Về lại nơi “hậu phương trực tiếp” của chiến trường miền Nam:

Kỳ 1: Nơi khởi đầu cả nước vào Nam

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:34
Dọc theo quốc lộ 1A qua dải Hoành Sơn, thắp một nén nhang trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đặt chân đến đất lửa Quảng Bình. Hơn 40 năm về trước, người dân ở mảnh đất “hai giỏi” này đã không quản hy sinh xương máu, của cải để góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Bước sang những năm thập niên 60 của thế kỷ XX, cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên, học sinh miền Bắc từ biệt thầy cô, bạn bè, gia đình xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Và Quảng Bình là nơi được chọn để tập trung quân, lương vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Đọc nhiều nhật ký, hồi ký thời chiến tôi bắt gặp nhiều trang viết đầy hoài niệm, đầy tài hoa của những người một thời ra trận từng đi qua Quảng Bình.

Có những địa danh ở mảnh đất này đã trở nên bất tử trong lòng không ít cựu binh như: đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Gia, Trạ Ang, ngã ba Khe Ve, Cổng Trời, hang Tám Cô, hang Lèn Hà... Đứng dưới Cổng Trời hôm nay, nghe lòng vẫn thổn thúc câu nói của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trên trận địa pháo năm nào “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Trong chiến tranh, mỗi ngôi làng ở Quảng Bình đều có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi trú chân để chờ lệnh xuất kích vào miền Nam chiến đấu. Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của chiến trường lớn miền Nam. Nhận biết được điều đó, đế quốc Mỹ tập trung bắn phá vào Quảng Bình.

Mảnh đất có bề ngang hẹp nhất cả nước này (55km), nhưng lại có 3 tuyến đường cực kỳ quan trọng phục vụ chiến trường, đó là đường Hồ Chí Minh với 2 nhánh Đông, Tây; quốc lộ 1A và đường biển. Ngày 7/2/1965 với chiến dịch “Mũi lao lửa”, đế quốc Mỹ chính thức đánh phá miền Bắc nước ta. Và thị xã Đồng Hới, Quảng Bình là nơi đầu tiên hứng chịu chiến dịch “Mũi lao lửa” của địch. Với hàng trăm máy bay phản lực, địch đánh phá ròng rã thị xã Đồng Hới suốt 13 ngày đêm.

Từ một thị xã được mệnh danh “thị xã Hoa Hồng”, Đồng Hới gần như bị san phẳng. Không chịu khuất phục bom đạn của kẻ thù, chỉ trong một ngày, quân dân Quảng Bình đã bắn rơi 11 máy bay địch. Và Quảng Bình trở thành địa phương đầu tiên ở miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Trong bom rơi, đạn nổ của cuộc chiến, người dân Quảng Bình xác định “chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc, bất luận cuộc chiến tranh đó quyết liệt đến mức nào”.

Một binh trạm cất giữ quân lương của bộ đội để chuẩn bị đưa vào Nam trong những năm đánh Mỹ ở Quảng Bình.(Ảnh tư liệu).

Mỗi làng quê ở Quảng Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ được gọi là đất lửa. Có lẽ không nơi đâu trên trái đất này, người dân lại phải gánh chịu lượng bom, đạn gấp hàng chục lần trọng lượng cơ thể mình. Tinh thần dân tộc của người dân đã biến thành sức mạnh kỳ lạ. Đi dọc chiều dài lịch sử hào hùng của mảnh đất Quảng Bình, tôi hiểu thế nào về tự do, hạnh phúc và đấu tranh của những người dân Việt chân đất.

Chỉ tính riêng năm 1966, nhiều thôn, xóm ở Quảng Bình đã bị địch đánh trên 100 lần như; Quang Phú, Nhân Trạch, Ly Hoà, Võ Ninh, Quy Hậu, Liên Thuỷ, Ngư Thuỷ... 125 làng mạc bị máy bay địch oanh tạc xem như xoá sổ, hơn 12.000 căn nhà của người dân Quảng Bình bốc cháy trong một đêm.

Song, lòng yêu nước và quyết tâm xây dựng đất nước của nhân dân ta mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí tối tân nào. Năm 1967, Quảng Bình buộc phải chiến đấu với chiến tranh phá hoại tàn khốc của đế quốc Mỹ. Bom đạn giặc trút xuống mặt đường chiếm 58% tổng số bom đạn trút xuống mặt đất.

Nhiều kilomet đường ở Quảng Bình phải gánh chịu 2.000 tấn bom đạn. Địch dùng thuỷ lôi, bom từ trường, bom nổ chậm đánh liên tục ngày đêm cả đường sông, đường bộ, bến phà, bến đò nơi người dân Quảng Bình tập trung giấu quân lương để đưa vào chiến trường miền Nam. Ngày 13/6/1966, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc bắn rơi máy bay thứ 200 của địch tại địa phương.

Sau đó 1 ngày, Bác Hồ đã gửi thư khen “Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình. Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ. Bác vui mừng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã nêu cao gương tốt cho các tỉnh bạn thi đua làm theo...”.

Trong vòng 4 năm chống chiến tranh phá hoại (1965-1968) của giặc, Quảng Bình đã bắn rơi 500 máy bay địch, bắn chìm và bắn cháy 42 tàu chiến Mỹ các loại. Cũng chỉ trong 4 năm, quân dân Quảng Bình vinh dự được Bác Hồ 7 lần gửi thư khen ngợi.

Ngày 6/8/1968, trong thư gửi đồng bào, cán bộ Quảng Bình, Bác Hồ viết “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình. Bác vui lòng báo tin là Quốc hội vừa quyết định tặng thưởng Quảng Bình một Huân chương Độc lập hạng nhì nữa. Nhân dịp này Bác nhắc nhủ đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình luôn luôn cảnh giác, ra sức thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.

Trong những năm kháng chiến thần thánh của dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Nằm bên cạnh vĩ tuyến 17 chia cách 2 miền, Quảng Bình là nơi tập kết quân lương, cũng là nơi tất cả bộ đội, thanh niên xung phong hầu hết đều đi qua để vào Nam chiến đấu. Nơi đây địch bắn phá suốt ngày đêm, và cũng chính nơi đây, hàng vạn người dân đã hiến nhà để lấp hố bom làm đường cho xe vô tiền tuyến. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được tô đậm trên vùng đất lửa này. Chính vì vậy, đã 40 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vẫn tìm đến mảnh đất này để thắp một nén nhang cho người nằm dưới mộ, nở một nụ cười với đồng đội, nhân dân bên những kỷ niệm xưa.
Dương Sông Lam
.
.
.