Kỳ bí lăng cá Ông trên đất La Gàn

Thứ Hai, 19/07/2010, 10:43
Tham quan Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết, chúng tôi mới biết bộ xương cá voi xám được công nhận "lớn nhất Đông Nam Á" ở nơi đây dài khoảng 21m, nặng 65 tấn. Đến khi viếng "phủ ngọc cốt" trên đất La Gàn, thật bất ngờ khi được các bậc cao niên cho biết so với bộ ngọc cốt mà Ông lụy tại đây hơn 100 năm trước, bộ cốt Ông lớn nhất Đông Nam Á, thua xa.

Hơn 100 năm trước, sau những ngày dài biển dã mù sương, một sáng nọ, khi vầng dương phía chân trời bừng sáng thì ngư dân đất La Gàn (nay là xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phát hiện một ông Nam Hải "lụy" (chết) nổi lập lờ trên nước. "Theo lẽ thường, nếu thấy Ông lụy thì đưa vào bờ an táng nhưng do Ông to như trái núi khổng lồ không thể kéo vào được nên người làng đành làm lễ cúng táng tại biển. Cũng từ ngày Ông (cá voi) lụy đến nay, dân La Gàn đã an táng và lưu thờ trên 100 bộ cốt ông Nam Hải".

"Lâu đài" cổ giữa đài nguyên cát trắng

Ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông Nguyễn Văn Sáu, ông từ trông coi hương khói tại Lăng ông Nam Hải trên đất La Gàn khỏe mạnh, minh mẫn đến lạ. Để có được buổi trò chuyện với lão ngư có hơn 60 năm bám biển hôm nay, chúng tôi phải vượt chặng đường gần 300km, phải dò hỏi, kiếm tìm nhiều bận.

"Mấy chú kiếm cực cũng đúng thôi" - ông Sáu nói: "Do nằm sát mép biển, lại không có tên trong bản đồ du lịch nên lăng Ông nơi đây hổng được nổi tiếng như lăng Ông ở thành phố Phan Thiết. Nơi đó có bộ cốt ông Nam Hải được xác nhận là lớn nhất Đông Nam A,Á được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến nhiều với tên gọi thông dụng là Vạn Thủy Tú".

Ông Sáu bên ngôi mộ Ông đang được cải táng.

Dứt lời, ông Sáu nheo mắt nhìn ra phía biển, ực cạn ly rượu nếp cay nồng để xua tan cái lạnh của vùng biển hãy còn hoang vắng buổi sớm mai, rồi tiếp tục mạch chuyện. Theo lời kể của ông, vào cuối thế kỷ XVII, ngư dân các tỉnh miền Trung lần lượt đổ bộ lên khai phá vùng đất mới lắm hoang vu trải dài từ mũi La Gàn đến Phan Thiết.

Tại vùng đất mới, những lưu dân lập ra các Vạn nghề cá (Vạn chài) theo từng nhóm dân cư tập trung trước khi có chính quyền, làng xã. Cùng với việc lập Vạn để ổn định dân cư, Vạn nào cũng xây lăng-dinh thờ cá voi xám vốn được vua Gia Long sắc phong là Thần Nam Hải.

Tục thờ cúng cá voi vốn là tín ngưỡng của người Chăm mà những lưu dân người Việt tiếp thu trong quá trình giao thoa văn hóa. Đó chính là lý do lý giải vì sao tục này chỉ diễn ra từ mạn đèo Ngang trở vào Nam, sổ dài đến vùng cuối đất Cà Mau mà không có ở phía Bắc.

"Lăng ông Nam Hải trên đất La Gàn được hình thành từ đó" - ông Sáu nhấn giọng.

Nằm gối đầu trên ghềnh đá uốn hình vòng cung rợp bóng chim hải âu, tựa lưng vào đài nguyên cát trắng nhấp nhô, trùng điệp; trước sau được điểm tô bằng những hàng dừa, hàng phi lao cao vút, nhìn từ xa lăng ông Nam Hải trông như một lâu đài cổ kính, huyền bí.

Vừa neo bãi sau đêm trường lăn lộn với sóng gió ngàn khơi, ngư dân Nguyễn Văn Hải, 56 tuổi, vui vẻ trò chuyện: "Các cụ nói lăng Ông ở thế thủy tụ sơn triều, ý nói lăng có cát bao bọc, có nước hội tụ sẽ vững ngàn đời, cuộc sống dân cư sẽ luôn ấm no, thanh bình".

Những chuyện ly kỳ

Vầng dương phía chân trời mỗi lúc một nhô cao, ghe thuyền từ các hướng tấp về mũi La Gàn càng lúc càng tấp nập. Thời gian trôi thì câu chuyện về lăng ông Nam Hải và những bộ cốt Ông được thờ trong lăng của những lão ngư càng hấp dẫn. Ông Sáu cho biết, sở dĩ ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có cư dân La Gàn tín ngưỡng cá voi vì khi trời dông bão, Ông thường hay tựa thuyền, che chắn cho thuyền không bị sóng gió nhấn chìm.

Thế nên dù đang đánh bắt ở đâu nhưng hễ phát hiện Ông lụy là mọi người tìm cách đưa Ông lên bờ, tiến hành nghi thức mai táng, cung nghinh Ông vào Vạn thờ cúng. "Hầu như ngư dân nào trên 70 tuổi như tôi cũng từng thấy Ông lụy, từng để tang cho Ông. Có 4 lần vì là người thấy Ông lụy đầu tiên nên khi làm lễ an táng Ông, tôi ăn mặc, hành lễ như trưởng nam, chịu tang từ 24 - 36 tháng".

Các bậc cao niên cho biết đã là dân biển ai cũng có niềm tin việc phụng sự Ông với tư cách người con cả sẽ giúp cho người ấy cùng gia đình mỗi khi ra khơi bủa lưới sẽ trúng luồng cá dày, không bị sóng ma gió quỷ  bủa vây.

"Kinh nghiệm cho thấy khi nào Ông vô bờ liên tục trong 3 năm thì ngư dân trong Vạn sẽ được mùa cá. Ông càng lớn thì "mùa" càng to. Đặc biệt, nếu hứng lấy rượu rửa cốt Ông đem vẩy lên giàn lưới sẽ được nhiều mẻ cá lớn. Theo tục lệ, sau 3 năm mãn tang, người con cả sẽ thỉnh cốt Ông về nhập tẩm thờ trong Vạn".

Bỏ lửng câu chuyện, ông Sáu đưa khách ra phía sân sau, nơi an táng những Ông lụy bờ để lấy ngọc cốt đưa vào thờ trong chánh điện mà lúc hành lễ hoặc khi nói chuyện với khách phương xa, các cụ gọi trân trọng là Ngọc lân thánh địa.

Mộ cá voi nơi đây như mộ người, được đắp mô, bao đá, phía trước có áng thờ với hoa vạn thọ tươi, được nhang khói ngày đêm. "Đây là Ông lụy gần đây nhất, vào ngày 3/7/2009 (âm lịch). Ông dài hơn 1,5m, nặng hơn 100kg. Ông lụy vào ban ngày, được một thanh niên ở TP HCM lúc về đây tắm biển phát hiện. Khi mọi người trong làng lao ra đưa vào bờ thì phát hiện trên lưng Ông có vết trầy xước, chừng như Ông giao chiến với cá mập và bị trọng thương" - ông Sáu kể.

Nhiều người nói cứ vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm thì Ông vào bờ ăn cá nhỏ. Lẫn trong số đó có những Ông bị nạn phải lụy bờ. Có những khi Ông lụy nhiều quá, cả làng phải cùng nhau lo việc ang táng.

"Và mỗi khi lụy bờ, hiếm khi Ông đơn độc lắm, thường thì có những Ông cùng đàn tiễn đưa". Là dân La Gàn ai cũng rành chuyện vào một sáng tháng 8 âm lịch của năm 1982, xuất hiện hơn 30 ông Nam Hải từ ngoài khơi tiến vào bờ theo hình mũi tên. Cả đàn thay nhau dìu một Ông bị trọng thương dài hơn chục mét, thân đen bóng tiến vào bờ. Chờ đến khi Ông lụy, ngư dân đưa lên bờ nổi kèn trống làm lễ ang táng, đàn cá voi mới quay đầu về hướng ngàn khơi. 

Tham quan Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết, chúng tôi mới biết bộ xương cá voi xám được công nhận "lớn nhất Đông Nam Á" ở nơi đây dài khoảng 21m, nặng 65 tấn. Đến khi viếng "phủ ngọc cốt" trên đất La Gàn, thật bất ngờ khi được các bậc cao niên cho biết so với bộ ngọc cốt mà Ông lụy tại đây hơn 100 năm trước, bộ cốt Ông lớn nhất Đông Nam Á, thua xa.

"Trước khi tổ chức công nhận kỷ lục cho bộ cốt ông Nam Hải ở Vạn Thủy Tú, các chuyên gia của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) có đến vạn La Gàn tìm hiểu. Khi nhìn thấy chiếc xương sườn của Ông ở đây, các chuyên gia sững người, ai nấy đều bảo Ông lớn hơn Vạn Thủy Tú và ước đoán ông dài đến 25m, nặng ít nhất 80 tấn".

Và nhiều năm qua, kỷ lục về sự khổng lồ của bộ cốt ông Nam Hải ở vạn La Gàn vẫn ngủ yên trong nhịp đời hối hả. 

Ngồi bó gối trước biển, cụ Sáu khẽ thở dài: "Do không phải là di tích nên lăng không được tiêu chuẩn hỗ trợ kinh phí để trùng tu. Thế nên lăng ngày càng xuống cấp, cát đổ cát lấn đến tận tường thành có nguy cơ chôn vùi lăng". Chúng tôi hỏi chi phí để vét cát bao nhiêu, cụ Sáu nói mỗi năm cần 10 triệu đồng. "Khoảng 5 năm trước, số tiền ấy chẳng đáng là bao nhưng sau này, cuộc sống của bà con ngày một khó khăn, biển dã ngày càng thất bát bởi nạn cào bay thì số tiền đó là cả một gánh nặng" - cụ Sáu trĩu giọng!

N.T.Dũng
.
.
.