Quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận: Cần chính sách hợp lý để giữ cho mai sau

Không thể coi trọng khai thác titan, xem nhẹ các dự án khác

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:11
Hiệu quả kinh tế-xã hội (KT-XH) từ khai thác quặng titan mang đến không như mong đợi nếu không muốn nói là đang tác động tới môi trường và các vấn đề khác ở Bình Thuận.


Nguyên nhân là do sự chồng lấn diện tích quy hoạch titan với 33 dự án khác; quy trình khai thác, chế biến titan còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác titan còn bỏ ngỏ… Do vậy mà việc Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh quy hoạch khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang được mong đợi như “nắng hạn chờ mưa”!

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược và KHCN (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), việc Bộ TN&MT thăm dò trữ lượng titan ở Bình Thuận ước khoảng 599 tấn, trị giá khoảng gần 139 tỷ USD chỉ là cách tính tương đối. Bởi lẽ với tài nguyên 100% thì khi thành thương phẩm chỉ đạt hơn 2,7%, tức từ 139 tỷ USD nay chỉ còn hơn 3,7 tỷ USD.

Trong đó lợi nhuận đạt được là 17%, tương đương gần 64 triệu USD. Giả sử 599 triệu tấn titan này được khai thác hết trong vòng 50 năm thì sẽ thu được lợi nhuận bình quân là gần 1,3 triệu USD/năm. Nếu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% thì ngân sách mỗi năm thu được chỉ là 0,32 triệu USD.

Dân sống gần khu vực khai thác titan ở Bình Thuận còn nghèo và thiếu nước sạch.

Trong khi đó Bình Thuận rất có thế mạnh về năng lượng tái tạo và ngành “công nghiệp không khói”. Bởi Bình Thuận có từ 2.660-2.700 số giờ nắng/năm; tốc độ gió ở độ cao từ 60-80 đạt 6-8,5m/s (phân bổ trên diện tích 64.700ha); có tổng số chiều dài “mặt tiền” bờ biển là 24,58km, cao gấp 10 lần so với tỷ lệ của thế giới và 2,5 lần của Việt Nam.

Mà ai cũng biết, năng lượng tái tạo, công nghiệp không khói không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính bình diện chung của thế giới, công nghiệp không khói đóng góp 10% GDP (cao hơn ngành dầu khí), sử dụng lao động cao gấp 3 lần ngành tài chính - ngân hàng, 4 lần khai thác tài nguyên khoáng sản và 6 lần so với công nghiệp chế tạo.

Đặc biệt, thu nhập để lại cho địa phương là từ 70-75%, trong khi các ngành công nghiệp khác chỉ từ 25-30%. Do vậy nếu việc khai thác titan một cách hợp lý, có kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, đồng thời triển khai các dự án KT-XH khác thì sẽ mang đến hiệu quả hơn nhiều.

Đồng quan điểm, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho biết, qua tài liệu mà ông nắm được từ Cục thuế tỉnh Bình Thuận và số liệu ngân sách của Bộ Tài chính thì tổng thu titan nộp ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2016 khoảng 263 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bình quân gần 0,6% mỗi năm so với tổng thu ngân sách tỉnh Bình Thuận.

Nếu đem so sánh kinh tế thì doanh thu từ du lịch; năng lượng gió, mặt trời cao gấp 2,9 lần so với doanh thu khai thác chế biến tittan. Mặt khác, việc phát triển du lịch sẽ khai thác tài nguyên lâu dài; phát triển rừng trên cồn cát gắn với du lịch sinh thái ở Bình Thuận sẽ ứng phó được với biển đổi khí hậu vốn là nhu cầu cấp bách của toàn cầu trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay cũng như trong tương lai.

Trong khi đó khai thác titan thì tài nguyên khoáng sản mất đi, ô nhiễm nguồn nước, mất cảnh quan, sa mạc hóa… và cản trở các ngành kinh tế tiềm năng khác.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn từ năm 2008-2012 (đây là thời điểm có nhiều mỏ khai thác titan hoạt động cùng lúc), khai thác titan đóng góp các khoản thuế và phí với số tiền trên 158 tỷ đồng. Ngoài ra, các công ty khai thác titan đã giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương khoảng hơn 600 lao động mỗi năm.

Tham gia đóng góp một số công trình phúc lợi cho người dân địa phương ở xung quanh khu vực khai thác như: Xây dựng nhà máy nước tại phường Mũi Né hơn 10 tỷ đồng; tráng nhựa đường giao thông vào dẫn nước sạch cho 16 hộ dân tại khu vực xã Hòa Thắng 3,56 tỷ đồng; xây dựng nhà tình nghĩa 365 triệu đồng; làm 4 tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Thuận Quý 600 triệu đồng; dẫn nước sạch cho hơn 10 hộ tại xã Tân Bình 136 triệu đồng; đóng góp vào quỹ khuyến học khoảng 1,5 tỷ đồng…

Để hiểu rõ hơn về quan điểm của tỉnh Bình Thuận về vấn đề quy hoạch cũng như thực trạng khai thác titan hiện nay, PV Báo CAND đã  trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Theo ông Hùng, quy hoạch tài nguyên khoáng sản là hết sức cần thiết nhưng việc quy hoạch titan ban hành vừa qua là chưa phù hợp, làm trở ngại quá trình phát triển KT-XH tỉnh Bình Thuận nên cần được điều chỉnh theo hướng thiết thực và hiệu quả.

Quá trình khai thác như thế nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích, trước hết là lợi ích quốc gia, lợi ích nhà nước; kế đến là lợi ích cộng đồng dân cư và lợi ích của đơn vị khai thác. Hiện nay theo khoanh vùng, tỉnh Bình Thuận có khoảng trên 750km2 có thể khai thác titan.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các dự án đầu tư khác như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thậm chí các công trình vĩnh cửu, bán vĩnh cữu không được tiến hành làm mà như vậy thì rất thiệt hại cho tỉnh.

Trung tuần tháng 4-2017, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh tha thiết đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại quy hoạch titan cho phù hợp. Đoàn công tác đã đồng ý xem xét kiến nghị và hiện tại các bộ, ngành có liên quan đang thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. 

Về diện tích bị chồng lấn giữa quy họach titan và 33 dự án khác, theo ông Hùng đó là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của tỉnh. Vì theo quy hoạch, khu vực nào mà dưới đất có titan thì ở trên mặt đất không được xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc, thậm chí không được trồng cây lâu năm.

Từ đó, các dự án bị chồng lấn phải giẫm chân tại chỗ, gây thiệt hại cho phát triển kinh tế của tỉnh cũng như doanh nghiệp được giao dự án. Tỉnh đã kiến nghị, khu vực quy hoạch titan nào khai thác được ngay mà không ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng  thì cho khai thác nhưng cũng phải làm nhanh chứ không kéo dài.

Vì có dự án khai thác xin kéo dài đến 30 năm mà trong khoảng thời gian này thì không thể xây dựng dự án nào khác đó là điều không nên. Còn đối với các khu vực mà năm bảy chục, thậm chí một trăm năm sau hoặc xa hơn mới khai thác thì nên dự trữ cho thế hệ mai sau, trước mắt dành đất cho các dự án KT-XH khác.

Theo ông Hùng, các dự án năng lượng tái tạo tuổi thọ khoảng 50 năm, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuổi thọ cũng không dài nhưng do vướng phải quy hoạch titan không làm gì được nên gây thiệt hại không nhỏ. Điểm đặc biệt là ở khu vực quy hoạch titan thì rất thuận lợi trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đối với các dự án khai thác kết thúc thì làm thủ tục đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện có một số đơn vị đã làm không tốt, một số chủ đầu tư làm ăn thua lỗ, giải thể thì việc thực hiện điều này rất khó nên tỉnh phải xem xét toàn diện về vấn đề này để có hướng giải quyết phù hợp.

Trước đây tỉnh có quy định về số tiền ký quỹ để dự phòng sau này nếu không hoàn thổ đúng quy định thì dùng số tiền này để khắc phục. Nhưng do số tiền ký quỹ còn thấp nên tỉnh đã rút kinh nghiệm để sau này buộc các đơn vị phải ký quỹ số tiền cao hơn. Hiện lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng  kiểm soát chặt chẽ vấn đề này để làm tốt hơn trong tương lai.

Mã Hải
.
.
.