Kỷ niệm về những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 22/05/2011, 12:38
Tôi và Yuri Cuznhexôv được đưa tới một phòng ngủ rộng rãi với chăn đệm tuyệt vời, nơi mà ngày trước chỉ có các viên tướng toàn quyền Pháp ở Đông Dương mới được sử dụng. Tới lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên về tất cả những gì đã diễn ra với mình. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời đó với Bác Hồ đã đem lại cho tôi niềm vui và sự khai ngộ, cảm hóa chúng tôi bởi lòng nhân hậu, sự quan tâm của con người vĩ đại mà chúng tôi đã quen nhìn qua chân dung và phim ảnh tài liệu.

Từ những năm 1970-2000, Nicôlai Niculin là Tiến sĩ Ngữ văn, chuyên gia cao cấp của Liên Xô và Liên bang Nga về văn học Việt Nam. Nhân kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã in bài viết này trong sách "Người Nga nói về Hồ Chí Minh" xuất bản 2010 ở Moskva. Nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước, chúng tôi xin chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga bài viết của ông.

Vào một ngày hè đẹp trời năm 1954, tôi được mời tới gặp Alêxanđr Anđrêevich Lavrisev - người vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại sứ dáng người cao, hơi mập, tiếp tôi rất lịch sự, chăm chú nhìn tôi, rồi hoàn toàn bất ngờ là đến cuối cuộc đàm luận ông thân mật và cởi mở mỉm cười với tôi. Những câu hỏi và câu trả lời cô đọng, ngắn gọn diễn ra trong vòng năm phút. Tôi đã sống và có thể nói là rất mê say Việt Nam, nên khi nói về đất nước này, đặc biệt là với Đại sứ, thì đó là một niềm hứng thú lớn với tôi. Tôi bước ra ngoài phòng khách, một phút sau người thư ký của Đại sứ xuất hiện. "Anh sẽ đến Việt Nam" - anh tươi cười nói với tôi.

Bác Hồ với thiếu nhi Liên Xô khi Bác thăm đất nước Lênin - 1957.

Còn tôi thì thật bàng hoàng vì hạnh phúc quá bất ngờ. Người thư ký bắt chặt tay tôi: "Chúc may mắn! Anh sẽ được nhìn thấy đất nước của Hồ Chí Minh. Tôi cũng rất muốn, nhưng... Tôi khuyên anh một điều: Trong những cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh sắp tới, mà anh sẽ luôn luôn được gặp, hãy tự nhiên, chân thành, giản dị và hoạt bát như hôm nay với đồng chí Đại sứ. Chúc lên đường may mắn!".

Ngày 29/10/1954, hai tuần rưỡi sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Đại sứ đầu tiên của Liên Xô đã tới thủ đô cổ kính của Việt Nam. Dọc đường suốt từ biên giới Việt - Trung đến Hà Nội là những cổng chào cao bằng tre được dựng lên, bên trên là những băng rôn chữ vàng trên nền vải đỏ thắm chào mừng lãnh đạo, nhân dân Liên Xô, Tòa đại sứ đầu tiên của Liên Xô ở Việt Nam và vị Đại sứ đầu tiên A.A.Lavrisev.

Tới Thủ đô, một cuộc mittinh nhanh gọn chào đón đã diễn ra. Chúng tôi được đưa về nơi ăn chốn ở và làm việc. Nhưng Đại sứ quán thì sửa chữa chưa xong. Mà ngày 7/11, ngày kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại - ngày quốc lễ của nhân dân Liên Xô thì đang đến gần.

Dĩ nhiên là tất cả mọi người đều nghĩ rằng, trong tình hình quốc tế như thế này không thể chỉ tổ chức kỷ niệm trong khuôn khổ tiếp khách ngoại giao hạn hẹp, mà cần phải tổ chức với quy mô lớn và trọng thể. Bởi vì đó không chỉ là uy tín của Nhà nước Xôviết. Trong những ngày đó, báo chí phương Tây rất muốn mô tả cuộc sống của những người tham gia kháng chiến trở về Hà Nội và ban lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam như ở trong một pháo đài bị bao vây không thể hoạt động bình thường và cả với các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Theo tôi nhớ thì lúc đó, đầu tháng 11/1954, ngoài Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội còn có Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và còn có khá nhiều phái đoàn đại diện từ Ấn Độ, Canada, Ba Lan đến Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Do vậy, Đại sứ quán Liên Xô dù thế nào thì cũng phải được tổ chức tốt theo các điều luật và nghi thức ngoại giao quốc tế, và tiếp đón trọng thể trên diện rộng với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, với Ủy ban quốc tế giám sát thực hiện Hiệp định Giơnevơ cũng như với các nhà ngoại giao quốc tế.

Bác Hồ gặp gỡ các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam năm 1960.

Rõ ràng là những buổi tiếp như vậy trên phương diện chính trị không thể tiến hành giống như những hoạt động thông thường, làm quen theo nghi thức bình thường để thắt chặt mối hợp tác quốc tế. Mà buổi tiếp khách trọng thể của Đại sứ quán Liên Xô cần phải thực hiện một vai trò quan trọng khác nữa. Nó sẽ phải là một sự kiện thể hiện khẳng định vị thế mới của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi trên trường quốc tế, vị thế ổn định vững chắc của nó ở miền Bắc Việt Nam. Và một sự trùng hợp thật đặc biệt mang tính biểu tượng là ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

Điều hiển nhiên là toàn bộ nhân viên của Đại sứ quán đều tham gia công tác chuẩn bị. Vấn đề địa điểm tổ chức buổi tiếp khách nhanh chóng được quyết định: Cả ban lãnh đạo Việt Nam và Đại sứ quán Liên Xô đều nhất trí chọn hội trường rộng rãi của Câu lạc bộ quốc tế cạnh Phủ Chủ tịch. Việc này đã được sắp xếp xong. Tuy nhiên vấn đề là sẽ có hàng trăm vị khách mời và sẽ tổ chức bữa tiệc chiêu đãi lớn, mà khu nhà bếp nơi đây chật hẹp quá, bất lợi.

Thì bỗng nhiên có một đề xuất rất hay mà khó có ai nghĩ tới (mà theo tôi chắc là của Hồ Chí Minh). Có lẽ đây là một việc "chưa từng có trong lịch sử" mà không một nước nào hay một ai nghĩ ra. Trong các hồi ức của mình tôi thường phải dùng cụm từ "chưa từng có trong lịch sử". Vì quả thực đây là một quãng thời gian thật đặc biệt mà chúng tôi lúc đó mới bắt đầu nhận thấy. Nhận thức rõ điều này không phải để ngạc nhiên hay giải trí, mà là để hiểu rõ hơn nữa quá khứ, hiện đại và hình dung cho mình cả tương lai.

Một đề nghị khác thường đã được đưa ra: dùng phòng bếp tầng trệt của Dinh Chủ tịch để làm nơi nấu nướng vì tại đây đã có đầy đủ tiện nghi, cho dù đã cũ. Dinh thự này trước đây là nơi làm việc của các viên toàn quyền Pháp, do đó mà khu bếp của viên toàn quyền rất rộng rãi và thoáng đãng.

Người chủ mới của dinh thự này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ núi rừng Việt Bắc trở về Hà Nội, vẫn với thói quen khiêm tốn và bản tính giản dị, tính dân chủ tự nhiên, sự tinh tế và văn hóa ứng xử cao mang tính truyền thống của Việt Nam nên Người không muốn làm việc tại các gian phòng sang trọng của dinh thự này mà chỉ dùng làm nơi tiếp khách và tổ chức các sự kiện trọng đại của nhà nước. Còn chính Chủ tịch thì sống và làm việc tại một ngôi nhà khiêm tốn trong khu vườn cách đó không xa.

Vậy là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép sử dụng nhà bếp của Dinh Chủ tịch làm nơi Đại sứ quán Liên Xô chuẩn bị tiệc chiêu đãi khách vào ngày 7/11 tới. Người đầu bếp của Đại sứ quán Xôviết là chị Nhina Yanôvna chỉ huy nhóm đầu bếp giỏi của Việt Nam. Chị còn trẻ, đầy sức sống, nhân hậu và đáng yêu, cởi mở, dáng người hơi cao và mập như nhiều đầu bếp khác.

Nhưng lại có một trục trặc bất ngờ: Chị Nhina không biết một ngoại ngữ nào, còn các người Việt phụ giúp chị thì không biết tiếng Nga. Nhưng đã nhanh chóng tìm ra cách giải quyết. Đã có hai chàng trai được đưa tới giúp chị: đó là thực tập sinh Nicôlai Niculin và tùy viên Yu.Cuznhexôv. Phải công nhận rằng, chúng tôi rất sẵn sàng vào nhà bếp với tâm trạng rất hào hứng, nhưng cũng rất lo lắng vì vốn tiếng Việt còn hạn chế, nhất là những từ và thuật ngữ về món ăn Việt Nam với chúng tôi hoàn toàn còn chưa biết.

Tuy nhiên những lo lắng của chúng tôi là vô ích. Trong gian bếp rộng của Dinh Chủ tịch, dù mọi người chưa biết tiếng của nhau nhưng lại tràn ngập bầu không khí sôi nổi, hiểu biết lẫn nhau và háo hức làm việc. Chị Nhina đã quen dần và giải thích, hướng dẫn cho các bạn Việt Nam chủ yếu bằng cử chỉ, động tác. Còn các bạn Việt Nam thì đã học được một số từ tiếng Nga cần thiết.

Nhina Yanôna cũng đã đạt được mấy thành công bước đầu về tiếng Việt. Khi chị nói được những từ "tot lam" hay "khong tot", "them ơt", "them nươc"... thì ai cũng hiểu được và không ai để ý tới những lỗi phát âm. Tôi và Yu.Cuznhexôv bị cuốn hút vào công việc không chỉ với vai trò phiên dịch mà còn là người giúp việc nấu nướng. Tất cả cùng làm việc vui vẻ và thân mật.

Thế rồi tới gần 1 hay 2 giờ đêm, Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào nhà bếp. Tôi nghĩ rằng các vị Tổng thống của các nước rất ít, thậm chí là chẳng bao giờ xuống nhà bếp. Nhưng đây lại chính là vị Chủ tịch của nhân dân - Bác Hồ! Đây quả thật là một sự kiện rất bất ngờ đối với chúng tôi - những cán bộ của Đại sứ quán Liên Xô và cả các đầu bếp Việt Nam. Và chúng tôi đã đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Nói hay không thì ai cũng thấy rằng, sự xuất hiện của Bác Hồ ở đây chứng tỏ rằng cuộc tiếp khách ngày mai có ý nghĩa rất trọng đại.

Hôm đó không phải là lần đầu tôi được gặp Hồ Chí Minh. Cuộc gặp lần đầu của tôi với Người là trước đó một ngày, ngày 5 tháng 11, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tất cả các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Liên Xô. Lúc đó tôi đang là thực tập sinh nên không có trong danh sách được mời và chỉ nhận được giấy mời trước buổi tiếp 30 phút.

Những dòng chữ vàng lấp lánh duyên dáng ghi trong thiếp mời: "Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất hân hạnh mời thực tập sinh N.I.Niculin tới dự buổi tiếp đón nhân dịp Đại sứ Liên Xô đến Việt Nam".

Cụm từ "rất hân hạnh" là một nghi thức ngoại giao bình thường. Nhưng khi nó được kết hợp với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh thì âm hưởng của nó thiêng liêng biết bao. Buổi tiếp diễn ra dưới hình thức chiêu đãi chính thức cùng với việc trao đổi diễn từ của hai bên. Là thành viên trẻ nhất trong đoàn Đại sứ quán Xôviết, tôi ngồi cách xa Hồ Chí Minh, nhìn Người trò chuyện với A.A.Lavrisev và các chiến hữu của mình.

Còn bây giờ thì trong nhà bếp của Dinh Chủ tịch là một Bác Hồ hoàn toàn khác. Bác mặc chiếc áo cổ bẻ đã bạc màu, miệng ngậm điếu thuốc lá, mỉm cười sảng khoái và đôn hậu. Bác Hồ đi quanh khắp bếp, bắt tay chào bếp trưởng Nhina Yanovna, tôi và Yuri Cuznhexôv. Bác chăm chú nhìn khắp gian bếp, hỏi thăm công việc chuẩn bị tới đâu. Được biết rằng tất cả công việc đã hoàn tất, Bác gật đầu hài lòng và ân cần nhìn chúng tôi với ánh mắt của một người cha.

- Các cháu có chỗ ngủ đâu chưa? - Bác Hồ đột nhiên hỏi chúng tôi thật ân cần và đơn giản.

Bối rối trước sự quan tâm chu đáo của vị Chủ tịch tới tiện nghi sinh hoạt của mình, chúng tôi thưa rằng sẽ đi bộ về nơi ở của mình.

- Không được, giờ đã muộn rồi, - Chủ tịch dịu dàng nói. - Ở Dinh Chủ tịch vẫn còn chỗ cho hai chàng trai Xôviết đấy! Thành phố đã vào đêm yên tĩnh nhưng cần nên cảnh giác. Các chú hãy thu xếp chu đáo cho hai thanh niên này nhé! Người nói và gật đầu với mấy cán bộ cùng đi.

Cũng như khi đi vào đây, Người thư thả nhìn tất cả khắp lượt rồi đi ra khỏi nhà bếp.

Tôi và Yuri Cuznhexôv được đưa tới một phòng ngủ rộng rãi với chăn đệm tuyệt vời, nơi mà ngày trước chỉ có các viên tướng toàn quyền Pháp ở Đông Dương mới được sử dụng. Tới lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên về tất cả những gì đã diễn ra với mình. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời đó với Bác Hồ đã đem lại cho tôi niềm vui và sự khai ngộ, cảm hóa chúng tôi bởi lòng nhân hậu, sự quan tâm của con người vĩ đại mà chúng tôi đã quen nhìn qua chân dung và phim ảnh tài liệu. Trong tôi trào dâng lòng biết ơn về sự quan tâm mà Bác Hồ đã dành cho chúng tôi. Chiều hôm sau, ngày 7/11, tôi lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cửa vào Câu lạc bộ quốc tế, nơi sắp diễn ra buổi tiếp khách trọng thể. Người đã nhận ra tôi và chào tôi như gặp người quen cũ.

- Cháu trẻ quá!

Người nói với tôi như với người thân, rồi tới gặp vị Đại sứ

Hồng Nhật (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
.
.
.