Ông Cố vấn trong phủ Tổng thống

Kỳ 4: Vụ án chính trị đặc biệt

Thứ Năm, 01/05/2014, 13:52
Thế là ngày 16/7/1969, cả lưới của tôi sa vào tay địch. Bọn mật vụ thuộc Tổng nha Cảnh sát ngụy và bọn CIA trút mọi cực hình đánh đập, tra khảo chúng tôi suốt 3 tháng trời trước khi chúng đưa ra tòa xét xử.
>> Kỳ 3: Mạo hiểm cài người vào nội các Sài Gòn

Khi bắt được Vũ Ngọc Nhạ, bắt một ông cố vấn của ông Thiệu, cả Sài Gòn huyên náo, xôn xao, bởi họ đã phát hiện và tóm được một lưới tình báo quân sự của Việt cộng nằm ngay trong cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ngày ấy báo chí Sài Gòn đưa tin rùm beng trên những hàng tít lớn: “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại”. “Vụ án chính trị của thế kỷ”. Các bị cáo đều là những nhân vật trọng yếu trong chính phủ ngụy quyền: người là cố vấn đặc biệt của Tổng thống, người là cấp Bộ trưởng, người là tham chính văn phòng Bộ chiêu hồi.

Vũ Ngọc Nhạ, người bị tố cáo cầm đầu lưới gián điệp, xuất hiện trước tòa với bộ áo trắng, quần đen, cà vạt nâu, miệng luôn luôn tươi cười. Ông từ chối luật sư biện hộ cho mình, và cũng không tự bào chữa. Ông tuyên bố những việc mình đã làm chỉ có lịch sử phán xét.

Ông Vũ Ngọc Nhạ về thăm quê làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình năm 2000.

Sau vụ án chúng đưa các ông Vũ Xuân Hòe, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Duật ra đày ngoài Côn Đảo. Vũ Ngọc Nhạ và anh Huỳnh Văn Trọng bị chúng giam tại Sài Gòn đến đầu năm 1970 mới đưa ra Côn Đảo.

- Làm thế nào từ Côn Đảo ông lại về Sài Gòn rồi lại vào Dinh Độc Lập tiếp tục “hoạt động”? - Tôi hỏi.

- Tôi không nghĩ mình bị bắt là hết, mà mỗi lần bị bắt lại phải nghĩ cách tìm cho mình một con đường mới, bọc mình một lớp vỏ mới. Ở Côn Đảo, cả lưới của chúng tôi giam chung một biệt khu, nên anh em bàn nhau rất kỹ về “đường đi, nước bước” sau đó. Chúng tôi nhận mình là lực lượng thứ ba, có cơ hội sẽ hợp pháp hóa để hoạt động. Khi Hiệp định Paris được thi hành, năm 1973, tôi và anh Huỳnh Văn Trọng được trao trả tại Lộc Ninh. Cha Hoàng cùng một số linh mục ở Bình An - và khối công giáo Phát Diệm đã móc nối đón tôi vào Sài Gòn.

Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, hai người như bóng với hình. Ngược lại, Cục Tình báo CIA Mỹ lại luôn ngờ vực ông. Cuộc chiến đấu thầm lặng trong cạm bẫy và những thử thách nghiệt ngã luôn luôn đối mặt từng ngày. Làm thế nào để vừa giữ mình, hoạt động có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho toàn lưới A22. Chỉ sơ sảy một tí là nguy hiểm ập đến, là đổ vỡ hoàn toàn. Vũ Ngọc Nhạ luôn phải vắt óc, trăn trở nghĩ suy. Có một tình huống xảy ra ở phòng Tổng Thống cách đây hơn 30 năm, chợt nhớ lại, Vũ Ngọc Nhạ kể:

- Hôm ấy tại cái phòng này, Nguyễn Văn Thiệu tiếp một số quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn và quan chức người nước ngoài tới làm việc. Tôi có mặt với tư cách cố vấn của Tổng thống Thiệu. Ngồi cạnh tôi là ông Raymond J.de Jaegher - cố vấn của Tổng Thống Mỹ Nixơn. Ông ta nhìn tôi rất lâu, rồi đột nhiên hỏi:

- “Ông không phải là người Việt Nam?”.

Tôi giật mình, cố tĩnh tâm để không thay đổi sắc mặt, nhưng mồ hôi toát ra. Tại sao ông ta lại bảo mình không phải là người Việt Nam? Hay ông ta nghĩ người Việt Nam tức là Việt Nam Cộng hòa. Có nghĩa là ông ta bảo mình là Việt cộng. Hay là mình bị lộ. Tôi chợt nhớ ra Jaegher là người Mỹ gốc Bỉ nhập quốc tịch Mỹ và từng có thời kỳ làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Tôi liền buông một câu thăm dò:

- “Ông không phải là người Mỹ”.

Nhà văn Minh Chuyên  và ông Vũ Ngọc Nhạ tại Dinh Độc Lập năm 2001.

Tôi không ngờ mình đã phóng mũi tên trúng đích. Ông Raymond J.de.Jaegher đứng phắt dậy chìa tay bắt tay tôi, nói nhỏ:

- Ông không phải người Việt Nam. Tôi không phải người Mỹ. Đúng vậy. Nhưng ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam. Tôi đang làm cố vấn cho Chính phủ Mỹ. Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau nghe. Từ đó tôi và Jaegher thường xuyên trao đổi tin tức cho nhau. Tôi đã khai thác được nhiều điều bổ ích của ông cố vấn mắt xanh này phục vụ cho công việc của mình.

Vũ Ngọc Nhạ tâm sự:

- Sống với kẻ thù, ngồi cùng bàn, ăn cùng bàn với kẻ thù, suốt ngày nghe chúng chửi cách mạng, chửi cộng sản chỉ cần thay đổi sắc mặt một chút là có thể bị lộ. Thực tế mấy chục năm hoạt động trong lòng địch tôi đã phải đổi tên đổi họ mai danh ẩn tích đến nỗi gia đình anh em họ hàng làng xóm quê hương tôi tin chắc là tôi đã chết từ lâu. Nhưng cũng có người thì lại nghi ngờ tôi đi theo địch.

Cuộc đời con người ta chẳng được là bao mà gần nửa đời bị nghi oan, nghĩ lại, nhiều khi tôi thấy buồn. Vợ tôi bà ấy cũng buồn lắm nhưng cũng may cuộc chiến tranh kết thúc, ta giành thắng lợi lớn. Nỗi oan của gia đình tôi được giải tỏa. Nói về giai đoạn oan khuất của gia đình, ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự:

- Tôi là một chiến sỹ quân đội nhập ngũ thời kỳ chống Pháp. Tôi còn nhớ ngày lên đường, cả làng Cọi Khê tiễn đưa tôi ra đi. Làng Cọi Khê hồi đó, ngày nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tôi ra đi trong niềm tự hào của gia đình, của quê hương. Bạn bè cùng lứa hân hoan vui mừng cổ vũ tôi. Tôi hứa với mọi người tôi sẽ phấn đấu trở thành một người chiến sỹ tốt, một anh bộ đội trung thành với quân đội, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Gia đình, họ hàng và bà con làng xóm rất yêu quý tôi và sau này họ cũng tự hào về tôi, người chiến sỹ quân đội đã lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp được đi dự hội nghị Tổng kết chiến tranh du kích toàn quân. Vậy mà, 5 năm sau cuộc đời anh bộ đội trong tôi bị “tiêu tan” trong sự thất vọng của dân làng. Đầu năm 1954, tôi trở về quê hương, mọi người ngạc nhiên sửng sốt. Tôi vận bộ đồ một sỹ quan ngụy, vai đeo lon Trung úy, hông đeo súng ngắn về đưa vợ con ra Hải Phòng xuống tàu há mồm di cư vào Nam… Từ đó trong tâm khảm của mọi người, của dân làng, của bạn bè tôi là kẻ đào ngũ đi theo giặc. Họ cho là tôi bị người Pháp mua chuộc, tôi là tên phản quốc. Trong mắt dân làng Cọi Khê, vợ tôi cũng là kẻ phản bội đi theo chồng, tức là đi theo giặc. Vợ chồng tôi đành cắn răng cam chịu tiếng xấu. Từ đó gia đình tôi vào sống ở trong Sài Gòn. Nỗi căm giận của dân làng với tên phản bội Tổ quốc trút hết lên bố mẹ tôi. Anh em, họ hàng và những người thân thiết sống ở làng Cọi Khê bị nhục nhã vì mang tiếng xấu nhà có người đi theo giặc. Gia đình tôi, một gia đình cách mạng bỗng chốc trở thành một gia đình phản quốc, bị dân làng khinh bỉ, bị chính quyền theo dõi. Quyền sống và quyền lợi của bố mẹ anh em ruột thịt của tôi cơ cực vô cùng. Có lúc bố tôi đã nghĩ đến cái chết vì tôi, vì nhục nhã không chịu nổi.

Ông Vũ Ngọc Nhạ kể tiếp:

Nỗi oan ở quê nhà tuy cay đắng đau đớn nhưng được người thân gánh chịu cho vợ chồng tôi. Lần thứ hai, khi tôi đi tù ở Côn Đảo lúc được tha, nhiều người cũng nghi ngờ. Nỗi oan do người Mỹ bắt tôi lần này đưa đi tù rồi thả tù cũng thật chua xót. Ngày đó, ở trong tù không tìm được chứng cớ, họ phải thả chúng tôi ra. Nhưng không ít người lại nghi vấn chúng tôi. Trắng đen cứ lẫn lộn. Ai thả tổ tình báo A22? Ai cứu họ? Lực lượng phía ta cũng có người đặt vấn đề: Vì sao địch tha tội cho ông Vũ Ngọc Nhạ? Riêng lực lượng công giáo khi đó lại sẵn sàng mở cửa đón chúng tôi về.

(Còn tiếp)

M.C.
.
.
.