ở Vĩnh Linh đã tình nguyện xin cấp trên đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đánh thọc sâu vào vùng địch ở bờ Nam sông Bến Hải từ Xuân Hòa tới Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) và bờ Nam sông Sê Băng Hiêng từ Hướng Lập tới huyện Pha Lan (nay là huyện Át Chăm Phon, tỉnh Sa Va Na Khet - Lào). Một trong số những chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng, ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh. 

Qua khỏi ngã ba Sa Lung - quốc lộ 1A hướng Nam - Bắc (thuộc địa phận xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) chừng 300m, có con đường đất đỏ thênh thang bên tay trái lên phía Nam. Hỏi nhà người Anh hùng Đào Xuân Hướng, một bà lão đang chơi với đứa cháu nhỏ ở sân cười móm mém đáp: “Tui vợ ông Hướng đây! Mấy chú hỏi ông nó có việc chi rứa!?”. Rồi bà ngoắc cái tay ra phía sau: “Nhà ngay sau nhà ni, ông nó đang ở nhà!”. 

Ông Hướng ngồi trên chiếc võng làm bằng tấm vải dù pháo sáng, móc qua hai nhánh cây to của một gốc cây hoa nhãn cổ thụ ở đầu nhà. Ông xởi lởi mời khách nước chè xanh đặc quánh. Trong câu chuyện, ông thường nhìn lên cây hoa nhãn, nơi thân cây vẫn còn dày đặc những vết sẹo do bom đạn chiến tranh. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương bị chia cắt làm giới tuyến.

Trước tình hình mới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Bộ Công an thành lập ngay lực lượng Công an bảo vệ giới tuyến. Người chiến sĩ trẻ Đào Xuân Hướng vinh dự được gia nhập lực lượng này ngay từ ngày đầu thành lập.

Ngày 20/4/1961, ông được lệnh ra ngoài biên giới qua bờ Nam sông Sê Băng Hiêng phía Lào để làm công tác bí mật. Thời gian này, ông đã bám dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm. Sau khi các cơ sở hoạt động cung cấp thông tin rất tốt, năm 1962, ông được cấp trên giao nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị F325 đóng tại Quảng Bình và Trung đoàn 270 đóng tại Vĩnh Linh, với vai trò chủ đạo trong trinh sát, dẫn đường để tấn công địch từ Cù Bai đến sân bay Áp Nậm, huyện Sê Pôn về tới huyện Pha Lan, tỉnh Sa Va Na Khet - Lào; tiêu diệt các đồn bốt địch án ngữ trên tuyến biên giới dọc theo con đường số 9.

Vào thời điểm đó, suốt ngày đêm, đường Hồ Chí Minh qua Cù Bai, Hướng Lập, nơi giáp ranh giữa địa phận miền Bắc với miền Nam không lúc nào ngớt tiếng bom. Bởi vì địch xác định được rằng, đánh phá được điểm đường này, là coi như cắt đứt toàn bộ huyết mạch của ta từ Bắc vào Nam; mọi chiến dịch của ta hướng tới giải phóng miền Nam vì thế sẽ bị phá bỏ. Xác định việc thông đường Hồ Chí Minh qua Cù Bai, là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng hết sức khó khăn, nên cấp trên chỉ đạo phải bằng mọi cách đảm bảo con đường được thông suốt.

Sau bàn bạc đi đến thống nhất, Đại đội do đồng chí Đào Xuân Hướng chỉ huy (thuộc Tiểu đoàn 3) được chọn làm chủ công trong tác chiến. Ông bồi hồi nhớ lại: “Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi xác định điều đầu tiên mình phải làm là xây dựng cơ sở trong các nhóm biệt kích địch”.

Sau một thời gian quan sát và nắm bắt, ông bắt đầu tiếp cận được với biệt kích Pà Lờn. Pà Lờn là người Lào nhưng do bị địch mua chuộc, dụ dỗ đi theo chúng và được chúng huấn luyện trinh sát, chiến đấu. Sở dĩ ông đặt niềm tin vào Pà Lờn, là vì ông biết người Lào với người Việt vốn rất gần gũi, hữu nghị giúp đỡ nhau. Sau tiếp cận được với Pà Lờn, điều khó khăn hơn nữa là phải làm thế nào để chỉ huy của anh ta tin tưởng vào anh ta. Ông trực tiếp báo cáo tình hình với cấp trên, sau đó được cấp trên cho phép giải quyết một số công việc quan trọng ở chiến trường.

Tháng 6/1967, nhiều trung đoàn của ta hành quân từ miền Bắc vào Nam, đóng quân tại khu rừng Pha Băng, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Va Na Khet. Do nắm được thông tin, khu vực đóng quân này không được đảm bảo, do trước đó biệt kích địch đã thường xuyên lui tới nơi này. Thế là ông vội vàng băng núi, xẻ rừng đến chỗ anh em và gặp chỉ huy các đơn vị ở đó.

Theo yêu cầu 24 giờ sau đó, các đơn vị phải di chuyển ra khỏi khu rừng Pha Băng, song trước lúc di chuyển phải để lại một số lán trại, đồng thời ngụy trang để lại một số xe cộ, khẩu pháo, vũ khí khác (đã bị hư hỏng) nhằm đánh lừa địch.

Đúng như dự báo, chỉ khoảng 2 giờ sau đó, máy bay địch tập trung trên bầu trời Pha Băng ken dày như chuồn chuồn, thi nhau ném bom xối xả… Song song với chiến thuật đó, ông đã bàn với chỉ huy các đơn vị Công binh và Bộ binh, tiến hành mở thêm nhiều con đường từ Cù Bai sang Pha Băng, phòng khi chúng đánh đường này ta đi đường khác. Nhờ đó, huyết mạch qua Cù Bai đã không bị cắt đứt…

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Cù Bai, năm 1968, ông nhận lệnh cấp trên về hoạt động bí mật ở ấp Tân Lâm, huyện Cam Lộ (vùng địch đang tạm chiếm). Nhiệm vụ của ông là xây dựng nên các cơ sở cách mạng hoạt động ngay trong ấp chiến lược của địch.

Ông rành rọt kể lại những kỷ niệm chiến tranh như mới vừa xảy ra: “Ngay khi vào đây, tôi với đồng chí Thấy leo lên các vách đá cao để quan sát tình hình địch ra sao, rồi dân mình vào ra ấp thế nào... Sau đó, chúng tôi chọn những gia đình ít người đang cày cấy ở khu vực ruộng sát với sông Cam Lộ để tiếp cận họ, đặt vấn đề với họ hoạt động cho mình. Có nhiều kỷ niệm lắm, suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên họ!”. Ông nhắc lại một cách biết ơn!

Năm 1972, cả vùng Khe Sanh, Cam Lộ, con đường huyết mạch số 9 từ Lao Bảo về tới Đông Hà được giải phóng hoàn toàn. Thắng lợi lớn này có sự góp sức không nhỏ của những người chiến sĩ Công an vùng giới tuyến. Năm 1973, ông Hướng được phong cấp hàm Trung úy, được cấp trên cho ra miền Bắc an dưỡng ở Hưng Yên. Năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Song chiến tranh vẫn còn, ông xin trở lại chiến trường để tiếp tục nhiệm vụ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông tiếp tục được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Trưởng đồn Công an vũ trang Cù Bai, Trưởng đồn Công an vũ trang Cửa Tùng…

Đến năm 1983, ông được Đảng, Nhà nước cho về nghỉ chế độ. Rời tay súng, ông trở về quê hương, thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp và lại ra đồng cày cấy như bao người nông dân khác. Nhưng ký ức của một thời đánh giặc hào hùng chưa bao giờ phai lạt trong tâm trí của ông và đồng đội.

Phan Thanh Bình
.
.
.