Kỹ nghệ "hành" khách quốc tế

Thứ Năm, 10/11/2005, 14:04

"Thuật ngữ chuyên môn" quen thuộc đầu tiên của nghề này là "điều trị". Tiêu chuẩn quan trọng nhất để được dân lữ hành quốc tế xếp hạng "cứng" và "thạo nghề" là phải biết "điều trị" khách.

Trên đường đến Hạ Long, chúng tôi dừng lại ở một nhà hàng theo kiểu rất thường thấy dọc các quốc lộ du lịch: Có đồ ăn thức uống, có đặc sản địa phương và hàng lưu niệm. Ngoài thì dăm bảy chiếc xe du lịch đỗ gần kín bãi, bước vào trong là thấy náo nhiệt các khách "ngoại" vừa ăn uống vừa xem hàng và chỉ trỏ mua bán. Một hướng dẫn viên tên T. lanh lẹ bước ra, tay bắt mặt mừng chào hỏi rồi lại nhăn nhó ngay: "Đông quá, không quản được, khách chúng nó xổng hết cả rồi!".

Lấy cần ta đi câu cơm

Để trở thành một hướng dẫn viên cho khách Trung Quốc như T., các công đoạn phiền phức ví dụ học hướng dẫn rồi lấy thẻ hành nghề đều có thể bỏ qua. Chỉ cần tìm hãng lữ hành phù hợp mà nói ý định muốn "đi tour" khách Tàu. Gặp lúc rỗi rãi có thể sẽ nghe vài câu hỏi, thường nhất là "đã đi tour bao giờ chưa?", nhưng nếu đúng vào các dịp 1/5, 1/10 (Quốc khánh Trung Quốc), hay dịp Tết, khi khách láng giềng vào ồ ạt, các văn phòng vừa bận túi bụi vừa thiếu hướng dẫn viên thì… còn gì nữa: Được giao ngay một đoàn khách, lúc này chìa thêm ra một giấy tờ gì đó có ảnh, vậy thôi. Đây là cách câu cơm đơn giản của sinh viên học tiếng Trung, kể cả năm thứ nhất!

Như thế, ngoại ngữ là điểm mạnh nhất của hướng dẫn viên quốc tế dù rằng chính nó lại chưa thực sự mạnh, riêng chuyện ngồi nhà mà nghe hướng dẫn viên tiếng Anh "alô" kể đang đi dẫn khách Nhật, Hàn… đã như cơm bữa. Còn kiến thức về đất nước, văn hóa Việt Nam? Cỡ chục năm trước thì tài liệu, thiết thực nhất là giới thiệu các điểm du lịch, rất khan hiếm (chuyện thật như bịa thời ấy là ai san sẻ một chút sẽ được coi ngay là hào phóng chứ có người cứ giữ khư khư kiểu như bí quyết nghề nghiệp vậy), còn bây giờ chỉ lên mạng là thấy vô số thông tin bằng đủ các thứ tiếng Anh, Pháp... nhưng quá nhiều hướng dẫn viên vẫn không "thèm" quan tâm, tự bằng lòng vì "mình là người Việt rồi mà".

Thế nên chuyện hướng dẫn viên nói sai, nhớ nhầm xảy ra vô khối. Một số du khách, đặc biệt là khách Âu thường tìm hiểu khá kĩ trước khi đi du lịch, biết nhưng cho qua. Còn lỡ hướng dẫn viên nói "chối tai" quá lại gặp khách thích đấu khẩu thì có thể bị thua ngay trên sân nhà. Chuyện này nữa, nếu một đoàn khách có hai hướng dẫn viên, khách có thắc mắc hỏi một người vẫn chưa thỏa mãn, đi tìm hiểu tiếp ở người thứ hai thì có thể được nghe trả lời hoàn toàn khác nhau, chỉ giống ở chỗ cùng... bịa.

Hành nghề "điều trị" và "chăn dắt" khách

"Thuật ngữ chuyên môn" quen thuộc đầu tiên là "điều trị". Tiêu chuẩn quan trọng nhất để được dân lữ hành quốc tế xếp hạng "cứng" và "thạo nghề" là phải biết "điều trị" khách. Thứ nhất là làm cho khách ngoan ngoãn, lễ phép và tuân thủ các sắp xếp thời gian, nơi chốn, giữ kỉ luật suốt chuyến đi. Thứ hai là đối phó gạt bỏ các mè nheo của khách hoặc đơn giản là... bịa cho trôi chảy khi khách hỏi trúng vào các kiến thức mà hướng dẫn viên không biết. "Điều trị" được chỉ định đặc biệt cho các trường hợp khách quá xương xẩu. "Một lần "xương" nhất là đón ba khách balô keo kiệt. Dẫn đi ăn, chúng nó gọi được ba con ghẹ ghẻ, anh em (tức hướng dẫn viên và lái xe - TP) bực quá gọi hẳn một cân ghẹ hai thằng ăn. Đến lúc chúng nó gây sự, hai thằng tớ mắng thẳng, chúng mày đang ở Việt Nam nhá, đừng có mà láo! Cứ thế điều trị cho chúng nó tới hết chuyến đi", một hướng dẫn viên kể chuyện.

Tiếp theo, "chăn dắt" là lùa khách đến đúng nơi để cùng các cửa hàng cho vào tròng mà "làm thịt". Khách hay kêu ca lịch trình bị bỏ qua, đấy là để hướng dẫn viên tập trung vào những đích đến tiềm năng hơn mà chăn dắt. Một tuyệt chiêu của chủ hàng là tìm ra của "độc" (hoặc đơn giản là "sáng tạo" một nhãn hiệu riêng) để tha hồ ghi đội giá lên trời. Hướng dẫn viên được trả số phần trăm cao hơn hẳn nên hết sức "đảm bảo về chất lượng, giá cả" với khách, "thích" nhất là có khách còn bị lỡm... từ thế hệ trước sang thế hệ sau, cứ nằng nặc đòi đến tận nơi có thức hàng đặc biệt đó mà mua.

Nơi nào được khách vào mà thất lễ không hậu tạ thì lập tức giang hồ chỉ mặt nhớ tên luôn: "Bọn nó láo, lần sau chừa cái chỗ ấy ra". Ít cũng phải 10%, còn thông thường là 20-30% tính trên tổng số tiền mua hàng của đoàn khách, rồi còn phải xét cả "thái độ". Ví dụ trên đoạn Hải Dương, nhà hàng bánh đậu xanh 77 được sủng ái bậc nhất: Tay lái chính nhận 50.000 đồng và một bao thuốc 555 ngay khi đỗ xe, người dẫn đoàn chỉ cần "chăn" cho khách khỏi "xổng", còn nhân viên nhà hàng sẽ tự động ghi tên, nhận mặt để mua lúc đi thì báo đáp đầy đủ khi quay về. Một hướng dẫn viên bảo: "Không có ai nhớ dai như người ở nhà hàng này. Năm trước em đi chuyến thứ nhất, một năm sau mới đi chuyến thứ hai, quay lại đây nhân viên vẫn nhớ cả tên".--PageBreak--

Khi gặp khách "hẻo", phần trăm chẳng bõ mấy thì... chuyên môn này phải hỏi các hướng dẫn viên khách Trung Quốc. Phổ biến là đưa khách đi ăn uống ngoài tour, đi massage hay đi luôn đến Z... giá thực một đằng thì "tùy tâm" phiên dịch lại một nẻo. Chủ hàng cứ thu tiền của khách rồi trả lại hướng dẫn viên khoản chênh lệch sau. Ngang nhiên hơn, ví dụ tàu du lịch thuê 6 tiếng, đi xong, hướng dẫn viên nói trong tour chỉ thuê có 3, khách phải trả bù vào; đến điểm tham quan đã mua vé vẫn thông báo chi phí phát sinh, bắt khách tự thanh toán…

Nhưng một vừa hai phải thôi, dân trong ngành rỉ tai nhau, khách bị lừa nhiều nên bây giờ đã cảnh giác hơn, họ nắm chắc nội dung tour mà sinh nghi báo lại với công ty du lịch thì phiền.

Nâng cao "kĩ năng làm việc nhóm"

Ngồi bên cạnh hướng dẫn viên chính là lái xe, kiêm luôn vai trò sư phụ truyền kĩ năng "hành" khách nếu hướng dẫn viên còn non nớt. Hướng dẫn viên thường chia phần trăm cho cả lái xe, nếu không chính họ cũng có thể bị lái xe "điều trị". Nếu khách có các nhu cầu kiểu đàn ông mà hướng dẫn viên lại là nữ thì có thể chỉ đi cùng lúc đầu làm phiên dịch, còn lại là nhiệm vụ của lái xe, "cho khách đỡ ngượng".

Những nhân vật khác cũng xuất hiện thường xuyên trong lịch trình là người ở các chốn ăn, nghỉ. Riêng các địa chỉ một, hai sao trông chừng bàn của khách thì ít mà tận tình với bữa ăn nội bộ miễn trả tiền thì nhiều, lơ là chút sẽ lôi thôi ngay. Có một nhà hàng cũng khá tận tâm phục vụ khách mà vẫn mất dần khách tour, ông chủ bỏ công điều tra mới té ngửa do chỗ đậu xe chật chội, xe quay đầu không an toàn, cánh lái ngại thế là rủ nhau "phản ánh" lên công ty rằng chỗ ăn đó cơm thiu canh nguội. Vài lần thế là... cắt!

Còn một số người nữa, thường xuất hiện trong các tour mạo hiểm kiểu Âu và được gọi chung là porter (người khuân vác), có nhiệm vụ mang đồ, nấu nướng, giúp hướng dẫn viên chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng, không có gì nhiều để phàn nàn khi họ ít nói, ngại giao tiếp nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ ví dụ khi đi rừng leo núi mà hướng dẫn viên bị... lạc đường, lại tỏ rõ nết thật thà vì đồ đạc, có thể gồm cả tiền và đồ quý, của khách đều do họ mang. Lí do có thể bởi các tour trên đa phần do những công ty chuyên nghiệp tổ chức, họ đã được trả công hậu hĩnh. Nhưng biết đâu cũng vì họ đều là người dân tộc thiểu số sống trên núi, vốn thật thà!

Kiếm chác rồi... bỏ nghề thôi

Giới hướng dẫn bảo tour VIP tất nhiên là "ăn" mà tour phố cổ vơ bèo vạt... khách balô rồi ghép đoàn cũng vẫn ngon lành. Nhưng nói chung, khách Bắc và Tây Âu thích du lịch sinh thái và văn hóa kết hợp "hành xác" một chút, khách Nga ưa tắm biển nghỉ dưỡng ở các resort, thế nên chủ yếu trông vào tiền boa. Vớ bẫm hơn cả phải là với khách Nhật và Mĩ hay thích mua sắm. Cây gậy kiếm tiền dài nhất lại được nối thêm dây, các điều hành tour bảo hướng dẫn viên dẫn khách Nhật cứ "chăm chỉ" mấy năm là đủ tiền mua nhà, mua xe.

Thế nhưng, hành cái nghề được coi là ăn xổi này vài năm thì hầu hết hướng dẫn viên có ý định chuyển công việc. Nhiều người, nhất là nữ, thấy sợ nghề làm "hư" người. Một số khác hành nghề nghiêm chỉnh hơn thì lại bảo làm nghề này nếu cố gắng chỉ dăm bảy tháng là được dẫn khách VIP, sau đó còn lên được đâu nữa mà đi tiếp.

Nhiều bạn trẻ vào nghề do "lỡ độ đường", được một thời gian rồi cũng xoay xở để chuyển sang một công việc yêu thích hoặc đã được đào tạo từ trước. Số khác đã quen hoặc thấy hợp với ngành này thì cố tích cóp "ra ở riêng". Nhưng làm kinh doanh có lãi lại là chuyện khác, có công ty lữ hành quốc tế cả năm chỉ được vài chục khách, thu chẳng bù chi, "sếp" phải âm thầm ra ngoài đi tour thêm kiếm tiền mà nuôi mộng lớn.

Tất nhiên có những người mãn nguyện với cách câu cơm quá dễ dàng của nghề này. Nhưng biết đâu, một ngày nào đó, cái nghiệp nó vận vào thân. Cỡ bốn năm trước, mỗi lần vào sòng bạc ở Đồ Sơn, hầu như tôi đều gặp một hướng dẫn viên quen biết tên K., hỏi người ở đây thấy bảo có lúc cậu ấy ngồi lì chơi bài từ suốt ngày hôm trước đến tận sáng hôm sau (ở các sòng bạc này, người Việt muốn vào phải bỏ ra đôi trăm năn nỉ gác cửa, riêng hướng dẫn viên quốc tế tất nhiên không). Lúc đầu, chỉ là dẫn khách vào các chốn cờ bạc chơi bời. Sau quen hơi bén mùi, cái nhu cầu ăn chặn tiền của khách để đáp ứng các "sở thích" của mình ngày một lớn, đến mức không công ty du lịch nào còn dung nổi K. Bắt tay với vài người nước ngoài quen biết trong các chuyến đi, K. tổ chức buôn lậu và bị bắt, may chỉ án treo. Rồi bạn bè, họ hàng... cũng nhiều phen bị K. lừa lấy tiền dở khóc dở cười. Lần gần nhất tình cờ gặp K, tôi giật mình thấy một con người thật khác với cậu sinh viên trắng trẻo ngày xưa, giờ là đôi mắt bất cần và dáng vẻ trơ trẽn của một người đã bị trời "hành" lại

Thế Phong
.
.
.