Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2017)

Nơi lưu giữ chiến công đi vào lịch sử

Thứ Tư, 27/12/2017, 09:42
45 năm đã qua, song với nhiều người, ký ức về 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng 12-1972 ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn đó.

Dấu ấn về một Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đang được lưu giữ đầy đủ tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 thông qua những kỷ vật, tài liệu trưng bày ở đây. Du khách đến đây sẽ được tìm về những ký ức, những chứng tích về một thời đau thương và hào hùng.

Nơi “pháo đài bay” B-52 nằm lại

Bảo tàng Chiến thắng B-52 nằm trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội). Chúng tôi đến đây vào thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Khu “Trưng bày ngoài trời” nằm trên khuôn viên rộng lớn với diện tích 4.000m2 trong Bảo tàng. Các vũ khí, khí tài lập công của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống “chiến tranh phá hoại” và 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng 12-1972 được trưng bày thành từng khu ở nơi đây.

Dẫn chúng tôi tham quan khu “Trưng bày ngoài trời”, Thiếu tá Phạm Thị Hoàng Vân, cán bộ Bảo tàng Chiến thắng B-52 cho biết, những kỷ vật hiện đang được trưng bày ở đây đã tái hiện sinh động về một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp.

Một thế trận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp với “Máy bay – tầm cao; tên lửa – tầm trung; súng máy phòng không, súng cao xạ - tầm thấp” để đánh bại chiến dịch sử dụng “pháo đài bay” B-52 bắn phá Hà Nội của đế quốc Mỹ. Xác “pháo đài bay B-52” với tỷ lệ 1:1, thân dài: 59,05m; sải cánh: 56,39m “nằm” dài trên mặt sân Bảo tàng khiến chúng tôi cũng như những du khách có mặt ở đây không khỏi kinh ngạc trước sức chịu đựng của vùng đất thiêng liêng “Thăng Long phi chiến địa” và tinh thần kiên cường của quân, dân ta.

Xác “pháo đài bay” B-52 cùng vô số vỏ bom được trưng bày ở đây là minh chứng hùng hồn cho sự mưu trí, quyết tâm đánh thắng các cuộc không kích, bắn phá bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 do không lực Mỹ thực hiện. Để có được một xác “pháo đài bay” B-52 với nhiều chi tiết mô phỏng chân thực như vậy, các cán bộ, nhân viên của Bảo tàng đã phải mất khá nhiều thời gian thu gom các bộ phận, chi tiết những chiếc B-52 bị quân và dân ta bắn rơi ở các trận địa khác nhau.

Qua lời giới thiệu của Thiếu tá Vân, chúng tôi được biết “pháo đài bay B-52” là loại máy bay có tải trọng lớn và có sức công phá khủng khiếp nhất vào thời điểm bấy giờ. Trong 12 ngày đêm (từ 18-12 đến 29-12-1972), Mỹ đã sử dụng 193 chiếc B-52 (gần bằng 50% máy bay B-52 sẵn sàng chiến đấu ở Đông Nam Á), ném 10 vạn tấn bom (chủ yếu là bom laze và bom vô tuyến) xuống Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc. 

Khu “Trưng bày ngoài trời” được xem như là một biểu tượng, là nụ cười chiến thắng, thể hiện sức mạnh tổng hợp, và đó cũng là dấu tích của những đau thương mất mát vô bờ bến của quân và dân ta đã phải chịu đựng trong 12 ngày đêm lịch sử.

Du khách đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Nâng cao chất lượng phục vụ du khách

Bảo tàng Chiến thắng B-52 được khánh thành vào ngày 22-12-1997 nhân dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”. Bảo tàng được nâng cấp, cải tạo hoàn thành vào tháng 12-2012.

Thiếu tá Vân chia sẻ, chính cái tên Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã phần nào cho thấy kỳ tích “có một không hai” của quân và dân ta khi làm thất bại chiến lược dùng “pháo đài bay” B-52 bắn phá Hà Nội cùng một số tỉnh phía Bắc.

Ngoài khu “Trưng bày ngoài trời”, Bảo tàng còn có khu “Trưng bày trong nhà”, trong đó, tầng 1 và 2 là khu truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô, khu trưng bày Hà Nội – ngàn năm văn hiến, lực lượng vũ trang Thủ đô qua các thời kỳ, khu sự kiện chuyên đề 12 ngày đêm; tầng 3 là khu trưng bày chuyên đề “Tội ác và sự trừng phạt”, phòng kỷ vật thế giới và Việt Nam, phòng sa bàn điện tử diễn biến chiến dịch 12 ngày đêm...

Theo các cán bộ của Bảo tàng Chiến thắng B-52, để nơi đây luôn hấp dẫn du khách cũng như không để những kỷ vật, tư liệu bị ảnh hưởng theo thời gian, công tác duy tu, bảo quản luôn được quan tâm chú trọng. Hằng tháng, bộ phận nhân viên kỹ thuật sẽ kiểm tra, bảo quản định kỳ. Thông qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố liên quan đến quá trình trưng bày, triển lãm. 

Đến Bảo tàng những ngày này, du khách sẽ được sống lại một thời hào hùng, một thời mà cả nước hướng về Thủ đô yêu dấu với trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Đó là hình ảnh về trận địa pháo phòng không 100mm, về những hiện vật của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm – Đống Đa, về sự quyết tâm đánh thắng không lực Mỹ của lực lượng Phòng không Không quân cũng như hình ảnh đau thương mất mát do bom đạn bắn phá ở khu phố Khâm Thiên – Mai Hương...

Tất cả được tái hiện một cách đầy đủ qua các phòng trưng bày, sa bàn địa lý, sa bàn điện tử. Đứng trước những kỷ vật thô sơ nhưng rất đỗi ý nghĩa về một thời vượt gian khó của quân, dân Thủ đô, chúng tôi – những thế hệ hậu sinh cảm thấy thật xúc động và tự hào thay. Ngày ấy, để có được chiến thắng, có những người vợ mất chồng; người con mất cha; rồi có những gia đình, sau một đêm mọi người đều vĩnh viễn nằm lại trong đống đổ nát. Sự hy sinh cao cả ấy của các thế hệ đi trước vì một Hà Nội – thành phố vì Hòa Bình, chúng tôi không thể quên được.

Bác Nguyễn Hồng Trân, 80 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Huế trong dịp ra Hà Nội thăm thân lần này, đã lên kế hoạch đến với Bảo tàng. Bác Trân chăm chú quan sát, đọc từng lời chú thích đính kèm với các kỷ vật ở đây.

Bác Trân bảo: “Lần này ra đây, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, nên tôi đã tranh thủ tới bảo tàng. Thông qua các kỷ vật, tư liệu trưng bày ở đây, tôi thêm thấy chiến công của quân, dân ta. Một chiến công lẫy lừng và vang dội mãi với thời gian. Tôi còn tranh thủ chụp hình những kỷ vật đó, nhất là xác “pháo đài bay” B-52, để khi vào Huế, tôi sẽ cho con cháu mình xem…!”.

Đến với Bảo tàng Chiến thắng – B52, mọi người sẽ như được trở về quá khứ. Cũng bởi thế cho nên, Thiếu tá Phạm Thị Hoàng Vân đã chia sẻ: “Những ngày qua, bình quân mỗi ngày có gần 1.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cảm nhận về các hiện vật đang được lưu giữ trong Bảo tàng”.

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, từ ngày 19-11 đến ngày 16-12, Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã tổ chức triển lãm lưu động tại một số quận, huyện ở Hà Nội với chủ đề “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” gồm 5 phần trưng bày: “Âm mưu của Đế quốc Mỹ; Hà Nội chiến đấu và chiến thắng; Tội ác của Đế quốc Mỹ và sự trừng phạt; Thế giới ủng hộ và ngợi ca chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không; Hà Nội ngày nay”. Triển lãm đã thu hút đông đảo người dân quan tâm theo dõi.
Trần Huy
.
.
.