Kỷ niệm 50 năm con đường Trường Sơn huyền thoại:

Kỳ 4: Binh trạm trong lòng núi

Thứ Ba, 21/04/2009, 08:08
Đường hầm vừa phát hiện tại xã A Nông, huyện Tây Giang, Quảng Nam được đồng bào Cơtu đã cùng TNXP, bộ đội ta đào sâu xuyên qua lòng núi đá. Ngoài việc đón tiếp bộ đội, cán bộ ta từ Bắc vào, từ Nam ra, hầm còn có một bệnh viện lớn của quân đội và cả hệ thống kho tàng chứa các trang thiết bị, vũ khí, lương thực được vận chuyển từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam…

>>Kỳ 3: Nơi chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn vào Nam

Tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa liên lạc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xác định, những đường hầm xuyên núi được đồng bào Cơtu của xã A Nông, huyện Tây Giang tìm thấy, đó là Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn năm xưa. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đồng bào Cơtu đã cùng lực lượng bộ đội công binh, TNXP đào những đường hầm này, góp phần đảm bảo sự lưu thông trên huyết mạch Trường Sơn huyền thoại, một kỳ tích trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta…   

Thôn Axòo, A Nông nằm trên trục đường Đông Trường Sơn, cách đường Hồ Chí Minh chừng hơn 6km. Thế nhưng, từ thị trấn Agrồng (Tây Giang) về đến những ngôi làng bé nhỏ của người Cơtu nằm giữa đại ngàn Trường Sơn này phải đi gần 10km. Nhưng, đâu đã đến được di tích Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn năm xưa. Muốn tới được những đường hầm xuyên núi, chúng tôi tiếp tục đội mưa, vượt rừng rậm, lội qua nhiều con suối, leo qua nhiều dốc cao, cuốc bộ gần 10km đường mòn trơn như thoa mỡ, đầy sên, vắt.

Tuy tuổi đã cao, song Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) A Lăng Đàn lội rừng cứ thoăn thoắt, bước đi vững chãi như con voi, con hổ. Ông luôn miệng động viên anh em chúng tôi: "Sắp tới rồi! Nó nằm bên này núi Bha Nơơm thôi!"...

Chừng hơn nửa giờ sau, A Lăng Đàn đưa chúng tôi tới một miệng hầm nằm ở lưng chừng núi, cây cối xung quanh đã được phát quang. Người dũng sĩ đánh giặc của núi rừng Trường Sơn Đông năm xưa nói rằng, khi được tin Tướng Đồng Sỹ Nguyên xác nhận đây là Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn ngày trước, ông và các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND huyện Tây Giang, cùng đồng bào Cơtu trong huyện, ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi.

Bởi vì, trên đất rừng Tây Giang không chỉ có trên 14km đường Trường Sơn Đông còn nguyên vẹn, nối từ đường Hồ Chí Minh hiện nay đến cột mốc T2, biên giới Việt - Lào mà còn có thêm hầm xuyên núi - Binh trạm 143; tất cả đều là những di tích lịch sử cách mạng vô cùng quí báu… 

Thực ra, Chủ tịch Hội CCB Tây Giang A Lăng Đàn cũng là một nhân chứng sống, vì chính ông đã góp sức cùng đồng bào Cơtu và bộ đội công binh, TNXP đào hầm xuyên núi ở A Xòo, A Nông. Nhưng hồi ấy, ông chưa biết đây là Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn…

Ông kể rằng, những năm 1964-1965, đồng bào Cơtu đã đào hầm trong núi Bha Nơơm chỉ để ẩn nấp bom đạn, cất giấu xe đạp thồ hàng, vũ khí. Đến năm 1967, khi bộ đội cùng du kích tấn công tiêu diệt đồn A Tép và căn cứ sân bay A Xòo thì hầm mới được giao lại cho lực lượng bộ đội công binh, TNXP để lập Binh trạm 143, mở nhánh đường Trường Sơn Đông từ biên giới Việt Lào nối đường Trường Sơn Tây, nhằm mục đích "kéo gần" đường Trường Sơn về với khu vực đồng bằng miền Trung để quân ta mở các chiến dịch tiến về đồng bằng.

Hầm được tiếp tục đào sâu xuyên qua lòng núi Bha Nơơm từ Đông sang Tây, có lối đi rộng 1,3m, cao 1,6m; với nhiều ngách, mỗi ngách rộng hơn 2,1m, cao 2,5m… Hệ thống đường hầm trở thành nơi trú chân, hội họp của bộ đội, cán bộ ta từ Bắc vào, từ Nam ra, tiếp đón các đoàn cán bộ, học sinh từ Nam ra Bắc học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Chủ tịch Hội CCB Tây Giang A Lăng Đàn (bên trái) trong hầm xuyên núi là Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn.

Đặc biệt, trong hầm còn có một bệnh viện lớn của quân đội, điều trị các thương binh từ các chiến trường dưới đồng bằng và dọc đường Trường Sơn đưa tới và cả hệ thống kho tàng chứa các trang thiết bị, vũ khí, lương thực được vận chuyển từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam…

Bằng chiếc đèn pin nhỏ trong tay, ánh sáng chỉ soi rõ mặt người, người lính già của đồng bào Cơtu dẫn chúng tôi chui sâu vào hầm và chỉ từng ngóc ngách, nơi nào bộ đội hội họp, nơi nào đồng bào địa phương trú ẩn, ngủ lại, nơi nào là kho tàng… Đi trong đường hầm xuyên núi, với vách chủ yếu là đá, rất vững chắc, chúng tôi thật sự kinh ngạc, vì nó quá sức tưởng tượng. Vách hầm phần lớn là đá rắn chắc, vậy mà chỉ với sức người và những công cụ lao động thô sơ như cuốc, xẻng, song bộ đội Trường Sơn, TNXP cùng đồng bào Cơtu đã làm nên kỳ tích này.

"Hồi đó đồng bào Cơtu mình khổ lắm, chất độc hoá học của giặc Mỹ rải xuống làm cho cây lúa, cây sắn đều chết hết cả. Đồng bào phải vào rừng đào củ, hái rau ăn trừ bữa. Nhưng, mọi người vẫn một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ. Khi được vận động đi đào hầm, gia đình nào cũng xung phong…". Giọng Chủ tịch Hội CCB A Lăng Đàn nhẹ như gió thoảng.

Rồi ông giải thích, trong những năm kháng chiến, xã A Nông và huyện Tây Giang nói chung đều là căn cứ địa cách mạng phía Tây Quảng Nam. Riêng xã A Nông thành lập được 2 trung đội du kích làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng và hỗ trợ bộ đội vận chuyển lương thực, vũ khí về đồng bằng trong các chiến dịch lớn. Du kích A Nông đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều trận càn quét của giặc, làm cho chúng phải táng đởm kinh hồn.

Lịch sử Đảng bộ Tây Giang còn ghi mãi chiến công của du kích A Nông bắn rơi 6 máy bay giặc, làm hư hỏng 11 chiếc khác và tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ - ngụy, thám báo, biệt kích, góp phần cùng bộ đội bảo vệ giao thông huyết mạnh đường Trường Sơn và hệ thống kho tàng, trạm giao liên từ Quảng Nam đến Thừa Thiên - Huế. Với những chiến công lẫy lừng đó nên A Nông là một trong số xã miền núi của tỉnh Quảng Nam được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quí Anh hùng LLVTND sớm nhất…

Sau ngày đất nước giải phóng đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Nam, cùng chính quyền địa phương, các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng trên địa bàn, đồng bào Cơtu của A Nông có được cuộc sống định canh, định cư; biết trồng cây lúa nước, chăn nuôi bò, trồng rừng, trẻ con được đến trường học…

Đi trong đường hầm xuyên lòng núi Bha Nơơm - Di tích của Binh trạm 143 của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, bỗng nhớ đến bài thơ "Đất quê ta mênh mông" của Dương Hương Ly viết trong những năm trận mạc: "Nơi hầm tối là nơi sáng nhất. Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam...".

Đúng như thế, có đến được đường Trường Sơn huyền thoại, đến được hầm xuyên núi A Nông hay những địa đạo trong lòng đất ở đồng bằng, cũng đủ để mỗi chúng ta hiểu rõ hơn, vì sao kẻ thù trang bị vũ khí tối tân, hiện đại đến tận răng đã phải chuốc lấy thất bại thảm hại trước ý chí đánh giặc cứu nước anh dũng, quật cường của dân tộc Việt Nam

(Còn nữa)

Long Vân
.
.
.