Kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014)

Ký ức cán bộ an ninh mang cờ Tổ quốc vượt sông Thạch Hãn

Chủ Nhật, 04/05/2014, 22:17
Chúng tôi theo chân Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tới thăm một đồng đội năm xưa ở xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Vùng quê ấy bây giờ thật sầm uất, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, giữa bốn bề những ngôi nhà cao tầng san sát của những người dân ăn lên làm ra, lọt thỏm trong đó một ngôi nhà cấp 4 sập sệ, rêu phong rệu rã. “Nhà ông Sự đấy”, một người trong Ban liên lạc nói với sự cảm thông sâu sắc.

Khi chúng tôi bước vào nhà, một người đàn ông tóc bạc trắng cứ ngơ ngác nhìn mọi người (dù họ đã từng vào sinh ra tử cùng nhau trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Ông là Nguyễn Tấn Sự, một cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bây giờ, do tuổi cao sức yếu, cộng với những di chứng của những đòn tra tấn dã man khi ông bị địch bắt trước đây khiến ông cứ ngơ ngơ như thế, chẳng nhớ nổi điều gì. Trong làn nước mắt thương chồng, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyết (vợ của ông Sự) đã kể sơ sơ để chúng tôi hiểu về quãng thời thanh xuân oai hùng của ông. Quê ông ở xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Khi đất nước bị giặc Mỹ xâm lược, ông vào bộ đội và tập kết ra Bắc, sau đó chuyển sang công tác ở Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm 1964, nghe theo tiếng gọi vào Nam, ông cùng đoàn quân Nam tiến, chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Nhưng ngờ đâu, ông bị địch đến bắt, chỉ kịp nuốt vội số tài liệu mật vào bụng. Địch bắn vào chân ông bị thương và đưa ra tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc và nhiều nơi khác. Ở trong tù ông vẫn kiên trung bất khuất, không chịu khuất phục kẻ thù dẫu phải trải qua biết bao ngón đòn tra tấn cực kỳ man rợ của địch, là Bí thư chi bộ nhà tù. Ông còn kể với bà rằng, có lần ông đang ngồi thì một tên địch vào, một số người đứng dậy, riêng ông vẫn ngồi. Tên địch hỏi: “Sao mày không chào tao?”. Ông nói: “Tại sao tao lại phải chào mày”. Cứ thế, ông bị chúng tra tấn nhục hình chết đi sống lại nhưng kiên quyết không khai. Bà Tuyết cho biết, Công an Hà Nội đã làm lễ truy điệu cho ông. Và, khi trao trả tù binh, chúng đọc đến tên ông thì liền quay thuyền đi, ông nghĩ là mình chết chắc rồi. Ông liền nhảy ngay xuống mạn thuyền và tìm cách lên bờ. Trở về miền Bắc năm 1972, đó là sự quá đỗi mừng vui của một người đã báo tử rồi vẫn trở về, nhưng đó cũng là những “phiền toái” cho ông. Khi ấy, đến cơ quan ông chỉ đọc báo suốt 1 năm trời và chẳng có một tiêu chuẩn chế độ gì, cuộc sống phải dựa vào gia đình và bạn bè thân hữu. Tới khi mọi việc sáng tỏ, ông được phục hồi mọi quyền lợi, đi học và làm việc tại Phòng PC27 Công an Hà Nội cho tới ngày nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, năm 1996.

Bà Tuyết lần giở trong đống hồ sơ giấy tờ của ông để tìm về quá khứ oanh liệt một thời. May sao, bà đã tìm thấy một bản hồ sơ  đã úa màu thời gian, mà ông đã khai rất chi tiết với cơ quan lúc còn công tác. Và đó cũng là cơ sở để mọi người hiểu về ông hơn, với các bí danh: Đảng Anh. Tên chiến trường B là Nguyễn Hồng Vinh, tên trong Tù là Nguyễn Văn Sử. Ông tham gia cách mạng từ năm 1947 ở quê nhà Quảng Ngãi. Năm 1955, ông là cán bộ đăng ký hộ khẩu thuộc Sở Công an Hà Nội, đến năm 1965 ông được chi viện cho chiến trường miền Nam. Và trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc, là tổ trưởng Đảng, chi ủy viên chi bộ phòng 22, khu A Biên Hòa…

Ông kể: “Lần bị bắt ấy là ở Tịnh Điền, sáng mồng 4 Tết năm 1966 tôi đi dự cuộc họp huyện ủy thì bị địch đổ quân càn. Chúng bọc phía sau bắn, tôi bị thương mu bàn chân trái nên không thể chạy được liền bị chúng vây bắt cùng với 2 người đồng đội nữa (có đồng chí Sơn, Phó ban an ninh H5). Bị mất một khẩu súng côn đu, ngoài ra không mất tài liệu và giấy tờ gì. Sau khi bị bắt, địch đưa tôi lên trực thăng trở về  phòng nhì ở Ban Mê Thuột. Ở đây một tuần lễ chúng tra tấn đánh đập và hỏi vô số vấn đề. Tôi chỉ nói, là công nhân sản xuất kinh tế của huyện, quê ở Quảng Ngãi. Nhưng một tên chỉ điểm đã cho địch biết tôi là cán bộ an ninh tập kết ra Bắc, mới về Nam. Vậy là chúng đánh tôi suốt ngày, tôi chỉ nói là ra Bắc đi bộ đội nhưng vì sức khỏe yếu nên chuyển sang  làm bảo vệ sản xuất ở nông trường Đồng Giao. Vậy mà, chúng không bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để tra tấn. Năm 1967 tôi được chuyển đến nhà tù  trại I, Plei Ku, số tù 732. Thời gian này tôi cùng anh em trong tù đấu tranh chống bọn Mỹ vào trại lấy máu anh em tù. Thời gian ở trại khu I Cần Thơ, mở  ra 6 cuộc đấu tranh chống lệnh phạt của giám thị. Anh em bầu tôi làm trưởng phòng. Năm 1968, tôi bị giam ở đảo Phú Quốc, đã nổ ra 2 cuộc đấu tranh lớn là giết chết tên tay chân của địch có nợ máu với anh em tù và đánh cảnh cáo một số tên khác, đưa khí thế quần chúng lên. Nhưng lúc đầu chưa có kinh nghiệm đấu tranh giết ác ôn nên địch đưa quân đến bao vây trại làm phân tán lực lượng của ta, đưa đi biệt giam và đưa ra tàu 7 đồng chí. Lúc này tôi mới từ đất liền ra chưa nắm được tình hình nên bị động. Cuộc đấu tranh chống chào sĩ quan địch cũng dấy lên, nếu tù nhân nào không chào chúng lấy gậy đánh cả phòng. Thế rồi cả trại hô đả đảo, sau đó chúng bắt 1 số anh em đưa đi biệt giam, nhưng khí thế đấu tranh trong trại dâng cao, địch không dám đánh đập anh em nữa. Lúc này với vai trò là một Đảng ủy viên, tôi động viên anh em kịp thời. Tiếp đó là cuộc đấu tranh chống làm chuồng cọp, địch cũng phải nhượng bộ các chiến sĩ tù… Từ tháng 3/1969 đến tháng 10/1970 ở khu hạ sĩ quan, đặc biệt cuộc đấu tranh chống không ra sân điểm danh, với lý do chúng không đưa củi vào ấu cơm. Khi đó địch vào từng phòng điểm danh, chúng tôi chủ trương cho quần chúng đi lại lộn xộn làm chúng không điểm danh được. Chúng đành cho anh em tù đi vác củi nấu cơm ăn, lúc đó mới cho điểm danh, lúc đó tôi là bí thư chi bộ phụ trách chi bộ phòng. Cứ như thế, các cuộc đấu tranh liên tiếp diễn ra, đấu tranh phá hàng rào dây thép gai ngăn cách từng phòng. Đấu tranh tuyệt thực đòi đưa những đồng chí bị bắt đưa đi đánh đập phải trả về…Khi có Hiệp định Pa-ri đến ngày trao trả, địch đành nhượng bộ để trại cử  đại diện anh em tù ra gặp phái đoàn quân sự 4 bên, đấu tranh khi trao trả được mang cờ mặt trận và khẩu hiệu. Tôi được anh em giao mang khẩu hiệu và cờ  khi đi trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị)”... Đó là những dòng hồi ức của một người tù cộng sản, dẫu không phải ai cũng biết về chủ nhân của nó.

Nhận xét quá trình công tác của bản thân mình, ông đã viết,  được liên tục công tác và chiến đấu, từ ngày tham gia cách mạng cho đến lúc bị bắt. Qua lao tù đã dìu dắt giúp đỡ anh em đảng viên và quần chúng giữ vững khí tiết đấu tranh với địch cho đến ngày về với Đảng, với dân…Trở về, ông xây dựng tổ ấm hạnh phúc với bà Tuyết, người vợ thảo hiền là công nhân May 10. Bà tận tụy chăm sóc cho ông từ miếng ăn giấc ngủ. Cảnh nhà khó khăn, nhưng ông bà đã cố gắng bươn chải nuôi dạy 4 người con (có 1 người con nuôi) tiếp nối con đường mà bố mẹ đã đi, trở thành những công dân có ích cho xã hội…  Những năm tháng tuổi trẻ của ông đã vì nước vì dân, là tấm gương sáng cho cháu con noi theo. Bà Tuyết rất vui mừng cho biết, sắp tới gia đình ông bà sẽ được tặng một ngôi nhà tình nghĩa… Ai cũng thấy mừng cho ông bà có căn nhà khang trang lúc tuổi già xế bóng

Kim Quý
.
.
.