Kon Tum: Thầy giáo người Bahnar đỡ đẻ và nuôi trẻ mồ côi

Thứ Năm, 30/09/2010, 08:34
Đó là thầy giáo A Trũi, người dân tộc Bahnar, dạy tiểu học ở xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum). Khi mới 20 tuổi, A Trũi đã bắt đầu cái nghiệp dạy chữ cho con cháu đồng bào trên mảnh đất cực bắc Tây Nguyên; anh luôn xung phong "cắm bản" ở những vùng sâu, vùng núi cao hẻo lánh.

Mãi cho tới năm 1987, anh được Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy phân công về xã Đăk Pne, rồi được chính quyền địa phương cấp đất, xây nhà ở ổn định. Và tại miền rừng heo hút, xa xôi này, ngoài việc dạy chữ cho con trẻ, A Trũi còn làm "bà đỡ" cho những ca sinh khó, nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi...

Thầy giáo A Trũi nhớ lại cái ngày mới đặt chân tới Đăk Pne, trong làng có ca đẻ khó phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện cấp cứu; nhưng vì đường xa nên chưa kịp tới bệnh viện thì 2 mẹ con nọ đã chết. Hồi đó, A Trũi cứ băn khoăn là tại sao mình không biết cách đỡ đẻ để giúp đồng bào tránh được những ca tử vong đáng tiếc.

Càng nghĩ, càng day dứt và A Trũi thấy mình như người có lỗi. Vài tháng sau, trong bản lại có 1 ca đẻ khó, đã 3 ngày rồi mà đẻ không được, gia đình mời thầy cúng về làm phép, song người mẹ cứ lăn lộn mãi. Lần này, dân làng và gia đình không chịu cáng người mẹ đang trong lúc chờ "vượt cạn" đến Trung tâm Y tế huyện, vì sợ lặp lại nỗi đau như trước.

Song, kéo dài sự chờ đợi thì nguy hiểm đến tính mạng cho 2 mẹ con sản phụ càng đến gần. A Trũi nhớ lại hồi nhỏ đã nhiều lần chứng kiến "bà mụ" trong làng đỡ đẻ; rồi những tài liệu anh đọc trên sách, báo khi đi học cao đẳng, những bài học thực tế từ các hộ sinh ở Trung tâm Y tế huyện... Thế là, A Trũi đỡ đẻ và thành công.

Cũng từ đó, A Trũi nổi tiếng khắp vùng; hễ có nhà nào có người sinh khó là tìm đến anh để nhờ giúp đỡ. Những lúc đang đứng lớp dạy học sinh, có người tìm tới báo tin có ca đẻ khó, anh tranh thủ giờ ra chơi, hoặc nhờ đồng nghiệp dạy giúp, rồi vượt suối, băng rừng, leo núi tìm đến tận nhà sản phụ. Đến nay, thầy giáo A Trũi "mát tay" đã đỡ đẻ được trên 40 ca sinh khó.

Hầu như các ca do thầy đỡ đẻ, trẻ con sinh ra đều khoẻ mạnh. Có không ít ca đẻ ngược, song A Trũi đều đỡ thành công. Tuy không có bằng cấp gì nhưng với kiến thức đã học được A Trũi đã giúp được hàng chục gia đình hạnh phúc. Hỏi về chuyện đỡ đẻ, thầy giáo A Trũi cười vui vẻ: "Chừ làng Đăk Pne đã được Nhà nước xây dựng trạm xá, việc đỡ đẻ đã có hộ sinh rồi...".

Thầy giáo A Trũi kể tiếp rằng, ngày xưa, làng chưa có trạm xá, nhà này cách nhà nọ rất xa, trong làng lại có hủ tục, sản phụ sinh con chẳng may bị chết thì phải chôn sống đứa bé sơ sinh theo mẹ. Dân làng bảo, có nuôi đứa trẻ đó thì mẹ đứa bé thế nào cũng về bắt nó mang đi theo...

A Trũi khuyên mọi người bỏ hủ tục, nhưng mọi người không nghe. Năm 1993, trong làng có bà Y Năm sinh con và bị chết, A Trũi đến gặp già làng thuyết phục không chôn sống đứa bé mà để mình đem về nuôi. Cũng may, thời gian đó, vợ anh cũng sinh con nên việc nuôi đứa bé con bà Y Năm rất thuận lợi. A Trũi đặt tên cho nó là A Lý.

Sau đó, bà Y Phel sinh đôi và cũng qua đời ngay sau khi sinh. A Trũi nhận hai đứa bé về nuôi, đặt tên là A Quang và A Vinh. Và cứ như vậy, lần lượt những đứa trẻ A Lý, A Quang, A Vinh, A Trung, A Thu, Y Lý... đều được A Trũi nhận về nuôi dưỡng.

A Trũi tâm sự: "Ban đầu, do gia đình mình còn quá khó khăn và thiếu thốn, hai vợ chồng phải đi làm để kiếm cái ăn nên nuôi vài tháng cho đứa bé cứng cáp là mình lại lên huyện gõ cửa các tổ chức xã hội để chuyển cho họ tiếp tục nhận nuôi đứa bé. Sau này, làm ăn khấm khá, mình giữ các cháu lại làm con trong nhà". Bà Y Blin, vợ thầy giáo A Trũi, cười đôn hậu: "Nhà mình nghèo thì nghèo nhưng thấy ông ấy nhận con về nuôi vẫn thích; mình thấy vui khi có thêm con".

Ông Y Thêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne nói rằng, thầy giáo A Trũi đỡ đẻ giúp đỡ bà con trong vùng cho mẹ tròn con vuông và nhận con mồ côi về nuôi, không những xuất phát từ tấm lòng nhân ái, mà còn góp phần đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ có A Trũi mà phong tục chôn trẻ sơ sinh cũng được xóa bỏ...

Thầy giáo Nguyễn Tiên Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Pne nhận xét: Việc làm của thầy giáo A Trũi được nhà trường đánh giá cao và nhiều năm liền thầy đã được Phòng Giáo dục huyện tặng giấy khen. Tấm lòng nhân ái của thầy giáo A Trũi luôn làm tấm gương sáng cho tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường noi theo

N.H.Khôi
.
.
.