"Kỹ nghệ" mê tín dị đoan ở Hà Nội

Chủ Nhật, 29/05/2005, 07:15

Ở Hà Nội, nghề bói toán hiện nay đã trở thành "kỹ nghệ" với nhiều mánh khóe biến hóa tinh vi. So với trước, hoạt động bói toán có phần yên ắng và bớt lộ liễu hơn, song vẫn khó lòng kiểm soát.

Đầu tiên phải nói đến hiện trạng tràn lan, trôi nổi của các loại sách bói toán trên khắp phố phường. Mặc dù bị cấm lưu hành vì nội dung nhảm nhí, phi khoa học, nhưng sách bói toán vẫn được bán công khai ở các hàng sách cũ, các sạp bán báo dạo và đặc biệt là ở các bến tàu xe, công viên, nơi chùa chiền, các khu danh lam thắng cảnh... Thực trạng này đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của một bộ phận không nhỏ người xem những loại sách này.

Hầu hết sách bói toán không ghi tên tác giả, nhà xuất bản, người chịu trách nhiệm... Có chăng thì cũng chỉ là địa chỉ “ma”. Ví như cuốn “Bí ẩn 200 giấc mơ thần” ghi là “Cẩm nang xuất bản ở Hà Nội” hay cuốn “Sách số coi tuổi dựng vợ gả chồng” ghi “Nhà xuất bản Hương Hoa”. Còn tên tác giả, những kẻ làm sách cũng cố tạo ra những cái tên nghe rất “nho học” cho hợp với bói toán,  như: Quảng Lân Nguyệt Lan, Bảo Trai Đường, Bàn Tải Cân... Nội dung sách bói toán hết sức nhảm nhí từ việc dựng vợ gả chồng đến gây dựng sự nghiệp, thậm chí còn dạy người ta cách đánh bạc (?!).

NVQ là chủ một cửa hàng bán ĐTDĐ trên phố Nguyễn Trãi. Đang có công ăn việc làm tử tế, sau một vài lần đọc sách về tướng số ở “chợ trời”, Q tự thấy mình dường như có thể “tiên tri” được mọi việc trong thiên hạ, nên đóng cửa hàng, chuyển sang nghề xem tướng số. Mà khách hàng của Q toàn là những người lắm tiền nhiều của. Không ít trong số đó là khách hàng quen của cửa hàng ĐTDĐ cũ.

Họ được thầy tiên tri cho tất tần tật mọi việc. Từ chuyện phải “cưa” những em có ngày giờ sinh thế nào, có hợp tuổi hay không, làm nhà thì phải theo hướng nào, lập bàn thờ thổ công ở đâu... cho đến cưới xin, ma chay phải vào giờ này giờ nọ mới hợp ý trời, con cháu mới có thể ăn nên làm ra... Song đến một lần Q đã bị lật mặt do cái thói xem tướng số ba hoa của mình.

Số là có anh chàng sắp cưới vợ, bị bố mẹ ngăn cản do hai đứa không hợp tuổi - theo lời thầy Q phán. Anh chàng này hôm sau cho người em trai đến, thủ sẵn máy ghi âm, lại đặt thật nhiều tiền để thầy phán về mọi việc. Thấy nhiều tiền, mắt thầy hoa lên và cứ thế tuôn ra một tràng dài về thân thế, bố mẹ, anh chị là người thế nào, gia cảnh ra sao, năm nay có những vận hạn gì cần phải làm lễ để giải... Tất cả so với hôm trước đều khác “một trời một vực”. Ông bố trong gia đình này nổi khùng lên tịch thu hết số tiền gia đình ném vào cái vụ bói toán này, còn suýt nữa thượng cẳng chân hạ cẳng tay với thầy.

Nhưng không vì thế mà số lượng các loại sách mê tín dị đoan bị giảm đi. Ngược lại còn có xu hướng gia tăng. Nội dung của những cuốn sách ấy gieo vào tâm trí độc giả nỗi hoang mang, lo lắng triền miên, gây không ít phiền toái cho gia đình và xã hội.

... Đến các thầy đồng, cô đồng

Ở Hà Nội hiện nay, nghề bói dạo và cả bói tại gia tuy lén lút nhưng việc tiếp thị chào mời cũng thật sôi nổi. Chị Lan - nhân viên công ty X - một lần đi qua điểm cân sức khỏe bên bờ hồ Giảng Võ, bà chủ bàn cân ấy liền ngoắc chị vào để “xem hộ chuyện tình duyên, nghề nghiệp”. Hóa ra vừa cân sức khỏe bà ấy lại kiêm thầy xem tướng số. Quả thật, Lan đang có khúc mắc trong chuyện tình cảm với mấy người đồng nghiệp nên cũng vào xem “thử”.

Thầy ngồi nhìn vân tay của Lan hồi lâu, rồi bắt chị tráo bài đến mỏi tay, cuối cùng thầy phán: “Năm nay tuổi cô bị sao Thái Bạch chiếu. Thành ra gặp rất nhiều hạn. Bắt đầu là chuyện tình cảm, sau này còn nhiều chuyện khác như mất việc, rồi tai nạn giao thông... Để tai qua nạn khỏi, cô cần phải làm lễ dâng sao giải hạn”. Chột dạ, song Lan vẫn còn đủ tỉnh táo để hỏi thêm thầy về hoàn cảnh gia đình, về vận hạn từng người. Sau thấy thầy trả lời chung chung, nhiều câu còn trật lất, cô mới yên dạ rằng đây chỉ là một thầy “mờ”.

Ngay ở trung tâm Kim Liên cũng có thầy K nổi tiếng trong nghề bói toán. Chúng tôi được dẫn vào trong phòng kín, rộng khoảng 5m2 lúc nào hương khói cũng nghi ngút. Trước điện thờ một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang quỳ khấn gì đó. Lát sau ông ta quay lại vơ bộ bài tây để xem cho khách. Nhiều khách hàng chờ từ sáng đến trưa mà chưa tới lượt mình. Ngồi nghe lỏm một lúc, tôi thấy những lời thầy phán chả khác gì trong mấy cuốn sách bán đầy vỉa hè.

Khu Giảng Võ vốn vẫn nổi tiếng bởi có nhiều người tự nhiên trở thành “thiên sứ” giáng trần để cho thiên hạ biết “mệnh trời” của mình. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cô Oanh (vốn trước là người ngớ ngẩn, không học thức và vô công rồi nghề) tự xưng mình có thể biết trước được mọi chuyện. Có thể chỉ người này phán vận hạn, tướng số, trỏ người kia phán tiền duyên, nhà cửa... Một đồn mười, mười đồn trăm, hàng đoàn người rồng rắn kéo đến nhà nhờ cô phán vận hạn.

Không dừng ở chuyện lập đền thờ xem tướng số, giải hạn, những thầy, cô còn có “độc chiêu” lên đồng để nhập vào người chết, trả lời những câu hỏi của người sống về cuộc sống dưới âm ty.

Nhiều thực tế đau lòng do hậu quả của bói toán bày ra trước mắt. Một số người tiền mất, tật mang, nhiều đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, song chỉ vì một lời của thầy mà hai gia đình kiên quyết không cho lấy bởi “có lấy được thì cũng sớm tan vỡ thôi”. Nhiều người sau khi đi xem bói về trở nên tiêu cực, sống trong hoang mang, lo âu, phiền muộn...

Tệ nạn mê tín và bói toán vẫn còn đó như một thách thức đối với những người có trách nhiệm, đòi hỏi cần có sự quan tâm hơn nữa của cơ quan hữu trách và cộng đồng, để tránh những hậu quả xấu tiếp tục làm vẩn đục và gây phiền toái cho xã hội, nhất là ở thủ đô văn minh như Hà Nội

Minh Tiến
.
.
.