Kỳ cuối: Tác nghiệp mùa biển nóng

Thứ Tư, 21/05/2014, 10:44
Sóng và những cơn say sóng - đó là điều khủng khiếp nhất trong những ngày tác nghiệp Hoàng Sa của chúng tôi.

Những cơn say sóng làm cho những phóng viên nổi tiếng là khoẻ mạnh như anh chàng Trung Hậu của hãng thông tấn AP hay Đình Huy của Đài Truyền hình Asahi (Nhật Bản) lúc nào cũng trong trạng thái mặt xanh nanh vàng. Giữa một con tàu nhỏ chòng chành trên sóng, ngày nào anh Hậu cũng "nuốt" hai viên thuốc chống say, thế mà cứ hễ mở mắt là lại sống trong trạng thái biêng biêng cái đầu. Anh Hậu kể: "Làm đại diện cho AP ở Việt Nam, tôi đã đi tác nghiệp ở rất nhiều nơi, trong đó có nhiều lần vất vả lắm, như lần đi tới vùng động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) cách đây vài năm, nhưng chưa lần nào thấy mệt như lần đi biển này". Vì sao ư? Vì "khi tác nghiệp trên bộ, lúc nào mệt quá thì  có thể đứng lại nghỉ, chứ gần một tuần trên biển,  trên một con tàu hết lắc sang trái lại lắc sang phải, lúc nào người mình cũng chòng chành, nôn nao".

Nhưng dẫu sao anh Hậu cũng là người dễ chợp mắt (hoặc giả thuốc chống say giúp anh làm điều đó), chứ như anh Đình Huy thì giỏi lắm cả ngày cũng chỉ ngủ được 2,3 tiếng. Khổ thân anh Huy khi vợ mới sinh con, nên suốt cả tuần trước khi lên đường đã phải sống trong cảnh "đêm thức, đêm ngủ" vì con khóc, giờ ra đây, lại tiếp tục mất ngủ triền miên.

Riêng với "chiến binh" Hoàng Đình Nam của hãng AFP thì không chỉ phải đối diện với sóng, với nôn nao và mất ngủ, mà còn không chịu nổi trạng thái nóng - lạnh bất thường. Bác Nam ví von thế này: "Khi ở phòng ăn trên tàu thì nhiệt độ vừa phải, nhưng chỉ xuống phòng ngủ thì điều hoà chạy lạnh băng - lạnh như thể vừa đi vào khu đông lạnh của một siêu thị nào đó. Sự thay đổi nóng - lạnh ấy khiến tôi rất mệt". Bác Nam năm nay đã 56 tuổi, đã từng lăn lộn ở những chiến trường Afghanistan, Pakistan... nhưng bác bảo chuyến tác nghiệp trên biển lần này vẫn là một trong những chuyến "khó nhằn" hơn cả.

Các phóng viên đang tác nghiệp trên tàu. Ảnh: Hồng Lam.

Chợt nhớ cái đêm nhóm phóng viên chuyển từ tàu 4033 xuống một  xuồng nhỏ để từ đó di chuyển sang 4032 - cái đêm mà đại dương mịt mùng, và con xuồng cứ lồng lên lộn xuống đầy nguy hiểm thì bác Nam đã buột miệng thốt lên: "Bây giờ tụi mình mà văng xuống biển thì chắc chết?". "Ừ chết" - một phóng viên nào đó nhấn nhá thêm. Còn với riêng mình, lúc ấy thú thực tôi không sợ, nhưng giờ nghĩ lại cũng thấy gờn gợn làm sao...

Mệt mỏi thế, nôn nao, say sóng thế, nhưng từ những gã trẻ như Trung Hậu, Đình Huy đến "chiến binh già" như bác Đình Nam, ai cũng tác nghiệp  hết công suất cả. Chỉ cần tiếng còi báo động trên tàu rú vang là bộ ba này đã bật dậy, tức thì khoác lên cổ nào máy quay, nào máy ảnh rồi chạy nhanh lên khoang máy. Có nhiều thời điểm họ tác nghiệp  những vị trí rất nguy hiểm trên tàu, như ở lan can hay trên nóc lái để bắt cho được những góc máy sống động nhất quanh những màn đâm lao, rượt đuổi của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam, hay những chiếc máy bay Trung Quốc đang gầm rú trên đầu. Và ngay cả khi thực hiện những tình huống tác nghiệp nan giải ấy, cả anh Huy lẫn bác Nam vẫn không quên thủ trong túi quần một chiếc túi ni lông. Để làm gì bạn biết không? Để khi nào buồn nôn quá, buồn nôn đến mức không chịu được thì còn có cái để mà... nôn!

Nói đến chuyện nôn không thể không nhắc đến kiểu ví von rất thật  và rất vui của cô gái, biên tập viên Phương Lan bên VTV4: "Mọi người ôm máy, còn tôi ôm giường để ngủ và để... nôn". Nhiều nữ phóng viên không tránh khỏi cảnh nôn ngày nôn đêm. Cứ ăn vào là nôn. Nôn rồi lại phải cố ăn, vì nếu không ăn, cái bụng trống rỗng thì sẽ rơi vào tình trạng nôn khan cực kỳ khó chịu. Mà có những khi người ta đang ăn hoặc đang nôn (phải nói thật là tình trạng người ăn, người nôn diễn ra hết sức thường tình) vào đúng thời điểm con tàu lắc mạnh, thế là tất cả những thứ người ta đang cầm trên tay cứ thế tung toé lên tất cả.

Nhưng cũng giống các đồng nghiệp nam, các nữ phóng viên nôn nao mệt mỏi, song cũng chẳng bỏ bất cứ "ca" khó nào. Thế mới có chuyện khi tàu 4032 bị tàu Trung Quốc rượt đuổi trái phép, và mũi tàu Trung Quốc chỉ cách tàu ta chừng 20m thì cô gái Phương Lan vẫn hiên ngang cầm micro trên boong tàu... tác nghiệp. Hỏi cô: "Lúc ấy không sợ à?". Câu trả lời  là: "Nếu sợ thì đã không làm nghề báo...".

Gần một tuần trên tàu, để tiết kiệm nước ngọt, cánh phóng viên tuyệt nhiên không... tắm. Nhiều cán bộ trên tàu cũng thế. Và không biết có phải vì tất cả đều thế hay không mà ở giữa biển kia, cái nhóm người suốt một tuần không tắm chúng tôi, ai cũng thấy những người bên cạnh mình... sạch sẽ như mình?

Phóng viên Nhật Bản bất bình với hoạt động của tàu Trung Quốc

Trên tàu CBS 4033 - con tàu mà tôi "trụ" lâu nhất trong thời gian tác nghiệp ở Hoàng Sa, có cả phóng viên của các hãng thông tấn báo chí Việt Nam lẫn các hãng nước ngoài, nhưng người nước ngoài chính gốc (chứ không phải những người Việt Nam làm đại diện cho các báo nước ngoài) thì chỉ có Yajajai của hãng Kyodo (Nhật Bản). Khổ thân Yajajai vì người đàn ông máu nóng này lúc nào cũng trong tình trạng... đầm đìa mồ hôi, và bất cứ chiếc áo nào trên người anh cũng luôn trong tình trạng ướt đầm đìa.

Không quen tác nghiệp trên biển, và không quen cả những món ăn Việt Nam nhưng Yajajai lúc nào cũng... nhiệt. Nhiệt trong những lần trao đổi, chuyện trò với phóng viên Việt Nam. Nhiệt trong việc quan sát đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Và nhiệt trong cả việc chạy theo những ca khó để "bắt" bằng được hình ảnh của những chiếc tàu Trung Quốc đầy ngang ngược. Yajajai nhiều lần chia sẻ: "Tôi không nghĩ là tàu Trung Quốc lại có thể hoạt động ngang ngược đến như thế!". Là một phóng viên lâu năm trong nghề, sau câu nói này, dĩ nhiên Yajajai không quên nói theo: "Đấy là quan điểm của cá nhân tôi, chứ chưa phải là quan điểm của tờ báo tôi đâu nhé!".

Phan Đăng
.
.
.