Chuyện những trí thức theo Bác Hồ kháng chiến:

Kỳ I: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học dấn thân

Thứ Tư, 07/12/2011, 15:01
Trở về quê sau 40 năm xa cách, người đàn ông đã ngoài sáu mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn và gầy gò, đứng lặng bên mộ mẹ cha mà nước mắt tuôn trào: “Con đã về đây, đã làm theo đúng lời nguyện ước của ba, má khi xưa, đã học hành thành đạt và đã cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc!”. Đó là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Bộ trưởng Trần Đại Nghĩa.

Cách đây 65 năm, để gỡ thế cờ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainbleau thương lượng với Chính phủ Pháp về nền độc lập, hòa bình ở Việt Nam, nhằm tranh thủ cơ hội hòa bình để chuẩn bị cho toàn dân bước vào cuộc kháng chiến thần thánh.

Trong thời gian ở Pháp, với sự hấp dẫn diệu kỳ và sức hút cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo kiều bào ta nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng tình nguyện xin được về nước phục vụ kháng chiến. 

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2011), Báo CAND khởi đăng loạt bài về những trí thức theo Bác Hồ về nước để góp phần làm sáng tỏ bài học lịch sử này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 1975 khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, có một người đàn ông đã ngoài sáu mươi tuổi theo dòng sông Măng Thít trở về quê sau 40 năm xa cách nơi chôn nhau cắt rốn. Người nhỏ nhắn và gầy gò, ông đứng lặng bên mộ mẹ và cha mà nước mắt tuôn trào: “Con đã về đây, đã làm theo đúng lời nguyện ước của ba, má khi xưa, đã học hành thành đạt và đã cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc!”.

Đó là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Bộ trưởng Trần Đại Nghĩa.

Hoài bão tuổi trẻ

Quê nội của ông ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhưng ông sinh ra tại quê ngoại, ấp 6, xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Vì vậy, tuổi thơ Phạm Quang Lễ (tên khai sinh của Giáo sư Trần Đại Nghĩa) gắn chặt với dòng sông Măng Thít hiền hòa thơ mộng, hai bờ bát ngát dừa và cây trái.

Mẹ ông, cụ Lý Thị Diệu (1881-1941), một người phụ nữ sắc sảo, độ lượng, sùng đạo Phật và luôn làm việc phúc đức, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người tàn tật. Cha ông, cụ Phạm Quang Mùi (1882-1920), vốn là một người uyên bác chữ Hán vì thời thế thay đổi nên chuyển sang học tiếng Pháp, đỗ Thành chung rồi tốt nghiệp trường Sư phạm, về dạy lớp nhất, lớp cuối cấp của Tiểu học Pháp - Việt, tại thị xã Vĩnh Long.

Nhớ đến cha là trái tim ông thắt lại bởi khi còn là cậu bé lên tám tuổi, ông đã phải chứng kiến giờ phút lâm chung của người cha thân yêu. Cha ông đã trăng trối với ông: “Con phải gắng học để trở thành người hữu ích, sau này giúp đỡ người nghèo khổ!”.

Sau này, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã viết: “Tuổi trẻ thật là quý giá. Khi đã định hướng là khi ta không đánh mất mình trong dòng đời trôi nổi. Tuổi trẻ đủ sức mạnh giúp ta đứng dậy mỗi khi bị sức mạnh phũ phàng đánh ngã. Tuổi trẻ đủ dũng khí vượt lên trên con đường lẻ loi, âm thầm để đi tới tương lai. Tuổi trẻ khát khao tình yêu và cuộc sống, song khi đã có chí hướng, tuổi trẻ lại có thể dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn. Bây giờ tôi muốn nói lại với các con tôi và tất cả các bạn trẻ như vậy. Đó là kinh nghiệm sống của đời tôi”.

Nhờ nhà báo Vương Quang Ngươu (1897 - 1938) một Việt kiều từ Pháp về, làm việc tại Tòa bố chính Mĩ Tho, là một trí thức yêu nước vận động Hội Ái hữu trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn – TP HCM), ông đã được cấp một năm học bổng để lên tàu sang Pháp, theo học một lớp dự bị, sửa soạn thi vào đại học. Ông tự hứa sẽ làm tròn tâm nguyện của cha và đền đáp công lao của mẹ.

Mong muốn của Phạm Quang Lễ là ngoài việc học về kĩ thuật dân dụng còn tìm cách học cho kì được kĩ thuật chế tạo vũ khí để giúp nước đánh đuổi giặc Pháp. Ông tự nhủ đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc.

“Từ khi mới ra đi, tôi vẫn có ý định học vũ khí. Ý định đó được củng cố ngay trên đường viễn dương, khi con tàu đi qua kênh Sue, tôi được tin cuộc chiến tranh Italia và Êtiopi bùng nổ. Những năm tôi du học bên Pháp là thời kì thế giới rung chuyển bởi chiến tranh. Tôi không được phép thi vào các trường đại học quân sự, nhưng tôi biết các môn học có liên quan đến thiết kế - chế tạo vũ khí được dạy trong sáu trường đại học lớn”.

Trong hàng nghìn người Việt Nam sang Pháp du học, có lẽ chỉ duy nhất Phạm Quang Lễ có quyết tâm nghiên cứu về vũ khí. Song đây là lĩnh vực bí mật và cấm tuyệt đối người dân thuộc địa. Chỉ cần để lộ ra ý định này, ông sẽ bị trục xuất ngay khỏi nước Pháp. Vì vậy trong 11 năm ở Pháp, ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.

Muốn đi vào lĩnh vực này cần phải giỏi về khoa học cơ bản, toán học, cơ học, hóa học và kĩ thuật. Vì vậy, Phạm Quang Lễ đã thi lấy bằng cử nhân khoa học ở Trường Đại học Sorbonne, bằng kĩ sư cầu đường ở Trường Cầu cống quốc gia, bằng kĩ sư điện tại Trường Đại học Điện và bằng kĩ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật hàng không, đồng thời thi lấy chứng chỉ ở Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Mỏ. Ngoài ra, ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu của Đức từ nguyên bản.

Người trí thức dấn thân

Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris. Đứng trong đoàn đại biểu Việt kiều ra đón thượng khách của Chính phủ Pháp tại sân bay, Phạm Quang Lễ ngạc nhiên thấy vị Chủ tịch nước ăn mặc rất giản dị với nét mặt hiền từ, vui vẻ, khiêm tốn và đôi mắt rất sáng. Qua bác sĩ Hoàng Xuân Mãn (em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn), Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, chỉ ba ngày sau khi Hồ Chủ tịch đến Paris, kĩ sư Phạm Quang Lễ được tiếp kiến Người.

Những ngày Bác ở trên đất Pháp và trên đường về nước, ông được thường xuyên đi theo Bác. Chính điều này đã có ảnh hưởng quyết định đối với cuộc đời cách mạng của ông. Một lần, Bác hỏi Phạm Quang Lễ: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Ông trả lời ngay điều đã ôm ấp từ buổi đầu xuất ngoại: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”.

Ngày 8/9/1946, Hồ Chủ tịch cho kĩ sư Phạm Quang Lễ biết là Hội nghị Fontainbleau không thành công. Người nói: “Bác về nước, chú chuẩn bị về cùng Bác, hai ngày nữa ta lên đường”. Bảy giờ sáng một ngày trung tuần tháng 9/1946, xe lửa đến ga Lyon rồi tạm nghỉ. Hồ Chủ tịch hỏi kĩ sư Phạm Quang Lễ: - Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không?

Phạm Quang Lễ trả lời: - Thưa, tôi chịu nổi.

- Ở trong nước không có kĩ sư, công nhân về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không?

- Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị mười một năm ở bên Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Xa Tổ quốc mười một năm, về đến Hà Nội chỉ được nghỉ có bảy ngày, kĩ sư Phạm Quang Lễ phải lên ngay xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống xe tăng, dựa theo mẫu súng Bazoka của Mĩ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp. Công việc mới bắt đầu được ít ngày thì ông nhận được điện của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu gọi về Hà Nội gấp để gặp Hồ Chủ tịch.

Ngày 5/12/1946, Hồ Chủ tịch cho mời kĩ sư Phạm Quang Lễ đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền). Bác thân mật nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay tôi gọi chú đến để trao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc”.

Bác nói tiếp: “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay, Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ cho gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”. Bác giải thích rất dí dỏm: “Một là họ Trần, không có họ với Bác, đấy là họ của Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chí nhân nhi địch cường bạo”. Chú có ưng bí danh đó không?”.

Cống hiến hết mình cho Tổ quốc

Bà Nguyễn Thị Quang, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, con dâu trưởng của Viện sĩ Trần Đại Nghĩa kể cho tôi nghe những kỉ niệm về cha mình: “Bác Hồ biết tất cả những sở thích của ba tôi, kể cả chuyện ông nghiện thuốc lá từ khi còn học tập và làm việc ở Pháp. Vì vậy, Bác đã nhắc: Các chú phải chú ý là có thuốc lá đều đều cho chú Nghĩa để chú hút, chú còn làm việc.

Còn về nghiên cứu khoa học thì ba tôi vẫn thường hay kể với các con cháu: Bác Hồ không chỉ tin cậy trao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới mà còn tạo điều kiện tối đa để ba tôi say sưa làm việc. Bác cho phép ba tôi được gặp bất cứ lúc nào và có toàn quyền hành động trong việc chế tạo vũ khí, không phải thông qua bất kì cấp lãnh đạo nào. Đấy là một sự ưu ái rất nhiều ý nghĩa.

Sau này, ba tôi trải qua nhiều chức vụ quản lý và lãnh đạo: Cục trưởng Cục pháo binh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III… đấy là những điều giúp ông làm việc rất thuận lợi. Có gặp điều gì khó khăn hay có vấn đề gì cần đề xuất là ba tôi được gặp trực tiếp Bác Hồ để xin ý kiến chỉ đạo nên giải quyết công việc rất kịp thời”.

Ngay những ngày trước lúc qua đời, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn nhắc lại: “Tôi nhớ mãi mãi Bác Hồ kính yêu, vô cùng biết ơn Bác cho theo về nước, Bác luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã cho tôi các cương vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ của đời tôi một cách có hiệu quả nhất và cái tên mà Bác đã đặt cho tôi cũng luôn luôn nhắc nhở tôi.

Hàng năm cứ đến các ngày 10/9 (1946, rời Pa-ri về nước), 20/10 (1946, về đến Tổ quốc) và 5/12 (1946, Bác trao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới và đặt bí danh Trần Đại Nghĩa) lại làm cho tôi nhớ lại quá khứ một cách rất cảm động. Đó là những kỉ niệm lịch sử trong cuộc đời của tôi, càng nghĩ tôi càng cảm động, càng thấm thía công ơn của Bác, lòng thương yêu của Bác đã dành cho tôi. Bác luôn luôn là hình ảnh thiêng liêng nhưng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và chị tôi, còn một bên là Bác Hồ”.

Sau khi ông mất (9/8/1997), tên của GS, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được đặt cho ba con đường ở ba thành phố lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng… Nhớ ông, người ta nhớ đến một hoài bão lớn, một tình yêu lớn và một niềm tin vô hạn đối với Đảng, đối với Bác Hồ và nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Khánh (85 tuổi), phu nhân Anh hùng, GS.VS Trần Đại Nghĩa:

Anh Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học, giản dị đã được Bác Hồ giác ngộ, anh đã ý thức được tinh thần yêu Tổ quốc Việt Nam của mình, anh tha thiết đóng góp sức mình cho hoài bão lớn lao là làm sao cho dân giàu nước mạnh, sống hòa bình hạnh phúc và tiến lên ngang tầm thế giới văn minh.

Bà Nguyễn Thị Khánh dặn các con: Mẹ nghĩ Bác Hồ đã đặt cho ba các con là họ Trần thì các con cũng lấy họ Trần, các cháu cũng lấy họ Trần để giữ đạo đức và truyền thống (theo lời Đại tá Trần Dũng Trí, người con trai cả của GS, VS Trần Đại Nghĩa với PV Báo CAND ngày 12/10/2011).

Hồng Thái - Kiều Khải
.
.
.